Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Nga sẽ đưa nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới vào hoạt động trong năm 2016

Nha_may_dien_hat_nhan_noi_Nga_1

Nga hiện đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới và dự kiến nó sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016. Nhà máy này được đặt trên con tàu phá băng Akademik Lomonosov sản xuất bởi Baltic Plant, hãng đóng thuyền lớn nhất của Nga, suốt từ năm 2007 đến nay. Đây cũng sẽ là chiếc tàu dẫn đầu cho một loạt các nhà máy điện hạt nhân nổi mà Nga muốn đưa vào sản xuất trong thời gian tới. Akademik Lomonosov sẽ có nhiệm vụ cấp điện cho các tập đoàn công nghiệp lớn, các thành phố cảng cũng như những dàn khoan ngoài khơi.

Được biết nhà máy hạt nhân đặt trên tàu có cấu tạo và cách hoạt động giống như những nhà máy bình thường khác, chỉ khác là nó nằm trên một con tàu có thể hoạt động hơn 50 năm ở môi trường cực kì khắc nghiệt của vùng cực bắc. Tàu có thể chống chọi được với bão, sóng thần, thậm chí vẫn sẽ hoạt động được khi va chạm với tàu khác. Nhà máy này cũng không thải ra các chất độc hại trong quá trình hoạt động. Tổng trọng tải của tàu là 21.500 tấn với thủy thủ đoàn gồm 69 người. Tàu không có động cơ đẩy, do đó nó sẽ phải được lai dắt đến địa điểm mong muốn.

Nhà sản xuất cho biết thêm rằng nhà máy sẽ được trang bị hai lò phản ứng KLT-40 đã được chỉnh sửa để cung cấp 70 MW điện hoặc 300 MW nhiệt, đủ cung cấp cho một thành phố 200.000 người. Nó cũng có thể được "độ" lại để sản xuất 240.000 mét khối nước mỗi ngày và cung cấp đến những khu vực khan hiếm nước ngọt. Nga nhấn mạnh rằng việc làm giàu nhiên liệu hạt nhân trên tàu hoàn toàn tuân thủ theo các quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Sau khoảng 40 năm hoạt động, lò phản ứng của tàu sẽ được thay mới, còn lò cũ thì sẽ được tận dụng ở các cơ sở đặc biệt.

Ngoài việc sản xuất để dùng ở cực bắc của Nga để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế cho các vùng hẻo lánh nơi đây, các nhà máy hạt nhân nổi như thế này cũng có thể được xuất khẩu. 15 nước, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ăng-giê-ri, Namibia, Argentina đã bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ này.