Đánh giá Asus Memo Pad FHD 10: chiếc máy tính bảng 10" giá 10tr
Cùng với người anh em Memo Pad HD 7 thì vừa qua Asus đã bắt đầu chính thức bán ra Memo Pad FHD 10, chiếc máy tính bảng có màn hình 10” độ phân giải FullHD 1920 x 1200. Ấn tượng đầu tiên về Memo Pad 10 đó chính là thiết kế mỏng với chất lượng phần cứng khá tốt. Máy được trang bị đầy đủ các kết nối cũng như tính năng cần thiết cho người dùng như hỗ trợ thẻ nhớ microSD, kết nối 3G, cổng suất hình ảnh microHDMI. Với mức giá 9.900.000 cho hàng chính hãng Asus Việt Nam, đây là một lựa chọn khá tốt cho những người thích máy tính bảng màn hình lớn, đặc biệt vào chất lượng phần cứng không tệ của Asus.
Thiết kế
Asus Memo Pad FHD 10 có một thiết kế truyền thống của máy tính bảng từ trước đến nay với viền màn hình khá lớn. Không hiểu vì sao Asus lại thiết kế viền màn hình lớn như vậy, dù rằng nói là để cầm cho dễ thì cũng không cần lên đến kích thước đó, bù lại thì máy có thiết kế khá mỏng và trọng lượng vừa đủ chứ không quá nặng. Điểm mình thích ở chiếc máy này đó là nó còn được tặng kèm một đế nhựa để sử dụng, với máy có màn hình lớn thì việc để trên đế là rất cần thiết, tuy chất lượng nhựa bình thường nhưng cũng đủ để dùng.
Mặt trước không có điểm nhấn gì đặc biệt ngoài logo Asus ở góc trên và camera trước đặt lệch chứ không căn chính giữa cạnh máy. Toàn bộ mặt trước được phủ tấm kính lớn, ra tận khung viền, trước khi gặp vỏ nhôm thì còn có một viền nhựa mỏng màu đen. Phải nói chất lượng phần cứng của Asus Memo Pad FHD 10 là rất tốt, các chi tiết ghép không dư thừa mà khít với nhau.
Ở các cạnh thì chúng ta có nhiều chi tiết hơn, mình sẽ bắt đầu từ cạnh trái: đây là nơi tập trung các cổng kết nối với cổng microUSB, tiếp đó là microHDMI, khe sim 3G và cuối cùng là khe cắm thẻ nhớ microSD. Ngoài trừ khe sim thì các cổng khác đều để trần, không có nắp che, thiết kế này làm cho các chi tiết bị cắt hơi nhiều, rất may là mọi chi tiết đều được đặt ở mặt cong phía sau nên cũng hơi khó để nhìn thấy. Ở cạnh trên thì có nút tắt mở máy và cạnh phải là cụm phím tăng giảm âm lượng, đây là kiểu bố trí truyền thống thường thấy trên các máy của Asus.
Toàn bộ nắp sau của Memo Pad FHD 10 được làm bằng kim loại, cầm rất chắc chắn và cứng cáp, chất liệu này cũng làm tăng giá trị cho máy. Ở đăng sau này ngoài camera và logo ASUS lớn thì còn có 2 loa ở hai bên cạnh máy. Loa ngoài cho chất lượng vừa phải, âm lượng đủ dùng trong phòng kín, nếu ra không gian lớn thì hơi đuối.
Màn hình
Màn hình IPS 10” với độ phân giải FullHD 1920 x 1200 của máy cho chất lượng hiển thị khá, độ sáng tốt tuy nhiên màu sắc có vẻ nhạt. Tuy là độ phân giải khá cao nhưng màn hình lớn nên cũng làm cho nó có cảm giác hình ảnh cũng như font chữ không được mịn lắm. Khi lần đầu tiên nhìn màn hình này thì mình không nghĩ nó là fullhd, phải đi kiểm dùng CPU-Z để kiểm tra lại, nói chung ở mức chấp nhận được. Như đã nói ở trên, Memo Pad 10 sẽ thích hợp với những người thích màn hình lớn, nếu bạn có nhu cầu coi film nhiều hay cần 1 màn hình lớn để xem tài liệu thì đây là lựa chọn hợp lý. Nó đặc biệt hữu ích với những ai cần coi tài liệu pdf nhiều.
Mặc định thì Asus thiết lập màn hình Memo Pad 10 hơi ám vàng, bạn có thể chỉnh lại theo ý thích bằng cách vào phần mềm Splendid và kéo thanh Color temperature lại. Ngoài ra nếu muốn thì có thể vào phần Enhancenment để tùy chỉnh nhiều hơn. Thực tế thì Asus nên chỉnh trước hoặc tạo ra các mẫu sẵn để người dùng chọn, chứ để chỉnh như vầy thì không nhiều người biết làm.
Hiệu năng - Pin
SoC Quancomm Snapdragon S4 Pro cùng với ram 2GB thì khó mà có thể tệ được và chiếc máy này đúng như vậy, không có gì chê ở khâu xử lý của máy cả. Tất cả hoạt động mượt mà và trơn tru, không có độ trễ. Máy đang chạy Android 4.2.2, nếu được nâng cấp lên Android 4.3 thì hiệu năng còn tốt hơn nữa. Chỉ hơi tiếc vì Asus lại sử dụng giao diện điện thoại trên chiếc máy tính bảng này, với màn hình lớn 10” thì giao diện máy tính bảng sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Asus trang bị cho Memo Pad 10 pin dung lượng 6760mAh với thời gian hoạt động khá tốt. Mình chưa có đủ thời gian để tiến hành test pin cụ thể nhưng thử nghiệm với bài kiểm tra đơn giản là xem 1 bộ phim mHD trong vòng 2 tiếng với phần mềm MX player thì tốn hết 35% pin. Đến thời điểm hiện tại thì thời gian onscreen của máy đã được 5 tiếng nhưng pin vẫn còn 22%. Trong suốt quá trình dùng như xem phim, lướt web, chơi game thì máy cũng không nóng lắm, chỉ hơi ấm ấm ở những tác vụ nặng.
Bạn cũng có thể tối ưu pin tốt hơn nữa với phần mềm Power Saver được trang bị sẵn. Các lựa chọn có sẵn như Ultra-saving mode, Optimized mode sẽ giảm tài nguyên xuống giúp bạn có thời lượng pin tốt hơn. Nếu không thích dùng có sẵn thì bạn chọn vào Customized mode và tùy chỉnh hệ thống theo ý thích.
Các phần mềm cài sẵn
Ở trên mình đã có nói đến hai công cụ được Asus trang bị sẵn cho người dùng là Splendid và Power Saver, ngoài ra thì còn nhiều những phần mềm hữu ích khác nữa:
- App Backup: sao lưu và phục hồi các ứng dụng cũng như dữ liệu của các ứng dụng đó, bao gồm cả các save game. Bạn có thể dùng chức năng này trước mỗi lần format máy để không làm mất các dữ liệu chơi game của mình.
- App Locker: khóa ứng dụng bằng mật khẩu, có thể dùng để quản lý con cái, không cho chúng chơi game hoặc mở các ứng dụng nhạy cảm.
- ASUS Artist: Phần mềm chỉnh sửa ảnh, lồng khung, thêm hiệu ứng…
- ASUS Splendid: cân chỉnh lại màu sắc màn hình. Đây là một tiện ích rất hay, nếu bạn cảm thấy màn hình của máy quá xanh hay quá vàng thì bạn có thể vào đây để cân chỉnh lại màu sắc cho vừa ý, bạn cũng có thể cho màu sắc trở nên sặc sỡ hơn hoặc cho toàn bộ màn hình trở thành trắng đen.
- ASUS Story: phần mềm tạo album ảnh rất đẹp.
- Audio Wizard: tiện ích này cho phép bạn chuyển đổi nhanh giữa các chế độ âm thanh như nghe nhạc, xem phim, chơi game… Mỗi chế độ có một mức âm lượng khác nhau và hỗ trợ tốt nhất cho từng công việc cụ thể.
- Power Saver: ứng dụng giúp tiết kiệm pin cho chiếc HD7 với hai chế độ tiết kiệm bình thường và tiết kiệm nhất, bên cạnh đó là một chế độ mở, cho phép bạn tùy chỉnh độ sáng màn hình cụ thể cho từng công việc nhất định. Ví dụ như khi lướt web thì để độ sáng 90%, xem phim thì 100%, chơi game thì 60%…
- Media Frame: Với màn hình 10” vùng dock tặng kèm thì tại sao không biến Memo Pad 10 thành khung ảnh kỹ thuật số? Đây là công cụ giúp bạn làm được chuyện này, ngoài hình ảnh thì cũng có thể chạy tự động cả video trên màn hình.
Ngoài những phần mềm kể trên thì mình còn rất thích Instant Dictionary, đây là từ điển nhúng có thể chạy trong nhiều phần mềm khác nhau. Khi bạn lướt web hay đọc sách tiếng anh mà không hiểu từ nào thì có thể kéo thanh statusbar xuống chọn vào từ điển để tra cứu ngay lập tức.
Kết luận
Nếu bạn cần một chiếc máy tính bảng màn hình lớn thì Asus Memo Pad FHD 10 là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Máy có cấu hình đủ mạnh và chất lượng phần cứng tốt. Những tiện ích mà Asus trang bị sẵn cũng rất đầy đủ để người dùng có thể sử dụng máy thoải mái.
Cấu hình chi tiết của Memo Pad FHD 10 tham khảo tại đây: Asus Memo Pad FHD10.