Bút in 3D cho phép "tô" tế bào lên phần xương bị tổn thương, tăng tốc
độ hồi phục
Một “cây bút sinh học” cho phép các bác sĩ phẫu thuật “tô” từng lớp tế bào lên phần xương và sụn bị tổn thương sắp sửa được đưa vào thử nghiệm ở các cơ quan y tế sau khi các nhà phát minh đã giao cho những nhà khoa học ở bệnh viện St. Vincent, ở Melbourne, Australia, để hoàn thiện nó hơn.
Được phát triển tại trường đại học Wollongong, Australia, cây bút này có chứa “mực” là hỗn hợp giữa tế bào và một chất liệu sinh học dạng như tảo biển. Hỗ hợp này được chứa trong cây bút dưới dạng gel, và nó có thể “tô” thành từng lớp trên các phần xương hay sụn bị thương tổn. Mỗi lớp “mực” sau khi tô xong sẽ được điều trị tiếp bằng tia cực tím.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ dùng cây bút này để tô lên phần tổn thương. Các tế bào sau đó sẽ phát triển thành dây thần kinh, cơ hay xương, giúp hồi phục những khu vực bị thương tổn. Công nghệ này có thể được sử dụng để điều trị các chấn thương nghiêm trọng do bị tai nạn hoặc bị khiếm khuyết.
Cây bút này là một sản phẩm thuộc dự án mới đây cũng được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở trường đại học Wollongong, khi họ đã phát triển sụn đầu gối bằng cách sử dụng công nghệ in 3D tế bào gốc. Công nghệ in 3D tế bào không phải là mới, tuy nhiên với việc phát triển thành công một thiết bị nhỏ gọn chỉ bằng một cây bút và biến nó thành sản phẩm thực sự, chứ không còn là sản phẩm ý tưởng trong phòng thí nghiệm, rõ ràng là một bước tiến đáng mừng.