Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Viện Max Planck tìm ra phương pháp dự đoán nguy cơ tự tử của bệnh nhân trầm cảm

dna-microarray.

Dựa trên các kết quả từ một nghiên cứu kéo dài nhiều năm trên các bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm, các bác sĩ đã có thê dự đoán một trong những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm mà loại dược phẩm này gây ra đó là: ý tưởng muốn tự tử xuất phát từ quá trình điều trị - gọi tắt là TESI. Theo tính toán, có từ 4 đến 14% bệnh nhân gặp phải tình trạng TESI và họ thường thể hiện các triệu chứng muốn tự tử trong những tuần điều trị đầu tiên hoặc do điều chỉnh liều lượng thuốc. Cho đến hiện tại, các bác sĩ vẫn chưa có được các chỉ số để dự đoán về khả năng bùng phát triệu chứng TESI của bệnh nhân nhưng một thử nghiệm dựa trên nghiên cứu của Viện tâm thần học Max Planck tại Munich, Đức có thể mở ra một hướng đi mới.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu di truyền rộng trên 397 bệnh nhân tuổi từ 18 đến 75, đang được điều trị trầm cảm nhưng không gặp phải triệu chứng TESI trong thời gian bắt đầu điều trị. Loại hình nghiên cứu này phân tích một loạt các biến thể di truyền phổ biến để tìm ra sự khác biệt giữa các nhóm bệnh nhân. Mục tiêu nghiên cứu là để phát hiện những ai có nguy cơ mắc TESI.

Trong quá trình nghiên cứu, 8,1% bệnh nhân cho thấy chiều hướng phát triển hội chứng TESI và 59% trong số đó bắt đầu có biểu hiện muốn tự tử chỉ trong 2 tuần điều trị đầu tiên. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bảng câu hỏi Hamilton để đánh giá tình trạng TESI của bệnh nhân.

Để đi đến một danh sách các yếu tố dự đoán đủ tin cậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu kiểu gen của cả nhóm bệnh nhân và so sánh các bệnh nhân mắc TESI với những bệnh nhân bình thường. Bằng cách này, họ tìm ra một tập hợp con của 79 biến thể di truyền tương ứng với nhóm có nguy cơ cao. 79 kiểu gen sau đó được phân tích trong một mẫu độc lập lớn gồm các bệnh nhân mắc trầm cảm và họ đã có thể phân loại hơn 90% bệnh nhân một cách chính xác.

Các nhà nghiên cứu cũng làm sáng tỏ về độ tuổi của những người bị ảnh hưởng bởi TESI. Giả thuyết được đặt ra trước đây là những bệnh nhân dưới 25 tuổi có nguy cơ cao hơn và cục quản lý thực phẩm dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát đi cảnh báo về nhóm tuổi tiềm năng này. Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Max Planck lại cho thấy tất cả các độ tuổi đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi TESI.

Một số chuyên gia cho biết cảnh báo của FDA đã làm giảm hoạt động điều trị bằng thuốc và bây giờ tình thế lại đảo ngược, các bác sĩ có thể tận dụng một công cụ đánh giá mới dựa vào nghiên cứu trên. Gần như ngay lập tức, hoạt động kiểm tra với sự hỗ trợ của chip DNA microarray do công ty Sundance Diagnostics phát triển đã được tiến hành nhằm giải phóng thị trường dược phẩm trước ý kiến của FDA.

Theo giám đốc điều hành Kim Bechthold của Sundance: "DNA Microarray là một công cụ hỗ trợ, thường dạng màng hoặc kính mỏng. Trên đó các chuỗi DNA được cố định trong một sắp xếp có trật tự. Loại chip này được dùng để kiểm tra nhanh sự hiện diện của nhiều loại gene cùng lúc. Chúng tôi hy vọng phương pháp kiểm tra mới sẽ hỗ trợ các bác sĩ giảm thiểu hiệu quả nguy cơ mắc TESI của các bệnh nhân đang phải dùng thuốc chống trầm cảm. Đồng thời, bệnh nhân và gia đình họ sẽ được cung cấp các thông tin giá trị để kết hợp với bác sĩ đánh giá nguy cơ và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc."