Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

CyanogenMod nhận khoản đầu tư 23 triệu USD để phát triển mạnh và rộng hơn nữa

[IMG]

Công ty CyanogenMod (CM) hôm nay thông báo rằng họ vừa nhận được khoản tiền đầu tư 23 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz. Số tiền nói trên sẽ dùng cho việc thuê người và phát triển hệ thống phân phối của CM trên toàn thế giới. Đây là đợt gây quỹ thứ 2 do CM thực hiện sau khi họ nhận được 7 triệu USD trong đợt đầu tiên, vốn đã kết thúc vào tháng 4 năm nay. Kirt McMaster, CEO của CM, nói rằng "kỉ nguyên di động chỉ mới bắt đầu. Apple, Google và Samsung vẫn chưa thắng cuộc. Mặc dù nhìn có vẻ như họ đã chiến thắng đấy nhưng thực ra đây chỉ mới là những buổi đầu mà thôi".

CM hiện đang có 11 triệu người dùng tích cực, tăng mạnh so với con số 8 triệu người vào tháng 9 năm nay. Và đây chỉ mới là số liệu được thu thập từ những người đồng ý chia sẻ dữ liệu với CM, con số thật thì còn lớn hơn nữa. Quỹ Andreessen Horowitz nhận định rằng đây là một mức tăng trưởng tốt mặc cho CM gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển hệ điều hành của mình: hãng không được cài sẵn các ứng dụng Google Apps, kể cả Play Store, vì vấn đề bản quyền; bộ cài đặt đơn giản cho phép flash ROM CM từ máy tính thì bị Google yêu cầu gỡ bỏ trên Play Store, còn nếu cài thủ công thì phải mất đến 23 bước.

Vậy sự tăng trưởng của CM đến từ đâu? Ban đầu, các bản ROM của CM chỉ được những người dùng thích vọc flash lên điện thoại của mình để trải nghiệm phiên bản Android gốc thay vì phải sử dụng phiên bản đã được nhà sản xuất tùy biến. Dần dần về sau, CM thêm vào nhiều tính năng mới cho ROM của mình như ứng dụng camera mới, trình nhắn tin bảo mật, theme tùy biến... CM cũng nhận được sự quan tâm nhiều từ những người đang xài thiết bị cũ vốn đã bị hãng sản xuất dừng cập nhật phiên bản Android mới.

Tiến thêm một bước, CM bắt đầu được các hãng điện thoại Trung Quốc chú ý đến. ROM MIUI của Xiaomi được xây dựng dựa trên CM, điện thoại Oppo N1 thì có một phiên bản được cài sẵn CM. Những thị trường mới nổi cũng là những nơi đầy tiềm năng để CM xuất hiện, nơi mà người dùng hoặc thợ ngoài tiệm có thể nhanh chóng flash smartphone cũ với bản ROM mới và bán lại thiết bị của mình.

Việc mà CM cần làm bây giờ đó là biến sản phẩm của mình thành một thứ gì đó hấp dẫn đối với phân khúc phổ thông chứ không chỉ là người dùng cao cấp. CEO McMaster nói rằng "chúng tôi đã tìm ra một cách để vượt chướng ngại vật và tiến vào thị trường đại chúng. Và để điều đó diễn ra, chúng tôi phải làm những thứ thật sự khác biệt". Trong năm sau, CM dự tính sẽ ra mắt một thương hiệu điện tử tiêu dùng mới dễ đọc hơn là "cyanogen". Công ty cũng đang làm việc với một thứ mà McMaster gọi là "trải nghiệm mang tính biểu tượng" - tức những tính năng mà không một hệ điều hành nào khác có thể mang lại cho người dùng ngoại trừ CM. Hơi tiếc là công ty không tiết lộ đó là gì.

Về chuyện khó cài đặt của Cyanogen, vị CEO này cũng thừa nhận vấn đề nhưng đồng thời xem nó như một cơ hội để người dùng tùy biến điện thoại của mình. Tất nhiên là CM cũng sẽ phải suy nghĩ về việc flash ROM tùy biến vào điện thoại có thể khiến thiết bị của người dùng bị mất bảo hành, một thứ mà hầu hết người dùng phổ thông không hề muốn.

McMaster tiết lộ thêm rằng hiện nhóm của ông đang có 20 người và trong 9 tháng tới sẽ thuê thêm từ 40 đến 40 người nữa - "đủ để làm ra những thứ các tác dụng thật sự". Ông cũng tự tin rằng bộ cài đặt đơn giản của mình sẽ quay trở lại Google Play bởi CM đã liên hệ với Google để thảo luận về vấn đề này.