Như các bạn đã xem thông tin về nhà báo tự do Contreras không được trọng dụng bởi hãng thông tấn AP nữa vì lạm dụng chỉnh sửa ảnh báo chí; rõ ràng rằng với mỗi một thể loại nhiếp ảnh thì việc được làm gì, nên làm gì liên quan tới thao tác hậu kỳ ảnh (và cả clip) là rất đáng lưu tâm.
Nhiếp ảnh báo chí, thương mại ... đương nhiên sẽ phải tuân thủ những quy luật được đặt ra liên quan tới sự chân thực cũng như yêu cầu của người thuê mướn. Tuy nhiên Nhiếp ảnh Nghệ thuật - sản phẩm cuối cùng là sự thể hiện cá nhân của tác giả, mà không nhất thiết phải mô tả trung thực nhất cảnh ngoài đời, nó có thể rất giống, hơi giống hoặc .. chẳng giống bất cứ bối cảnh thực tế nào. Có gì nghiêm trọng? miễn là tác giả cảm thấy tâm đắc và có một lượng người xem nhất định thích thú quan tâm.
Vì lý do đó, mỗi tay máy sẽ có một quan điểm, một ngưỡng chỉnh sửa nào đó mà họ cảm thấy hài lòng. Có thể đi từ việc "hoàn toàn dựa vào tự nhiên" - sử dụng ngày file JPEG từ máy ảnh cho tới "quậy SHOP tới bến" như trường phái Digital art. Thường thì chúng ta nằm ở đâu đó giữa giữa chứ ít ai chọn ngay ở hai đầu cực đoan này. Ranh giới đôi khi cũng khá mong manh và gây tranh cãi, nhất là với chụp đời thường, chân dung ... nhưng rốt cuộc thì mỗi người cũng nên tìm cho mình một vị thế hậu kỳ nào đó.
Riêng đối với tôi, tôi:
- Cho phép chỉnh sửa tùy thích ở mức độ tổng thể (global adjustment) trên mọi pixel - như đổi chuyển màu, tăng giảm sáng tối, độ sắc nét, làm tối góc ...
- Cho phép loại bỏ những chi tiết nhỏ gây phân tâm như bụi sensor, rác, sỏi đá lệch tông màu, dây điện ....
- Không cho phép thêm chi tiết từ ngoài vào (đám mây, trồng thêm người, cây cối ....)
- Không nắn cho nhỏ lại hoặc làm nở to các bộ phận trên cơ thể với hình chân dung (trừ khi được yêu cầu)
Khó có thể "nghệ thuật" nổi với 3 sợi dây điện cao thế giăng ngang
Còn bạn thì sao? chúng ta cùng thảo luận cho xôm tụ