Hiển thị các bài đăng có nhãn bằng sáng chế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bằng sáng chế. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Apple được cấp bản quyền viền thiết bị có khả năng cảm ứng, có thể dùng để nhập liệu

Apple_vien_man_hinh_cam_ung
Hình mô phỏng cho bản quyền của Apple. Số 62 là màn hình chính, số 73 là cảm biến nhúng, số 68 là phần màn hình phụ bị che bởi viền, số 66 là phần viền có khả năng cảm ứng

Apple mới đây đã được cấp bằng sáng chế về việc tích hợp tính năng cảm ứng vào viền của các thiết bị có màn hình nhỏ. Bản quyền này mô tả một thiết bị di động có các viền bao phủ một phần màn hình cảm ứng và tất nhiên là các viền này cũng có khả năng nhận biết thao tác chạm của người dùng. Khi cảm biến nhúng trong thiết bị phát hiện ra một ngón tay đến gần hoặc chạm vào máy, tín hiệu từ bộ điều khiển sẽ ra lệnh cho phần màn hình bị che phủ sáng lên, từ đó thay đổi bề ngoài của viền. Phần viền này có thể chỉ đơn giản đổi màu hoặc thực hiện các thao tác phức tạp hơn như chuyển từ dạng mờ đục sang trong suốt. Nói cách khác, khi chúng ta không dùng đến phần màn hình phụ, nó sẽ biến mất, còn khi cần thì nó sẽ hiện ra.

Bên cạnh đó, bản quyền còn đề cập đến việc hiển thị chữ hoặc các đối tượng đồ họa ở phần màn hình bị che phủ. Khi kết hợp với khả năng cảm ứng của viền, nó có thể tạo thành một phương thức nhập liệu mới. Điều thú vị là bằng sáng chế nói trên của Apple có nhắc đến một bản quyền nói về "viền thiết bị có khả năng tương tác" do Apple mua lại từ Kodak trong thương vụ mới đây.

Apple không đề cập đến ứng dụng của bản quyền này, tuy nhiên chúng ta có thể dự đoán nó sẽ được dùng trong các thiết bị có thể đeo được, như một chiếc smartwatch chẳng hạn. Với một màn hình có kích thước hiển thị hạn chế (để đeo vào tay), việc mở rộng không gian hiển thị và nhập liệu ra tận viền thiết bị là điều hợp lý. Mới đây Apple cũng đã đăng kí thương hiệu "iWatch" tại Nhật.


Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Apple không được phép thêm Galaxy S4 vào hồ sơ kiện tụng trong vụ án thứ hai với Samsung

[IMG]

Tòa án ở San Jose chịu trách nhiệm giải quyết vụ kiện thứ hai giữa AppleSamsung tại Mỹ mới đây đã từ chối yêu cầu của về Apple về việc bổ sung chiếc Galaxy S4 vào hồ sơ pháp lý. Thẩm phán Paul S. Grewal nói rằng động thái thêm sản phẩm mới sẽ vi phạm các chỉ dẫn trước đây của thẩm phán Lucy Koh liên quan tới việc hạn chế quy mô vụ án. "Mỗi lần các công ty này (Samsung và Apple) xuất hiện trong phòng xử án, họ tiêu tốn một lượng lớn thời gian và năng lượng của tòa", Grewal nói, và điều đó khiến tòa không có đủ thời gian để giải quyết các vụ án khác.

Những thiết bị của Samsung đang có mặt trong vụ án thứ hai này bao gồm Galaxy Note II, Galaxy S III, Galaxy Nexus, Galaxy Tab 2 10.1 cùng nhiều smartphone và tablet khác. Về phía Apple, những máy móc bị Samsung kiện bao gồm iPhone 5 và một số iPad, iPod Touch. Hồi giữa tháng 5, Apple nộp đơn bày tỏ mong muốn được bổ sung Galaxy S4, đồng thời cam kết hủy kiện một trong số 22 máy của Samsung đang có danh sách. Hãng nói rằng Galaxy S4 mang nhiều "nguy cơ tức thời" hơn những máy mà hãng từng đề cập đến. Danh sách 22 thiết bị nói trên đều bị Apple cáo buộc vi phạm các bản quyền về giao diện người dùng mà hãng đang nắm giữ.

Tuy nhiên, thẩm phán Grewal lại không đồng ý. Ông nói: "Thẩm phán Koh đã nói rõ với các bên rằng vụ kiện này phải được đơn giản hóa, và điều đó đòi hỏi phải giảm số lượng sản phẩm và các bằng sáng chế có liên quan - không phải tăng lên. Theo yêu cầu của Apple, số lượng sản phẩm có thể không thay đổi, thế nhưng các tranh chấp xoay quanh Galaxy S4 lớn hơn bất kì sản phẩm nào mà nó sẽ thay thế". Grewal nói thêm rằng bởi vì S4 chỉ mới ra mắt gần đây nên sẽ rất khó để thu thập thông tin về thị hiếu của người tiêu dùng, về doanh số cũng như các dữ liệu về marketing. Ngoài ra, trong bối cảnh Nhà Trắng đang tăng cường các biện pháp để giảm tình trạng kiện tụng "patent trolling", việc Apple thuyết phục thẩm phán mở rộng quy mô vụ án không phải là một bước đi tốt.

Trong hồ sơ trước đây, Apple có nói thêm rằng nếu chiếc Galaxy S4 không được thêm vào danh sách kiện tụng nói trên thì hãng buộc phải kiện S4 trong một vụ án khác nữa. Grewal nói rằng cả ông lẫn thẩm phán Koh đều không bị thuyết phục bởi điều này. "Apple cần phải bỏ bớt một số sản phẩm trong vụ án này để phiên xét xử có thể được diễn ra".

Xem thêm: danh sách các sản phẩm mà Apple kiện Samsung.


Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

4 điều khoản quan trọng trong bằng sáng chế hiệu ứng nảy lên khi cuộn của Apple được xác nhận

[IMG]

Văn phòng bản quyền Mỹ (USPTO) mới đây đã thông báo cho Apple rằng họ chuẩn bị phát hành một chứng chỉ xác nhận rằng 4 điều khoản trong bằng sáng chế hiệu ứng nảy lên khi cuộn (số '381) là có hiệu lực. Trong số những điều khoản quan trọng được xác thực có điều thứ 19, vốn được Apple sử dụng để kiện Samsung trong vụ kiện 1,49 tỉ USD hồi năm ngoái. Theo trang FOSS Patent, đây là chứng chỉ thứ hai có nhắc đến điều 19 của bằng sáng chế '381, còn chứng chỉ xác nhận đầu tiên đã được phát hành vào năm 2011 theo sau đề nghị tái kiểm tra của Nokia. Apple cũng đã thông báo cho thẩm phán Lucy Koh về quyết định của USPTO để bà chuẩn bị cho phiên tòa giữa Apple với Samsung dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay. Hai bên sẽ thảo luận về việc đền bù tại phiên tòa này.

Vụ việc bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái khi một yêu cầu nặc danh gửi lên USPTO để yêu cầu cơ quan này tái kiểm tra bản quyền '381 của Apple. Đến tháng 10/2012, USPTO tuyên bố vô hiệu hóa bằng sáng chế này để tiến hành điều tra thêm và tới tháng 4 năm nay, họ đã đưa ra phán quyết rằng hầu hết các điều khoản nằm trong '381 là không có hiệu lực. Thế nhưng bây giờ Apple đã kháng cáo thành công và lấy lại được 4 điều khoản quan trọng. Cũng mới ngày hôm qua, một tòa án ở Nhật đã tuyên Samsung vi phạm bản quyền này. Nhiều khả năng hãng sẽ tiếp tục "chiến đấu" để USPTO xác nhận thêm các điều khoản khác trong khuôn khổ bằng sáng chế hiệu ứng nảy lên khi cuộn.

Ngoài bản quyền '381, Apple còn một bằng sáng chế nữa mang số '915 liên quan đến tính năng "pinch-to-zoom" cũng đang nằm trong diện bị điều tra lại. Tạm thời bản quyền '915 đang bị loại bỏ.



Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

"Patent Troll" là gì và tại sao Tổng thống Mỹ Obama phải ra tay ngăn chặn?

patent-troll

"Patent Troll" (tạm dịch là cạnh tranh không lành mạnh về bằng sáng chế) là cụm từ để chỉ những người hay tổ chức nào đó dùng các bằng sáng chế do mình nắm giữ (có thể do mua lại chứ không phải do mình làm ra) để đem đi kiện các công ty khác vi phạm đến bằng sáng chế đó của mình, mục đích là để triệt hạ các đối thủ cạnh tranh hoặc đòi trả phí vi phạm bản quyền, hơn là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của bản thân công ty. Mới đây, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành một số luật lệ mới nhằm ngăn chặn hành vi "patent troll" đáng lên án này.

Lấy ví dụ về "patent troll", tờ New York Times kể ra vài trường hợp như có một công ty đe dọa sẽ kiện đến 8.000 cửa hàng cà phê, khách sạn và cửa hàng bán lẻ vì đã vi phạm bản quyền "cài đặt mạng Wi-Fi cho khách hàng sử dụng"; một trường hợp khác tuyên bố đang có hàng trăm doanh nghiệp nhỏ vi phạm bản quyền "thiết kế gắn máy scan tài liệu chung với hệ thống máy tính văn phòng" hay như có cả vụ đòi tiền hoa hồng từ tất cả những ai trên thế giới muốn phát podcast...

Còn rất nhiều rất nhiều các trường hợp khác mà chúng ta có lẽ sẽ rất quen ví dụ như Apple với Samsung, Google, Motorola hay HTC... Các hãng này không ít thì nhiều đều từng dính vào những vụ "patent troll" như thế với câu nói đáng sợ nhất là "hãng A bị cấm bán sản phẩm B ở thị trường XYZ nào đó". Nếu không có biện pháp giải quyết triệt để thì nó sẽ gây ra các tác hại khôn lường, người dùng như chúng ta sẽ không có các sản phẩm và dịch vụ tốt mà đáng lẽ ra chúng ta phải được hưởng, được mua một cách dễ dàng.

Do đó, mới đây đích thân Tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama đã ban hành 5 sắc luật mới chỉnh sửa lại các điều lệ có liên quan đến hệ thống quản lý các văn bằng sáng chế. Theo đó, ông Obama đã yêu cầu Văn phòng Sáng chế và Bản quyền Mỹ (USPTO) phải buộc các công ty nói cụ thể hơn chính xác thì các bằng sáng chế của họ bao hàm những nội dung gì, ai là người đang nắm giữ chúng cũng như nó đang bị (các công ty khác) vi phạm như thế nào. Mục đích của hành động này là để cho các bên biết thêm nhiều thông tin về vụ kiện mà họ đang dính vào. Ngoài ra, văn phòng này cũng phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng đối với những loại bằng có nội dung quá bao quát.

Người ta còn cho rằng một trong những thay đổi đáng lưu ý nhất của lần này đó là ông Obama muốn làm giảm bớt vai trò của Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) trong việc dàn xếp các vụ kiện có liên quan đến bằng sáng chế. Điển hình nhất là các công ty như Samsung, Apple hay Motorola... luôn muốn tìm đến cơ quan chức năng này để yêu cầu lệnh cấm bán đối với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, gần đây nhất là vụ ITC cấm Apple bán một loạt các sản phẩm iPhone và iPad tại chính sân nhà Mỹ. Obama không thích điều này diễn ra thường xuyên như vậy.


Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Microsoft có một bằng sáng chế liên quan đến việc trao "danh hiệu" và "phần thưởng" cho việc xem TV

Microsoft_ban_quyen_archivement_TV

Hồi năm 2011 Microsoft có nộp một bằng sáng chế liên quan đến việc cung cấp "danh hiệu" và "phần thưởng" (achievement) cho việc xem TV, trong đó có đề cập đến khả năng sử dụng Kinect để theo dõi hành vi xem TV của người dùng. Ở bản quyền này, Microsoft ghi rằng trải nghiệm xem TV từ trước đến nay chủ yếu mang tính thụ động, người xem không có nhiều cơ hội tương tác với chương trình đang chiếu. Hãng nói việc bổ sung thêm các danh hiệu và phần thưởng sẽ giúp tăng khả năng tham gia của người dùng với chương trình đang phát sóng, góp phần gia tăng lượt xem. Microsoft cũng có nói rằng điều này sẽ giúp mang lại nhiều giá trị cho các công ty quảng cáo. Mặc dù không biết khi nào thì hãng mới hiện thực hóa bản quyền này nhưng nó cũng là một ví dụ tốt cho thấy nỗ lực tiến sâu hơn vào phòng khách gia đình của Microsoft.

Cũng trong bản quyền trên, Microsoft cho biết "nhà sản xuất, nhà phân phối và các nhà quảng cáo của nội dung video có thể đặt ra các hạng mức xem và trao thưởng cho những ai đạt được mức đó". Phần thưởng có thể là bất kì thứ gì, từ những món quà kĩ thuật so, ví dụ như tích điểm cho một hoạt động nào đó, bổ sung các vật phẩm lạ cho avatar, cho đến các sản phẩm tặng hay coupon giảm giá ngoài đời thực.

Microsoft cũng có đưa ra một số ví dụ về việc trao danh hiệu cho người xem, ví dụ như trao cho những ai xem đủ tất cả tập của một phim bộ, trao cho những người xem đủ một số lượng quảng cáo nhất định, hoặc cho "một hành động được thực hiện bởi người xem". Hệ thống danh hiệu này tương tự như các mục achievement đã xuất hiện trong game từ trước đến nay.

Và để giám sát được các hành động như trên, hãng sẽ cần đến "một hoặc nhiều cảm biến chiều sau", ví dụ như Kinect chẳng hạn. Kinect lợi hại ở chỗ nó có thể được cấu hình để nhận biết độ sâu của chuyện động, thậm chí nhận được cả giọng nói khi Xbox không chạy. Ngoài ra, hệ thống danh hiệu còn có thể "được cấu hình để theo dõi hành vi xem của một hoặc nhiều người" để rồi "tổng hợp một hoặc nhiều báo cáo về hành vi của từng người xem". Với chiếc Kinect thế hệ mới bán kèm theo Xbox One, Microsoft hoàn toàn có khả năng tận dụng bộ thiết bị này để biến bản quyền của mình thành hiện thực.

Thực chất Microsoft cũng từng sử dụng Kinect để giúp người xem tương tác với quảng cáo, chẳng hạn như trong dự án NUads ra mắt một năm trước. NUads được thiết kế để cho phép người xem chia sẻ mẫu quảng cáo lên mạng xã hội hoặc sử dụng cảm biến để tương tác với một số khía cảnh của nó. Về vấn đề quyền riêng tư, hãng nói NUads sở hữu "các điều lệ chặt chẽ để cấm việc thu thập, lưu trữ hay sử dụng dữ liệu từ Kinect với mục đích quảng cáo".


Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Nokia kiện HTC vi phạm thêm 9 bản quyền ở Mỹ, tìm kiếm lệnh cấm nhập khẩu One vào nước này

HTC_One_Tinhte_Nokia_kien_tung_ban_quyen

Nokia mới đây đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Thương mại Quốc Tế Mỹ (ITC) để kiện HTC vi phạm một số bản quyền do hãng nắm giữ. Hãng cũng muốn tìm kiếm lệnh cấm nhập khẩu một số thiết bị của HTC vào thị trường Mỹ, trong đó có chiếc One. Đây là hồ sơ thứ hai mà Nokia gửi lên ITC nhằm vào hãng sản xuất Đài Loan này và nó có tất cả 6 bản quyền. Trong số này, có 3 bằng sáng chế liên quan đến việc truyền nhận tín hiệu của mạng di động, 1 bản quyền nói về việc mã hóa, giải mã video (Nokia nhắm vào codec VP8 cũng như nhiều codec khác trên Android), 1 bản quyền về việc sử dụng nhiều cấu hình trên một thiết bị (Nokia cáo buộc HTC đã sử dụng trái phép sáng chế này để quản lí permission cho từng ứng dụng). Bản quyền cuối cùng nói về cách bố trí linh kiện bên trong máy theo một cách đẹp mắt nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng cao.

Theo trang FOSS Patent, một số bản quyền có liên quan đến chip của Broadcom và Qualcomm, một bản quyền đầu tiên cũng có liên quan đến Google. Về phần Nokia, hãng nói rằng "mặc dù tòa án Đức từng xác nhận thiết bị HTC đã vi phạm một số bằng sáng chế do chúng tôi nắm giữ nhưng HTC vẫn chưa cho thấy ý định chấm dứt tình trạng này. Thay vào đó, hãng chuyển trách nhiệm cho các nhà cung cấp. Do đó, chúng tôi quyết định bước thêm một bước nữa để khiến HTC chịu trách nhiệm về những việc làm của mình".

Ngoài ITC, Nokia mới đây cũng nộp đơn kiện HTC lên toàn án Quận Nam California ở thành phố San Diego. 3 bản quyền mà HTC khiếu kiện tại đây cũng có liên quan đến việc tương tác với sóng tín hiệu. Nokia nói HTC đã sử dụng trái phép ba bằng sáng chế này trong 10 sản phẩm, trong đó có HTC One và First. Như vậy, tổng số bản quyền mà Nokia đang mang đi kiện HTC từ trước đến nay trên khắp thế giới đã đạt đến con số 50.

Phản hồi lại hai vụ việc này, HTC nói rằng "ngay khi nhận được tài liệu chính thức, HTC sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn pháp lý để bản vệ quyền của công ty". Mới đây HTC và Nokia cũng đã đối đầu nhau trong vấn đề liên quan đến micro HDR do hãng STMicroelectrics cung cấp, tuy nhiên HTC nhanh chóng nói rằng hãng sẽ nghiên cứu biện pháp thay thế. Hồi năm ngoái, lúc One X mới ra mắt và chuẩn bị tiến vào thị trường Mỹ, HTC cũng bị Apple kiện lên ITC và suýt nữa thì chiếc điện thoại này đã bị cấm nhập khẩu vào nước này.


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Sony được cấp bản quyền máy ảnh không gương lật dùng ngàm A-Mount, sẽ ra mắt vào năm sau?

Sony_Alpha_E-Mount_A-Mount_mirrorless

Sony mới đây đã được Văn phòng bản quyền Mỹ cấp bằng sáng chế liên quan đến máy ảnh không gương lật nhưng lại sử dụng ngàm A-Mount. Mẫu máy ảnh mà Sony mô tả trong bản quyền của mình không có gương lật như các DSLR, không có viewfinder quang học và cũng chẳng có gương mờ (translucent mirror) như những chiếc SLT hiện nay. Nói cách khác, nó sử dụng cùng nguyên lý hoạt động với các thiết bị NEX, chỉ khác ngàm ống kính là A-Mount chứ không phải E-Mount. Việc loại bỏ gương mờ giúp ánh sáng đi vào cảm biến một cách đầy đủ nhất chứ không bị mất đi 1/3 như những mẫu SLT hiện nay. Ngoài ra, số lượng ống kính A-Mount từ Sony nhiều hơn E-Mount, lại thêm kho lens cũ vô cùng phong phú do Minolta sản xuất nên khi Sony hiện thực hóa bản quyền này, người dùng sẽ không phải lo lắng về việc thiếu lens.

Sony ghi thêm trong bản quyền của mình rằng cảm biến dùng trong chiếc "A-mount mirrorless" sở hữu hệ thống tự động lấy nét theo pha ngay trên cảm biến. Không thấy Sony đề cập đến tính năng lấy nét theo độ tương phản vốn đang được dùng trên các máy NEX. Theo nguồn tin của SonyAlphaRumors, Sony sẽ công bố một chiếc "camera lai giữa hệ thống A-Mount và E-Mount" tại triển lãm Photokina diễn ra từ ngày 16 đến 21 tháng 9 năm 2014. Có lẽ chiếc "camera lai" này chính là sản phẩm được Sony đề cập trong bản quyền nói trên.

Vậy tại sao Sony lại ra mắt các máy A-Mount trong khi đã có sẵn hệ thống camera không gương lật E-Mount NEX? Có thể hãng đang muốn nhắm đến đối tượng người dùng muốn sở hữu máy mirrorless nhưng vẫn yêu thích thân hình to lớn, chắc chắn của DSLR/SLT, trong NEX thì dành cho những ai thích nhỏ gọn. Ngoài ra, các máy A-mount còn sở hữu khả năng ổn định hình ảnh bằng cách dịch chuyển cảm biến mà dòng NEX không có được. Còn một lý do nữa đã nói đến ở trên, đó chính là số lượng ống kính A-Mount phong phú hơn khá nhiều so với E-Mount.


Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Samsung được cấp bản quyền thiết kế tablet với màn hình dẻo, có thể gập được

Ban_quyen_Samsung_man_hinh_deo
Bằng sáng chế số D682,263 của Samsung

Văn phòng bản quyền Mỹ (USPTO) mới đây đã cấp cho Samsung hai bản quyền liên quan đến thiết kế máy tính bảng. Bản quyền đầu tiên mang số D682,263 (nộp vào tháng 7 năm ngoái) và nó mô tả một mẫu máy tính bảng sử dụng màn hình có khả năng bẻ cong. Nhìn vào ảnh trên thì bạn có thể thấy được là thiết bị này có thấp gấp lại theo đường chấm chấm. Samsung có cẩn thận ghi chú thêm rằng đường này chỉ dùng để nói về khu vực có thể gập lại chứ không nhất thiết tỉ lệ và hình dáng phải đúng y như những gì hãng vẽ. Samsung không đề cập chi tiết gì thêm, tuy nhiên chúng ta có thể dự đoán rằng phần gập lại này có thể được sử dụng để vừa hiển thị bàn phím ảo, vừa đóng vai trò chân đế giúp dựng tablet lên. Phần còn lại của màn hình có lẽ vẫn dùng với chức năng hiển thị như bình thường.

Bản quyền thứ hai mà Samsung được cấp trong dịp này có mã số D682,264 (được nộp hồi tháng 6 năm ngoái). Bằng sáng chế '264 thấy một chiếc tablet tích hợp vỏ bảo vệ cũng như tay cầm (ảnh bên dưới). Ngoài ảnh ra thì chúng ta không có nhiều thông tin giải thích chi tiết nói về máy.

Tất nhiên, vì đây chỉ là hai bằng sáng chế nên không có gì đảm bảo Samsung sẽ sớm ra mắt hai kiểu dáng tablet lạ nói trên. Mới đây một số tin tức cũng nói rằng hãng chưa đưa sản xuất đủ số lượng màn hình dẻo vì gặp vấn đề kĩ thuật. Samsung Display từng tiết lộ "việc nghiên cứu chất nền cũng như công nghệ đóng gói đang có những bước tiến triển. Chúng tôi đã xây dựng nên một công nghệ mới có thể rút ngắn thời gian đóng gói xuống ít hơn 2 phút so với công nghệ của cũ". Việc ứng dụng quy trình mới có thể khiến các sản phẩm AMOLED dẻo của Samsung không kịp ra mắt vào cuối năm nay như dự kiến.

Cũng nói về máy tính bảng màn hình dẻo, mới đây Sony đã ra mắt một chiếc máy đọc sách/ghi chú mang tên Digital Paper với màn hình E-ink Mobius 13,3" dẻo. Dự kiến sản phẩm sẽ được thương mại hóa vào cuối năm nay.

Ban_quyen_Samsung_tablet_tay_cam
Bằng sáng chế D682,264


Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Apple được cấp ba bằng sáng chế về kết nối Lightning

ban_quyen_ket_noi_Lightning

Cơ quan bản quyền Mỹ mới đây đã cấp cho Apple ba bằng sáng chế liên quan đến kết nối Lightning của hãng. Các bằng sáng chế này được Apple dùng để mô tả phần cứng của Lightning, công nghệ "adaptive" cũng như việc tích hợp Lightning lên những thiết bị điện tử hoặc phụ kiện. Công nghệ adaptive nói trên sẽ cho phép Lightning nhận biết thiết bị nào đang được kết nối, dựa vào đó con chip nhúng trong đầu cáp sẽ gán chức năng tương ứng cho từng chân tiếp xúc. Hãng có đưa ra ví dụ là khi một phụ kiện loa được gắn vào iPhone 5 hay iPad mini, "ít nhất một chân kết nối có thể được cấu hình để mang dữ liệu âm thanh". Nó giúp mang lại tính linh hoạt cao cho các hãng làm phụ kiện và cũng để phục vụ cho khả năng cắm hai Lightning theo bất kì mặt nào cũng được.

Trong các bản quyền của mình, Apple cũng có ghi chú nhiều cách tích hợp Lightning, trong đó nhắc đến adapter Lightning Digital DV, đầu đọc thẻ nhớ SD với chân Lightning,... Hãng cũng đề cập tới nhiều bố cục chân tiếp xúc cho Lightning mặc dù chỉ một trong số đó được chọn để mang lên các sản phẩm thương mại do hãng làm ra. Được biết ba bản quyền này được nộp vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, trước đó Apple cũng từng đăng kí một bằng sáng chế về Lightning chỉ 5 ngày sau khi iPhone 5 ra đời.

Bo_cuc_Lightning
Nhiều cách bố cục chân cắm của Lightning

hai_mat_Lightning
Lightning có chân cắm ở cả hai mặt của phần đầu kết nối để phục vụ tính năng "dual orientation", tức gắn cáp vào máy theo phương nào cũng được



Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Ủy ban Châu Âu cảnh cáo Motorola vì lạm dụng bản quyền cơ bản để kiện Apple

[IMG]

Ủy ban Châu Âu (EC) mới đây đã cáo buộc Motorola Mobility lạm dụng các bằng sáng chế cơ bản liên quan đến kết nối GPRS để kiện Apple ở Đức. Trước đây Motorola cam kết sẽ cấp phép sử dụng những bản quyền này theo công ước FRAND (công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử), Apple cũng đã tự nguyện kí vào bản thỏa thuận với chi phí do tòa án Đức quyết định. Tuy nhiên, Motorola vẫn muốn tìm kiếm lệnh cấm bán đối với các sản phẩm Apple tại đây và Ủy ban Châu Âu tin rằng động thái này đã làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng. Cũng cần phải nói thêm rằng cáo buộc trên chỉ mới là kết quả điều tra sơ bộ nên Motorola vẫn có quyền nộp đơn kháng cáo.

Trong thông cáo báo chí liên quan đến vụ án, Phó chủ tịch Joaquín Almunia của EC phát biểu như sau: "Tôi nghĩ rằng các công ty nên dành cho thời gian cho việc cách tân và cạnh tranh bằng những điểm tốt mà sản phẩm của họ mang lại - không phải bằng cách sử dụng trái phép quyền sở hữu trí tuệ để trì hoãn đối thủ đến mức ảnh hưởng đến sự cách tân và lựa chọn của người dùng".

Đây là lần thứ hai Apple được Ủy ban Châu Âu ủng hộ trong những vụ án pháp lý liên quan đến bằng sáng chế cơ bản và công ước FRAND. Trước đó, vào tháng 1/2012, Ủy ban đã điều tra Samsung vì nghi ngờ hãng này từ chối cấp quyền sử dụng các bản quyền 3G cơ bản cho Apple. Samsung sau đó rút lại yêu cầu cấm bán thiết bị Apple ở Đức, Anh, Pháp, Ý và Hà Lan để không bị EC điều tra sâu hơn.