[Nhiếp ảnh CB] Thử nghiệm hiệu quả chống rung của G2, HTC One,
Lumia1020 và iPhone 5s
Một bức ảnh, ngoài trừ "chủ ý" đặc biệt riêng của người chụp, thì độ sắc nét là tiêu chí đầu tiên cho một bức ảnh được chụp. Thường thường, một bức ảnh không đạt độ sắc nét đủ, mờ nhoè là bị tác động bởi các yếu tố: đối tượng mà một mặt phẳng lì một màu rất khó lấy nét, thiết bị chụp hư hỏng không còn khả năng lấy nét, người chụp lấy nét vào một vị trí khác ngoài vị trí đối tượng cần chụp, ánh sáng quá yếu, sự rung lắc của tay cầm máy khi tốc độ màn trập ở mức thấp ngoài khả năng khống chế của tay cầm máy. Chính vì thế, tính năng chống rung / giảm rung của ống kính hay thấu kính trong ống kính hoặc hệ thống camera là cần thiết. Đặc biệt, với các thiết bị di động linh hoạt thì tính năng chống rung lại càng cần hơn. Có một số điện thoại trên thị trường có tính năng chống rung, quang học như LG G2, HTC One, Lumia 1020 và chống rung điện tử như iP5s. Chúng ta sẽ gọi chung là chống rung trong bài này và thử xem xét hiệu quả chống rung của chúng như thế nào!
Video
Trước hết, cần thống nhất với nhau các điểm:
- Tính năng chống rung trên thiết bị chỉ và chỉ có thể nhận ra và có hiệu quả khi thiết bị rung lắc trong khi màn trập hoạt động, chứ không hiệu quả khi thiết bị chụp cố định mà đối tượng chụp rung lắc, như cành cỏ cây lau rung rinh trước gió ban mai.
- Khả năng chống rung trên thiết bị điện thoại di động không hoàn toàn triệt tiêu sự rung lắc, mà chỉ giảm thiểu ở mức độ nào đó tuỳ mức độ nhà sản xuất ra nó, nên mỗi thiết bị có khả năng giảm thiểu sự rung lắc, để ổn định hình ảnh ở mức độ khác nhau.
- Sự rung lắc xảy ra trong thực tế khi chúng ta cầm tay chụp ở hoàn cảnh ánh sáng không đủ, tốc độ màn trập giảm thấp, và tuỳ theo độ giữ vững bằng đôi tay của mỗi người khác nhau, mà tốc độ chậm nhất tạo rung lắc của mỗi người khác nhau. Chẳng hạn với mình, tốc độ màn trập thấp nhất mà mình có thể khống chế được là 1/30s.
- Các trường hợp tạo sự rung lắc: Tốc độ màn trập xuống quá thấp so với khả năng khống chế của ngượì chụp; chụp ảnh trên các phương tiện giao thông tạo sự rung lắc như xe lửa xe hơi tàu điện hoặc đứng trên thành cầu có nhiều xe qua lại.
- Và, xin lưu ý chúng ta chỉ xem xét hiệu quả của tính năng chống rung của các thiết bị có tính năng này, không có ý xem xét các yếu tố so sánh khác như màu sắc, độ nhiễu, độ sắc nét, chất lượng hình ảnh... Mong các bạn lưu ý.
Cách thực hiện:
- Chúng tôi tạo sự rung lắc giả lập bằng cách đặt máy ảnh lên chân máy trên chiếc xe máy và nổ máy tạo sự rung lắc ở các cấp độ rung khác nhau và gần như giống nhau cho mỗi thiết bị.
- Khung cảnh chụp cho các điện thoại là giống nhau hoàn toàn.
- Hoàn cảnh ánh sáng không có sự khác biệt đối với cả bốn máy ảnh.
- Sự rung lắc được tạo ra ở các cấp độ là gần như nhau.
- Đo sáng và điểm lấy nét chung là con gấu giữa ảnh.
- Chụp 5 tấm: 1 tấm ở ánh sáng bình thường không có rung lắc, 3 tấm tiếp theo ở 3 cấp độ rung lắc, và tấm thứ 5 là có sự rung lắc và tăng cường ánh sáng cho đối tượng chụp để xem máy ảnh tăng tốc độ màn trập thì bức ảnh giảm sự mờ nhoè thế nào. Chúng tôi không chụp nhiều ảnh ở hoàn cảnh khác như ngoài đường hay thể loại khác để tránh sự khác biệt hoàn cảnh chụp giữa các thiết bị với nhau.
- Tương tự chụp, chúng tôi quay video từng máy cho từng cấp độ rung trong thời gian khoảng 10s.
- Tất cả đều thực hiện trong chế độ Full Auto và chỉ lấy nét vào cùng đối tượng chụp.
Các bạn xem video trên để có nhận định khách quan chi tiết và các bức ảnh của từng máy được thực hiện. Ảnh không resize và can thiệp bất cứ soft nào nên load hơi nặng, riêng ảnh của 1020 up ảnh 5Mpx vì ảnh Highres không thể up lên đây. Mong thông cảm.
Ảnh của LG G2
1. Không có sự rung lắc ở ánh sáng bình thường. Độ sắc nét là tốt.
F/2.4 - ISO400 - 1/14s
2. Sự rung lắc cấp 1 - Ảnh bắt đầu xuất hiện độ mờ
F/2.4 - ISO400 - 1/14s
3. Rung lắc cấp 2 - Độ mờ nhoè tăng lên
F/2.4 - ISO400 - 1/14s
4. Rung lắc cấp 2 - Tăng ánh sáng đối tượng chụp - Độ mờ nhoè suy giảm, độ sắc nét tăng lên, chúng tỏ G2 tăng tốc độ màn trập thích ứng và giảm ISO rất nhanh.
F/2.4 - ISO100 - 1/25s
5. Rung lắc cấp 3 - Tăng ánh sáng đối tượng chụp - Độ mờ nhoè tăng mạnh và ảnh có thể không dùng được. G2 vẫn giữ nguyên thông số
F/2.4- ISO100 - 1/25s
Ảnh của iPhone 5s
1. Ánh sáng bình thường - Không có sự rung lắc - Có độ sắc nét.
F/2.2 - ISO250 - 1/33s
2. Rung lắc cấp 1 - độ mờ nhoè xuất hiện ở mức chưa đáng kể.
F/2.2 - ISO250 - 1/33s
3. Rung lắc cấp 2 - độ mờ nhoè xuất hiện vẫn ở mức trên nhưng ảnh có vẻ mịn hơn.
F/2.2 - ISO200 - 1/33s
4. Sự rung lắc cấp 3 - độ mờ nhoè tăng lên ở vùng ven xung quanh điểm nét. Nhưng độ mịn lại xuất hiện.
F/2.2 - ISO160 - 1/33s
5. Sự rung lắc cấp 3 - tăng ánh sáng cho đối tượng chụp - ảnh có sự ổn định độ nét phần nào và sáng hơn.
F/2.2 - ISO800 - 1/50s
Ảnh của HTC One
1. Không có sự rung lắc - Ánh sáng bình thường - Ảnh sắc nét
F/2.0 - ISO250 - 1/30s
2. Rung lắc cấp 1 - Ánh sáng bình thường - Có suy giảm độ nét nhưng chưa khác rõ.
F/2.0 - ISO250 - 1/30s
3. Rung lắc cấp 2 - Ánh sáng bình thường - Độ sắc nét suy giảm nhưng chưa khác rõ.
F/2.0 - ISO200 - 1/30s
4. Rung lắc cấp 3 - Ánh sáng bình thường - Độ sắc nét suy giảm ở mức còn chấp nhận
F/2.0 - ISO200 - 1/30s
5. Rung lắc cấp 2 - Tăng độ sáng cho chủ đề - Độ sắc nét trở lại gần như bình thường.
F/2.0 - ISO160 - 1/120s
Ảnh của Nokia Lumia 1020
1. Không có sự rung lắc - Ánh sáng bình thường - Ảnh sắc nét
F/2.2 - ISO500 - 1/24s
2. Sự rung lắc cấp 1 - Ánh sáng bình thường - Có sự mờ nhoè xuất hiện ở vùng viền ảnh
F/2.2 - ISO500 - 1/24s
3. Sự rung lắc cấp 2 - Ánh sáng bình thường - Có sự mờ nhoè rõ hơn vùng viền ảnh
F/2.2 - ISO500 - 1/24s
4. Sự rung lắc cấp 3 - Ánh sáng bình thường - Sự mờ nhoè rõ hơn
F/2.2 - ISO500 - 1/24s
5. Sự rung lắc cấp 3 - Tăng ánh sáng cho chủ đề chụp - Độ sắc nét rõ ràng
F/2.2 - ISO125 - 1/100
Nhận định:
Trước khi nhận định, có một điều chúng ta nhận thấy: nếu có rung lắc xuất hiện, thông thường chúng ta sẽ tăng tốc độ màn trập lên nhanh và dĩ nhiên ở mức độ phù hợp với khả năng hữu hiệu của ISO cao nhất có thể mà vẫn còn giữ được chi tiết ảnh và không nhiễu hạt. Điện thoại có khẩu độ ống kính cố định, chỉ còn cách tăng ISO ở mức nào đó để tăng tốc độ giảm thiểu ảnh hưởng rung lắc, mặc dù có tính năng chống rung. Điều này rất quan trọng trong xử lý tình huống! Một chiếc điện thoại, phụ thuộc khả năng xử lý của phần mềm trước hoàn cảnh cần phải thích ứng, là thể hiện độ nhạy của phần mềm liên quan đến camera. Nên, chúng ta xét từng chiếc điện thoại trên 2 điểm:
- Hiệu quả nhận thấy được của khả năng chống rung.
- Khả năng xử lý tình huống của phần mềm khi thay đổi sự rung lắc và ánh sáng.
LG G2: Ở 3 tấm đầu tiên, tại sao giữ ISO400 mà tốc độ cứ ở mức thấp nguy hiểm 1/14s. LG quyết tâm giữ độ mịn của ảnh như ta thấy, mờ nhoè chấp nhận nhưng vẫn mịn màng mượt mà. Đến khi tăng ánh sáng, Giảm ISO xuống mức thấp 100 và tốc độ chỉ tăng lên 1/25s nên ảnh vẫn nhoè. Trong khi đó các máy kia giữ tốc độ cao hơn, và cách riêng Lumia 1020 với tốc độ màn trập 1/24s nhưng độ nét khá tốt, chúng tỏ khả năng chống rung quang Lumia tốt hơn G2.
iPhone5s: Chống rung điện tử. Giữ ISO mức 250 và tốc độ màn trập 1/33s là tốc độ ở mức mấp mé nguy hiểm, nhưng ảnh iP5s ít độ mờ nhoè do sự rung lắc tạo ra, nhưng khi tăng ánh sáng thì tốc độ tăng vừa phải 1/50 nhưng đột nhiên ISO lên 8000 là một điều khó hiểu trong tình huống phần mềm xử lý này. Không lẽ để tăng tốc độ màn trập lên 1/50s thì ISO phải tăng rất cao như thế. Tuy nhiên, nhìn chung thì ảnh iP5 có sự ổn định cao, cho thấy khả năng chống rung khá tốt.
HTC One: Chọn ISO200 - 250 và giữ tốc độ màn trập là 1/30s và ảnh có độ sắc nét khá ân tượng. Khi tăng ánh sáng, One giảm ISO xuống 160 và tăng tốc độ màn trập lên cao 1/160s ổn định hình ảnh, sắc nét tốt. Đây là sự hợp lý và cho thấy khả năng chống rung quang của One khá tốt.
Lumia 1020: giữ tốc độ khá nguy hiểm 1/24s với ISO500 và ảnh có độ sắc nét khá tốt, nhưng khi tăng độ rung lắc cấp 3 thì Lumia 1020 vẫn không có phản ứng xử lý thay đổi thông số nào và để ảnh xuất hiện mờ nhoè vùng xung quanh trung tâm. Cho đến khi tăng ánh sáng đối tượng chụp, Lumia 1020 mới tăng tốc độ và giảm ISO và ảnh có độ sắc nét tốt. Như vậy, Lumia 1020 có khả năng chống rung quang học rất hiệu quả, nhưng khả năng xử lý tình huống không tốt hoặc không nhạy.
Bài viết có sự hỗ trợ của bạn @taitinhte.