Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Facebook và mục tiêu độc lập hoá các ứng dụng di động trong năm 2014

Screen Shot 2014-01-17 at 6.42.37 PM.

Cách đây vài hôm, chúng ta đã được nghe đồn về việc Facebook đang phát triển Paper - một ứng dụng đọc tin RSS, và có thể sẽ ra mắt vào cuối tháng này. Như vậy là dường như Facebook cũng đã bắt đầu để ý đến mảng này và họ sẽ bắt đầu tiến vào nó với Paper, thế nhưng có vẻ như câu chuyện đằng sau Paper không chỉ đơn giản đến như vậy. Ý đồ khai phá một lĩnh vực mới của Paper là rõ ràng, nhưng phía sau nó là một ý nghĩa khác, hay còn gọi là một kế hoạch khác, lớn hơn của Facebook trong năm 2014: đó là độc lập hoá những ứng dụng của hãng, hay nói cách khác, đó là "phân mảnh hoá" các app.

Với Android, việc phân mảnh là một điều cực kỳ tồi tệ, nhưng trong trường hợp của Facebook, đó không hẳn là cái gì đó tối kỵ, mà ngược lại có thể mang lại lợi ích cho chính mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Hãy nhìn vào ứng dụng Messenger của Facebook cho iOS và Android, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy app này rất nhanh và hoạt động ổn định, và nó được xem như là điều mà Facebook hướng đến - tầm nhìn chiến lược với mục tiêu "mobile first" mà Facebook đã hứa hẹn từ 1 năm trước.

Kế hoạch tung ra nhiều ứng dụng di động hoạt động độc lập của Facebook

Trong buổi báo cáo thường niên 2 tuần sau khi phát hành ứng dụng Messenger, CEO của Facebook, Mark Zuckerberg đã nói về cách mà công ty của mình đã ........ phía trước bằng cách xây dựng nhiều ứng dụng xoay quanh ứng dụng cốt lõi. "Chúng tôi cũng chia tách những ứng dụng được sử dụng nhiều bởi khách hàng, ví dụ như Instagram và Messenger, các ứng dụng độc lập của chúng tôi". "Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển nhiều hơn nữa những dịch vụ như thế này để giúp mọi người dễ dàng trong việc chia sẻ".

Độc lập hoá những ứng dụng của hãng, hay nói cách khác, đó là "phân mảnh hoá" các app.

Vào thời điểm này, lời nói của Zuckerberg không thu hút được quá nhiều sự chú ý từ giới truyền thông cũng như khách hàng, nhưng nếu nhìn sâu nhìn xa, có thể nhận thấy được câu nói của Zuckerberg cũng chính là chiến lược mà Facebook hướng đến trong năm 2014: cố gắng tung ra nhiều app di động độc lập hoạt động mượt mà, ổn định". "Khi Mark công bố một điều gì đó thì bạn có thể tưởng tượng rằng Facebook sẽ nhất quyết theo đuổi nó". Nếu như mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch, thì rõ ràng là Facebook đang muốn cố gắng "phân mảnh hoá" bộ ứng dụng của mình - một tương lai phân mảnh có là điều quá tốt?

Trong suốt nhiều năm qua, Facebook luôn chú trọng đến mảng hình ảnh, thời tiết, công nghệ phân loại (status, comment), coupon, trò chơi, các đường liên kết quảng cáo và nhiều thứ nữa. Tuy nhiên kể từ khi App Store được chính thức ra mắt vào năm 2008, mọi thứ đã thay đổi. Sự vô hạn của các ứng dụng trên iPhone đã khiến cho chúng ta luôn mong muốn những công cụ có thể truyền tải được giá trị của nó ngay lập tức và phải tồn tại dưới dạng của một ứng dụng độc lập.

Hàng tá tính năng của Facebook thì rất hay và ý nghĩa khi nó được sử dụng trên máy tính, tuy nhiên trên nền tảng di động, các chức năng trên Facebook không thực sự hoàn hảo. Người ta nói rằng những tính năng trên các ứng dụng của Facebook đã bị chôn vùi dưới tầng tầng lớp lớp các layer giao diện. Bây giờ thì Facebook đã lớn mạnh hơn, thế nhưng chính những đối thủ "đơn giản" hơn như Instagram đã khiến cho Facebook buộc phải "phân mảnh hoá" các tính năng cốt lõi - có thể hiểu ý ở đây là trước đây Facebook chỉ tập trung vào việc chia sẻ giữa các thành viên qua status, comment, link, nhưng Instagram và hay vài ứng dụng như Snapchat đã khiến cho Facebook phải suy nghĩ về việc mở rộng tính năng của mình ra nhằm cạnh tranh.

Thấy được tiềm năng của Instagram, Facebook không ngần ngại thâu tóm ứng dụng chia sẻ ảnh nổi tiếng này và đến bây giờ, mạng xã hội lớn nhất hành tinh coi Instagram như một app chuyên về mảng "ảnh" của Facebook, còn Messenger thì chuyên về mảng "tin nhắn". Vậy sau Messenger và Instagram, Facebook sẽ tiếp tục mở rộng đến mảng nào? Rất may mắn cho Facebook, với các kỹ sư giỏi nhất của mình cùng với việc số tiền mặt khổng lồ sẵn sàng mua lại bất kỳ công ty nhỏ khác, Facebook bắt đầu hướng đến một dịch vụ tương tự như Snapchat (do họ thất bại trong việc mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD) với Poke, rất tiếc là Poke thất bại và không đạt được kỳ vọng từ Facebook. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận thấy vẫn còn những cơ hội rất rõ ràng cho Facebook trong việc tiến đến khai phá nhiều mảng ứng dụng khác.

Sự thành công của Messenger...

[​IMG]

Có thể nói trong thời gian ngắn trở lại đây, ứng dụng Messenger dành cho iPhone và Android đã phát triển theo chiều hướng rất tích cực, giao diện đẹp hơn, hoạt động nhanh, ổn định hơn và đặc biệt một điều đó là nó không mang tên là "Messenger" - không hề nhắc đến từ Facebook trong đó. Bằng việc hướng sự chú ý của người dùng vào chức năng của Messenger thay vì thương hiệu Facebook - Facebook đã cố tình tập trung vào tính năng của Messenger thay vì tập trung vào bản thân Facebook. Không rõ có phải là do chiến lược này hay không mà Messenger đã nhanh chóng trở thành ứng dụng số 1 trên App Store trong dịp lễ vừa qua, và đánh bại Instagram, Snapchat, trở thành app nhắn tin được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ. Từ đây, nhiều người cho rằng nếu Facebook áp dụng mô hình của Messenger với các app sau này, họ có thể sẽ tiếp tục gặt hái được thành công.

...là đòn bẩy để Facebook tiến đến mảng "ứng dụng đọc tin tức RSS" và những mảng khác

Facebook được cho là đang muốn tiến đánh mảng ứng dụng tin RSS với Paper. CEO Zuckerberg gần đây đã nói rằng ông mong muốn một trang web hay một "trang báo được tuỳ chỉnh" để giúp người dùng có thể lật lên xem vào mỗi buổi sáng, bên cạnh đó họ cũng có thể xem trang News Feed cá nhân ngay từ Paper, và với những điều này Paper hứa hẹn sẽ tập trung vào phần tin tức hơn bất kỳ ứng dụng nào khác. Trên thực tế, có khá nhiều yếu tố giúp Paper trở thành một hướng đi đúng đắn của Facebook.

Thứ nhất, theo dữ liệu mới đây được Facebook tiết lộ, người dùng mạng xã hội vẫn thích đọc các tin quan trọng, nóng hổi hơn, thay vì các câu chuyện mang tính giải trí. Thứ hai, đó là rất nhiều người trong số 1 tỷ người sử dụng Facebook vẫn không có thói quen dùng các app đọc tin RSS hoặc Twitter, điều này có nghĩa là Facebook sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút người dùng khi tung ra ứng dụng Paper.

Thống kê lượt tải các ứng dụng trên App Store mới đây cho biết, người dùng dường như không có xu hướng tìm kiếm một ứng dụng bao gồm tất cả (tức là app tổng hợp nhiều tính năng của các app khác), thay vào đó họ sẽ tập trung vào những app cung cấp cho họ những giá trị cốt lõi ngay lập tức. Điều này có nghĩa là nếu Facebook cung cấp một ứng dụng có chất lượng và tính năng vượt trội hơn các RSS app hiện nay như Pulse, Flipboard, Circa, hay Yahoo News Digest, thì nhiều khả năng sẽ có rất nhiều người ủng hộ.

Facebook có nhiều điều kiện thuận lợi để mang đến thành công cho Paper

Đó là Paper, về mảng lịch (calendar) thì sao. Chắc hẳn các bạn dùng Facebook cũng hiểu được tính năng Facebook Events nó lợi hại đến dường nào - giúp chúng ta có thể nhớ được ngày sinh nhật của bạn bè, người thân - tuy nhiên khá đáng tiếc là Facebook có vẻ như chưa có kế hoạch phát triển riêng 1 app lịch cho iOS hay Android. Nếu bắt tay vào thiết kế 1 app lịch như vậy, khả năng thành công của Facebook là rất cao, người dùng sẽ có một ứng dụng lịch được tích hợp các sự kiện trên Facebook như Sunrise, Fantastical cho iOS, nhưng vẫn có được trải nghiệm như khi dùng app Facebook chính thức.

Mảng tiềm năng thứ ba mà Facebook có thể cân nhắc đến chính là khả năng tìm kiếm trên di động. Cụ thể ở đây đó chính là Facebook nên tận dụng nút "Likes" cũng như các lượt share, comment của người dùng để gợi ý câu trả lời thích hợp nhất. Ví dụ như bạn có thể hỏi một câu như "Cửa hàng Sushi nào được nhiều người thích nhất", từ đây Facebook sẽ xem thử cửa hàng Sushi nào được nhiều bạn đánh giá tốt, nhiều bạn Like hay Share thì sẽ gợi ý ra câu trả lời.

Kết

Trước Messenger, Facebook thực tế đã thử nghiệm kế hoạch "phân mảnh hoá" bộ ứng dụng của mình với hai app là Poke và Facebook Camera. Cả hai đều thất bại nặng nề, tuy nhiên một số nguồn tin tiết lộ rằng đó chỉ mới là những dự án thử nghiệm, chưa hoàn thiện của Facebook, họ tung ra để thăm dò thị trường. Nếu như các bạn không biết: trong khi Poke là câu trả lời của Facebook đối với Snapchat, thì Facebook Camera là ứng dụng được Facebook tạo ra để cạnh tranh trực tiếp với Instagram.

Kể từ sau hai thảm hoạ mang tên Poke và Facebook Camera, CEO Zuckerberg cùng các cộng sự đã bắt đầu hiểu ra nhiều điều, họ nỗ lực cải tiến, rút kinh nghiệm và cuối cùng cho ra ứng dụng Messenger đầy thành công. Với Messenger, như đã đề cập ở trên, Facebook muốn người dùng xem đây là một sản phẩm độc lập với app Facebook, không phải là một tính năng trực thuộc. Instagram cũng là một ví dụ tương tự, Facebook không muốn cái tên "Facebook" luôn hiện diện trên các ứng dụng của riêng hãng, bởi họ biết nếu có xuất hiện cái tên "Facebook" thì cũng không mang lại quá nhiều ảnh hưởng tích cực.

Với Messenger, Instagram và sắp tới có thể là Paper, ý định tung ra nhiều app di động hoạt động độc lập đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Facebook không muốn mọi người chỉ nhớ đến họ là một công ty với ứng dụng mạng xã hội, họ cần phải khiến cho khách hàng biết rằng đó là một tập đoàn với những app tiện ích hay và chất lượng.

Facebook nền web đã rất thành công khi lần đầu tiên xuất hiện, thế nhưng hãy nhìn vào quy luật khắc nghiệt của thị trường, một công ty dù có thành công đến chừng nào, nếu như nó không có một bước đột phá hay sáng tạo nào khác, mọi người dần dần sẽ không còn chú ý nhiều đến hãng đó. Facebook nhận ra điều này, họ đã gặt hái quá nhiều vinh quang với bản nền web, và bây giờ đã đến lúc Zuckerberg thực hiện lại những điều kỳ diệu đó với nền tảng di động.