Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Những ý tưởng về phần cứng và phần mềm webOS không bao giờ thành hiện thực

hp-web_640.

Không lâu sau khi tung ra chiếc Pre 3HP TouchPad, CEO của HP là Léo Apotheker đã bất ngờ tuyên bố khai tử dòng smartphone và tablet webOS, cùng với đó là việc đưa webOS trở thành nền tảng mở. Quyết định của Apotheker đã khiến cho nhiều người cảm thấy rất ngỡ ngàng và chóng vánh, đặc biệt là đội ngũ nhân viên Palm, bởi họ đã lên kế hoạch, phác thảo nên những thiết bị webOS kế tiếp Pre 3 cũng như TouchPad, và họ cũng đã chuẩn bị cho phiên bản webOS mới hơn.

Mặc dù những dự định đó giờ đây mãi mãi chỉ nằm trên trang giấy, thế nhưng chúng vẫn ẩn chứa những điều thú vị và chắc hẳn các bạn yêu webOS cũng sẽ rất tò mò, và may mắn thay trang The Verge mới đây đã có dịp tiếp xúc với một vài nhân viên của Palm để cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về các kế hoạch "không bao giờ thành hiện thực" đó.

*Sở dĩ chúng ta có bài này là vì sắp tới đây, gần như chắc chắn LG sẽ tung ra chiếc TV đầu tiên của hãng chạy webOS tại CES 2014, và sau hai năm vắng bóng, webOS đã được tái sinh nhưng lần này nó không còn hoạt động trên smartphone hay tablet nữa, mà là trên TV với một diện mạo mới, hiện đại hơn.

1. Embark - Sự kiện giới thiệu sản phẩm webOS cuối cùng của Palm cùng HP

Vào ngày 9/2/2011, đại diện của Palm, ông Jon Rubinstein bước lên sân khấu để giới thiệu chuỗi sản phẩm đầu tiên của công ty kể từ sau khi trở về tay của HP: HP Pre 3, HP Veer và HP TouchPad. So với những chiếc Pre trước, Pre 3 và Veer không thực sự tốt hơn quá nhiều (Pre 3 thì mạnh mẽ hơn, còn Veer là chiếc smartphone webOS bé nhất). Điểm ấn tượng chỉ đến từ chiếc tablet HP TouchPad, người ta ấn tượng với nó không phải vì thiết kế, mà là vì nền tảng webOS đầy hứa hẹn. Buổi lễ ra mắt khá thành công, nhưng không rõ là Rubinstein và các cộng sự của ông có biết rằng buổi lễ này - được gọi nội bộ với cái tên là "Embark" - cũng là điểm sáng cuối cùng của Palm.

Không lâu sau khi HP TouchPad ra đời, vào ngày 2/3/2011, Apple chính thức trình làng iPad 2, và kết quả thế nào chắc hẳn các bạn cũng đã rõ. Khi mới ra mắt, người ta đánh giá HP TouchPad có một nền tảng webOS đầy thông minh với nhiều tính năng nổi bật, cùng với đó là những phần mềm với thiết kế đẹp và độc đáo. Thế nhưng khi đặt cạnh iPad 2, TouchPad trông như một khối nhựa cồng kềnh với kiểu dáng thô kệch. Thậm chí TouchPad làm cho người ta liên tưởng đến chiếc iPad thế hệ đầu tiên.

Apple iPad 2 mạnh mẽ hơn, nhẹ hơn, gọn gàng hơn so với iPad 1 và ngay lập tức nó khiến cho HP TouchPad trở nên lép vế khi đem ra so sánh. Và một điều đáng thất vọng nữa đó là chỉ một tuần sau khi công bố, Apple đã bán iPad 2 ra nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, HP TouchPad mặc dù giới thiệu vào tháng 2 những phải đến tháng 7 nó mới xuất hiện trên thị trường.

2. Sapphire - Tên của chiếc HP TouchPad thế hệ tiếp theo

topaz-theverge-1_560.

Trong một tài liệu nội bộ vào cuối tháng 3/2011, HP thừa nhận rằng iPad 2 của Apple đã làm "thay đổi quỹ đạo cạnh tranh" và HP nhận thấy những dấu hiệu phản hồi mạnh mẽ đến từ Samsung khi công ty này tiến hành cải tiến dòng Galaxy Tab. Cũng trong khoảng thời gian này, HP nhận được rất nhiều lời phàn nàn đến từ đối tác chính là AT&T - họ than phiền về việc TouchPad quá nặng, dày và có một kiểu thiết kế "công nghiệp".

Nhận thấy những điều đó, đội ngũ HP bắt tay vào việc làm mới dòng TouchPad với một chiếc tablet webOS mạnh mẽ hơn có tên là "Sapphire" (được biết TouchPad có tên mã là Topaz, còn Sapphire có tên mã là Topaz2). Sự gấp rút của nhóm phát triển được đẩy cao đến mức họ đặt ra mục tiêu là phải tung ra "Sapphire" ngay cuối năm 2011 - một nhiệm vụ không tưởng bởi họ chỉ mới giới thiệu TouchPad vào tháng 2.

Cùng lúc này, HP tiếp tục bắt tay vào việc tạo ra một chiếc tablet webOS khác với độ phân giải màn hình cao hơn, dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm 2012. Dự định của HP đó là "Sapphire" sẽ giúp công ty có thể cạnh tranh trực tiếp với iPad 2, còn chiếc tablet năm 2012 sẽ là một tablet khác cao cấp hơn - và HP cho rằng họ sẽ bán nó ra vài tháng sau khi Apple công bố iPad với màn hình Retina.

Chưa hết, HP cũng quan tâm đến dòng tablet màn hình 7-inch, khi công ty cũng bắt tay vào phát triển "Opal" hay được biết đến với cái tên là TouchPad Go - tuy nhiên nó đã bị trì hoãn vô thời hạn.

3. Mako - chiếc smartphone webOS cao cấp với kiểu dáng độc đáo

webos-lost-1-theverge-10_1020.

Cũng như người anh em BlackBerry, HP cảm thấy rất "đau lòng" khi chứng kiến ngày càng nhiều người chuyển qua dùng các smartphone cảm ứng, thay vì có nút bấm vật lý và kiểu dáng trượt như dòng Palm Pre. Chính vì điều đó, HP đã phát triển một phiên bản tuỳ biến khác của Pre 3 với màn hình cảm ứng 100%, có tên gọi là WindsorNot (chắc hẳn các bạn cũng nhớ man mán cái tên này). Nhưng thật trớ trêu thay, đối tác phân phối chính của HP là AT&T lúc bấy giờ yêu cầu tất cả smartphone được bán ra phải hỗ trợ công nghệ mạng 4G LTE, và kết quả là WindsorNot không LTE đã bị loại bỏ.

Twain-Hardware-D2I_03162011-4.

HP chưa từ bỏ cuộc chơi, hãng tiếp tục đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển một chiếc smartphone đầy hứa hẹn khác, có tên gọi là "Mako". Điểm thú vị lớn nhất mà "Mako" mang lại chính là thiết kế của nó, nó không còn kiểu hình viên sỏi hay trượt lên trượt xuống như truyền thống của dòng Palm Pre nữa, "Mako" trông rất độc đáo và kỳ lạ nếu so với các smartphone Android hay iPhone vào năm 2011/2012. "Mako" dày hơn, lớn hơn, được phủ lớp kính ở mặt trước và sau, có hỗ trợ mạng không dây, có LTE, và có màn hình độ phân giải cao.

Về cấu hình, được biết "Mako" ngang bằng với chiếc HTC One X lúc bấy giờ, và HP dự kiến sẽ tung nó ra vào đầu năm 2012 nhằm đánh bại One X. Thế nhưng, chưa kịp xuất hiện để so sánh với One X thì "Mako" đã bị từ bỏ. Dẫu sao, "Mako" nhìn chung có vẻ như là thiết bị hiện đại và mang tính cạnh tranh cao nhất trong các smartphone của HP.

4. Twain - một chiếc tablet lai với bàn phím trượt

webos-lost-1-theverge-8_1020.

Bên cạnh "Sapphire" và "Opal" như đã đề cập ở trên, HP còn cho thấy họ là một hãng có tầm nhìn rất xa khi bắt tay vào phát triển một chiếc tablet lai có bàn phím trượt - có tên gọi là "Twain". Nhìn vào kiểu dáng của "Twain", chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến những chiếc Surface Windows 8 của Microsoft ngày nay, nhưng có ai ngờ rằng HP đã lên kế hoạch về kiểu thiết kế này trên tablet từ năm 2011.

Được biết HP đã tiến hành tạo nên "Twain" vào tháng 3 năm 2011, khi mà HP vẫn còn chưa biết về sự có mặt của iPad 2. Lúc bấy giờ, iOS và iPad 2 của Apple chưa được xem là một sự kết hợp hoàn hảo để cho năng suất công việc cao, và rồi HP quyết định lấy điểm yếu đó của Apple để đặt mục tiêu cho công ty trong việc thiết kế nên "Twain". Trong một buổi thuyết trình nói về các tính năng trên "Twain", ban quản trị của HP có hỏi một câu: "Có phải những chiếc notebook truyền thống đã là dĩ vãng?", và họ trả lời: "Nếu điều đó xảy ra, Twain chính là chiếc notebook của tương lai".

Về cơ bản thì "Twain" là một chiếc tablet cảm ứng với cơ trượt ở phía dưới, bạn chỉ cần trượt ra sau thì máy sẽ ở trạng thái đứng, còn phía dưới là dãy bàn phím - tương tự như Microsoft Surface. HP muốn đưa sạc từ, NFC, cổng HDMI, nhiều tính năng phần mềm được thiết kế riêng cho "Twain" nhằm đáp ứng khách hàng doanh nghiệp. HP cũng dự định tích hợp chức năng "Touch to Share" cho "Twain" - tính năng chia sẻ dữ liệu bằng cách chạm đã xuất hiện trên TouchPad trước đó.

5. EEL - Phiên bản nâng cấp lớn của webOS

webos-lost-1-theverge-2_1020.

Với rất nhiều thiết bị phần cứng tiềm năng như trên, HP cũng cần phải cải tiến nền tảng webOS để giúp nó theo kịp với thời đại và cũng để thu hút nhiều khách hàng hơn. webOS từ lâu được xem là có một quá trình phát triển không mấy thuận lợi, khi Palm cùng HP luôn tung các phiên bản webOS ra quá sớm khi chưa hoàn thiện kỹ càng, khiến nó thiếu đi sự hoàn hảo - một trong số đó là họ đã bỏ mặc các dự án rất quan trọng như hợp nhất hệ điều hành.

Thật không may mắn thay, đội ngũ Palm vẫn tiếp tục phát triển webOS theo lối cũ và họ sẵn sàng cho ra mắt phiên bản nâng cấp lớn tiếp theo, có tên gọi là EEL. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc phụ trách, ông Itai Vonshak, Palm tiến về phía trước với chiến lược dành cho EEL chính là tận dụng mục tiêu hướng đến doanh nghiệp của dòng tablet Twain. Điều này có nghĩa là bản webOS tiếp theo phải thực sự hữu ích hơn với các tác vụ truyền thống - và tuyệt đối không tự biến webOS trở thành một thứ gì đó tương tự như Windows.

Theo nguồn tin, mục tiêu chính là EEL đó là mở rộng và tập trung hơn nữa vào lối thiết kế theo dạng "thẻ" của webOS, nhưng ở kiểu dáng hiện đại hơn. Để rõ hơn, đội ngũ thiết kế webOS của Palm được giao nhiệm vụ phải phát triển hơn nữa UX của webOS (mà ở đây là phiên bản EEL) cũng như làm nó trở nên hữu dụng hơn. Cụ thể hơn, trên EEL, khi bạn nhấn vào một đường link trên trang web đang đọc, một tấm thẻ mới (là trình duyệt web) sẽ được mở lên, và cứ thế khi nhấn vào một liên kết, một tấm thẻ mới sẽ hiện ra ngay bên trong app. Bạn có thể toàn quyền quản lý từng thẻ chỉ với thao tác vút từ trái qua, có thể loại bỏ thẻ chỉ với việc vút lên.

Để rõ hơn nữa thì bạn có thể xem video trình diễn ở đây.



6. Ngôn ngữ thiết kế

webos-lost-1-theverge-11_1020.

Mặc dù phiên bản EEL ở trên đã giúp cho giao diện cốt lõi của webOS trở nên đa năng hơn, hữu dụng hơn, tuy nhiên đội ngũ Palm vẫn tiếp tục tiến hành một vài thứ xa hơn nữa. Theo đó, những năm trước khi Apple công bố iOS 7 và Android thực hiện cuộc cải cách lớn với Android, Vonshak và giám đốc thiết kế Liron Damir đã hoàn thành một ngôn ngữ thiết kế mới, có tên gọi là "Mochi".

Trên thực tế, Palm đã phát triển hai ngôn ngữ thiết kế khác biệt cho EEL: một là "Mochi" và một ngôn ngữ thì cho giao diện trông có phần thô kệch, mang kiểu dáng công nghiệp hơn, và nó khá phù hợp với thiết kế cũng "công nghiệp" không kém của Twain hay Mako. Tuy nhiên, khi mà Apotheker quyết định bỏ mặc mảng phần cứng webOS, đội ngũ thiết kế đã tập trung vào ngôn ngữ "Mochi" - ngôn ngữ thiết kế phù hợp hơn với đặc tính của Palm.

Trong khi ban quản trị của HP vẫn còn chưa biết làm gì với phiên bản webOS tiếp theo, đội ngũ Palm vẫn âm thầm tiến về phía trước với mục tiêu làm mới lại hoàn toàn webOS với giao diện phẳng hơn, đơn giản hơn. Cụ thể, nhân viên Palm tiết lộ rằng họ định thay đổi một số thứ trên webOS để chúng đẹp và thân thiện hơn, ví dụ như đổi màu nền thành màu trắng, pha trộn với một vài màu đậm khác. Tạo ra các hiệu ứng động cho những "panel" (panel dạng như các thẻ ứng dụng, bạn có thể xem hình trên để dễ hình dung). Ngoài ra, đội ngũ Palm cũng muốn loại bỏ nút "back", thay vào đó là tạo một đường cong nhỏ ở phía dưới mỗi panel - đường cong này nhằm gợi ý người dùng có thể chỉnh lại kích thước từng panel, hoặc di chuyển vị trí của chúng.

Nhìn chung thì Mochi không hẳn là phẳng hoàn toàn như "cái phẳng" trên Windows Phone hay iOS 7 chúng ta được thấy ngày hôm nay, bởi nó vẫn tồn tại những đường cong nổi. Tuy nhiên về một mặt nào đó, Mochi trông có vẻ trực quan hơn nhờ vào font chữ lớn cùng màu nền trắng giản đơn, rõ ràng với triết lý thiết kế này, EEL - bản tiếp theo của webOS - thực sự rất có tiềm năng và đầy hứa hẹn, rất tiếc là...

Kết

Qua những sản phẩm "không bao giờ thành hiện thực" trên của Palm và HP, chúng ta dễ dàng rút ra một điều rằng: cả hai đều có một tầm nhìn rất xa, một tầm nhìn theo thời đại, tuy nhiên vấn đề ở đây là chúng vẫn chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Việc HP quyết định từ bỏ mảng phần cứng webOS cũng như mảng phần mềm theo nhiều người là một quyết định sai lầm, tuy nhiên dựa vào thực tế, đó không hẳn là một ý định tồi.

Quay trở lại với thị trường smartphone cuối năm 2011, đầu năm 2012. Lúc này, mặc dù iOS và Android đã chễm chệ ở vị trí 1 và 2, nhưng vị trí 3 và 4 vẫn còn đó cho những ai biết nắm lấy cơ hội. Windows Phone lúc bấy giờ chưa là gì, BlackBerry thì đi xuống sau nhiều năm thống trị, vì vậy HP cùng Palm vẫn có thể làm được điều gì đó để mang webOS trở lại cuộc chơi. Tuy nhiên, họ đã không làm vậy bởi họ nhận thấy rằng cho dù có tiếp tục phát triển smartphone/tablet webOS, sự thành công là quá nhỏ. Và đến bây giờ thì không còn bất kỳ cơ hội nào cho Palm cùng HP nữa khi Windows Phone đang từng bước lớn mạnh, nắm chắc vị trí thứ 3. Vì vậy, việc từ bỏ của HP có lẽ không hẳn là một sai lầm.

Rõ ràng qua câu chuyện trên, một điều dường như tất cả các nhà sản xuất smartphone/tablet hiện nay đều nhận ra được: Nếu bạn cứ chần chừ và không tiên phong, thị trường sẽ giết chết chính bạn. Đúng vậy, sở hữu ý tưởng tốt, lên kế hoạch hoàn hảo, nhưng lại không thực hiện, HP cùng Palm phải chấp nhận sự nghiệt ngã của cuộc chơi rất khốc liệt mang tên smartphone/tablet. Tuy nhiên, hãy gác lại quá khứ, cùng nhìn xem LG cùng webOS sẽ như thế nào. Năm 2014 - một chương mới của WebOS sẽ được mở ra, nó không còn trên smartphone hay tablet nữa, mà là trên TV - hoài bão nhỏ trên một màn hình lớn hơn.