Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Trên tay HP ProBook G440 G1: laptop phổ thông CPU Intel Haswell, chip đồ họa rời AMD Radeon HD 8000M

HP-ProBook-440.

HP ProBook 400 series là một trong những dòng laptop phổ thông của HP được nâng cấp lên bộ xử lý Haswell sớm nhất, ngay khi Intel trình làng thế hệ CPU này vào tháng 6/2013. Dòng ProBook mà ví dụ là 440 G1 có màn hình 14 inch, sử dụng CPU Intel Haswell, tùy chọn chip đồ họa rời AMD Radeon HD 8000 series và có giá bán khởi điểm 579$, một số phiên bản bán ở VN có tùy chọn không đi kèm hệ điều hành để giảm giá thành. ProBook 440 G1 không thuộc dòng ultrabook nhưng cũng là dòng laptop phổ thông của HP được thay đổi thiết kế, mỏng hơn và nhẹ hơn, hướng theo phong cách đồng hóa tất cả các dòng laptop của họ trong tương lai.

Cấu hình HP ProBook 440 G1 trong bài viết
  • CPU: Intel Haswell Core i5-4200M; 2 nhân 2,5GHz; cache 3MB L3
  • RAM: 4GB DDR3 bus 1600MHz
  • Bo mạch: Intel HM87
  • Chip đồ họa: chip rời AMD Radeon 8600M series, tích hợp Intel HD 4600
  • Ổ cứng: 500GB @5200rpm
  • Màn hình: 14 inch, 1366 x 768 pixel
  • Kết nối: WiFi N, bluetooth, 2 USB 3.0, 2 USB 2.0, HDMI, VGA, LAN, webcam, khe đọc thẻ SD
  • Không có HĐH đi kèm, tương thích với Windows 7, Windows 8/8.1
HP-ProBook-440 (32).

Bàn phím và touchpad
ProBook 440 G1 mới có vỏ phần lớn làm bằng nhựa, riêng phần ốp lót tay kéo dài lên phần loa sát bản lề màn hình bằng nhôm, tạo cảm giác mát lạnh khi kê tay cũng như trơn láng hơn, thoải mái hơn. Bàn phím của máy có các phím bằng nhựa màu đen, hơi nhám, từng phím được làm riêng lẽ kiểu chiclet, kích thước vừa phải và tương đối dễ gõ, độ lún và độ nảy phím tốt. Tuy nhiên, dãy phím Fn được làm rất nhỏ, chỉ bằng 1/4 các phím thông thường nên hơi khó nhấn một chút, điểm cuối cùng là cụm 4 phím lên/xuống/trái/phải có 2 phím lên/xuống bị làm nhỏ đi, chỉ bằng 1/2 so với các phím khác nên khá khó chịu khi chơi game.

HP-ProBook-440 (17).

Touchpad của máy cũng bằng kim loại, hơi nhám nên cảm giác rê trên đây khá dễ, kích thước của bàn rê đủ để đặt và sử dụng bằng 3 ngón tay, sau khi cài Windows thì nó đã nhận được lệnh của 2 ngón tay, tuy vậy để kích hoạt hết tính năng thì chúng ta cần cài thêm driver cho máy. 2 nút chuột trái, phải được làm nổi lên hẳn so với bàn rê, độ lún của nút này khoảng 1mm, nhẹ và dễ bấm.

HP-ProBook-440 (28).

Màn hình và loa ngoài
Điểm trừ lớn nhất trên ProBook 440 G1 có thể nói là chất lượng hiển thị của màn hình. Mặc dù sử dụng kiểu phủ màn hình chống chói, độ sáng tốt, nhưng màn hình lại bị lệch màu rất nhiều khi thay đổi góc nhìn, nếu nhìn chéo màn hình một góc khoảng 30 độ thì chúng ta sẽ thấy nó bị phủ một màu trắng bệt, rất khó chịu. Về loa ngoài, chất lượng loa ở mức chấp nhận được, độ lớn vừa phải và độ chi tiết dừng ở mức trung bình, tiếng bass hầu như rất nhỏ kể cả như mở nhạc lớn hết cỡ.

Nhiệt độ và thời gian dùng pin
Chiếc máy 440 này làm mình khá ngạc nhiên ở chỗ nó nóng hơn so với mình tưởng tượng rất nhiều. Sau khi mở máy và để không khoảng 15 phút, nhiệt độ ban đầu của CPU mà AIDA64 đo được ở mức thấp, chỉ khoảng 45 độ C. Tuy nhiên, sau khi cho máy chạy stress liên tục 15 phút thì nhiệt độ tăng lên cao đáng kể, CPU và GPU rời AMD lên tới gần 100 độ C, kèm theo đó thì nhiệt độ vỏ máy cũng rất nóng, ở khu vực lề bên trái chỗ tản nhiệt, gần cụm phím Caps Lock, Tab và phần lót tay bên trái, thậm chí là bàn rê chuột cũng nóng hơn mức chấp nhận được, và kể cả chiếc USB bằng nhôm cắm ở cổng USB 3.0 bên trái cũng bị nóng lây. Từ phần lót tay bên phải trở đi thì hơi ấm một chút.

SNAG-0001.SNAG-0003.
Nhiệt độ khi idle (bên phái) và khi stress máy

HP trang bị cho ProBook 440 viên pin 6 cell, dung lượng 47Wh. Theo thử nghiệm của mình thì pin của máy sử dụng được khoảng 5 giờ ở độ sáng màn hình 80%, dùng máy để stress CPU, GPU, lướt web bằng Chrome và bật WiFi liên tục.

HP-ProBook-440 (6).