Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Dịch vụ video call tròn 50 tuổi: Một cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành

DSC_2522.

Vào ngày 20/4/1964 - tầm 50 năm trước - tại sự kiện World's Fair diễn ra ở Công viên Flushing Meadow Park, Mỹ, Bell Telephone (thuộc tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T) đã mang đến triễn lãm một thiết bị rất mới lạ thời bấy giờ, có tên gọi là Mod 1 Picturephone - tiền thân của những dịch vụ gọi video như Skype hay Hangouts hiện nay. Để có thể trải nghiệm thử Mod 1 Picturephone, khách hàng sẽ phải bước vào một phòng nhỏ (kiểu phòng gọi điện có ở các bưu điện mà chúng ta hay thấy), trước mặt họ sẽ là một chiếc máy, bao gồm một màn hình hình chữ nhật để hiển thị video và một camera. Để rõ hơn nữa, theo Jon Gertner, tác giả của cuốn The Idea Factory: Bell Labs and the Great Age of American Innovation cho hay:

picturephones.
Ảnh trên là những căn phòng nhỏ có các thiết bị giúp bạn gọi video call​

Về chất lượng hình ảnh, người dùng sẽ phải chấp nhận xem hình ảnh trắng đen theo chiều dọc, với chuẩn 30 khung hình/giây. Một điều khổ sở hơn, bạn phải tuyệt đối giữ nguyên tư thế không được chuyển động, bởi khuôn mặt của bạn sẽ chỉ được hiển thị trong khung hình có kích thước 16x21-inch, do đó nếu muốn người xem bên phía đầu dây bên kia thấy rõ mặt bạn thì đừng có nhúc nhích nhiều. Được biết, có một nút duy nhất đảm nhiệm vai trò ngắt kết nối video.

Gần 13 triệu VNĐ cho 15 phút gọi video với chất lượng siêu thấp (tính theo tỷ giá năm 2014)

Mặc dù có những hạn chế như trên nhưng Picturephone vẫn mang đến cho mọi người những trải nghiệm hết sức mới lạ và lý thú. Lần đầu tiên con người có thể vừa gọi điện thoại vừa có thể xem được khuôn mặt của người mà mình đang nói chuyện. Tuy nhiên, cái gì đầu tiên, cái gì quý hiếm đều thường rất mắc. Đúng vậy, bạn có biết giá của một lần gọi qua Picturephone trong 15 phút là bao nhiêu không? Đó là 80$ (tức 16$ mỗi 3 phút) - và nếu tính theo tỷ giá, thì con số đó sẽ là 610$ trong năm 2014 cho 15 phút - khoảng gần 13 triệu VNĐ cho 15 phút gọi video với chất lượng siêu thấp.

lady-bird-picturephone.
Đệ Nhất Phu Nhân Lady Bird Johnson thực hiện cuộc gọi video qua Picturephone​

Picturephone là một ý tưởng rất sáng tạo và tuyệt vời, chính vì thế nó đã thuyết phục AT&T - hãng viễn thông lớn của Mỹ - bắt tay vào phát triển và họ đã cho ra đời sản phẩm thương mại đầu tiên vào tháng 6 năm 1964 - dịch vụ Picturephone. Cuộc gọi đầu tiên được thực hiện bởi Đệ Nhất Phu Nhân Lady Bird Johnson, bà gọi từ Thủ phủ quốc gia đến một cái buồng Picturephone khác đặt tại nhà ga Grand Central Station ở New York, Mỹ. Những cái buồng Picturephone khác thì được đặt ở trụ sở của National Geographic ở Washington, toà nhà của hãng bảo hiểm Prudential Isurance và bảo tàng khoa học và công nghiệp Museum of Science and Industry ở Chicago. Để chat video qua Picturephone với nhau, bạn sẽ phải đặt buồng trước, cả hai phải hẹn đúng thời gian cũng như cho biết vị trí của hai buồng Picturephone để có thể chat với nhau. Được biết thì chi phí dịch vụ Picturephone của AT&T có mức giá dễ chịu hơn đáng kể: 1,7$ cho một phút rưỡi (tính theo tỷ giá thời đó).

Giấc mơ videophone

Việc theo đuổi dịch vụ gọi điện thoại video thực chất đã bắt đầu trước khi Bell Telephone giới thiệu chiếc Mod I tại World's Fair ở Mỹ. Cụ thể hơn, gần như ngay sau lúc mà Alexander Graham Bell thực hiện cuộc gọi đầu tiên đến Mr.Watson, các nhà khoa học và nhiều người khác đã mơ mộng về tương lai của những cuộc gọi video.

Một năm sau khi Bell đăng ký bằng sáng chế về chiếc điện thoại của ông ấy, một vài người tự gọi họ là "Electrician" đã dự đoán về một tổ hợp gồm máy fax + videophone gọi là "electroscope" trong một bức thư gởi đến biên tập viên của trang New York Sun.

Một năm sau đó, một người chuyên viết về các mảng khoa học người Pháp, Louis Figuier, đã nhận định rằng Bell đang làm việc trên một chiếc máy gọi là "telectroscope" - thiết bị cho phép thực hiện videophone.

Vào tháng 12 năm 1878, một nhà văn người Pháp cùng một người chuyên vẽ tranh biếm hoạ, George du Maurier, đã dự đoán rằng Thomas Edison đang làm việc trên thiết bị videohphone, tên là "telephonoscope".

Và vào tháng 5/6/1880, một nhà phát minh tên George Carey đã đề xuất một hệ thống gọi điện thoại gọi là "seeing by electricity" trên trang Scientific American.

Tuy nhiên, tất cả những gì ở bên trên chỉ là lý thuyết, giả định và "mơ mộng' đúng nghĩa. Phải mất 30 năm thì AT&T mới chuyển những giấc mơ trên thành hiện thực. Vào ngày 7/4/1927 đánh dấu một bước khá quan trọng, Bộ trưởng thương mại Mỹ, Herbert Hoover đã nói chuyện từ buồng videophone ở Washington, D.C đến phòng thí nghiệm Bell Lab của AT&T đặt tại New York.

30 năm để AT&T hoàn thành và thường mại hoá thiết bị cho phép thực hiện videocall, và phải thêm 30 năm nữa thì tập đoàn viễn thông Mỹ phát triển hệ thống videophone trở nên khả thi và quy mô hơn. Vào ngày 23/8/1956, trong cuộc họp giữa những kỹ sư thuộc học viện Radio, AT&T đã trình diễn hệ thống videophone với khả năng truyền tải một khung hình mỗi hai giây. Với đa phần các vấn đề đã được giải quyết, công ty bắt đầu làm việc với cái mà sau này trở thành Mod I Picturephone vào tháng 10/1959.

Để có động lực phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ gọi điện video, AT&T chỉ đơn giản mặc định rằng mọi người đều muốn tán gẫu qua video, do đó công ty luôn muốn vươn lên phía trước, vươn lên lần nữa, lần nữa và lần nữa.

Thất bại nối tiếp thất bại...

Vào ngày 5/2/1969, AT&T bắt đầu bán ra chiếc Mod II cho khách hàng doanh nghiệp, Về cơ bản thì Mod II có khả năng cung cấp đường dây 251, hiển thị hình ảnh trắng đen với khung hình 30fps, màn hình video kích thước 5 x 5.5-inch. Tuy nhiên vào giữa năm 1971, một lần nữa AT&T phải ngừng dịch vụ này do sự thờ ơ đến từ phía người dùng.

Trong một báo cáo cho biết, trong khoảng những năm giữa 1966 và 1973, AT&T đã chi ra nửa tỷ dolla cho việc nghiên cứu và phát triển dịch vụ Picturephone, tuy nhiên họ lại không có bất kỳ điều gì để công bố. Sheldon Hochheiser, người nắm rõ lịch sử của AT&T, đã gọi dịch vụ videophone là "thất bại điển hình nhất trong lịch sử của hệ thống Bell".

bell-picturephone.
Hình ảnh thực tế của hệ thống Picturephone​

Tuy nhiên, ngớ ngẩn thay, AT&T quyết không chịu từ bỏ và họ tiếp tục thử lại lần nữa vào tháng 7/1982, khi cho ra mắt dịch vụ vô cùng tốn kém Picturephone Meeting Service. Nói tốn kém là bởi chỉ với một cuộc gọi video với thời lượng 1 giờ đồng hồ, giữa hai người ở New York và Los Angeles, cái giá phải trả là 2.380$. Hơn thế nữa, để mua đứt dịch vụ này, một công ty khách hàng sẽ phải bỏ ra khoảng 117.500$, và nếu thuê thì bỏ ra 17.760$. Sau một năm kể từ khi phát hành, AT&T đã bị sốc khi biết rằng dịch vụ cho phép gọi video này lại là một thất bại nữa.

Khá thú vị khi được biết rằng không chỉ AT&T quan tâm đến dịch vụ video call. Theo đó, rất nhiều công ty của Nhật Bản, trong đó gồm vài cái tên lớn như Mitsubishi và Sony, đã cố gắng tìm kiếm cơ hội thành công trong thị trường videophone, thế nhưng kết cục mà họ nhận được thì lại tương tự như AT&T.

Sự thất bại kéo dài của AT&T và các hãng điện tử Nhật Bản trong lĩnh vực videophone

Sau đó, vào tháng 1/1992, AT&T một lần nữa khiến cho tất cả mọi người không thể tin được (bởi họ thất bại quá nhiều trước đó), khi quyết định sẽ quay trở lại thị trường videophone với một thiết bị khác, thay vì dịch vụ Picturephone đã chết quá nhiều lần trước đây. Lúc này, tập đoàn viễn thông Mỹ tung ra chiếc VideoPhone 2500, có tích hợp một màn hình lật LCD với hình ảnh màu. VideoPhone 2500 có giá khởi điểm là 1.500$, tuy nhiên sau đó nó giảm còn 1.000$ và sau đó, AT&T cho khách hàng thuê qua đêm với giá 30$. Như vậy sau nhiều năm, AT&T cuối cùng đã quyết định từ bỏ Picturephone và đến với một thiết bị khác tốt hơn.

Kết

Như vậy có thể thấy vấn đề của Picturephone - và những hệ thống khác sau này như Vialta Beamer, telyHD, C-Phone, 8x8's ViaTV,...không phải là việc bạn có thấy được người đang nói chuyện với bạn hay không, mà chính là việc bạn phải mua không những một, mà tận hai thiết bị: một cho bạn và một cho người bạn muốn chat video.

Tuy nhiên, vấn đề trên đã được giải quyết triệt để nhờ vào Internet, và đặc biệt hơn là nhờ vào sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ. Giờ đây, các thiết bị điện tử với webcam được tích hợp sẵn có mặt khắp mọi nơi: laptop, smartphone. Bởi đã có thiết bị, tất cả những gì chúng ta cần để chat video đó là phần mềm, mà ở đây là Skype, được giới thiệu vào tháng 8/2003, sau đó là Apple's FaceTime vào giữa năm 2010.

Một khi chúng ta đã có thiết bị và phần mềm, chúng ta sẽ không phải mua hai máy hay nhiều máy khác nhau chỉ để phục vụ cho nhu cầu video call - như cái cách mà Picturephone hay các dịch vụ ngày xưa yêu cầu.

Tuy nhiên, dù có thất bại, nhưng những nhà khoa học, những kỹ sư của AT&T, mà đặc biệt là Bell Labs, cũng phải được ghi nhận bởi những nỗ lực tuyệt vời của họ trong việc mang dịch vụ video call đến với nhân loại. Có thể họ không thành công, nhưng các nghiên cứu của họ là tiền đề, là nền tảng để những Skype, những Hangouts hay FaceTime bay xa như bây giờ.