Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Đánh giá phim Đoạt Hồn

Screen Shot 2014-07-22 at 1.32.19 PM.

Có thể nói khi quyết định vào rạp xem 1 phim nào đó bạn sẽ bị chi phối bởi rất nhiều thứ như hãng phim, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng, hay đơn giản là sự tò mò. Và Đoạt Hồn của đạo diễn Hàm Trần nằm trong sự kích thích bởi tính tò mò đó.

Phim ảnh hay sách cũng giống như đồ ăn, có thể rất hay hoặc ngon với người này nhưng lại dở tệ đối với người kia, nói chung là do cảm nhận của người thưởng thức. Mình khá tò mò và quyết định xem Đoạt Hồn khi trước đó thấy khá nhiều bài PR cho bộ phim này, bộ phim của 1 đạo diễn trẻ và được đánh giá về kỹ năng dựng phim khá tốt, từng tham gia dựng phim cho những tác phẩm nặng ký của Việt Nam như Khát vọng Thăng Long, Để Mai Tính, Dòng Máu Anh Hùng, Âm Mưu Giày Gót Nhọn...

Nội dung phim xoay quanh những biến cố của gia đình ông Huy, bắt đầu lúc đứa con gái út 8 tuổi tên Ái (còn gọi là Chi Nhỏ) bị sảy chân rơi xuống sông và sau đó 1 tuần được tìm thấy, cô bé còn sống và trở về nhà. Nhưng kể từ lúc đó, các thành viên trong gia đình cảm nhận rõ ràng người trở về với thân xác là của bé Ái nhưng linh hồn hoàn toàn là của một người khác, một hồn ma lạc đã nhập vào người sống. Những nghi thức, thù hận, góc tối, bức màn bí mật dần hé lộ đưa người xem lạc vào thế giới tâm linh.

ma 1.

Nói thật là mình rất yếu bóng vía nên ngay khi lời bài hát ru được cất lên “à á à ời, à á à ơi…” trong một khung cảnh tối tăm, sự tĩnh lặng của không gian làm mình cảm giác rợn hết cả tóc gáy. Trong phim tác giả khai thác triệt để về nét văn hóa và tập tục của các vùng quê Việt Nam như lên đồng, trừ tà, thuật dùng ngải…Hình ảnh của những chú tễu, bà đồng hay những bàn thờ nghi ngút hương khói cũng góp phần làm cho khán giả cảm thấy rất gần với cuộc sống thực tế và thế giới tâm linh của người Việt. Đối với người mê tín, hay cả khi bạn không tin vào ma quỷ thì mình nghĩ những hình ảnh, hành động và nhất là diễn biến về cảm xúc của diễn viên sẽ làm bạn thay đổi và nghi ngờ về niềm tin của mình, ít nhất là trong 90 phút xem phim.

Theo mình kịch bản thì khá hay nhưng rối rắm và nhiều chỗ cực ỳ nhạt nhẽo, nó rời rạc và thiếu liền mạch cảm xúc cho khán giả. Ví dụ như đoạn anh chàng bác sĩ khám nghiệm tử thi trao đổi với Chi Lớn (cô chị gái) về cái xác của Ái, sự tưng tửng đến vô duyên của anh này, cộng với sự phối hợp thiếu ăn ý của Chi làm cho mình cảm giác nó cực kỳ nhảm và vô duyên. Có thể nói đạo diễn đã tung ra hầu hết các bí kíp của mình trong 30 phút đầu phim nên từ khúc giữa đến cuối phim cảm giác của khán giả phần lớn bị chai sạn.

Âm thanh và hình ảnh là yếu tố quyết định chính cho phim kinh dị, đạo diễn Hàm Trần khá khôn ngoan khi lồng ghép được giữa hình ảnh ghê rợn của thây ma, âm thanh dồn dập cộng với góc quay thay đổi một cách đột ngột, khiến khán giả đang nín thở theo dõi bỗng thót tim vì sợ sệt. Trong toàn bộ kịch bản có 2 cảnh khiến khán giả sợ hãi thực sự là bài hát ru được vang lên trong sự lạnh lẽo, u ám, tiếp đến là hình ảnh thây ma di chuyển từ dưới sông lên căn nhà gỗ. Nhưng việc liên tiếp sử dụng hình ảnh hồn ma nhập hết người này sang người khác với cùng một chiêu thức phun nước xối xả từ miệng ra, khiến khán giả cảm giác nhàm chán đến quen thuộc.


ma 2.
Hồn ma của Tuyết trong phim do Nhung Kate đảm nhậm
Đan xem vào nội dung chính, tác giả khéo léo đề cập tới sự đổ vỡ trong hôn nhân, việc tiếp nhận và xây dựng mối quan hệ giữa con riêng và cha dượng gây ra sự tổn thương rất lớn cho nhân vật Chi, chính sự đề phòng là rào cản ngăn cách mối quan hệ giữa ông Huy và cô bé tuổi teen này. Vai diễn được giao cho diễn viên trẻ Hồng Ân, một cái tên mới hoàn toàn xa lạ với khán giả. Tuy vai diễn rất nặng ký, nhưng ngoài biểu cảm của đôi mắt u uất và hoảng hốt thì diễn biến cảm xúc của Chi không mấy thuyết phục người xem.

Khán giả cũng rất kỳ vọng vào các tên tuổi như nghệ sĩ Ngọc Hiệp, Chánh Tín, Trần Bảo Sơn sự trở lại của diễn viên Kiều Chinh và vai diễn của Nhung Kate. Nói chung các diễn viên diễn khá tròn vai và an toàn, nhưng để lại ấn tượng cho khán khả lại là một gương mặt cực kỳ nhí, bé Thanh Mỹ. Vào vai Ái, cô bé bị ngã xuống sông và sau đó bị nhập hồn, hai tính cách trong một con người được Thanh Mỹ thể hiện rất xuất sắc.

Một hình ảnh ngây thơ, ngu ngơ, dại dại với ánh mắt tròn buồn và một tính cách hoàn toàn đối lập với ánh mắt u uất đầy thù hận, tinh ác, quái đản đến ghê rợn. Hình ảnh Ái của Thanh Mỹ bật dậy trong nhà xác với ánh mắt sắc lẹm, toàn thân run rẩy hoàn toàn ám ảnh khán giả. Mối liên quan khi hồn ma chọn Ái để trở lại báo thù làm cho khán giả liên tưởng đến luật nhân quả. Tất cả những việc làm xấu xa của của cha mẹ, cuối cùng thế hệ con cái phải trả giá.

ma 3.
Nhân vật Ái của bé Thanh Mỹ thuyết phục người xem.​

Xét về yếu tố giải trí thì toàn bộ nội dung của Đoạt hồn khá nặng nề, các tình tiết và nút thắt càng ngày càng rối rắm khiến cho khán giả chỉ cần bước bước ra ngoài và vào lại rạp chừng 5 phút là bị hẫng lập tức. Trong phim đề cập tới một vấn nạn tại các vùng quê ráp danh biên giới, đó là nạn bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em để đánh vào tâm lý thương cảm của khán giả, một số góc quay khá đẹp và chân thực khi mô tả cảnh sinh hoạt sông nước của miền nam bộ, cái nghèo, sự bất lực của những số phận nhỏ nhoi khiến cuộc đời của những nhân vật đáng thương này gặp đầy bất hạnh.

ma 4.
Ánh mắt đầy ám ảnh của nhân vật Ái​

Theo mình nghĩ nếu như những phút cuối của phim kết thúc có hậu, cứ làm theo mô tuýp phim Việt quen thuộc thì có lẽ khán giả sẽ tạm chấp nhận và bỏ qua những hạt sạn trong Đoạt Hồn, tuy nhiên mình không hiểu là mục đích của đạo diễn muốn thay đổi, làm mới cho khác với những phim đã chiếu hay không vượt qua được kiểm duyệt khắt khe của hội đồng thẩm định nên vơ đại một một tình tiết quá dễ dãi và dở ẹc.

Khán giả nhận thấy rõ ràng sự lúng túng, lòng vòng của kịch bản trong chi tiết về giấc mơ của Chi. Đến nỗi tất cả mọi người trong rạp mắt tròn mắt dẹt khi kết thúc phim mà chả hiểu phim muốn nói đến cái gì, nói nôm na theo kiểu từ đầu đến cuối đạo diễn ra sức thuyết phục người xem về sự có mặt của thần thánh và ma quỷ, nhưng kể xong và khiến khán giả chuẩn bị nhập tâm rồi lại bảo “ nãy giờ là nói dối, đừng tin”. Kiểu kết thúc đó khiến khán giả cảm giác bị phản bội niềm tin và bị lừa.

Hoặc đơn giản hơn, có những hạt sạn vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong phim, ví dụ một bà mẹ người miền Tây hoặc bà đồng ở Châu Đốc lại nói rặc giọng miền Bắc, trong khi nhân vật Tuyết quê ở Phú Thọ lại nói giọng miền Nam, rất khó hiểu.

Nói chung công nghệ PR chỉ có thể kéo khán giả đến rạp, nhưng để lại một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời và đọng lại cảm xúc cho người xem thì mình nghĩ là một thách thức cực kỳ lớn đối với tất cả các đạo diễn Việt.