Trên vịnh San Francisco, phía sau Công viên AT&T, một chiếc hộp mang logo Dropbox khổng lồ đang trôi nổi trên mặt nước. Đây thực chất là một con tàu, bên trong nó có hai nhân viên Dropbox đang đạp mà chẳng biết họ sắp đi đến đâu. Trong khi đó, văn phòng của công ty thì đang ồn ào. Ở một góc phòng là một chiếc xe scooter với hai bánh xe điện, một chiếc webcam, một chiếc MacBook Air đang chạy vòng vòng mà không có sự điều khiển của con người. Một chiếc máy bay nhỏ thì vừa bay vừa chụp ảnh rồi upload lên Dropbox, còn ở một góc thác thì có một shop in áo thun giống như mô hình của xe bánh mì. Còn CEO Drew Houston thì đang ngồi trong một góc phòng gõ gõ những dòng mã lệnh với ba màn hình trước mặt, đeo tai nghe và chạy Winamp để phát bài hát ưu thích.
Chào mừng đến tới Dropbox Hack Week.
"Tuần này là một tuần tuyệt vời để gợi nhớ rằng Dropbox thực chất bắt đầu từ một dự án hack week lớn, và chúng tôi cần phải tiếp tục suy nghĩ táo bạo cũng như có tham vọng", Max Belanger, một kĩ sư đang làm cho Dropbox và cũng là thành viên ban tổ chức Hack Week, chia sẻ. Và với một công ty hiện đang có hơn 800 nhân viên, có rất nhiều thứ được các nhân viên sáng tạo và đem đến trình diễn. Những dự án này không nhất thiết phải liên quan đến sản phẩm của công ty. "Chúng tôi không đặt ra bất kì giới hạn nào", Belanger nói trong lúc đi vòng vòng trong tòa nhà, nơi mọi người đang khoe thành quả của mình cũng như đề cử cho một dự án mà mình ưa thích. "Rất nhiều người đang làm việc với những dự án hoàn toàn chẳng liên quan gì đến Dropbox".
Trong những năm gần đây, nhiều cuộc thi Hack Week và Hackathon đã được các công ty tổ chức nhằm mang lại cơ hội cho nhân viên bộc lộ sự sáng tạo của mình, mặc cho những dự án này có thể không tạo ra doanh thu hoặc không liên quan đến những gì công ty đang kinh doanh. "Một phần của linh hồn Hack Week đó là bạn cần phải bước ra khỏi vùng an toàn, học thứ gì đó mà làm những thứ không bình thường", kĩ sư Alicia Chen nói. Và với một công ty đang tăng trưởng rất nhanh như Dropbox, rõ ràng hãng đang muốn giữ hình ảnh của mình như là một "sân chơi" của Thung lũng Silicon, nơi mà tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra. Đó cũng là hình ảnh mà Google, Facebook lẫn các công ty khởi nghiệp nhỏ tại đây muốn xây dựng nên.
Quay trở lại kì Hack Week của Dropbox, trong tuần lễ này nhiều nhân viên của công ty cũng đã có thời gian để giải quyết một số vấn đề nhất định mà Dropbox đang gặp phải chứ không chỉ là sáng tạo ra những thứ vui vẻ. Hồi năm ngoái Chen đã giới thiệu tính năng "two account" cho phép chuyển đổi dễ dàng giữa tài khoản Dropbox cá nhân và công việc trên cùng một máy tính. Thực chất thì công ty đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai tính năng này suốt nhiều năm về trước, và Chen chính là người đã hiện thực hóa nó. "Có một nhóm khoảng 5 người đang viết một ứng dụng Dropbox cho máy tính hỗ trợ nhiều tài khoản khác nhau - và chúng tôi đã có thể trình diễn gần như tất cả mọi thứ trên Mac và Windows vào cuối tuần Hack Week năm ngoái. Chứ còn trước đó, tính năng này chỉ mới ở dạng lý thuyết mà thôi".
Hack Week cũng là nơi ra đời của tính năng bảo mật hai lớp mà Dropbox đang áp dụng. "Nó khởi đầu với một dự án Hack Week của vài kĩ sư, để rồi sau đó mọi người đã thật sự tham gia phát triển sau khi tuần lễ đó kết thúc. Tôi nghĩ chúng tôi đã ra mắt tính năng này khoảng 5 tuần sau Hack Week".
Tất nhiên, Dropbox cũng rất cẩn thận khi nhắc lại rằng không có dự án nào tại Hack Week được xem là dự án chính thức, và chúng có thể sẽ không bao giờ xuất hiện trên lộ trình sản phẩm của công ty.
Còn trong năm nay, Chen và nhóm của cô đã tạo nên một tính năng mà họ gọi là Drops. Nó sẽ là một công cụ cho phép người dùng thu thập tài liệu từ nhiều người dùng khác. Ví dụ, sau buổi đám cưới, cô dâu hoặc chú rể có thể xài Drops để thu thập ảnh mà khách đã chụp trong buổi tiệc, hoặc giáo viên thu bài tập về nhà của học sinh. Drops đã đoạt danh hiệu "#ShipIt" bởi vì sản phẩm này đã gần như hoàn chỉnh tại lễ bế mạc Hack Week. Một dự án khác cũng được tán thưởng đó là mở rộng khả năng của ứng dụng Dropbox Carousel lên TV. Các kĩ sư đã xài Chromecast để truyền hình ảnh và video từ ứng dụng iOS và Android của họ lên màn ảnh rộng.
Các kĩ sư phần mềm của Dropbox dành rất nhiều thời gian làm việc với những công cụ có thể cải thiện việc hợp tác chỉnh sửa các tập tin Office, đây cũng là một vấn đề "có thâm niên" bằng với số tuổi của Dropbox. Hồi đầu năm nay công ty đã cố gắng giải quyết nó với Project Harmony, một tính năng cho phép người dùng Microsoft Office thấy được những người nào đang cùng truy cập vào tập tin được chia sẻ thông qua Dropbox. Và chỉ trong tuần Hack Week vừa rồi đã có ít nhất 3 dự án tận dụng công cụ này để cố gắng mang lại cho người dùng sự thuận tiện khi làm việc nhóm. Điều đó cho thấy Dropbox sẵn sàng mở rộng bản thân mình chứ không chỉ là một trình quản lý file trên mây đơn thuần.
Giờ thì hãy dành ít phút để nói về những dự án phi kĩ thuật. Với số lượng 800 nhân viên, nhiều người trong số đó không thích ngồi trước máy tính để viết mã, thay vào đó, họ tạo ra một dự án từ thiện với tên gọi Dropbox For Good. Dự án này sẽ "quyên góp" tài khoản Dropbox Business và tặng nó cho các tổ chức phi lợi nhuận cũng như gom góp áo quyền cho người khó khăn. Những dự án khác thì giúp cuộc sống của nhân viên Dropbox ngày một tốt hơn, ví dụ như bản đồ văn phòng với một hệ thống lưới nhằm giúp người ta tìm phòng họp dễ hơn. Tại Hack Week còn xuất hiện một con gấu trúc khổng lồ với hệ thống đèn LED được kết nối với mã log của Dropbox. Nếu một nhân viên nào đó tạo ra lỗi thì con gấu này sẽ chớp đèn màu đỏ lên, và trên màn hình sẽ hiện tên của nhân viên gây ra lỗi.
Hack Week là một sự kiện được thiết kế để giúp công ty "quay lại cội nguồn". Thật sự thì cụm từ này có vẻ như là một chuyện đùa, nhưng nó là thứ được nhiều người quan tâm, từ quản lý cấp cao cho đến từng nhân viên bình thường. Jon Ying, một trong những nhân viên Dropbox đầu tiên và cũng là người tổ chức chính cho Hack Week, chia sẻ: "Mọi chuyện giờ đây nghiêm trọng hơn - chứ hồi đó, người ta còn ngồi ở đây đến tận 2 giờ sáng, trong nhà bếp thì bánh burger liên tục được nấu. Nhưng khi tôi ở lại công ty trễ vào tối hôm qua, không có nhiều người ở lại cùng - đã có nhiều người có gia đình hơn trước".
Với tuần Hack Week của mình, Dropbox đang cố gắng tạo ra lại cảm giác một nhóm nhỏ cùng làm việc với nhau và tạo ra một thứ gì đó mới mẻ. Giống nhiều công ty trong và ngoài Thung lũng Silicon với các kì Hack Week tương tự, Dropbox giờ đây đã trở thành một đơn vị lớn nên các lập trình viên sẽ không thể nào tạo ra bất kì thứ gì họ muốn. Hack Week gần như là dịp duy nhất họ có thể bộc lộ sức sáng tạo của mình. Như lời của kĩ sư kiêm người dẫn chương trình Jean-Denis Greze, những giải thưởng có trong đêm bế mạc chẳng có ý nghĩa gì cả - thứ quan trọng ở đây chính là sự hợp tác giữa nhân viên công ty, như một đại gia đình.
Chiếc tàu có hình logo Dropbox
Alicia Chen (ở giữa) cùng nhóm của mình đang làm việc với tính năng Drops
Một nhân viên Dropbox đang trang trí lại phòng họp mang tên "Sync"
In áo thun trong tuần Hack Week, tại sao không?
Bảng đền LED này có thể thay đổi hình ảnh của nó rất nhanh chóng và nhận được sự chú ý của nhiều người trong tuần Hack Week
Jon Ying, một trong những nhân viên đầu tiên của Dropbox và cũng là người tổ chức chính cho sự kiện Hack Week của công ty
Văn phòng làm việc của Dropbox
Một nhân viên đang nói chuyện với hệ thống liên lạc tự động do nhân viên Dropbox sáng tạo ra