Sony chia sẻ về thiết kế OmniBalance, camera và màn hình của Xperia Z1
Xperia Z1 hiện là chiếc smartphone đầu bảng của Sony trong nửa cuối năm nay. Nó mang trong mình nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như SoC Snapdragon 800 bốn nhân, camera 20 megapixel với bộ xử lí hình ảnh BIONZ, khả năng chống nước tốt... Mới đây, một số nhà thiết kế và kĩ sư từng tham gia làm ra chiếc máy này đã có cuộc nói chuyện với Sony Mobile Blog và tiết lộ cho chúng ta nghe nhiều điểm thú vị, bao gồm những công đoạn nhằm tạo ra thiết kế OmniBalance, camera, màn hình và cách mà Xperia Z1 trở thành chiếc smartphone hội tụ tất cả "cái chất của Sony".
Thiết kế OmniBalance mang tính biểu tượng
OmniBalance lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc Xperia Z, tuy nhiên trên Z1 thì phong cách thiết kế này đã được nâng lên một tầm cao hơn. Nhà thiết kế Asuka Matsumura cho biết: "Với chiếc Xperia Z1, chúng tôi đã tạo ra một thiết bị vượt ra khỏi biên giới của smartphone. Người ta kì vọng một cái chất hiện đại như thế này trong một thiết bị di động, tuy nhiên chúng tôi muốn làm hơn kì vọng của mọi người là tạo ra một thứ hoàn toàn đáng kinh ngạc....". Kĩ sư camera Nami Katayama tiếp lời: "khung nhôm liền mạch của Xperia Z1 có một lỗ ở giữa (để chứa nút nguồn). Và mặc dù đây chỉ là một thành phần trong dây chuyền nhưng nó đã được gia công ở mức độ tương đương với một sản phẩm độc lập". Bằng cách này, Sony mới đạt được tham vọng "vượt trên cả kì vọng" của người dùng.
Kĩ sư vật liệu Keita Hibi tiết lộ thêm rằng mục tiêu của OmniBalance đó là tạo ra một chiếc smartphone có thể cân bằng giữa nhiều yêu cầu khác nhau. Ví dụ, trong chiếc Z1, "chúng tôi muốn làm ra một chiếc điện thoại có thể dùng thoải mái cả khi cần ngang hoặc dọc, không có một trọng tâm cố định nào cả. Một ví dụ khác đó là cân bằng giữa kiểu dáng, thẩm mĩ và tính năng. Thường thì nhôm hạn chế việc truyền sóng di động, nhưng với Z1, chúng tôi đã có thể biến phần khung này trở thành một cái ăng-ten".
Chưa hết, nhóm thiết kế của Sony còn nói về lớp phủ được dùng trên khung. Nó đã được xử lí bằng một quy trình gọi là double amlumite (mạ nhôm kép). Quy trình amlumite sử dụng một phản ứng hóa học để bảo vệ bề mặt nhôm khỏi sự oxi hóa và cho phép Sony sơn thiết bị của mình với độ chính xác đến từng micromet. Nhà thiết kế Katayama nói: "Nếu không dùng nhôm, không thể nào tạo ra được một sự hài hòa giữa màu sắc với các đường nét khác nhưng vẫn giữ được tông màu đặc trưng. Đối với khung nhôm của phiên bản Xperia Z1 màu trắng, Sony đã phải sử dụng hai quy trình khác nhau: phun cát để làm mờ vật liệu, sau đó tiếp tục chà để nó có được độ bóng như ý muốn."
Người phỏng vấn có hỏi rằng thường thì nhôm và kim loại nói chung sẽ được đánh đồng với ý nghĩa rắn chắc và mạnh mẽ, tuy nhiên vì sao mà các cạnh trên Z1 lại được bo tròn? Hibi nói: "các góc của khung nhôm và phần viền kết nối nó với thân máy được bo hoàn toàn, và điều này chỉ có thể làm bằng kĩ thuật cắt nhôm cao cấp. Đây cũng là một yếu tố của thiết kế OmniBalance để điện thoại có thể nằm thoải mái trong tay người dùng."
"Bằng cách tạo hình trên vật liệu nhôm, chúng tôi có thể tạo ra các khối ba chiều của khung đúng như những gì chúng tôi đã tưởng tượng ra", Hibi nói, "còn với các bộ phận bằng nhựa thì rất khó để tạo ra những hình dạng tùy ý. Bằng quy trình cắt nhôm, chúng tôi có thể 'khắc' một cách rất chính xác... Tôi nghĩ góc bo tròn và các cạnh mượt mà cũng là một phần để giúp khách hàng nhận ra Xperia Z1".
Nói đến khả năng chống nước của máy, Hibi chia sẻ là "thông thường, hình dạng của jack cắm tai nghe có khả năng chống nước sẽ là hình oval. Tuy nhiên, từ góc nhìn thiết kế, chúng tôi nghĩ rằng nó nên là hình tròn. Thế là chúng tôi yêu cầu các bộ phận có liên quan phải làm cho jack này trở nên hoàn toàn tròn khi nhìn từ bên ngoài".
Công nghệ camera của Sony trong Xperia Z1
Z1 sử dụng cảm biến "Exmor RS for mobile" định dạng 1/2,3" và ống kính Sony G Lens với khẩu độ f/2.0. Kenichi Kamezaki, người lên những kế hoạch cho Sony liên quan đến trải nghiệm người dùng, nhận xét đây là nỗ lực của công ty trong việc nâng tầm chụp ảnh của smartphone Sony lên một tầm cao mới. Dựa vào đây, "khách hàng có thể tạo ra những bức ảnh đẹp có thể lưu giữ khoảnh khắc và kỉ niệm. Để làm được điều này, chúng tôi phải thay đổi một số thứ căn bản trong việc thiết kế camera cho smartphone".
Bên cạnh việc dùng để chụp ảnh, Xperia Z1 còn có nền tảng "Smart Social Camera", bao gồm tính năng "Social Live" để phát hình ảnh trực tiếp lên Facebook và "AR Effect" để người dùng áp thêm các đối tượng chuyển động ngộ nghĩnh lên ảnh. Nói đến vấn đề này, Ryoko Amano, người đóng vai trò quan trọng trong việc xác định trải nghiệm của khác hàng với Z1, tiết lộ rằng Sony muốn smartphone camera phải làm được nhiều hơn là chụp ảnh. "Chúng tôi muốn tạo ra những trải nghiệm mới và khác biệt. Nỗ lực để nhóm phát triển nên ứng dụng camera mới bắt đầu từ việc chúng tôi tự hỏi: 'Kiểu trải nghiệm nào có thể có được khi chúng ta kết hợp công nghệ smartphone trong Xperia với các phát minh về ảnh số của Sony?". Kết quả là những tính năng như đã nói ở trên, ngoài ra còn có "Info-eye" để tìm thông tin về đối tượng trong ảnh hoặc "Timeshift burst" với tác dụng chụp nhiều tấm ngay cả trước khi và sau khi đã bấm máy.
Màn hình TRILUMINOS
Kĩ sư màn hình Fumiyuki Ito nói rằng tính năng X-Reality dành cho thiết bị di động được xây dựng dựa trên bộ nguồn "Mobile BRAVIA Engine 2". Bên trong nó là bốn công nghệ khác nhau: giảm nhiễu, tăng tương phản, quản lí màu sắc + độ nét và cuối cùng là giám sát độ phân giải. Sony đã sử dụng cùng một cơ chế như các TV Bravia của mình và đem nó lên Xperia Z1 để mang lại trải nghiệm hình ảnh mà người dùng đã mong đợi.
Ito cho biết thêm Mobile BRAVIA Engine 2 có khả năng phân tích hình ảnh theo từng khung một, nhận biết và bù đắp lại các thông tin bị thiếu khi nén hoặc xử lí ảnh. Ngoài ra, Sony còn có cơ sở dữ liệu để chứa các biện pháp xử lí hình ảnh, và một biện pháp tối ưu sẽ được chọn tùy theo loại ảnh đó là gì, ví dụ như phim, ảnh chuyện động, ảnh tĩnh... Đây là cách mà Sony tối ưu hóa hình ảnh để mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể ngay khi nó hiển thị lên màn hình, "mà nếu bạn dùng tay để thực hiện thủ công, nó sẽ mất đến cả ngày trời".
Vị kĩ sư này tiết tục cho biết: "X-Reality cung cấp một nền tảng hình ảnh mà chúng tôi đã biết ngay từ đầu rằng nếu chỉ phần cứng thôi thì không thể có được. Việc tạo ra những tấm ảnh đẹp là không thể nếu không có công đoạn tinh chỉnh chất lượng, màu sắc, độ nét của hình. Ở những giai đoạn đầu, chúng tôi đã tổ chức một buổi họp không chỉ có sự tham dự của các thành viên của Xperia mà còn có các kĩ sư đến từ nhóm PlayStation, BRAVIA và Cyber-shot nữa. Tại đây, chúng tôi thảo luận xem làm thế nào mà các công nghệ tinh chỉnh hình ảnh khác nhau có thể được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Kết quả là chúng tôi đã tạo nên một bộ các phương pháp và Xperia Z1 là chiếc smartphone đầu tiên được phát triển dựa trên những phương pháp đó". Nói cách khác, Xperia Z1 hội tụ những gì tiên tiến nhất của Sony từ nhiều mảng khác nhau.
Nói đến công nghệ TRILUMINOS, Ito nói rằng nó cung cấp dải màu rộng giống như khi người dùng xem TV, điều đó cho phép thể hiện chiều sâu của bầu trời xanh hay những quả chín mỏng. "Thông qua việc hợp tác của chúng tôi, dùng cả phần cứng và phần mềm, chúng tôi đã tạo nên những công nghệ độc đáo và đây thật sự là một thành quả cho tầm nhìn mà chúng tôi đã gửi gắm vào Xperia Z1".