Đánh giá nhanh Asus Transformer T100: Atom Bay Trail-T, giá 9 triệu cho
bản 64GB
Asus Transformer T100 là một trong những máy tính bảng sử dụng chip Atom Bay Trail-T được bán ra sớm nhất ở thị trường Việt Nam, với giá rẻ nhất là 8,5 triệu đồng cho bản bộ nhớ 32GB, 9 triệu đồng cho bản 64GB và 9,5 triệu đồng cho bản 32GB + ổ cứng 500GB. T100 vẫn có thiết kế lai mà họ đã theo đuổi từ vài năm trở lại đây, với 2 công dụng chính: sử dụng như một chiếc laptop với bàn phím đầy đủ, hoặc tháo rời màn hình để sử dụng như một chiếc tablet. Ngoài ra, nhờ sử dụng chip Bay Trail-T mà T100 chạy Windows 8.1, tương thích với tất cả phần mềm của hệ điều hành này chứ không bị giới hạn chỉ ứng dụng Modern như Windows RT.
T100 khác với một số máy tính dạng lai khác ở chỗ tất cả linh kiện chính của máy nằm ở bên trong màn hình, tức chiếc tablet, còn phần đế chỉ chứa bàn phím, touchpad và cổng USB 3.0 chứ không có pin mở rộng, không có thêm phần cứng để tăng sức mạnh cho máy, do đó khi kết nối với dock thì máy không mạnh hơn và sẽ hao pin hơn một chút. Cả 2 phần này khi kết hợp với nhau thì có cân nặng 1,07kg còn nếu tính riêng tablet thì nó nặng 544g. Về thiết kế thì T100 không có gì nổi bật, chiếc máy màn hình 10.1 inch này không có phím cứng ở mặt trước phần màn hình cảm ứng, tương tự Dell Venue 8 Pro, mà phím được chuyển về các cạnh hông, trên phần tablet cũng không có cổng USB tiêu chuẩn, nó được trang bị trên phần đế bàn phím với chuẩn USB 3.0 tốc độ cao, băng thông 5Gbps. Điều mình không ưng ý ở T100 là chất lượng hoàn thiện của máy kém, riêng phần đế bàn phím tương đối cứng cáp và chắc chắn thì phần tablet hơi chán, cầm không chắc tay và kêu bộp bộp khi gõ, cảm giác giống như bị rỗng ruột. Nhìn chung tổng thể T100 không thật sự mỏng, khi kết hợp cả màn hình và bàn phím thì độ dày của máy gần 2,5cm tức tương đương những chiếc ultrabook hiện nay.
Mặc dù Windows 8 đã hỗ trợ rất tốt màn hình cảm ứng, nhưng việc sử dụng Windows mà hoàn toàn không cần có chuột, phím vẫn còn là một viễn cảnh xa xăm. Với bàn phím chúng ta sẽ dễ dàng thao tác hơn, ví dụ soạn văn bản khi làm việc, tăng giảm nhanh âm lượng, độ sáng màn hình, hay đơn giản nhất là chụp ảnh màn hình, vì thực tế Windows 8 không thể chụp ảnh màn hình nếu không sử dụng phím Prt Scr, kể cả dùng bàn phím ảo.
Bàn phím của Asus T100 tương đối nhỏ gọn, kích thước bằng với những netbook 10 inch cách đây vài năm, kiểu phím chicklet dễ gõ và làm quen. Tuy vậy kích thước của mỗi phím lại hơi nhỏ nên dễ bị nhầm khi gõ nhanh, có lẽ bàn phím này thích hợp với kiểu gõ "mổ cò" 2-4 ngón tay hơn là sử dụng cả 8-10 ngón. Về touchpad, diện tích bàn rê hơi nhỏ, chiều cao chỉ bằng 3 ngón tay nên độ dài để trượt khi duyệt web không nhiều, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận điều này bởi kích thước nhỏ của đế bàn phím không thể giúp tích hợp bàn rê lớn hơn được. Ngoài ra, 2 nút chuột trái/phải của touchpad hơi cứng và sâu khi nhấn xuống, gây khó chịu khi sử dụng.
Giá bán ở mức tầm trung nhưng màn hình của Asus Transformer T100 chỉ có chất lượng trung bình. Màn hình này có kích thước 10.1 inch, độ phân giải chỉ 1366 x 768 pixel và khả năng hiển thị tạm ổn, màu sắc không quá rực nhưng hơi tái một chút, độ sáng vừa phải chứ không quá chói, tuy nhiên lại hơi tối nếu dùng để xem phim ở điều kiện ánh sáng đèn compact trong phòng. Mình không thích kiểu màn hình gương của T100 vì rất dễ bị lóa khi thay đổi góc nhìn.
- Chip xử lý Atom Bay Trail-T
Bay Trail là thế hệ Atom tiên tiến nhất của Intel hiện nay, được sản xuất trên tiến trình 22nm mới nhất, tức ngang hàng với Haswell. Ngoài ra, những con chip Bay Trail-T dành cho máy tính bảng, cụ thể là Atom Z3000 series còn được trang bị các kết nối không dây như WiFi, Bluetooth 4.0, 3G/LTE, GPU đồ họa HD Graphics nên đây được Intel gọi là SoC - chip xử lý tất cả trong một đúng nghĩa. Tuy vậy, Atom Bay Trail nói chung và T100 vẫn còn những nhược điểm nhất định. Ví dụ dù kiến trúc Silvermont hỗ trợ sản xuất chip 64 bit, nhưng Atom Z3740 trên Asus T100 vẫn chỉ là chip 32 bit mà thôi, tức là không hỗ trợ cài đặt Windows 64 bit lẫn chạy các phần mềm 64 bit.
Ngoài ra vì chạy Windows 32 bit nên Connected Standby Mode không hoạt động, đây là chức năng chỉ được hỗ trợ trên chip 64 bit và HĐH 64 bit, hỗ trợ máy vẫn giữ kết nối mạng khi sleep để push mail, nhận notification. Điểm cuối cùng, Atom Z3000 series hiện tại chỉ hỗ trợ độ phân giải tối đa 2560 x 1600 pixel, tức là chúng ta không quay phim 4K hoặc chơi phim 4K được giống các máy dùng chip Snapdragon 800 của Qualcomm.
Asus công bố T100 có thể sử dụng tối đa 11 giờ khi bình thường và xem phim từ 8-9 giờ. Theo thử nghiệm, mình để máy độ sáng 70% và xem phim online từ Youtube được 3,5 giờ thì máy hết khoảng 50% pin, như vậy có thể thấy T100 có khả năng sử dụng khoảng 7 giờ nếu dùng để xem phim với WiFi kết nối để tải dữ liệu liên tục.
Mời xem lại video Trên tay Asus Transformer T100 ở đây.