[Mỗi tuần 1 phát minh] 9 phát minh đáng chú ý cho xe đạp năm 2013
Bên cạnh những phát minh đã có từ lâu với lịch sử hình thành lâu đời thì cuộc sống hiện đại ngày nay cũng có không ít những phát minh mới bổ sung cho những gì mà phát minh cũ còn thiếu. Chuyên mục mỗi tuần 1 phát minh hôm nay sẽ giới thiệu đến các bạn 9 phát minh, cải tiến đáng chú ý trong năm 2013 dành cho xe đạp. Mặc dù thiết kế và cấu tạo của chiếc xe đạp đã trở thành một chuẩn mực và ít thay đổi tính đến nay nhưng không gian trống dành cho những phát minh liên quan đến loại phương tiện di chuyển xanh này vẫn còn rất nhiều.
Tăng tốc cho xe đạp?
Đã gọi là xe đạp thì chắc chắn nó phải được vận hành bằng đôi chân, bằng sức người. Vì vậy những phát minh liên quan đến xe đạp điện sẽ không được nhắc đến trong bài này. Tuy nhiên, vẫn có 1 thứ giúp người đạp xe đỡ mất sức trong khi vẫn giữ được bản chất truyền thống của xe đạp. Thiết bị này có tên gọi Rubbee.
Nó được gắn trên trục giữa yên xe và tích hợp một con lăn bằng nhựa PU (Polyurethane). Cánh tay đòn giống giảm xóc sẽ giúp con lăn duy trì tiếp xúc với bánh xe sau. Bên trong Rubbee là một gói pin 14,4 V - 280 Wh có thể được sạc đầy trong vòng 2 giờ. Nói đến đây thì có thể các bạn đã hình dung được công dụng của Rubbee. Khi cần tăng tốc, tăng lực đạp mà không tốn nhiều sức, bạn chỉ việc hạ con lăn xuống cho nó ma sát với lốp. Ở chế độ Motor Only, Rubbee có thể giúp xe đạt tốc độ 25 km/h và duy trì trong cự ly trung bình 25 km. Công suất tối đa của Rubbee là 800 W và trọng lượng của thiết bị khoảng 6,5 kg. Người lái có thể điều chỉnh công suất đầu ra của mô-tơ trên Rubbee bằng một tay ga lắp trên tay lái.
Rubbee là một sản phẩm được gây quỹ từ Kickstarter và phải đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm 2014 thì loạt sản phẩm đầu tiên mới được chuyển đến tay người dùng đặt trước. Giá cho thiết bị tăng tốc này là 1190 USD.
Tay lái tích hợp các loại đèn
Chắc chẳn bạn vẫn còn nhớ tới chiếc đèn con cóc dùng dynamo để chiếu sáng khi bạn đi xe đạp ban đêm. Quy tắc hoạt động của nó rất đơn giản, càng đạp thì càng sáng. Thế nhưng từ thiết kế đèn kiểu dynamo, công nghệ chiếu sáng cho xe đạp đã được cải tiến rất nhiều và mới đây nhất là Helios Bars - tay lái tích hợp đèn pha và đèn tín hiệu.
Chính giữa tay lái được bố trí một chiếc đèn Cree LED độ sáng 500 lumen. 2 điểm cuối của tay lái được tích hợp đèn LED RGB nhiều màu đóng vai trò là đèn hậu, đèn tín hiệu. Mỗi bên tay lái đều có nút để kích hoạt đèn tín hiệu và khi mở, đèn sẽ nhấp nháy trong vòng 5 giây như tín hiệu xin rẽ. Bạn có thể tùy chỉnh màu đèn bằng một ứng dụng trên iOS kết nối qua Bluetooth 4.0 hoặc kích hoạt chế độ Visual Speedometer để đèn đổi màu tùy theo vận tốc xe khi di chuyển. Ngoài ra, ứng dụng này cũng có tính năng tiệm cận, tức là khi bạn ngồi lên xe, với sự hiện diện của chiếc điện thoại thì cả 3 đèn sẽ tự động bật sáng và ngược lại khi bạn rời khỏi xe, chúng sẽ tự tắt.
Không chỉ đèn, Helios Bars còn tích hợp GPS và cùng với điện thoại, bạn có thể sử dụng tính năng dẫn đường, tìm xe khi bị mất qua Googles Maps và các đèn tín hiệu cũng dựa vào lộ trình để tự sáng bên trái hay bên phải tương ứng với hướng rẽ.
Helios Bars dùng pin Li-ion, cho phép sử dụng trong tối đa 7 giờ sau mỗi lần sạc. Đây cũng là một sản phẩm từ Kickstarter và những người tài trợ cho dự án từ 150 USD trở lên sẽ được gởi tặng 2 chiếc tay lái với 2 màu trắng/đen khi sản phẩm được sản xuất. Hiện tại trên trang Helios đã cho phép đặt hàng và tùy chọn sản phẩm cùng giá.
Mũ bảo hiểm thông minh:
Đây là một sản phẩm có tên gọi SMART do LifeBEAM - công ty có trụ sở tại Tel Aviv, Israel phát triển.
LifeBEAM trước đó đã tạo ra một nền tảng cảm biến thu nhỏ có tên Quantum, được dùng cho mũ bảo hiểm của phi công máy bay chiến đấu. Được phát triển hợp tác cùng không lực Israel, Quantum có thể giám sát nhịp tim, huyết áp và độ bão hòa oxy trong máu của phi công khi đang bay. Ngoài ra, nền tảng này còn có thể phát hiện các điều kiện đe dọa đến tính mạng như sự giảm oxy huyết.
Khai thác một số đặc tính của Quantum, mũ bảo hiểm SMART được tích hợp một cảm biến quang học đặt bên trong phần trước của mũ và tiếp xúc nhẹ nhàng với trán người đeo. Cảm biến này có thể đo các xung nhịp của người đeo và dữ liệu thô sẽ được truyền đến vi xử lý đặt sau mũ.
Hệ thống xử lý gồm một gia tốc kế 3 trục, giúp phân biệt giữa dữ liệu nhịp tim thật và nhịp giả tạo gây ra bởi chuyển động. Dữ liệu sau khi được xử lý sẽ được gởi ngay lập tức qua Bluetooth 4.0 hay ANT+ đến smartphone, đồng hồ thông minh hay máy tính nhỏ đặt trên xe để hiển thị thông số theo thời gian thực.
Toàn bộ hệ thống xử lý và cảm biến có trọng lượng chỉ 50 g và có thể hoạt động liên tục trong 15 giờ bằng nguồn pin Li-ion sau mỗi lần sạc đầy. Một điều đáng chú ý là LifeBEAM có thể tích hợp hệ thống vào nhiều loại mũ bảo hiểm khác nhau. Hiện tại, họ đang khai thác dòng mũ bảo hiểm Lazer Sport GENESIS để tích hợp sẵn. SMART là dự án đang được gây quỹ trên Indiegogo và người tài trợ từ 149 USD trở lên sẽ nhận được một chiếc mũ bảo hiểm tích hợp SMART.
Giảm xóc thông minh:
Giảm xóc hay phuộc nhún là một bộ phận thường thấy trên những chiếc xe đạp địa hình. Người chơi loại xe đạp này cần phải biết điều chỉnh độ cứng/mềm của giảm xóc. Nếu quá cứng, bánh xe sẽ nẩy cao mỗi khi vượt qua một mô đất hay địa hình xấu và ngược lại nếu quá mềm, giảm xóc sẽ lún sâu. Khi đối mặt với địa hình phức tạp, người lái cũng khó có thể tự điều chỉnh giảm xóc ngay lập tức. Vì vậy, Magura - một công ty chuyên sản xuất đồ chơi cho xe đạp đã giới thiệu một hệ thống giảm xóc điện tử tự điều chỉnh có tên gọi eLECT.
Hệ thống này chỉ là một mô-đun nhỏ gọn, có thể lắp thay thế cho núm xoay và nút điều chỉnh độ cứng/mềm của các giảm xóc Magura TS6/TS8 R. Mô-đun eLECT mặc dù gọn nhẹ nhưng được tích hợp cả một hệ thống gồm vi xử lý, mô-tơ servo, gia tốc kế 3D, pin Li-ion và một cổng microUSB để sạc pin (hình trên).
Gia tốc kế không chỉ có thể phát hiện khi nào bánh xe vấp phải mô đất mà còn đo được kích thước của nó. Trong chỉ vài mili giây, mô-đun sẽ phản hồi bằng cách thay đổi độ cứng của giảm xóc tương ứng thông qua một đĩa đệm xoay, tác động đến piston nén bên trong. Khi đổ đèo, hệ thống cũng tự nhận biết khi nào xe sẽ rơi tự do, qua đó mở giảm xóc để tiếp đất nhẹ nhàng.
Nếu không thích vận hành tự động, người lái có thể chuyển sang chế độ điều khiển tay qua một thanh điều khiển lắp trên tay lái kết nối với eLECT bằng Bluetooth. Hệ thống có thể hoạt động liên tục trong 40 giờ ở chế độ tự động và 60 giờ ở chế độ điều khiển tay. Nếu hết pin trong khi xe đang vận hành, hệ thống sẽ trả về chế độ thiết lập mặc định. Sản phẩm này có giá khoảng 882 USD.
Xe đạp xịn, sợ mất?
Một giải pháp khá thông minh dành cho những ai sợ mất nhưng lại lười khóa xe. Lock8 là một thiết bị khóa xe thông minh với hệ thống cảnh báo bằng âm thanh và thông qua smartphone. Nếu có ai cố tình đánh cắp chiếc xe thì bạn có thể theo dõi vị trí của chiếc xe qua bản đồ.
Lock8 được lắp đặt trên khung sườn gần mặt trái của bánh sau, bên ngoài được phủ một lớp cao su để bảo vệ cạp quần của người ngồi. Thiết bị cũng đi kèm một sợi cáp thép bọc su bên ngoài để bạn khóa bánh xe và 2 đầu cáp sẽ được đưa vào ổ khóa Lock8. Bạn không cần dùng chìa khóa mà thay vào đó là một ứng dụng trên điện thoại giao tiếp qua Bluetooth.
Nếu bạn vội đi và quên kích hoạt khóa, Lock8 sẽ tự động khóa lại một khi điện thoại ra ngoài tầm kết nối Bluetooth. Trong trường hợp điện thoại hết pin, bạn vẫn có thể mở khóa bằng một thẻ Bluetooth đi kèm.
Về phần sợi cáp thép, nó luôn duy trì một dòng điện thấp, cho phép ổ khóa biết được khi sợi cáp bị cắt và mạch điện bị ngắt. Về phần ổ khóa, gia tốc kế và con quay hồi chuyển trên Lock8 sẽ nhận biết di chuyển của xe đạp và một cảm biến nhiệt độ sẽ nhận biết sự hiện diện của các thiết bị hàn xì phá khóa. Trong mọi trường hợp, âm thanh cảnh báo chói tai sẽ phát ra đồng thời tin nhắn thông báo sẽ được gởi đến điện thoại người dùng.
Vậy ngộ nhỡ tên trộm "bê nguyên con" thì sao? Nếu ổ khóa vẫn không bị tháo ra khỏi xe, chip GPS sẽ liên tục gởi dữ liệu vị trí của xe để bạn có thể theo dõi và phản ứng kịp thời. Ngoài ra, GPS cũng cho phép bạn chia sẻ vị trí của phương tiện với những ai được thiết lập tin tưởng (Trusted). Họ cũng có thể mượn xe của bạn bằng việc sử dụng một chìa khóa điện tử được gởi đến điện thoại của họ từ bạn.
Pin của Lock8 có thể được kiểm tra qua ứng dụng và được sạc lại qua USB hoặc chỉ đơn giản là khi bạn đạp xe bằng công nghệ cảm ứng điện từ. Các nam châm được gắn trên nan bánh xe sẽ tạo ra một dòng điện khi bánh sau quay. Lock8 là một dự án được gây quỹ từ Kickstarter và những ai tài trợ từ 111 USD sẽ được tặng 1 chiếc khi sản phẩm được thương mại hóa.
Đạp chân + quay tay:
Quay tay đúng nghĩa chứ không phải chuyện kia nhé . Ngoài việc đạp xe bằng 2 chân thì bạn có thể sử dụng 2 tay của mình để tăng sức mạnh cho xe. Chiếc xe đạp độc đáo này có tên gọi Varibike. Ngoài bàn đạp truyền thống thì Varibike có tay lái dạng tay quay. Động lực từ tay quay được truyền xuống hệ thống truyền động chính qua dây cu-roa bằng cao su. Thiết kế truyền động này cho phép người điều khiển có thể chỉ quay tay, chỉ đạp chân hoặc kết hợp cả 2.
Bên cạnh tay quay, Varibike cũng được trang bị tay lái nhỏ để người lái chuyển tư thế và điều khiển tốt hơn khi vào góc rẽ. Nếu vẫn dùng tay quay để vào cua thì hơi khó một chút nhưng nhà sản xuất Varibiek cho biết người dùng sẽ dễ dàng làm quen với thao tác này.
Varibike có 2 phiên bản, phiên bản FR2 với khung sườn nhôm, líp Shimano XT ở sau, yên Ritchey Pro V2, lốp BigApple 28 x 2.00 có giá khoảng 5350 USD. Phiên bản FR3 với nhiều tùy chọn hơn được bán với giá 6019 USD.
Nan giảm xóc:
Hầu như chỉ có xe đạp địa hình mới được trang bị giảm xóc vậy làm sao có thể tích hợp tất cả các mục đích vào 1 thiết kế duy nhất? Sam Pearce - nhà thiết kế công nghiệp đến từ Anh đã tạo ra Loopwheels - bánh xe có thể hấp thụ chấn động mà không cần đến giảm xóc trước/sau.
Mỗi bánh xe Loopwheels có kích thước 20", sử dụng moayơ, líp và bố thắng thông thường. Tuy nhiên, thay vì có các nan, 3 chiếc lo xo cuộn tròn bằng carbon composite sẽ kết nối giữa moayơ và vành bánh xe. Khi bánh xe vấp phải vật cản trên đường, năng lượng sẽ được hấp thụ bởi các lò xo.
Bánh xe vẫn giữ nguyên hình dạng tròn nhưng moayơ sẽ tạm thời hạ xuống theo hướng tác động, rời khỏi vị trí trung tâm cho đến khi lò xo trở lại trạng thái ban đầu. Vì lý do này, Loopwheels chỉ có thể sử dụng với những chiếc xe có đủ khoảng trống giữa khung sườn và lốp xe.
Bánh trước và bánh sau được thiết kế khác nhau và bánh trước có phần phức tạp hơn bởi nó cần phải giữ cho bánh xe không bị vẹo khi vấp phải vật cản và nẩy lên. Thêm nữa, phần lớn người đạp xe đều dồn trọng tâm lên 2 tay lái, đè xuống bánh trước.
Mỗi bánh Loopwheels chỉ năng hơn bánh xe thông thường khoảng 300 g. Theo Pearce, một ưu điểm của Loopwheels so với hệ thống giảm xóc thông thường là nó có thể hấp thu chấn động không chỉ từ bên dưới mà còn cả bên trên và phía trước (có thể xảy ra khi đạp xe lên bậc dốc). Loopwheels hiện đang được gây quỹ trên Kickstarter và nếu bạn tài trợ 297 USD, bạn sẽ được tặng bánh trước (có thể dùng với bánh sau thông thường) và nếu tài trợ 640 USD, bạn sẽ có cả 2 bánh trước và sau.
Thiết bị dẫn đường "đầu búa":
Thông thường để sử dụng tính năng dẫn đường khi đi xe đạp thì bạn sẽ phải lắp chiếc điện thoại hay bộ định vị GPS lên tay lái. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hay nhất bởi khi đạp xe thì màn hình sẽ bị rung lắc nhiều, chưa kể là những nguy hiểm khi bạn cứ phải liếc nhìn màn hình bên dưới, mất tập trung với con đường phía trước. Thêm nữa, nếu cứ để màn hình luôn sáng thì thiết bị sẽ rất nhanh hết pin. Vì vậy, giải pháp được đặt ra là Hammerhead - một thiết bị gợi ý đường đi nhỏ gọn, chống nước, chống sốc, lắp trên tay lái và hiển thị bằng đèn LED.
Để sử dụng, người lái bắt đầu với một ứng dụng trên iOS hoặc Android để thiết lập điểm đến và các tùy chọn lái xe. Ứng dụng sẽ phản hồi với các lộ trình được gợi ý hoặc người dùng có thể tự thiết lập lộ trình. Dữ liệu bản đồ mà Hammerhead sử dụng là Google Maps và OpenCycleMap.
Sau khi thiết lập xong, người dùng chỉ việc cất điện thoại vào một nơi an toàn như trong túi hoặc balo và điện thoại sẽ giao tiếp với Hammerhead qua kết nối Bluetooth Smart. Khi người dùng bắt đầu đi, các đèn LED trên thiết bị sẽ sáng liên tục để chỉ dẫn cho người lái rẽ trái/phải khi nào và tại đâu. Ngoài ra, đèn LED cũng cho biết khi nào sắp đến chỗ rẽ và hành trình đã đi được bao xa. Theo nhà thiết kế, đèn LED sẽ nằm trong tầm nhìn của người lái, giúp họ luôn thấy được dù ban ngày hay ban đêm mà không cần nhìn xuống.
Các tính năng bổ sung còn có thiết lập la bàn và tích hợp đèn pha. Thiết bị dùng pin Li-Po với thời lượng lên đến 20 giờ sau mỗi lần sạc đầy. Hammerhead là một dự án trên trang gây quỹ Dragon Innovation và những ai tài trợ từ 68 USD sẽ được tặng một cái. Giá bán lẻ dự kiến sẽ trên 100 USD.
Xe đạp lắp ráp bằng gỗ:
Sandwichbike là tên của chiếc xe đạp độc đáo này. Nguyên mẫu đầu tiên của nó đã xuất hiện từ năm 2006 nhưng mãi đến bây giờ thì nhà thiết kế Hà Lan - Basten Leijh mới sản xuất thương mại sản phẩm.
Tất cả những thành phần của xe đều được đóng gói nhỏ gọn trong một chiếc hộp carton và có tổng cộng 52 phần. Để lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh thì bạn sẽ mất khoảng 45 phút nhưng khá là dễ. Theo Sandwich Bike - công ty sản xuất sản phẩm này: "Nếu bạn có thể làm bánh sandwich thì bạn chắc chắn có thể lắp ráp một chiếc xe đạp Sandwichbike."
Mặc dù là xe gỗ nhưng Sandwichbike vẫn có các chi tiết bằng kim loại để đảm bảo độ bền cơ học. Khung sườn xe bằng gỗ được nối với nhau bởi các xy-lanh bằng nhôm, dây xích bằng thép không ghỉ, nan bánh xe bằng thép 14GB, lốp Schwalbe 26" Big Apple và thắng Shimano.
Chiếc xe hoàn thiện có trọng lượng khoảng 17 kg, kích thước 175 x 62 x 95 cm và theo công ty, những người cao từ 1,6 m đến 2 m vẫn có thể điều khiển xe thoải mái. Giá của Sandwichbike khoảng 1087 USD và được trước bán tại châu Âu vào ngày 1 tháng 12 vừa qua. Sản phẩm sẽ được phát hành toàn cầu kể từ tháng 1 năm sau.