Những tuỳ chỉnh vui vẻ với LG G Pad 8.3
Có một số điểm hạn chế tồn tại làm cho người dùng cảm thấy khó chịu trong quá trình sử dụng chiếc máy tính bảng LG G Pad. Đơn cử như đối với bản thân mình thì đó là việc 3 phím cảm ứng luôn xuất hiện, nếu dùng máy ở tư thế đứng thì không sao, nhưng khi xoay ngang ra để chơi games hay coi film thì nó chiếm 1 phần diện tích kha khá trên màn hình. Chính vì thế phải nghĩ cách dọn dẹp cái khu vực phím cảm ứng này và thay bằng giải pháp khác. Dưới đây là cách mình đã làm trên chiếc LG G Pad của mình, sau khi đã vọc thì máy dùng cũng khá tốt, ổn định và sử dụng hàng ngày bình thường.
1 - Cài rom cook CyanogenMod để có trải nghiệm tốt hơn
Trước tiên, như hình dưới đây bạn có thể thấy: cụm phím cảm ứng chiếm 1 phần không nhỏ trên màn hình. Giải pháp đầu tiên là root máy rồi tuỳ chỉnh bằng Trickster Mod giống như trong topic Tổng hợp mọi thứ về LG G Pad 8.3 (V500) hướng dẫn. Tuy nhiên, Trickster Mod thì tốn tiền và hiệu quả vẫn không được như mình mong muốn.
Trong khi đó, rom cook CyanogenMod có tính năng Expanded desktop rất là hay, tính năng mở rộng màn hình này sẽ ẩn thanh thông báo, cũng như dàn phím cảm ứng ở dưới đi. Việc rom hỗ trợ giúp cho các phần mềm khác hoạt động ở chế độ fullscreen rất tốt, không có lỗi gì cả. Để cài rom cook thì bạn cần root -> cài recovery mode -> cài cyanogenmod (Tham khảo trong: Tổng hợp mọi thứ về LG G Pad 8.3 (V500)). Chi tiết hơn về tính năng Expanded desktop:
- Với rom CyanogenMod thì nhấn giữ Power để lựa chọn kích hoạt hoặc tắt Expanded desktop
- Sau khi kích hoạt thì status bar và phím cảm ứng sẽ bị ẩn đi
- Vuốt từ cạnh trên hoặc từ cạnh dưới vào màn hình để hiện status bar cũng như phím cảm ứng
- Sau khi vuốt để hiện thì các thành phần này sẽ tự động ẩn đi tiếp sau 1 khoảng thời gian nhất định
- Bạn có thể lựa chọn chỉ ẩn phím cảm ứng, vẫn hiện status bar ở trong setting của tính năng Expanded desktop
Một điểm mình thích ở CyanogenMod đó chính là khả năng cập nhật phiên bản mới khá là nhanh, thông qua OTA.
2 - Phần mềm hỗ trợ: Switchr và Floatification
Switchr là phần mềm hỗ trợ bạn chuyển qua lại giữa các phần mềm rất nhanh, nếu bạn xem video ở đầu bài thì sẽ thấy rõ hơn. Trong khi đó Floatification thì hỗ trợ hiển thị các thông báo. Tìm hiểu thêm về Switchr tại đây: [Android] Chuyển đổi nhanh giữa các ứng dụng bằng Switchr. Về Floatification: Link
3 - Sử dụng Nova Launcher và Lock Screen
LG G Pad với rom gốc thì có tính năng Kock On - Off để tắt mở màn hình. Với rom cook CyanogenMod thì chỉ có tính năng nhấp đúp mở màn hình thôi, còn tính năng nhấp đúp để tắt máy thì không có. Do đó mình sẽ dùng Nova Launcher và gán cho thao tác nhấp đúp màn hình để chạy phần mềm Lock Screen. Khi Lock Screen chạy thì màn hình sẽ tự tắt.
4 - Các phần mềm của LG
LG G Pad được cài sẵn một số phần mềm khá ngon, đặc biệt là Q Pair và QRemote. Các bạn có thể tham khảo link dưới đây để tải về và cài đặt. Rất tiếc là mình thử thì QRemote không chạy được, còn Q Pair thì hoạt động tốt. Có Q Pair là ngon rồi.
Trên đây là một số thứ mình đã thực hiện với chiếc LG G Pad của mình, sau khi đã mod thì máy vẫn chạy khá tốt và ổn định. Đã dùng được 2 tuần mà chưa thấy vấn đề gì cả, ngày ngày vẫn update qua OTA các phiên bản cập nhật mới của CyanogenMod.