[Mỗi tuần 1 phát minh] 10 nhà phát minh bị giết bởi chính sáng chế của
mình
Trong suốt lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều nhà khoa học đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sự phát triển khoa học kỹ thuật và đạt được những thành tựu vĩ đại nhằm giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng đạt được sự thành công. Có những nghiên cứu bị dở dang, không thể áp dụng vào cuộc sống. Có một số phát minh không được công nhận và chìm vào lãng quên. Bên cạnh đó, cũng có những nhà phát minh đã phải hy sinh bởi chính phát minh do mình tạo ra.
Chuyên mục "mỗi tuần 1 phát minh" tuần này sẽ điểm lại 10 kết cục bi thảm của các nhà phát minh do thất bại trong quá trình thử nghiệm và vận hành sản phẩm của mình. Qua đó, chúng ta phần nào nhận ra để tạo nên một phát minh vĩ đại trước đó chưa từng có không phải là một chuyện dễ dàng. Có thể cho rằng bản chất của phát minh chính là đẩy các giới hạn trước đó lên một tầm cao mới để biến điều không thể thành có thể. Đôi khi những sáng chế mang tính cách mạng luôn phải đánh đổi không những bằng công sức mà có khi còn bằng cả chính tính mạng của con người.
1. Henry Smolinski (?-1973)
Henry Smolinski là một kỹ sư được đào tạo tại công ty hãng không vũ trụ và khoa học quốc phòng Northrop, Mỹ. Sau khi rời Northrop, ông sáng lập nên công ty Advanced Vehicle Engineers nhằm tập trung nghiên cứu thương mại hóa mô hình xe hơi có thể bay được. Vào năm 1973, công ty phát triển 2 mô hình xe bay đầu tiên bằng cách kết hợp cánh máy bay Cessna Skymaster và chiếc Ford Pinto của hãng xe hơi Ford.
Smolinski dự định sẽ bắt đầu sản xuất thương mại và bán lẻ mẫu xe trên vào 1 năm sau đó. Tuy nhiên, vào ngày 11 tháng 9 năm 1973, ông thực hiện 1 chuyến bay thử nghiệm cùng với phi công Harold Blake và cả 2 người đều đã tử nạn trong chuyến bay do 1 thanh chống cánh đột ngột bị rơi ra khỏi xe. Ủy ban an toàn giao thông bấy giờ đã kết luận nguyên nhân của tai nạn là do mối hàn giữa các thanh kim loại và một phần ảnh hưởng của chiếc Pinto.
2. Franz Reichelt (1879–1912)
Franz Reichelt là một nhà phát minh người Áo được sinh ra tại Pháp. Với công việc chính là một thợ may, ông đã dành thời gian rảnh của mình để thiết kế một bộ đồ bay nhảy dù dành cho các phi công. Trong quá trình Reichelt thiết kế ý tưởng của mình, máy bay là một phát minh còn khá mới mẻ với chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright bằng chiếc Kitty Hawk vào năm 1903.
Thời bấy giờ, các kỹ sư vẫn đang nghiên cứu phương pháp giúp phi công có thể thoát ra khi máy bay gặp sự cố. Sau khi thử nghiệm bộ đồ bay nhảy dù với một hình nộm và đạt được thành công ban đầu, ông đã tự mình sử dụng thử nghiệm bằng cách mặc bộ đồ và nhảy từ tầng thấp của tháp Eiffel. Đáng tiếc là ông đã rơi tự do từ độ cao 57 mét xuống mặt đất mà chết ngay lập tức.
3. Horace Lawson Hunley (?-1863)
Horace L. Hunley là một luật sư và là một thành viên của cơ quan lập pháp tiểu bang Louisiana. Hunley đã giúp thiết kế và chế tạo 3 mẫu tàu ngầm cho phe Liên minh phía nam trong suốt cuộc nội chiến Mỹ và cuối cùng, ông đã hi sinh trong quá trình thử nghiệm mẫu tàu thứ 3.
Mẫu tàu ngầm đầu tiên của Hunley được chế tạo tại New Orleans và đã bị cố ý đánh chìm khi thành phố rơi vào tay phe Chính phủ. Chiếc thứ 2 của ông cũng bị đánh chìm tại vịnh Mobile ở Alabama. Ông đã dùng chính tiền của mình để đầu tư chế tạo chiếc tàu ngầm thứ 3 mang tên ông.
Tuy nhiên, trong chuyến hoạt động thử nghiệm lần đầu tiên, ông đã chết khi chiếc tàu bị chìm ngoài khơi vùng biển Charleston, South Carolina.
Phe liên minh đã tiến hành trục vớt chiếc tàu ngầm và thử nghiệm lại cùng với một thủy thủ đoàn mới. Cuộc thử nghiệm sau đó thành công, toàn bộ thủy thủ đoàn vẫn sống sót qua cuộc thử nghiệm và chiếc tàu được sử dụng để có thể đánh chìm các chiến tàu chiến khác.
4. Thomas Midgley Jr (1889-1944)
Thomas Midgley Jr là một nhà hóa học nổi tiếng với các phát minh nhiên liệu giúp động cơ chạy êm "no-knock" (xăng pha chì) và chế tạo khí làm lạnh Freon chlorofluorocarbons (CFCs - khí nhà kính). Tuy nhiên, ông đã bị nhiễm độc chì khi đổ xăng pha chì lên 2 tay và hít bình chứa xăng trong vòng 60 giây trong một cuộc hợp báo để chứng minh cho mọi người thấy rằng loại nhiên liệu của ông là an toàn.
Bên cạnh đó, một giả thuyết đáng tin cậy cũng được đưa ra là ông không chết do nhiễm độc chì mà do một phát minh của ông, hệ thống dây thừng và ròng rọc giúp nâng cơ thể khi ông đang nằm trên giường vì bệnh bại liệt. Ngày 2 tháng 11 năm 1944, ông bị vướng vào dây thừng và bị ngộp thở dẫn đến tử vong do sử dụng chính phát minh của mình.
5. Marie Curie (1867-1934)
Marie Curie là một nhà vật lý và hóa học nổi tiếng với các nghiên cứu phóng xạ mà đặc biệt là phát hiện ra 2 nguyên tố Polonium và Radium. Bà đã được trao 2 giải thưởng Nobel, 1 giải được trao cùng với chồng bà và Henri Becquerel trong lĩnh vực vật lý, giải còn lại thuộc lĩnh vực hóa học. Marie Curie là người đầu tiên nhận được cả 2 giải thưởng Nobel. Cho đến nay, Curie và nhà hóa học Linus Pauling là 2 người duy nhất được trao đến 2 giải Nobel.
Trong nghiên cứu về lý thuyết phóng xạ và bà đã vô tình phát hiện ra được những ảnh hưởng nguy hiểm của chất phóng xạ lên cơ thể con người. Cuối cùng, Marie Curie qua đời ngày 4 tháng 7 năm 1934 bởi chứng thiếu máu do tiếp xúc nhiều với các bức xạ.
6. Jean-François Pilâtre de Rozier
Jean-François Pilâtre de Rozier là người Ý đầu tiên tử nạn hàng không trong khi chiếc khí cầu mang tên ông gặp tai nạn vào ngày 15 tháng 6 năm 1785 lúc ông và cộng sự Pierre Romain thực hiện chuyến bay qua eo biển Manche.
Khí cầu Rozière là loại khí cầu có 2 khoang riêng biệt chứa khí lạnh (Hidro hoặc Heli) và khí nóng. Lợi thế của Rozière là điều khiển độ cao sử dụng ít nhiên liệu hơn loại khí cầu thông thường cho phép phi hành đoàn thực hiện chuyến bay với thời gian dài có thể lên đến vài tuần.
Chiếc khí cầu Rozière đầu tiên do chính Rozière chế tạo đã thực hiện chuyến bay qua eo biển Manche vào ngày 15 tháng 6 năm 1785. Trong quá trình bay, quả cầu đột ngột bị xì hơi mà không hề có dấu hiệu bắt lửa và bị rơi xuống vùng Wimereux thuộc Pas-de-Calais.
Ngày nay, khí cầu Rozière sử dụng nhiên liệu không bắt lửa là Helium thay vì khí Hidro và được áp dụng để thực hiện những chuyến bay dài ngày.
7. Valerian Abakovsky (1895-1921)
Nhà phát minh người Nga Valerian Abakovsky là người đã nghiên cứu chế tạo động cơ xe lửa tốc độ cao Aerowagon. Trong một cuộc thử nghiệm, chiếc tàu đã trật đường rây khiến chính ông cùng 5 người khác tử nạn. Aerowagon được trang bị động cơ và cánh quạt của máy bay, dự định sẽ sử dụng để chuyên chở các quan chức Liên Xô tới Moscow.
Chiếc tàu của Abakovsky đã thực hiện tốt quá trình thử nghiệm trong lượt đi, tuy nhiên trong lượt về, nó đã gặp tai nạn khi về tới gần thành phố thủ đô. Khi xảy ra vụ tai nạn, Abakovsky chỉ mới có 26 tuổi.
8. Max Valier (1895–1930)
Nhà phát minh Max Valier là người đã phát minh ra động cơ phản lực nhiên liệu lỏng khi đang làm việc tại cơ quan nghiên cứu tên lửa Verein für Raumschiffahrt (VFR) thuộc Đức vào những năm 1920.
Năm 1928 và 1929, ông làm việc cùng với Fritz von Opel trên một số động cơ tên lửa trên xe hơi và máy bay. Vào cuối những năm 1920, VFR bắt đầu tập trung nghiên cứu phát triển tên lửa nhiên liệu lỏng. Ngày 25 tháng 1 năm 1930, nhóm nghiên cứu đã thực hiện bắn thử thành công quả tên lửa nhiên liệu lỏng (5 phút) tại nhà máy Heylandt.
Đến 19 tháng 4 năm 1930, lần đầu tiên Valier cho chạy thử nghiệm chiếc xe Valier-Heylandt Rak 7 - xe phản lưc sử dụng nhiên liệu lỏng. Không may là vài tháng sau, trong một cuộc chạy thử nghiệm khác tại Berlin, Valier đã tử nạn ngay trên băng ghế trong xe khi động cơ nhiên liệu cồn đột ngột phát nổ.
Sau này, học trò của Valier là Arthur Rudolph tiếp tục nghiên cứu của ông và đã cải tiến thành công động cơ phản lực nhiên liệu lỏng có độ an toàn cao hơn phiên bản ban đầu.
9. William Bullock (1813-1867)
William Bullock là cha đẻ của ngành công nghiệp in với phát minh máy in trục lô giúp thời gian in nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặt nền móng cho công nghệ in ấn hiện đại. Ông cũng thiệt mạng bởi chính phát minh của mình gây ra.
Vào ngày 3 tháng 4 năm 1867, trong khi đang điều chỉnh chiếc máy in mới của mình được lắp đặt cho tờ báo Philadelphia Public Ledger, Bullock đã cố đạp một sợi dây cua ro ăn khớp vào ròng rọc. Hậu quả là chân của ông đã bị nghiền nát khi vướng vào trục quay của máy. Vài ngày sau đó, vết thương phát triển nhanh chóng dẫn đến hoại tử. Đến ngày 12 tháng 4 năm 1867, Bullock đã qua đời trong ca phẫu thuật cắt bỏ chân.
10. Aurel Vlaicu (1882-1913)
Aurel Vlaicu là người chế tạo chiếc máy bay bằng sắt đầu tiên trên thế giới. Ông đã thiệt mạng khi thực hiện chuyến bay qua ngọn núi Carpathian bằng chiếc máy bay hình mũi tên Vlaicu II vào 13 tháng 9 năm 1913.
Vào mùa thu năm 1910, Vlaicu bắt đầu thiết kế máy bay mới và phát triển trường Nghệ thuật và chuyên môn dưới sự giúp đỡ của Spiru Haret. Ông đặt tên cho mẫu máy bay mới là Vlaicu 2 và thực hiện chuyến bay tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội văn học và văn hóa Rumania.
Sau đó, Vlaicu tham gia chuyến lưu diễn hàng không qua Sibiu, Brasov, Iasi và một số nơi khác. Bấy giờ, chiếc Vlaicu 2 có thể bay ở độ cao 1000 mét, vận tốc đạt 90 km/h và thực hiện được các pha nhào lộn trên không.