Bộ quốc phòng Mỹ phát triển hệ thống chuyển đổi trực thăng có người lái
thành không người lái
Trực thăng Kaman K-Max K-1200.
Bộ quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang phát triển một hệ thống để chuyển đổi mọi máy bay trực thăng có người lái thành không người lái điều khiển từ xa. Trong những thử nghiệm đầu tiên, bộ đôi trực thăng vận tải Kaman K-Max K-1200 phiên bản không người lái đã chứng minh khả năng tiếp tế cho các căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan.
Hệ thống của bộ quốc phòng Mỹ có tên gọi Autonomous Aerial Cargo/Utility System (ACCUS) - tạm dịch là hệ thống vận tải hàng hóa/tiện ích trên không tự động. Hệ thống này kết hợp giữa các bộ phần cứng và phần mềm để khai thác một loạt các cảm biến quan sát gồm cảm biến quang điện tử, hồng ngoại và LIDAR để bổ sung thông tin tầm nhìn cho camera quang học tích hợp trên máy bay. Giống như một phiên bản quân sự hóa của dịch vụ mua hàng Google Shopping Express, binh lính có thể dễ dàng lập trình đường bay cho trực thăng từ một ứng dụng trên máy tính bảng. Dựa trên chuyến bay thử nghiệm được thực hiện vào tháng trước ở Quantico, Virginia, hệ thống được cho là sẽ mất 15 phút để "học" đường bay.
Phát biểu trước Defense One, thiếu tướng hải quân Matthew Klunder, giám đốc văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ (ONR) chia sẻ: "Tôi đứng ngay bên cạnh một binh nhất 20 tuổi. Tôi nhấn vào một nút trên màn hình và nó thật sự là một ứng dụng đơn giản. Thẳng thắn mà nói bạn thậm chí không cần đến ứng dụng."
Thay vì đưa các phi công vào tình thế nguy hiểm khi phải vận chuyển nhu yếu phẩm cho các binh sĩ tại tiền tuyến, hệ thống ACCUS sẽ kiểm soát hoạt động bay bao gồm dẫn đường cho máy bay vượt qua các điều kiện thời tiết bất lợi cũng như né tránh hỏa lực địch.
Theo giải thích của ONR, các nền tảng máy bay trong tương lai và hiện tại sẽ có thể khai thác hệ thống ACCUS: "Nhờ kiến trúc mở để tiếp cận dữ liệu kế hoạch nhiệm vụ, công nghệ ACCUS sẽ là một nền tảng và có thể được chuyển giao đến các hệ thống vận tải trên không không người lái (CUAS) hiện tại và trong tương lai. Những phương tiện bay CUAS khai thác công nghệ ACCUS sẽ nhanh chóng phản hồi với những yêu cầu tiếp tế trong mọi điều kiện thời tiết, có thể cất cánh từ biển và đất liền, bay cao trong các môi trường nóng, và tự động phát hiện cũng như điều chỉnh chính xác khu vực hạ cánh trước các mối đe dọa tiềm tàng. Những nhiệm vụ như vậy sẽ đòi hỏi khả năng né tránh chướng ngại vật và các mối nguy hiểm hiệu quả, cũng như tính cơ động trong giai đoạn hạ độ cao - hạ cánh."
Từ lần bay thử thành công hồi tháng trước, chương trình ACCUS giờ đây chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 2. Mặc dù vẫn chưa rõ khi nào hệ thống có thể được triển khai trên chiến trường nhưng các nhà nghiên cứu ONR đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ để tiếp tế hàng hóa nhân đạo và cứu trợ cho các khu vực thiên tai.