Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Cách Apple tính toán số tiền 2,19 tỷ đô la yêu cầu Samsung phải trả cho cáo buộc vi phạm bản quyền

AppleSamsungRuling_610x426.

Nhằm xác định giá trị của riêng mảng phần mềm trong vụ kiện giữa AppleSamsung, một chuyên gia từ phía Apple đã thực hiện khảo sát gần 1000 người dùng thông qua bảng câu hỏi về những tính năng mà họ sẽ chi tiền khi quyết định mua smartphone hoặc tablet mới. Sau đó, một chuyên gia khác đã ước tính số tiền mà Samsung sẽ phải bồi thường cho Apple dựa trên kết quả thu thập từ phía người dùng kết hợp với số lượng thiết bị mà Samsung đã bán ra tại Mỹ từ năm 2011.

Theo đó, con số thiệt hại của Apple cho tới thời điểm này là 2,191 tỷ đô la. Số tiền này được ước tính bởi Christopher Vellturo, cử nhân từng tốt nghiệp tại học viện công nghệ Massachusetts và đã làm việc tại một văn phòng tư vấn giải pháp kinh tế lượng trong suốt 12 năm qua. Vellturo, 1 trong 15 người đại diện cho Apple trong vụ kiện và cũng là người làm chứng tại phiên tòa mới đây, đã phát biểu rằng các con số đền bù trên được ước tính dựa trên hơn 37 triệu điện thoại và máy tính bảng của Samsung đã được bán ra tại Mỹ từ tháng 8 năm 2011 cho đến tháng 12 năm 2013.

Trong phiên tòa, Vellturo cho biết: "Đó là khoảng thời gian mà thị trường bắt đầu vực dậy với những thay đổi và tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là nhiều người bắt đầu có dự định sẽ mua smartphone. Do đó, nó cũng là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng trong việc vi phạm của Samsung."

Dù không phải tất cả các mẫu điện thoại và máy tính bảng này đều được Samsung phát hành vào cùng một lúc. Một số sản phẩm đã được phát hành sau vụ kiện đầu tiên hồi tháng 2 năm 2012 như Galaxy S3, vốn được phát hành sau đó vài tháng cũng được Appe tính vào vụ kiện. Trong lời khai của mình, Vellturo cũng đã lưu ý rằng tất cả các sản phẩm có vi phạm bằng sáng chế "quick links" của Apple (chức năng chuyển các thông tin như địa chỉ, số điện thoại, và địa chỉ email thành một đường dẫn đến các ứng dụng có liên quan khi người dùng nhấn vào) đều được tính vào trong vụ kiện hồi tháng 8 năm 2011.

Vellturo cho biết con số thiệt hại cần đền bù 2,191 tỷ đô la mà Apple yêu cầu là kết quả nghiên cứu với thời gian từ 4000 đến 5000 giờ. Nó bao gồm chi phí phân tích thị trường và cả khoảng chi phí khổng lồ cho các văn bản. Dù vậy số tiền này vẫn ít hơn so với con số 2,75 tỷ đô la mà Apple đã đòi trong phiên tòa tương tự cách đây 2 năm.

Các tính năng phần mềm mà Apple mang tới vụ kiện

Trong khoảng thời gian này, các phiên tòa chỉ làm việc những bằng sáng chế về tính năng phần mềm. Do đó, Apple đã thuê các chuyên gia bên ngoài nhằm giúp họ xác định mức giá bồi thường dựa trên người dùng. Chuyên gia John Hauser đã thực hiện 2 cuộc điều tra: thăm dò 507 người dùng về smartphone và 459 người dùng về tablet.

Cách đây 2 năm, John Hauser đã từng xuất hiện chỉ vài phút dưới vai trò người làm chứng trong 1 phiên tòa hồi năm 2012. Tuy nhiên hiện nay, Apple đã trao cho John Hauser nhiều thời gian hơn để ông có thể giải thích phương pháp điều tra trực tuyến của mình. Đây là cách mà Apple đã sử dụng để định lượng giá trị của 5 bằng sáng chế mà họ cáo buộc Samsung đã sao chép. Được biết, Hauser từng là nhân chứng chuyên gia trong hơn 50 vụ kiện khác diễn ra trước đây.

Từ kết quả từ cuộc thăm dò của mình, Hauser cho biết người dùng sẽ sẵn sàng chi trả số tiền từ 32 đến 102 đô la tại bất cứ đâu cho các chức năng tìm kiếm tổng hợp, tự động điều chỉnh từ và trượt để mở khóa. Những con số này còn được xác định một phần dựa trên 1 khảo sát khác. Theo đó, người dùng cho biết họ sẽ chọn mua 1 điện thoại hoặc tablet dựa trên sở thích của họ về kích cỡ màn hình, mức giá và các tính năng phần mềm. Hauser cho biết thêm rằng khoảng chi phí trên còn có thể được xem như chi phí dài hạn của hợp đồng sử dụng mạng di động từ 12 đến 24 tháng.

Hauser đã nói với luật sư của Samsung rằng: "Khi tôi mua 1 chiếc điện thoại di động... Tôi sẽ sử dụng chiếc điện thoại đó từ 12 đến 24 tháng. Và tôi sẽ luôn quan tâm đến các tính năng phần mềm của nó."

Hauser cho biết thêm phương pháp thăm dò của mình được gọi là "thăm dò kết hợp" (một bảng câu hỏi nhằm xác định các nhu cầu cụ thể) đã được sử dụng từ những năm 1970. Một phần trong quá trình thăm dò còn có những câu hỏi phân tâm, nhằm tăng độ chính xác cho các câu hỏi chính nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng cuộc điều tra, tránh người dùng trả lời những câu hỏi trái với suy nghĩ của mình. Trong cuộc điều tra của mình, Hauser đã dùng 21 câu hỏi gây nhiễu về các tính năng khác của điện thoại như các chế độ chụp ảnh đặc biệt, nhiều lựa chọn kích thước màn hình, gọi điện thoại 3 chiều,...

Hauser cho biết thêm rằng loại thăm dò kết hợp cũng như các câu hỏi phân tâm thường được dùng trong nghiên cứu khách hàng của ngành công nghiệp xe hơi. Đây được xem như câu trả lời từ phía Apple cho lập luận của Samsung rằng mức bồi thường của Apple đưa ra là quá lớn và chỉ là một vài trong số rất nhiều tính năng của 1 sản phẩm.

san_pham_co_lien_quan_toi_vu_kien_apple_samsung.

Trong phiên tòa sắp tới, Apple cho biết sẽ yêu cầu một khoảng bồi thường từ 33 đến 40 đô la trên mỗi thiết bị đã vi phạm 5 bằng sáng chế của Apple. Tổng số tiền bồi thường sẽ được tính cho tất cả 37 triệu sản phẩm mà Samsung đã bán ra kể từ năm 2011. So với Samsung, họ chỉ yêu cầu con số bồi thường là 6,9 triệu đô la.

Apple hiện đang lên một bảng kế hoạch chi tiết về việc trình bày các luận điểm của mình về 3 trong số 5 bằng sáng chế bị cho là vi phạm trong phiên tòa tiếp theo. Một trong số 3 bằng sáng chế này là "quick link" với mã số 647. Đây là chức năng chuyển các thông tin như địa chỉ, số điện thoại, và địa chỉ email thành một đường dẫn đến các ứng dụng có liên quan khi người dùng nhấn vào. Apple đã từng sử dụng bằng sáng chế tương tự khi kiện HTC hồi năm 2010 và kết quả đã nghiên về phía Apple hồi cuối năm 2012. Dù vậy, chúng ta không thể đưa ra kết quả tương tự đối với vụ kiện lần này với Samsung. Tất cả kết quả chung cuộc của vụ kiện rồi sẽ được công bố trong một thời điểm nào đó trong tương lai.

Theo TheVerge