Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Các nhà nghiên cứu tái tạo thành công tuyến ức trên chuột

tuyến-ức.

Nhóm các nhà nghiên cứu tại đại học Edinburgh đã vừa đạt được một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực y học tái tạo khi lần đầu tiên tái tạo thành công một cơ quan sống trên chuột bằng DNA. Cơ quan được tái tạo là tuyến ức vốn nằm cạnh tim và là một phần của hệ miễn dịch. Trên người, cơ quan này phát triển hoàn chỉnh từ rất sớm và tiếp tục phát triển chậm dần cho đến tuổi dậy thì, sau đó nó co lại và giữ kích thước này đến cuối đời. Sự suy giảm tuyến ức do tuổi tác khiến hệ miễn dịch yếu hơn và dễ mắc bệnh.

Trong một nghiên cứu dẫn đầu bởi các giáo sư từ hội đồng nghiên cứu y học (MRC) thuộc trung tâm y học tái tạo tại đại học Edinburgh, nồng độ của một loại protein có tên FOXN1 được tạo ra bởi các tế bào tuyến ức giúp kiểm soát các hoạt động của các gene quan trọng đã tăng lên đáng kể. Qua đó, FOXN1 chỉ dẫn cho các tế bào giống tế bào gốc tái tạo cơ quan trong một con chuột già. Kết quả là trong tuyến ức bắt đầu được tái hình thành một cấu trúc tương tự như những con chuột non với các chức năng của cơ quan được phục hồi và chuột bắt đầu tạo ra nhiều tế bàu máu trắng hơn (tế bào T, đóng vai trò chống lây nhiễm).

Phát hiện trên có thể mở ra những liệu pháp mới để chữa trị cho các bệnh nhân bị tổn thương hệ miễn dịch và mắc phải các triệu chứng di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến ức, chẳng hạn như triệu chứng DiGeorge. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết họ cần phải mở rộng nghiên cứu để đảm bảo rằng quy trình này có thể được kiểm soát chặt chẽ trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.

Tiến sĩ Rob Buckle đứng đầu phòng y học tái tạo thuộc MRC cho biết: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong y học tái tạo là khai thác cơ chế tự phục hồi của cơ thể và áp dụng các cơ chế này theo một cách có kiểm soát để trị bệnh. Nghiên cứu thú vị của đại học Edinburgh gợi ý rằng sự tái tạo của các cơ quan trong một loài động vật có vú có thể được chỉ dẫn bằng việc sử dụng một protein đơn lẻ với tiềm năng tác động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác của sinh học tái tạo."

Nghiên cứu của đại học Edinburgh đã vừa được xuất bản trên tạp chí Development.