Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Quản lý của Google chia sẻ về việc phát triển và tham vọng với dự án điện thoại lắp ghép Ara

modular-motorola-project-ara1.

Vào một ngày đầu tháng Tư, trong tòa nhà hai tầng ở thành phố Massachusetts, một anh chàng mang tên Ara Knaian đang ngồi bên cạnh những nguyên mẫu có thể trở thành chiếc điện thoại dạng module đầu tiên. Trên chiếc bàn dài là 6 bản thử nghiệm của bộ nhớ, pin, vi xử lí, tất cả đều được thiết kế để lắp vào một khung nhôm gọi là "endoskeleton". Ngoài ra còn có sự xuất hiện của một module đèn hồng ngoại cho phép nhìn trong đêm, cùng với đó là bộ phận đọc mức độ oxy trong máu chỉ với một lần quẹt ngón tay. Và nếu bạn thấy tên anh chàng này quen quen thì cũng không có gì lạ bởi dự án smartphone lắp ghép mà Google đang ấp ủ bấy lâu được đặt tên theo chính anh ấy: dự án Ara.

*Ghi chú: Ara Knaian hiện đang là nhà đồng sáng lập của NK Labs, một công ty kĩ thuật điện ở One of the Massachusetts đang hợp tác với Google để xây dựng dự án Ara.

Thực chất thì thiết kế phần cứng dạng module đã từng xuất hiện trước đây, tuy nhiên kết quả cho ra lại là những chiếc điện thoại to, dày và chẳng thể nào thay thế được những mẫu điện thoại mỏng sexy đang xuất hiện ngày một nhiều. Hồi năm 2007, Modu, một công ty khởi nghiệp Israel, phát triển nên chiếc smartphone có thể gắn vào áo khoác để trở thành camera, thiết bị theo dõi hoạt động thể thao hoặc máy nghe nhạc. Ý tưởng này đã thất bại không chỉ vì kết nối độc quyền mà còn bởi thiết kế to kềnh của sản phẩm, trong khi số lượng module nâng cấp lại quá ít. Công ty này đã đóng cửa sau vài năm ra mắt (còn Google thì mua lại các bằng sáng chế của công ty).

Giờ đây, Google nghĩ rằng thiết kế kiểu module sẽ thành công bởi chi phí sản xuất các linh kiện đang giảm, kích thước các bộ phận cũng đang thu nhỏ lại, và hơn hết, thị trường di động trên toàn thế giới đang cần một sự đột phá lớn. Ngoài ra, Google cũng đã nỗ lực để cho các công ty bên thứ ba tiếp cận với dự án của mình nhằm làm phong phú hệ sinh thái phần cứng cho Ara chứ không tự mình làm hết mọi chuyện. Hãng tin rằng tính mở trong phần cứng sẽ giúp họ thành công trong lĩnh vực còn rất mới mẻ này.

eremenkolady.

Paul Eremenko, một cựu sĩ quan từng làm việc chơ cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ quốc phòng Mỹ và hiện đang lãnh đạo dự án Ara, cho biết: "Chúng tôi tin rằng hệ sinh thái smartphone nên và sẽ phát triển tương tự như hệ sinh thái ứng dụng Android, nơi có rào cản để bước vào thị trường thấp, số lượng lập trình viên thì rất đông và sự sáng tạo là không biên giới".

Ngoài ra, hệ sinh thái mà Eremenko tưởng tượng ra phải hoàn toàn mở. Google sẽ cung cấp phần khung endoskeleton với tám khay để lắp các module vào, hai khay khác dùng riêng cho màn hình và các nút nhấn. Người dùng có thể nhanh chóng thay thế, nâng cấp từng bộ phận trong máy của mình mà không phải thay cả thiết bị. Sản phẩm cuối cùng cũng có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau - từ chụp ảnh chuyên nghiệp, thăm dò môi trường cho đến chơi game hay chỉ đơn giản là chụp ảnh tự sướng.

Mới đây Google cũng đã công bố bộ phát triển phần cứng (Module Developers Kit) của dự án Ara để các nhà phát triển có thể bắt tay vào thiết kế các module dành cho mẫu điện thoại này. Bộ kit bao gồm nhiều hướng dẫn về mặt kĩ thuật mô tả kích thước hợp lệ của từng bộ phận, cấu trúc bên trong ra sao cũng như phương thức mà các module sẽ nhận nguồn điện và liên lạc với cả hệ thống. Mỗi bộ phận sẽ có kích thước bằng một số ô vuông đơn vị như bạn có thể nhìn ở hình trên. Ara sẽ có ba kiểu tương ứng với số lượng module: lớn, trung và nhỏ. Trong mỗi kiểu như thế, người dùng vẫn có thể ghép module theo nhiều cách khác nhau.

2459667_ara-mdk-4.

Google hoan nghênh các bên thứ ba cùng tham gia phát triển hệ sinh thái phần cứng cho Ara, tuy nhiên bộ khung thì chỉ có một mình Google mới có thể sản xuất. Về mặt phần mềm, Ara sẽ chạy Android và tài liệu này nói rằng ứng dụng dành cho Ara không được khác biệt quá nhiều so với những app dành cho các điện thoại thông thường.

Knaian và Eremenko nói rằng kích cỡ, lượng điện tiêu thụ và trọng lượng của các module hiện cao hơn điện thoại thông thường khoảng 25%, một con số chấp nhận được để đối lẩy sự tiện lợi khi cần tháo lắp các bộ phận của máy. Trong khi đó, ở các năm trước thì chỉ số này cao hơn rất nhiều. "Những thứ dạng module có xu hướng trở thành những thứ tương tự như viên gạch. Chúng tôi nghĩ chúng tôi đang ở một điểm uốn nơi mà sự đánh đổi (để có thiết kế module) đã giảm xuống mức chấp nhận được để cho ra đời một sản phẩm đẹp mắt".

Ít nhất một nhà sản xuất smartphone cũng đã đồng ý rằng đã đến lúc cho ra đời những điện thoại được thiết kế theo dạng phân hệ. Hồi tháng 1 vừa rồi, ZTE đã đưa ra ý tưởng điện thoại vốn bốn module mang tên Eco-Mobius. Tất nhiên, so với Ara thì dự án của ZTE bị giới hạn nhiều hơn vì người dùng chỉ được phép đổi màn hình, pin, camera và một khối CPU-bộ nhớ. Họ sẽ không thể lắp thêm những thứ khác vào nếu muốn.

Ara là một ý tưởng rất "quyến rũ", nhưng Google sẽ phải thuyết phục cả người dùng lẫn các công ty sản xuất phần cứng suy nghĩ theo một hướng khác với hiện nay. Google có thể dễ dàng thuyết phục người dùng smartphone đời cũ thử qua chiếc điện thoại Ara. Khách hàng ở các quốc gia đang phát triển cũng có thể là một cơ hội lớn cho Ara bởi họ chính là những người chuẩn bị đổi lên smartphone trong thời gian tới.

Google-Project-Ara-image-001.

Trong một bài phỏng vấn khác với tờ Time, Eremenko cho biết ông hy vọng thành phần cơ bản nhất của Project Ara sẽ có giá chỉ 50$. Tất đây chỉ là thành phần cơ bản với màn hình, khung máy và chip WiFi nhưng nó cũng là một ý tưởng không hề tồi khi mà hầu hết các smartphone trên thị trường đều có giá không hề rẻ. Khi bạn đã có nhiều tiền hơn thì chúng ta sẽ có thể mua thêm các thành phần khác để nâng cấp thêm tính năng cho máy. Rất tiếc là hiện tại mức giá đó vẫn chưa thể đạt được mà vẫn nằm ở mức "hy vọng". Theo Eremenko, mục tiêu của Project Ara không bao giờ là lợi nhuận, họ chỉ muốn tạo ra một sản phẩm thật tuyệt vời. Và nếu con số 50$ trở thành sự thật, Google sẽ có cơ hội tiếp cận được với một lượng lớn người dùng có thu nhập không cao trên toàn thế giới.

Quan trọng hơn hết, Google phải làm việc tích cực để đảm bảo rằng Ara có đủ số module cho người dùng lựa chọn để làm hài lòng những người đang kì vọng vào dự án này. Hiện chúng ta vẫn chưa thể nói được gì về thị trường này, tuy nhiên nó đã cho thấy sức hút đối với những nhà phát triển. Quản lý Eremenko cho biết rằng hãng đã nhận được hơn 3328 lượt đăng kí tham dự hội thảo về Ara diễn ra từ ngày 15/4 đến 16/4 tại California. Những đơn vị tham gia đăng kí trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngành chẩn đoán y tế, các công ty sản xuất cảm biến anh cho đến nhiều hãng làm pin và màn hình.

araback.

Peter Semmelhack, nhà sáng lập kiêm CEO của Bug Labs - một công ty có trụ sở tại New York chuyên phát triển các nền tảng dùng trong thiết bị kết nối Internet - nhận xét rằng sự tham gia của các công ty thứ ba là cực kì quan trọng đối với dự án Ara. "Bạn sẽ phải kích đủ doanh số cho các bên thứ ba. Họ chắc chắn sẽ không chịu bỏ tiền đầu tư nếu như không có yếu tố này. Nhưng Google, với quy mô khổng lồ của mình, dường như sẽ làm được chuyện đó".

Theo thời gian, thiết kế module có thể trở nên "xịn" đến mức người dùng có thể tùy biến được linh kiện cho riêng mình. Google đã thông báo hợp tác với công ty 3D System chuyên về mảng in 3D để phát triển các bộ vỏ dành cho Ara được in với tốc độ cao. Những cách tùy biến như thế này sẽ giúp nhà sản xuất tiếp cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn màu và thiết kế khác nhau. Và biết đâu được, một bộ vỏ nhựa có thể được tích hợp mạch điện, ăng-ten cũng như pin thì sao? Chúng ta hãy chờ xem Ara ngoài đời thật sẽ như thế nào nhé.

Và để kết lại bài viết, mời các bạn xem qua ảnh chụp thực tế một số module của Ara đang được Google tiếp tục phát triển.


Nguồn: MIT