Android One - cơ hội để hàng tỉ người dùng mới được tiếp cận Internet
bằng smartphone
Tiếp cận đến hàng tỉ người dùng mới trong không gian Internet - đó là cụm từ đã được nhiều công ty nhắc đến trong thời gian gần đây. Mozilla đã từng nói như thế khi họ ra mắt sáng kiến smartphone với giá chỉ 25$. Nokia (giờ đã thuộc về Microsoft) cũng nói như thế khi công bố dòng Asha hồi năm ngoái, và một lần nữa tại sự kiện ra mắt Nokia X. Google cũng dùng cụm từ trên khi hãng giới thiệu Android 4.4 KitKat với yêu cầu cấu hình phần cứng thấp hơn so với các thế hệ trước. Các công ty này đều muốn giành lấy một thị trường với rất nhiều người sử dụng Internet lần đầu tiên, và họ là những người sẽ tiếp cận với Internet thông qua điện thoại.
Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm trên đều vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình. Hiện chưa có chiếc smartphone 25$ chạy Firefox OS nào được bán ra, Nokia Asha và Nokia X cũng không trở thành những sản phẩm "hot", trong khi những chiếc điện thoại giá rẻ chạy KitKat thì chưa xuất hiện nhiều trên quy mô rộng.
Chính vì thế, chương trình Android One mà Google mới tiết lộ trong thời gian gần đây có thể là giải pháp để biến việc "tiếp cận đến hàng tỉ người dùng mới" trở thành hiện thực.
Dòng Nexus không phải là câu trả lời
Thực chất thì tính đến thời điểm hiện tại, Google đã kinh doanh một dòng sản phẩm có khả năng tiến sâu vào các thị trường mới nổi. Một chiếc Nexus 5 giá 350$ đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của người dùng bởi vì những mẫu smartphone khác có cấu hình tương đương thường có giá đắt hơn gấp đôi. Tuy nhiên, Google lại chỉ bán Nexus ở một số quốc gia nhất định, ở những nơi đó, xác suất dòng Nexus tạo ra một cuộc cách mạng về giá là không đáng cao.
Lý do? Google không thể mạo hiểm đẩy mạnh việc bán dòng Nexus để rồi ăn mất thị phần của các nhà sản xuất điện thoại Android khác. Đó là những công ty như Samsung, LG, Sony, HTC, những đối tác phần cứng đang góp phần mang lại nguồn doanh thu hằng năm khổng lồ cho Google.
Ở nhiều thị trường mới nổi, máy Nexus không được bán thông qua Play Store, thay vào đó, sản phẩm được phân phối bởi chính công ty đã gia công cho Google. Lấy ví dụ của Nexus 4 và Nexus 5 tại Việt Nam, LG chính là đơn vị phân phối hai thiết bị này và giá của chúng không thấp hơn quá nhiều so với Optimus G hay G2. Vào cuối năm 2013, giá Nexus 5 chính hãng là 12 triệu đồng, còn G2 là 14,5 triệu đồng. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều quốc gia Châu Á. Ngay cả tại Ấn Độ, nơi Nexus 5 được bán thông qua Play Store, thì giá của máy vẫn là 480$, cao hơn khá nhiều so với con số 350$ tại Mỹ.
Rõ ràng, điều này đã khiến cho tiềm năng của dòng Nexus - giá rẻ + cấu hình mạnh + trải nghiệm thuần Android - bị giảm đi rõ rệt. Trong khi đó, các quốc gia Châu Á lại là nơi sinh sống của "hàng tỉ người dùng Internet mới".
Có thể khi mới nghe thì bạn sẽ thấy lạ, không biết vì sao Google lại chấp nhận để mất tiềm năng của những sản phẩm do chính mình đầu tư phát triển. Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh doanh, điều này hoàn toàn hợp lý. Bởi vì Google chọn một đối tác duy nhất để sản xuất mỗi một model Nexus, hãng phải làm sao đó để các đối tác Android còn lại không cảm thấy bị Google đe dọa. Và việc chấp nhận đẩy giá bán lên cao chính là một trong những cách đơn giản nhất.
MediaTek đã gần làm được điều đó
Nếu phải chọn một công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa smartphone đến với hàng tỉ người dùng Internet kế tiếp, MediaTek sẽ là đơn vị xứng đáng. Hãng điện tử Đài Loan này đã ra mắt rất nhiều con chip giá rẻ so với các đối thủ lớn của mình là Samsung, Qualcomm. Thực chất thì VIA, Ericsson, Marvell và một số công ty khác cũng có làm SoC giá rẻ dùng cho điện thoại, tuy nhiên những cái tên đó không xuất hiện phổ biến như MediaTek.
Song song đó, MediaTek cũng xây dựng nên một số thiết kế tham chiếu dựa trên con chip do mình sản xuất. Những mẫu smartphone tham chiếu này sẽ được các công ty phần cứng bên thứ ba mang về tùy biến lại chút ít, tinh chỉnh phần mềm và ngay lập tức họ có thể bán nó ra thị trường. Giải pháp thiết kế tham chiếu giúp tiết kiệm chi phí nghiên cứu cho các OEM, đồng thời rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bởi vì các hãng sản xuất sẽ không phải tự mình làm ra một thiết bị từ hai bàn tay trắng. Động thái này cũng thu hút nhiều công ty nhỏ tham gia vào việc kinh doanh smartphone và họ đã góp phần đưa ra những mức giá hết sức cạnh tranh.
Nếu chúng ta dành ít thời gian để quan sát thị trường di động hiện nay thì hầu hết các smartphone giá rẻ đều chạy vi xử lí của MediaTek. Đó là những sản phẩm đến từ Lenovo, ZTE, Oppo, bên cạnh đó còn có sự góp mặt của vài model đến từ các tên tuổi lớn như Sony, HTC và LG. Hồi cuối năm ngoái, một nghiên cứu của công ty VisionMobile đã chỉ ra rằng chip MediaTek đang và sẽ có mặt trên 500 triệu thiết bị di động mỗi năm. Để các bạn dễ so sánh thì Samsung đã bán được 300 triệu chiếc smartphone trong năm 2013, theo kết quả khảo sát của Gartner.
Với những số liệu và thông tin nói trên, MediaTek đã chứng minh rằng việc tiếp cận hàng tỉ người dùng smartphone mới không phải là một giấc mơ hão huyền.
Tuy nhiên, con đường của các thiết bị chạy chip MediaTek không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Hầu hết những chiếc smartphone dạng này không được cập nhật phần mềm mới kịp thời, một số còn bị bỏ lơ sau khi đã bán ra thị trường. Trong khi đó, người dùng thì luôn muốn được trải nghiệm những tính năng mới nhất của Android.
Đó chính là lý do mà Moto E và Moto G thành công, và thậm chí còn được ví như là những sản phẩm mang tính cách mạnh. Hai chiếc điện thoại này có cùng cấu hình với rất nhiều smartphone MediaTek khác, giá cũng tương đương nhau, tuy nhiên Motorola lại cập nhật firmware của máy rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, Motorola cũng đã tối ưu hóa hiệu năng của Moto E và Moto G nên mặc dù nằm ở phân khúc bình dân nhưng trải nghiệm của người dùng với những thiết bị này vẫn rất tốt. Máy chạy nhanh, mượt, được update kịp thời và lại có giá rẻ, ai mà lại không muốn một cái điện thoại như thế?
Nguyên nhân của việc chậm update một phần đến từ việc MediaTek từ chối tuân theo các điều khoản thuộc giấy phép GNU GPL. Đây là mô hình cấp giấy phép miễn phí được sử dụng rộng rãi nhằm đảm bảo rằng người dùng cuối (cá nhân, tổ chức, công ty) có quyền tự do nghiên cứu, sử dụng, chia sẻ và chỉnh sửa phần mềm. Thế nhưng, do MediaTek không đi theo con đường này, mã nguồn của hãng không được cung cấp rộng rãi cho cộng đồng.
Hơn thế nữa, những công ty sử dụng thiết kế tham chiếu của MediaTek có thể không có một đội ngũ kĩ sư phần mềm đủ mạnh. Nói cách khác, nhiều đơn vị không có đủ nhân lực để giúp cho thiết bị của mình được update kịp thời.
Công bằng mà nói, vấn đề này không chỉ diễn ra với các thiết bị MediaTek. Nhiều sản phẩm giá rẻ và tầm trung đến từ các công ty như Samsung, LG cũng không được cập nhật một cách nhanh chóng so với các thiết bị cao cấp.
Android One sẽ thay đổi tất cả
Như lời phó chủ tịch Sundar Pichai giải thích tại sự kiện Google I/O 2014, Google đã đưa ra một giải pháp cho những vấn đề nói trên. Hãng sẽ cung cấp các thiết kế tham chiếu với chất lượng cao đến từ những công ty phần cứng được chứng nhận. Và hãng gọi sáng kiến này là Android One.
Điều làm cho Android One khác biệt so với giải pháp tham chiếu của MediaTek đó là các phần cứng mẫu mà Google cung cấp sẽ chạy Android gốc. Ngoài ra, các bản cập nhật sẽ được phân phối trực tiếp bởi Google, tương tự như dòng Nexus và các thiết bị Google Play Edition.
Tuy nhiên, không như Nexus, chương trình Android One là một cách cửa rộng mở cho bất kì công ty nào có quan tâm. Chính vì tính mở như thế mà Google có thể mang nền tảng của mình đến với nhiều thị trường nhất có thể, trong khi không làm tổn hại đến các đối tác nằm trong Liên minh Thiết bị di động Mở (Open Handset Alliance) của mình. Theo Pichai, Google hiện đang bắt tay với ba hãng điện thoại Ấn Độ là Micromax, Karbonn và Spice để sớm tung ra những thiết bị Android One đầu tiên tại quốc gia này.
Có một điều mà chúng ta thường quên khi nói đến những người sử dụng di động tại các thị trường mới nổi, đó là họ cũng có những khát khao lớn, tương tự như khách hàng ở các thị trường đã phát triển. Họ cũng muốn có một thiết bị với cấu hình cao, phần mềm mới, đi kèm theo đó là trải nghiệm tốt. Họ muốn xài tất cả những ứng dụng mà người bạn của mình đang dùng, và chơi bất kì game nào được bạn bè giới thiệu.
Đó là cách mà Android One sẽ thay đổi mọi thứ.
Chương trình này cũng sẽ giúp các OEM nhỏ với đội ngũ kĩ sư phần mềm hạn chế bán ra những thiết bị với trải nghiệm được đảm bảo bởi chính Google. Khách hàng cũng chẳng phải đợi mòn mỏi cả 6 tháng hay 1 năm để có được bản update Android mới.
Vậy còn vấn đề phần mềm cài sẵn thì sao?
Trong bài thuyết trình của mình, Pichai có đề cập đến việc chương trình Android One sẽ cho phép các OEM lẫn nhà mạng cài vào thiết bị những nội dung mang tính bản địa hóa. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với động thái cài phần mềm rác hiện nay đó là người dùng sẽ có toàn quyền kiểm soát đối với app và nội dung sau khi mua máy về. Nói cách khác, người dùng có thể xóa đi những thứ họ không thích chứ không phải vất vả root máy chỉ để gỡ bỏ một vài app do nhà mạng cài sẵn.
Thực chất thì các ứng dụng mang tính bản địa hóa nói trên cũng giúp ích cho người dùng chứ không phải chỉ toàn là "rác". Tại Google I/O 2014, Pichai có nhắc đến việc nhà mạng Safaricom ở Kenya cung cấp một ứng dụng ví điện tử di động mang tên M-Pesa. Nó cho phép người dùng chuyển và nhận tiền bằng chiếc điện thoại của mình một cách dễ dàng. Hiện M-Pesa đang có 18 triệu người dùng với khoảng 800 triệu USD được giao dịch mỗi tháng. Trang tin Bloomberg cũng từng chia sẻ rằng M-Pesa đã giúp người dân Kenya giảm được rủi ro bị cướp tiền mặt khi đi trên đường, đồng thời cho phép các nhà khởi nghiệp tận dụng hình thức chuyển tiền này để xây dựng nên những mô hình kinh doanh mới mẻ.
Trong khi đó, nhà mạng XL Axiata tại Indonesian thì có một gói cước Internet dựa trên Opera Mini cho phép người dùng di động duyệt web với chi phí chỉ 25 cent mỗi ngày, tính ra là khoảng 5300 đồng. Với một quốc gia mà thu nhập trung bình hằng tháng của người dân còn ở mức thấp hơn 200$, những giải pháp như thế này rất có ý nghĩa. Chính vì thế, Pichai cho biết Google cũng đang làm việc với các nhà mạng địa phương để trang bị cho thiết bị Android One những gói cước Internet hấp dẫn.
Và bởi vì Pichai đã nhấn mạnh rằng người dùng sẽ có toàn quyền kiểm soát đối với những nội dung tùy biến từ nhà mạng, cộng với việc các bản update sẽ do Google trực tiếp đảm nhận, thì không có lý do gì mà người dùng lại lo ngại vấn đề phần mềm cài sẵn.
Android One sẽ thay đổi quang cảnh của thế giới di động như thế nào?
Hiện tại, thông tin về các thiết bị Android One vẫn còn khá hiếm. Chúng ta mới biết được rằng những sản phẩm đầu tiên sẽ sử dụng màn hình 4,5", hỗ trợ 2 SIM và khe thẻ microSD, có khả năng bắt sóng radio FM. Tất cả sẽ được đóng gói trong một phần cứng với giá bán dưới 100$. Ngay cả Motorola, vốn phải tự mình bỏ chi phí phát triển phần mềm, cũng có thể cho ra đời chiếc Moto E với giá 130$ không hợp đồng thì không lý do gì những hãng khác, với sự trợ giúp của Google, lại không làm được các mẫu smartphone giá dưới 100$.
Nhìn xa hơn một chút về tương lai, chi phí linh kiện đang ngày càng giảm đi cũng sẽ cho phép các OEM tung ra những thiết bị Android One với cấu hình cao hơn, tương tự như Moto G chẳng hạn. Trong ít hơn 12 tháng, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào một chiếc điện thoại Android One với màn hình độ phân giải HD, chip bốn nhân, và thậm chí có thể có cả kết nối LTE, với giá rẻ hơn 100$. Điều đó có nghĩa là những người có thu nhập dưới 200$ một tháng cũng có thể tận hưởng những tiến bộ công nghệ với sự khác biệt rất ít so với những thị trường đã phát triển.
Khi đó, chúng ta sẽ thấy nhiều người được xài smartphone hơn, nhiều người được lên mạng hơn, và họ có nhiều cơ hội được tiếp cận với thế giới thông tin vô cùng phong phú trên Internet. Tất cả, đều nhờ vào một thiết bị di động giá rẻ với trải nghiệm tốt. Chẳng phải điều này là quá tuyệt vời hay sao?