Google và đám mây: chiến lược tất cả mọi thứ - mọi lúc - mọi nơi - một
tài khoản
"Đám mây". Đó là cụm từ mà chúng ta được nghe nói đến rất nhiều trong vài năm trở lại đây, một số anh em đang đọc bài này thậm chí còn sử dụng nó mỗi ngày, mỗi giờ để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Đám mây cũng là một phần cực kì quan trọng trong chiến lược đầy tham vọng của Google nhằm hiểu được người dùng của mình muốn gì, từ đó đáp ứng nhu cầu của họ ở mức nhiều nhất có thể. Từ Gmail, Drive, YouTube, Chrome cho đến Android, tất cả đều được Google tận dụng để củng cố chiến lược mà hãng đang theo đuổi.
Tất cả mọi thứ đều ở một nơi
Tất cả mọi dịch vụ cuả Google, bao gồm cả những ứng dụng và dịch vụ đang xuất hiện trên thiết bị Android của chúng ta, đều được liên kết chặt chẽ với tài khoản Google. Khi mới mua một chiếc điện thoại Android về là bạn đã được yêu cầu đăng nhập Google Account để có thể tiếp tục sử dụng, và bởi vì chúng ta chỉ xài một tài khoản duy nhất nên bạn có thể dùng nó cho mọi thứ, giúp trải nghiệm của người dùng được thống nhất hơn xuyên suốt nhiều dịch vụ khác nhau. Chính sức mạnh của điện toán đám mây đã giúp việc đồng bộ giữa dữ liệu giữa máy chủ Google với thiết bị cá nhân của chúng ta nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Tất cả dữ liệu liên quan đến tài khoản của bạn - từ các tập tin trên Drive, ảnh trên Google+, danh bạ lưu trên điện thoại, cho đến thông tin về những mặt hàng đã mua trên Play Store - đều nằm chung với nhau một chỗ: trên các máy chủ của Google. Đây cũng chính là lý do mà bạn được yêu cầu đăng nhập ngay từ những bước đầu thiết lập điện thoại Android, trình duyệt Chrome và cả máy tính Chrome OS. Google muốn rằng tất cả mọi dữ liệu của bạn phải đi cùng với nhau, và chúng sẽ xuất hiện trên thiết bị của bạn theo cách bạn muốn, một cách đầy đủ.
Bởi vì bạn có tài khoản Gmail, bạn có thể mua một thứ gì đó trên Play Store, nghe nhạc và lưu video trên YouTube, hay chơi Google+ ngay cả khi bạn không xài Android. Một số người dùng đã tiêu kha khá tiền để mua nhạc và video trên Google Play trước khi họ sở hữu một chiếc smartphone Android nữa, và điều này có được chính là nhờ vào chiến lược "Một tài khoản, xài mọi thứ thuộc về Google".
Dữ liệu của bạn ở khắp mọi nơi
Và bởi vì bạn có một tài khoản Google trong tay, bạn có thể truy cập hệ sinh thái của Google gần như ở tất cả mọi nơi. Bạn có thể đăng nhập và xem video YouTube ưa thích trên Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry, tất nhiên là cả Windows và OS X nữa. Bạn có thể nghe lại thư viện nhạc của mình trên bất kì thiết bị nào bạn muốn, miễn là nó có trình duyệt để vào Google Play Musc (Android, iOS thậm chí có cả ứng dụng Play Music để cài vào nữa). Chưa hết, bạn có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, trên bất kì chiếc máy tính, smartphone hay tablet nào vì mọi file của bạn đã lưu thẳng lên ổ đĩa Google Drive.
Điều này là quá hiển nhiên, nhất là với những ai thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Google, và nó cũng hết sức quan trọng. Nó là cách mà Google tận dụng để phổ biến hệ sinh thái của mình càng rộng rãi càng tốt. Google hiểu rằng thế giới này luôn có sự phân mảnh. Hãng không thể nào ép 100% người dùng mua smartphone Android hay máy tính Chromebook. Google biết người ta sẽ mua iPhone, vài người khác thì mua BlackBerry, một số người thì chẳng đụng đến smartphone mà chỉ mua tablet thôi.
Chính vì thế, thay vì cố gắng ép buộc người dùng, Google đã tận dụng chính sự phân mảnh này để khuyến khích người dùng đến với các dịch vụ của mình. Có bao nhiêu dịch vụ lưu trữ trực tuyến có thể dùng với hầu hết các hệ điều hành? Có bao nhiêu công ty cho phép người dùng nghe lại thư viện nhạc của chính mình mọi lúc mọi nơi với sức chứa lên tới 20.000 bài hát mà không phải trả một xu? Với một tài khoản Google, bạn chỉ cần có một thiết bị, có thể không thuộc quyền sở hữu của bạn cũng được, là đã dùng được rất nhiều dịch vụ Google khác nhau rồi.
Chiến lược mở rộng hệ sinh thái mà Google đang theo đuổi chính là vấn đề sống còn. Google sống được hầu hết là nhờ tiền thu về từ việc bán quảng cáo, từ các mẫu quảng cáo gắn trên trang Google.com cho đến các quảng cáo chèn vào video YouTube hay ứng dụng Android. Hệ sinh thái này càng có nhiều người dùng, Google càng có quyền tăng phí quảng cáo lên mức cao hơn (vì mẫu quảng cáo đó được nhiều người xem hơn), và cuối cùng thì doanh thu và lợi nhuận của hãng cũng sẽ tăng lên.
Việc đưa dịch vụ của mình đến mọi nền tảng cũng giúp Google được người dùng ưa chuộng hơn. Apple có iTunes Music Match để cho phép người dùng nghe nhạc "mọi nơi", có iTunes để giúp khách hàng mua nội dung ở "mọi nơi", có iMessage để người dùng nhắn tin "mọi nơi", nhưng cái "mọi nơi" này lại chỉ giới hạn trong các thiết bị Apple. Bạn không có cách nào nghe lại nhạc lưu bằng iTunes Music Match trên máy Android, bạn không thể nhắn iMessage khi xài BlackBerry, bạn cũng đành bó tay khi cần truy cập tài liệu iCloud từ một chiếc Windows Phone. Trong khi đó, Google giải quyết được những vấn đề này. Ở một số khía cạnh nhất định, dịch vụ của Google có "tầm phủ sóng" rộng hơn nhiều so với Apple.
Dữ liệu của bạn được an toàn
Thiệt ra việc sử dụng một tài khoản cho mọi thứ cũng hết sức nguy hiểm. Chỉ cần bạn mất mật khẩu một lần là xem như bạn mất tất cả dữ liệu ở tất cả mọi dịch vụ có gắn logo Google, chưa kể đến những nguy cơ bị mất tiền bởi vì tài khoản Google của chúng ta được liên kết với thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch trực tuyến. Đó là lý do mà Google đưa ra hệ thống bảo mật hai lớp, đồng thời công ty khuyến khích người dùng sử dụng những mật khẩu thật mạnh khi sử dụng hệ sinh thái của mình.
Về vấn đề quyền riêng tư, chúng ta hãy thử nghĩ về những vấn đề sau:
- Google sẽ không mạo hiểm danh tiếng của mình để bán thông tin cho các hacker để làm điều xấu. Nếu Google làm như thế, hãng sẽ chết chỉ trong vòng vài tháng vì không còn ai tin tưởng lưu dữ liệu của mình trên máy chủ Google nữa.
- Google có cung cấp dữ liệu của người dùng cho các cơ quan chính phủ, nhưng chỉ khi được yêu cầu và phải có lệnh hợp pháp từ tòa án. Hãng không chấp thuận tất cả mọi yêu cầu đó, và Google cũng cực lực phản đối vụ scandal theo dõi thông tin của NSA ở Mỹ.
- Nếu bạn từ chối lưu dữ liệu của mình lên Google, bạn đang phá vỡ đi mối liên kết mật thiết giữa các dịch vụ Google với nhau, và bạn sẽ không thể nào tận dụng hết sự tiện lợi mà hệ sinh thái này mang lại.
Để tăng cường tính riêng tư, Google còn bổ sung các thiết lập về Privacy cho từng dịch vụ của mình. Mỗi dịch vụ sẽ có những tùy chọn khác nhau để người dùng kiểm soát những thông tin nào được chia sẻ, những thông tin nào không. Bản thân mình tin vào Google để lưu dữ liệu của mình, cũng như hàng triệu người dùng, trường học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác trên toàn thế giới. Nhưng song song đó, tất cả mọi người đều rất cẩn trọng, nếu Google làm điều gì vi phạm đến quyền riêng tư của chúng ta, chúng ta vẫn sẵn sàng di chuyển sang một hệ sinh thái khác, và đó là lúc Google thua cuộc trước Apple, Microsoft.
Mở rộng tính tương tác xã hội
Google có một mạng xã hội, Google+, và chúng ta có thể xem nó như một lớp hết sức đặc biệt trong hệ sinh thái của công ty. Lớp này có tác dụng liên kết những dịch vụ lại với nhau, một cách xuyên suốt, và có gắn kết với tính xã hội trong đó. Bạn có thể đăng bình luận của mình lên YouTube thông qua Google+, bạn cũng có quyền nhận xét về một ứng dụng nào đó trên Google Play nhờ vào Google+. Nói cách khác, Google đang quản lý thông tin định danh xã hội của chúng ta. Hãng có thể định dạnh chúng ta bằng tên tuổi, ngày tháng và hàng tá những thứ khác chứ không chỉ bằng một địa chỉ email. Nhờ đó, người dùng của Google có thể tương tác với nhau và biết rõ người mình đang tương tác là ai, ở đâu, làm gì.
Và bởi vì chỉ có một avatar, một cái tên xuất hiện ở mọi dịch vụ Google, bạn sẽ thiết lập được một vị trí nhất định cho mình trong không gian ảo. Với một số người thì điều này là rất quan trọng, bởi nó chính là sự nghiệp, là công việc của họ.
Có một thứ không xuất hiện ở mọi nơi
Đó chính là Play Music. Ủa sao kì vậy, ở trên mình mới nói là có thể nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, trên bất kì thiết bị nào cơ mà? Điều đó đúng, nhưng chỉ là một phần. Google đặt ra giới hạn 10 thiết bị, tức là bạn chỉ có thể sử dụng Play Music trên 10 thiết bị cùng lúc. Nếu bạn có thêm một thiết bị mới muốn xài Play Music, bạn phải gỡ bỏ một thiết bị cũ ra khỏi tài khoản của mình (gọi là deauthorize). Với hầu hết người dùng trên khắp toàn cầu thì con số 10 là khá nhiều nên có thể họ chưa phải lo lắng đến vấn đề này, nhưng với một số khác, những người sở hữu cả chục sản phẩm cùng lúc, thì đây là thứ làm họ cảm thấy khó chịu.
Vì sao lại như thế? Ngay cả Play Movie còn cho phép đăng nhập và sử dụng với số lượng thiết bị không giới hạn, thì tại sao Google Play Music lại giới hạn 10? Đó là do Google phải tuân theo những quy định của ngành công nghiệp âm nhạc, nơi mà các hãng thu thường đặt ra nhiều luật lệ khắc nghiệt nhằm bảo vệ tác quyền các bài hát của họ.
Với những người dùng bị ảnh hưởng, điều này làm cho chiến lược "Một tài khoản, xài mọi thứ thuộc về Google" bị hổng một lỗ khá to, và cả mặt trải nghiệm lẫn sự tiện dụng.
Vậy tất cả những thứ trên có ý nghĩa ra sao?
Nhờ sự linh hoạt và cũng vô cùng chặt chẽ trong hệ sinh thái Google, người dùng có thể biến một thiết bị nào đó thành thiết bị của riêng mình trong một thời gian ngắn. Bạn đi đến đâu đó và ở đó có máy tính, không cần biết máy đó là của ai, chỉ cần bạn chạy trình duyệt và đăng nhập tài khoản Google thì cỗ máy đó sẽ trở thành của bạn. Bạn có thể làm việc trên Drive, kiểm mail trên Gmail, xem video YouTube, nghe nhạc từ Play Music, sau đó đăng xuất và trả chiếc máy tính lại như trạng thái ban đầu. Nói cách khác, Google và công nghệ điện toán đám mây có thể biến bất kì thiết bị nào thành thiết bị của bạn, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, và điều đó thật là tuyệt.
Đây cũng là lý do vì sao Chromebook được đón nhận bởi các trường học và cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia. Nếu một bạn nhỏ làm hỏng máy tính, người ta có thể khôi phục dữ liệu, ứng dụng và mọi thứ khác của bạn nhỏ đó lên một chiếc Chromebook mới chỉ trong tích tắc. Tương tự, nếu thiết bị Android của bạn chẳng may bị hỏng, bạn chỉ cần đăng nhập lại tài khoản Google vào một cái khác thì mọi dữ liệu sẽ được đẩy trở về như cũ.
Với một hệ thống đặt điện toán đám mây và tài khoản Google làm trung tâm, chúng ta sẽ tiếp tục được trải nghiệm sự thống nhất xuyên suốt mọi thiết bị mà chúng ta đang sử dụng, không quan trọng hệ điều hành đang chạy là gì. Và sự thống nhất đó chính là nhân tố giúp Google thành công.