Phát triển thành công lá nhân tạo: cải thiện môi trường, hỗ trợ điều
kiện sống ở hành tinh khác
Một chiếc lá nhân tạo đầu tiên có khả năng hấp thụ nước, khí CO2 và ánh sáng để tạo ra khí Oxi tương tự như lá thật trong tự nhiên đã được tạo ra bởi một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học nghệ thuật hoàng gia (Anh). Chẳng những giúp cải thiện đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường ở hành tinh xanh, phát minh mới còn có thể đảm bảo cung cấp lượng Oxi ổn định cho con người hoàn thành các nhiệm vụ lâu dài trong không gian, thậm chí nó có thể giúp chúng ta sinh sống tại các hành tinh ngoài Trái Đất.
Tuy nhiên, NASA cho biết điều đáng quan tâm và cần được nghiên cứu nhiều hơn chính là việc nó không thể phát triển trong môi trường không có trọng lực. Julian Melchiorri - tác giả của phát minh độc đáo trên mô tả: bên trong lá là một mạng lưới các protein tơ, một loại protein được chiết xuất từ tơ tằm tự nhiên, bên trong chứa một chất lục lạp của cây trồng. Lục lạp là một phần của tế bào thực vật, và là nơi xảy ra quá trình quang hợp. Do vậy, lá nhân tạo cũng cần có nước và ánh sáng để thực hiện quá trình tự nhiên này.
Nhà phát triển cho biết những chiếc lá nhân tạo có thể được dùng trong các thiết kế nội/ngoại thất, cũng như ở các tòa nhà hiện đại để hấp thụ CO2. Bên cạnh đó, nếu phủ một lớp mỏng vật liệu này lên các vật dụng trong nhà, ta sẽ có một bầu không khí trong lành trong chính ngôi nhà của mình.