Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Đại học Washington phát triển công nghệ giúp gửi tín hiệu không dây mà không cần đến pin

ambient_backscatter_gui_tin_nhan_ma_khong_can_pin.
Hai thiết bị thử nghiệm của công nghệ ambient backscatter. Khi người dùng chạm vào cảm biến trên bảng mạch bên trái, nó sẽ gửi tín hiệu không dây qua mạch bên phải. Mạch bên phải nhận tín hiệu và sáng đèn LED, tất nhiên là không mạch nào được tích hợp pin.

Hiện nay, bất kì thứ gì bạn làm với chiếc điện thoại của mình đều cần đến pin, dù cho đó là việc gửi tin nhắn, upload ảnh, lướt web... Lượng điện đó được bộ phát (radio) sử dụng để đẩy tín hiệu đến các thiết bị nhận, có thể là một chiếc smartphone khác hay các trạm viễn thông. Thường thì việc tìm ra nguồn điện để làm công việc trên khá dễ dàng, thế nhưng cũng có những trường hợp mà chúng ta chẳng thể có được nguồn điện hay viên pin nào cả. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Washington hiện đang phát triển nên công nghệ "ambient backscatter", tạm dịch là "sự tán xạ ngược ra môi trường". Kĩ thuật này sẽ sử dụng các thiết bị để gửi đi những dòng thông điệp đơn giản mà không cần pin hay nguồn. Nó có thể được áp dụng cho việc thanh toán khi mua sắm, gửi tin nhắn, thậm chí là điều khiển hệ thống tự động trong các tòa nhà.

Ý tưởng của "ambient backscatter" không mới, nhưng lần này nó được các nhà khoa học áp dụng theo một hướng khác. Các công nghệ như RFID cũng có thể hoạt động mà không cần pin, dễ thấy nhất là chiếc thẻ khách sạn của bạn có thể mở cửa vào phòng mà không có viên pin nào cả. Điểm khác biệt ở đây đó là trạm thu (chính là ổ khóa trong ví dụ mà mình đưa ra) của RFID vẫn cần nguồn điện, trong khi các thiết bị "ambient backscatter" thì không.

Không có pin nhưng không có nghĩa là các thiết bị này không cần đến điện để hoạt động. Thay vì phải dùng phản ứng điện hóa để tạo ra dòng điện, những thiết bị này chỉ cần "chộp" lấy một phần sóng radio đang lan truyền trong môi trường rồi chuyển hóa chúng thành lượng điện vừa đủ để hoạt động. Lượng điện nhỏ này có thể đủ cho việc gửi một tín hiệu, lưu một dữ liệu nào đó vào bộ nhớ, thậm chí là thắp sáng bóng đèn LED trong thời gian ngắn.

Và cũng vì chỉ có một lượng năng lượng nhỏ được sử dụng, các máy móc ambient backscatter sẽ không tự tạo ra tín hiệu của riêng mình như các biện pháp truyền thống. Thay vào đó, chúng sẽ sử dụng sóng radio sẵn có trong không khí và thiết lập lại tín hiệu cho phù hợp với thiết bị nhận.

Trong nghiên cứu của Đại học Washington, các nhà khoa học nói công nghệ của họ có thể hoạt động với khoảng cách tối đa 10.5 km tính từ một trạm phát sóng không dây đủ mạnh. Khoảng cách này có thể vẫn chưa phải là giới hạn của công nghệ ambient backscatter, chỉ là nhóm phát triển chưa kiểm thử ở các vị trí xa hơn. Thiết bị mẫu còn khá đơn giản nên nó chỉ có thể làm được một số tác vụ cũng đơn giản không kém, nhưng nếu được chỉnh sửa và nâng cấp thì tiềm năng của ambient backscatter là rất lớn.