Kế hoạch bất thành của Robin Chan trong việc đưa BlackBerry thành công
ty sản xuất thiết bị Android
BlackBerry, mà trước đây chúng ta vẫn thường gọi là RIM hay đầy đủ hơn là Research In Motion, cuối cùng cũng đã tính đến viễn cảnh sát nhập, liên kết hoặc tồi tệ nhất là bán toàn bộ tài sản của công ty. Viễn cảnh bi quan của BlackBerry lúc này là sự thất bại dây chuyền do hai vị CEO trước để lại - đó có thể là suy nghĩ của nhiều người, nhưng với Robin Chan, một nhà đầu tư ở Silicon, lại có suy nghĩ khác. Ông cho rằng chính những quyết định sai lầm của Thorsten Heins và việc ra mắt BlackBerry 10 thay vì tận dụng thế mạnh của Android đã khiến cho BlackBerry ngày càng yếu thêm.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là Robin Chan là ai và ông có lý do gì không để "dám" nói ra mắt BB10 là một thất bại?. Trong một lần chia sẻ với trang The Verge, Chan đã nêu ra những nguyên nhân khiến cho BlackBerry không thể cạnh tranh với iOS và Android. Bên cạnh đó, các bạn sẽ được thấy một tư duy chiến lược rất táo bạo của Chan: đó là mua lại BlackBerry và biến công ty này thành hãng sản xuất thiết bị Android. Mặc dù tất cả đều bất thành, nhưng những kế hoạch của Chan là rất thiết thực và ý nghĩa. Mời các bạn xem chi tiết bên dưới.
1. Ý định mua lại BlackBerry bất thành.
Vào thời điểm giữa tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái - 6 tháng sau khi COO Thorsten Heins lên nhậm chức CEO của RIM lúc bấy giờ, Robin Chan đã ngấm ngầm đề xuất ra một dự án, có tên là "Project BBX". Để giúp sức cho mình, Chan bắt đầu liên hệ với một số kỹ sư và một số nhân viên quản lý sản phẩm cao cấp ở thung lũng Silicon , rồi tập hợp họ lại thành một nhóm. Tư tưởng chủ đạo của nhóm này cũng như toàn bộ "Project BBX" chính là thay đổi chiến lược của BlackBerry và vẽ nên một viễn cảnh hoàn toàn mới - một viễn cảnh mà ở đó BlackBerry không tung ra BB10, sản xuất ít thiết bị lại và đặc biệt là không tuyển Alicia Keys làm giám đốc sáng tạo. Thay vào đó, "Project BBX" muốn BlackBerry tập trung vào thương hiệu điện thoại, mạng dữ liệu, và quan trọng nhất đó chính là dựa vào Android cùng iOS để tồn tại.
Đến lúc này, có thể thấy tư duy của Robin Chan đi ngược hoàn toàn với Thorsten Heins: một người thì muốn tận dụng sức mạnh, lợi thế của đối thủ để vươn lên, một người thì muốn cạnh tranh trực tiếp và coi mọi tập đoàn khác trong ngành là đối thủ. Thế nhưng, Heins mới là người đưa ra quyết định và BlackBerry sẽ phải đi theo hướng mà Heins đã vạch ra. Kết quả ra sao thì chúng ta đều biết.
Mua lại BlackBerry, không tung ra BlackBerry OS 10, sản xuất ít thiết bị lại là những kế hoạch chính của "Project BBX". Tuy nhiên nó đã thất bại.
Quay trở lại với kế hoạch của Robin Chan, lúc này, Chan nhận thấy rằng đường lối mà Heins đề ra cho BlackBerry có rất nhiều vấn đề. Trong các slide của "Project BBX", Chan liên tục đưa ra nhiều luận điểm nhấn mạnh rằng, BlackBerry sẽ thất bại hoàn toàn và giá trị của công ty sẽ sụt giảm nghiêm trọng nếu như họ xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng (hay được biết đến với cái tên quen thuộc là kho ứng dụng). Và để giải quyết vấn đề này, Chan đã lập nên một "dream team" bao gồm nhiều nhà thiết kế và kỹ sư (Chan xin phép không tiết lộ tên của họ).
Chan cho biết, "đội ngũ trong mơ" của ông rất khát vọng cứu được BlackBerry bởi ông nhận thấy rằng: "Có rất nhiều người yêu thích thương hiệu cũng như smartphone BlackBerry, và họ sẽ thực sự cảm thấy buồn nếu như thấy giá trị của BlackBerry bị giảm sút". Lý do này cũng chính là động lực khiến cho ông cùng các cộng sự quyết định đề xuất ý tưởng của "Project BBX" lên hội đồng quản trị của BlackBerry lúc bấy giờ, với một hy vọng duy nhất: đủ tiềm năng để mua đứt lại BlackBerry. Thế nhưng, hy vọng đó đã bị dập tắt khi đội của Chan chỉ kêu gọi gây quỹ được 1 tỷ USD, trong khi giá trị của BlackBerry lúc đó là 6 tỷ USD. Kế hoạch mua lại, hay nói một cách vui vẻ là "sự nổi dậy", của Chan cùng đồng nghiệp đã thất bại vì lý do tài chính.
2. Cùng nhìn nhận những thay đổi mà Chan có thể mang lại cho BlackBerry.
Chan nói rằng kế hoạch mà đội ngũ của họ theo đuổi là rất rõ rãng, kế hoạch này có thể nhận ra được những điểm mạnh cũng như những yếu điểm của BlackBerry. Tuy nhiên điều khá thật vọng là Heins không bao giờ thừa nhận bất cứ sai lầm nào. Vậy điểm mạnh của BlackBerry mà Chan muốn nhắc đến ở đây là gì? Cũng tương tự như đầu bài mình đã nêu, Chan nhấn mạnh rằng các máy chủ và hệ thống sever của BlackBerry vẫn rất được ưa chuộng trong giới văn phòng, dẫu biết rằng các thiết bị iOS và Android đang dần chiếm ưu thế.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng những chiếc smartphone BlackBerry với bàn phím Qwerty vật lý vẫn có một sức hút nhất định với khách hàng. Chan cho biết bàn phím Qwerty vật lý đã là biểu tượng của BlackBerry và công ty nên tiếp tục duy trì biểu tượng đặc trưng đó. Ngoài bàn phím, Chan cũng thấy nhiều người yêu thích biệt danh "CrackBerry" - vốn là một forum chuyên tin về BlackBerry - và đây sẽ là một yếu tố thuận lợi để giữ chân họ lại với BlackBerry. Chan tin rằng, BlackBerry có thể như Apple vài năm trở về trước, nếu như Apple định nghĩa lại smartphone, thì BlackBerry cũng có thể tạo nên một cuộc cách mạng với các dòng smartphone chỉ dành cho doanh nghiệp.
Tập trung vào mảng doanh nghiệp, tận dụng thế mạnh của iOS và Android để đem lại lợi thế cho mình, thay vì tìm cách cạnh tranh trực tiếp với chúng.
Và để làm được điều này, BlackBerry cần phải nhận thức được rằng họ nên chỉ tập trung vào mảng doanh nghiệp và phải bỏ qua mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với những nền tảng khác trên thị trường. Thế nhưng đó là ý nghĩ của Chan, và những ý nghĩ này lại hoàn toàn vô nghĩa bởi người đưa ra quyết định đó chính là Thorsten Heins - CEO của BlackBerry. Vào mùa hè năm 2012, khi nói về BlackBerry 10, Heins đã dõng dạc tuyên bố rằng: "BlackBerry 10 sẽ là một nền tảng di động hoàn toàn mới và duy nhất trên thị trường".
Nhưng với Chan, BB10 như một con chim hải âu lớn, ông nhận định "Sẽ có một sự độc chiếm trong thị trường hệ điều hành di động giữa Android và iOS", Chan nói tiếp: "Đối mặt với những xu thế đó (tức là đối mặt với sự thống trị của iOS và Android) và lèo lái những xu thế đó sẽ mang lại cơ hội lớn hơn thay vì cứ phải mày mò, và tìm kiếm những cơ hội nhỏ nhoi với những gì họ đang cố gắng làm". Ý của Chan có thể hiểu như thế này: BlackBerry nên tận dụng sức mạnh của iOS và Android để mang lại lợi thế cho mình, thay vì cứ phải cố gắng tìm kiếm cơ hội chống lại chúng. Chan chốt lại, Heins và ban quản trị của BlackBerry thay vì tự đặt mình vào cuộc chiến giữa các nền tảng di động, họ nên đầu tư nhiều hơn vào những cơ sở hạ tầng (như sever, hệ thống máy chủ cho doanh nghiệp).
3. Hướng đến Android
"BlackBerry đã không tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên của BlackBerry 10", Chan nói. Chính vì điều này, chiến lược của Chan chính là từ bỏ BlackBerry 10 và chuyển sang tập trung vào Android. Chan lý giải về lựa chọn của mình: Android là một nền tảng rất mạnh và đầy sự hấp dẫn, chính vì thế BlackBerry cần tận dụng nó và nâng nó lên một tầm cao mới với những tính năng bảo mật - vốn là thế mạnh của BlackBerry - được phát triển cho BB10. Ý của Chan ở đây chính là kết hợp Android với những chức năng an ninh của BlackBerry 10.
Chưa hết, Chan còn muốn BlackBerry nên chia sẻ mạng lưới bảo mật của hãng với iOS và Android. Và cũng vì những suy nghĩ như thế, Chan cùng các cộng sự đã lập nên hệ thống có tên là "iBerry" trong vòng 6 tháng. Việc dừng BlackBerry 10 và tận dụng Android có vẻ rất khó chấp nhận được với một công ty có bề dày truyền thống như BlackBerry, thế nhưng Chan muốn thuyết phục mọi người bằng cách đưa ra ví dụ về IBM - họ đã dám chấp nhận bán đi mảng phần cứng yếu kém nhầm đổi mới lại toàn bộ doanh nghiệp.
Mặc dù đưa ra sự so sánh và nêu những luận điểm như trên, quan điểm của Chan vẫn là giữ lại mảng phần cứng và không có lý do nào để bán nó cả. Nếu được làm CEO, Chan vẫn sẽ thực hiện đúng với những gì BlackBerry làm trong nửa đầu năm 2013: đó là tung ra một thiết bị thuần cảm ứng như Z10, và một máy có bàn phím Qwerty cao cấp như Q10. Tuy nhiên, Chan muốn bổ sung thêm vào loạt sản phẩm trên một chiếc tablet 7", với bàn phím vật lý trượt - đúng với tư duy duy trì "biểu tượng" bàn phím Qwerty vật lý mà Chan đã đề ra.
Biến BlackBerry trở thành nhà sản xuất các thiết bị chạy Android với các tính năng bảo mật cấp cao của BlackBerry 10
Một năm sau khi dự án "Project BBX" bị bãi bỏ, Chan cho rằng BlackBerry hiện giờ vẫn có một số nguồn tài nguyên có giá trị, nhưng sẽ rất khó khăn khi tìm một tập đoàn nào đó đủ can đảm mua lại hãng điện thoại Canada. "Rất nhiều động lực đã bị mất đi", Chan nói, "Chiến lược của ông về việc biến BlackBerry trở thành một công ty sản xuất thiết bị Android cho doanh nghiệp giờ đây vẫn còn một chút âm hưởng, nhưng tôi thừa nhận đã quá muộn để chiến lược này có thể cứu BlackBerry trong trường hợp nó trở thành công ty tư nhân". Tom Moss, cựu giám đốc mảng phát triển doanh nghiệp cho Android, cũng thông cảm với Chan và tỏ ra rất lạc quan, "Thành thật mà nói, những gì mà anh đề xuất vẫn còn hiệu quả cho đến tận hôm nay", Moss đăng lên Facebook cá nhân của Chan. Moss cho rằng nếu sự kết hợp giữa BB10 và Android xảy ra, các app của Android sẽ trở nên vô cùng an toàn.
Trên thực tế, tiếng nói của Chan vẫn có một sự ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược của BlackBerry. Tập đoàn này đã không ra mắt hàng loạt smartphone, mà chỉ tập trung vào một số dòng cố định. Bên cạnh đó, sau nhiều năm, cuối cùng BlackBerry cũng đã quyết định cung cấp ứng dụng BBM cho người dùng iOS và Android. Nhìn chung, hệ điều hành BlackBerry vẫn là một nền tảng được yêu thích bởi nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Đó là yếu tố giúp cho lượng người dùng và lượng tiền mặt dự trữ của BlackBerry vẫn ở mức cao, nợ của công ty cũng không tồn tại. Thế nhưng, không vì thế mà việc mua lại BlackBerry là một sự lựa chọn khôn ngoan đối với những tập đoàn khác. Theo đó, Chan nói rằng ngay cả trong năm 2012, việc mua lại BlackBerry vẫn không phải là một ván cược an toàn, "Nó được xem như là một ý tưởng hoàn toàn điên rồ".
4. Kết
Mặc dù "Project BBX" cùng kế hoạch mua lại BlackBerry, biến công ty này trở thành một hãng sản xuất thiết bị Android với các tính năng bảo mật của BB10 dành cho doanh nghiệp, đã trở thành dĩ vãng. Thế nhưng qua những gì mà Chan nêu ra, qua những tư duy đổi mới của Chan, có thể thấy những luận điểm của Chan là rất thiết thực, mặc dù vậy vẫn chưa thể đánh giá sự thành công của nó bởi tất cả chỉ nằm trên giấy và không được áp dụng.
"Quá trễ" có lẽ là từ đúng nhất khi nói về BlackBerry hiện tại cũng như RIM-BlackBerry vài năm trở về trước. Có thể bạn sẽ tranh cãi lại rằng chúng ta cần cho BlackBerry cùng BB10 thêm một thời gian nữa để chứng minh sức mạnh, nhưng liệu các bạn có tự hỏi: những Apple, những Google, những Microsoft có đủ sự "khoan dung" để đứng lại chờ đợi BlackBerry?. Một thế giới công nghệ luôn đổi mới từng giây, từng phút, một cuộc chiến giữa các hệ điều hành chưa bao giờ hết khắc nghiệt, một Windows Phone 8 đầy sức trẻ trung và vươn lên mạnh mẽ, liệu những yếu tố đó đã đủ "mạnh" hơn lời nói của Chan để thuyết phục Heins có nhiều ý tưởng đột phá hơn nữa trong tương lai?
Nhưng làm gì thì làm, cần phải nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, thay vì cứ chậm trễ và trì hoãn, thưa ông, Thorsten Heins!