Đánh giá nhanh Honda City: ngoại thất đẹp, nội thất rộng rãi, sức mạnh
vừa đủ
Để cạnh tranh ở phân khúc xe sedan cỡ nhỏ (hạng B), Honda đã tung ra mẫu City, một chiếc xe dành cho mục đích đi lại trong đô thị, đúng theo tên gọi của nó. Nếu so với hầu hết các mẫu xe cùng hạng tại thị trường Việt Nam, thì Honda City cũng có một mức giá khá cạnh tranh; 540 triệu cho phiên bản số sàn, và 580 triệu cho bản số tự động. Mới đây, Tinh tế đã có dịp trải nghiệm thực tế mẫu xe này, và xin chia sẻ với các bạn một số cảm nhận về nó.
Ngoại thất
Đối tượng khách hàng chính mà Honda City nhắm đến là những người trẻ tuổi và cá tính, sống ở các thành phố năng động, vì thế Honda đã chọn cho mẫu xe của mình một phong cách thể thao, hiện đại và "không tầm thường" như những suy nghĩ thường thấy về các mẫu xe hạng B. Mình đánh giá khá cao thiết kế của City nếu so với những mẫu xe cùng hạng tại thị trường Việt Nam. Kiểu dáng của City không hề bị ảnh hưởng nhiều bởi Civic, một mẫu xe khá được ưa chuộng của Honda ở thị trường trong nước.
Honda City có kích thước cụ thể như sau: 4.430mm x 1.695mm x 1.485mm, cùng với khoảng cách giữa 2 trục là 2.550mm. Phần mũi của City với cụm đèn pha và lưới tản nhiệt tạo thành một hình chữ V, trong đó phần đèn demi hơi lồi lên một chút so với phần còn lại. Lưới tản nhiệt của xe cũng có thiết kế mới, khác hoàn toàn so với Civic, với các thanh thép lớn được mạ bóng chạy ngang, hơi chếch về bên trên, cho cảm giác mạnh mẽ. Logo Honda được đặt ngay giữa lưới tản nhiệt. Theo một số ý kiến đánh giá thì Honda City có phảng phất hình ảnh của Accord.
Đèn chiếu sáng trên City là loại Halogen với choá lớn và kiểu bóng H4, tức có 2 tim đèn cos và pha trong cùng một bóng. Đèn xi-nhan trước nằm sát bên góc trong của hộp đèn, ngoài ra còn được tích hợp lên kính chiếu hậu. Phần đầu còn có 2 đèn sương mù được lắp ở cản trước. Nắp ca-pô Honda làm 2 đường gờ nổi, tạo cảm giác mạnh mẽ hơn cho chiếc xe. Phần đuôi của City hơi vểnh lên, cụm đèn hậu được làm vuông vắn và nằm gọn về 2 góc. Kiểu thiết kế này giúp cho City có khoang chứa đồ rất rộng rãi với dung tích tới 506 lít, tuy nhiên nhìn từ phía sau cho cảm giác phần bên dưới nắp khoang hành lý hơi trống trải. Điểm cộng cho khoang chứa đồ là rộng rãi, tuy nhiên nó có một khuyết điểm là bạn chỉ có thể mở từ cần gạt bên trái hông ghế lái, chứ không thể mở được từ bên ngoài, hơi bất tiện trong một số trường hợp.
Kính chắn gió của Honda cho tầm nhìn khá tốt. Ngay cả với một người đang sử dụng SUV như mình, khi ngồi vào ghế lái của City, mình không bị cảm giác là xe thấp. Kính chiếu hậu của xe có thể điều chỉnh điện góc nhìn, tuy nhiên để gập kính ra vào thì bạn phải chỉnh bằng tay.
Honda City được trang bị bộ mâm đúc 15" (chỉ có cho bản AT) cùng bộ lốp 175/65R15. Hệ thống giảm xóc trước của xe là loại McPherson độc lập, trong khi ở sau là hệ thống treo giằng xoắn. City có khoảng sáng gầm là 160mm, bán kính vòng quay tối thiểu là 5,3m, trong khi trọng lượng toàn tải là 1.485kg cho bản MT và 1.520kg cho bản AT.
Tổng thể về thiết kế nội thất, có thể nói Honda City nhỉnh hơn một chút so với phần còn lại trong cùng phân khúc. Chắc chắn đây sẽ là ưu thế không hề nhỏ trong cuộc đua doanh số.
Nội thất
Nội thất của các dòng xe phổ thông chưa bao giờ được đánh giá cao, vì rõ ràng, với tầm tiền vừa phải, bạn không thể đòi hỏi nhiều hơn cho chiếc xe của mình. Dù vậy, khi ngồi vào Honda City mình hơi bất ngờ với không gian khá rộng và các tiện nghi mà nhà sản xuất trang bị cho nó. Mặc dù đây không phải là những tiện nghi sang trọng nhưng mà nó hợp lý cho một chiếc xe thuộc hạng B. Các chi tiết bên trong khoang lái được gia công tốt, tạo một cảm giác tin tưởng và chấp nhận được. Ngoài ra, một vài tính năng nhỏ trên Honda City chỉ có thể tìm thấy được ở những dòng xe cao cấp hơn.
Honda City có khoang nội thất có thể được xem là rộng rãi, đặc biệt là cho hàng ghế sau. Ở phía trước, vì kính chắn gió được đặt góc nghiêng hơi thấp, nên khi ngồi sau vô lăng sẽ có cảm giác trần xe thấp. Với một người cao khoảng 1,8m trở lên thì khi ngồi vào, đầu của họ có thể gần đụng trần. Trong khi đó ở bên ghế phụ phía trước, chỗ duỗi chân tạm chấp nhận được, không quá rộng rãi, nhưng cũng không quá chật, nếu chỉ đi loanh quanh thành phố thì không vấn đề gì. Bạn sẽ cảm giác được sự thoải mái nhiều hơn khi chuyển ra ghế sau. Khoảng để chân cho hành khách ngồi sau khá rộng, trần xe cũng cao hơn nhiều cho nên không có cảm giác gò bó. Mình đã thử ngồi vào ở tất cả các vị trí trên xe, và cảm thấy vị trí ở hàng ghế sau là thoải mái hơn cả. Bộ ghế trên Honda City được bọc nỉ và có thể chỉnh độ ngã bằng cần gạt, có thể nhiều người sẽ muốn nó được bọc da.
Vô lăng của Honda City được thừa hưởng lại từ Civic, một kiểu thiết kế vô-lăng 3 chấu có thể coi là đẹp và trẻ trung. Đặc biệt, trên vô lăng còn có tích hợp các nút chỉnh âm lượng, chuyển kênh, chuyển chế độ cho hệ thống giải trí, và có cả lẫy chuyển số tay, một điều khá hiếm thấy trên các dòng xe hạng B. Honda cũng trang bị lẫy để chỉnh vị trí tay lái phù hợp với từng tài xế có thể trạng khác nhau.
Bảng đồng hồ nằm ngay sau vô lăng với thiết kế to và rõ ràng. Bên trái là đồng hồ đo số vòng quay động cơ, ở giữa là đồng hồ đo tốc độ, trong khi bên phải là đồng hồ nhiên liệu. Xen giữa các đồng hồ là hệ thống đèn báo cấp số, dây đeo an toàn, cửa xe, phanh tay, đèn xi-nhan,… Ở ngay bên dưới kim đồng hồ chỉ tốc độ là một màn hình thể hiện khá nhiều thông tin về hành trình của xe, trong đó có 4 tuỳ chọn xem gồm: số km mà xe đã đi được, quãng đường đi được với số xăng còn lại, hành trình đã đi, mức độ tiêu hao nhiên liệu trung bình.
Honda đã lược bỏ đầu chơi CD trên City, có thể một số người sẽ hơi thất vọng về điều này, vì họ vẫn còn thói quen nghe đĩa nhạc trong lúc ngồi trên xe. Tuy nhiên, với những người trẻ tuổi, thì kết nối USB hay AUX có lẽ là hợp lý hơn, bạn có thể tải nhạc vào USB để nghe hoặc kết nối hệ thống với smartphone bạn qua cổng AUX. Chính vì lẽ đó, việc Honda City không có đầu CD và được thay bằng USB + AUX theo mình là hợp lý, vì CD cũng đang dần mất đi vị trí của nó. Khu vực cắm USB hay cổng AUX được giấu sau màn hình nhỏ ngay trên bảng điều khiển trung tâm, bạn có thể tìm thấy nó bằng cách kéo nắp che ra. Ở đây còn có một hộc nhỏ có thể để vừa máy nghe nhạc hay là điện thoại màn hình không quá to.
Không có đầu CD lẫn màn hình giải trí, cho nên bảng điều khiển trung tâm của City còn trống khá nhiều không gian, để khoả lấp khoảng trống đó, Honda bố trí các nút bấm điều khiển to, bao quanh một nút volume hình tròn. Ngay bên dưới là các núm vặn chỉnh nhiệt độ điều hoà, quạt gió và chế độ thổi gió. Thay vì dùng nút bấm điện tử, Honda lại làm một cần gạt để tuỳ chỉnh lấy gió trong hoặc ngoài cho điều hoà, mình không thích kiểu này lắm. Một điểm bù lại cho sự thiếu sót đầu CD đó là hệ thống âm thanh 4 loa với chất lượng khá ổn, nếu bạn chọn file MP3/WMA chất lượng cao với bitrate 320Kbps trở lên thì âm thanh sẽ tốt hơn.
Các hốc chứa đồ bên trong xe được bố trí khá nhiều. Ngay bên ốp cửa, các bạn có thể tìm được ít nhất 2 ô để bỏ đồ, phía sau cần số cũng có 1 ô lớn, có thể chứa được nhiều loại vật dụng khác nhau và 2 khay để ly. Từ hàng ghế sau, hành khách cũng có thêm 2 khay để lý khác ở giữa 2 lưng ghế trước.
Táp lô, ốp cửa cùng một vài chi tiết khác của Honda City được làm bằng nhựa cứng, một chất liệu quen thuộc của dòng xe phổ thông. Cho dù nó không đẹp nhưng bạn phải chấp nhận thôi. Honda đã giảm bớt cảm giác "có quá nhiều nhựa" bằng cách thêm vào một vài chi tiết giả kim loại và họ mạ crôm cho tay nắm cửa phía trong. Trên táp-lô, Honda làm một đường rãnh chạy ngang qua, chắc có ý là làm cho có cảm giác không gian rộng hơn được chút ít, tuy nhiên mình không thích chỗ này, thấy nó hơi kỳ.
Hệ thống điều hoà trên Honda City là loại hai chiều, chỉ có một dàn làm mát phía trước, khả năng làm mát khá tốt, nhưng khi đi dưới trời nắng gắt, nếu muốn người ngồi sau được mát mẻ, thì sẽ phải chỉnh nhiệt độ thấp hơn và quạt gió lớn hơn. Lúc này người ngồi trước sẽ có chút khó chịu, vì gió từ quạt sẽ thổi khá mạnh, đặc biệt tiếng ồn phát ra từ hệ thống quạt rất lớn, ngay cả khi đặt ở tốc độ quạt mức 2 (có 4 mức). Nếu có thể thì Honda nên điều chỉnh lại vấn đề này.
Khả năng vận hành và tiêu hao nhiên liệu
Honda City được trang bị động cơ SOHC i-VTEC, 4 xi-lanh thẳng hàng, dung tích 1.5L, cho công suất 120 mã lực và mô men xoắn 145 Nm ở tốc độ vòng quay 4.800 vòng/phút. Mặc dù dung tích xi-lanh chỉ 1.5L nhưng Honda City có khả năng tăng tốc khá tốt, đặc biệt là khi chuyển cần số sang chế độ S (Sport). Khi chạy trong điều kiện thành phố, mình để ở chế độ D và xe vận hành ổn định. Hộp số tự động 5 cấp hoạt động mượt mà, và nếu bạn không ép ga nhanh thì khó cảm nhận được độ trễ khi xe sang số.
Trong điều kiện đô thị, xe vận hành nhẹ nhàng và êm ái với động cơ 1.5L. Vô lăng trợ lực điện lúc này phát huy tác dụng nhiều hơn, nó cho phép tài xế phản ứng linh hoạt với điều kiện giao thông phức tạp như ở Việt Nam. Chân ga khá nhẹ và nhạy, chỉ hơi nhích nhẹ là xe đã bắt đầu tăng tốc. Điều này cũng góp phần giúp Honda City có thể luồn lách nhanh hơn trong tình trạng đông đúc. Rõ ràng, với City thì môi trường đô thị như là "sân nhà" của nó.
Để kiểm tra sức mạnh của Honda City, mình đã đi xa hơn, thoát ra khỏi sự đông đúc của Sài Gòn. Ngay khi ra đường cao tốc, mình cho xe chuyển sang chế độ S, và lập tức có thể cảm nhận rõ sự khác biệt. Tay lái sẽ nặng hơn và đặc biệt tốc độ vòng quay động cơ sẽ tăng rất nhanh khi bạn đạp ga. Mình rất thích kiểu bố trí hai lẫy tăng giảm số trên vô lăng (bên trái là giảm và bên phải là tăng số). Khi cần tăng tốc nhanh, hay vượt xe, và đặc biệt là khi chạy đường đèo, thì hai lẫy chuyển số này sẽ phát huy được tác dụng của nó. Khi ở chế độ S, bạn sẽ phải tự tăng số thông qua lẫy chuyển số bên tay phải vô lăng. Nếu bạn không tăng số theo đúng vòng tua, thì ở cấp 1 số, vòng quay động cơ có thể lên đến 6.600 vòng/phút. Nếu ở S thì bạn nên cố gắng làm quen với việc chuyển số trên vô lăng, vì nếu để tua máy lên cao thì nhiên liện sẽ bị tiêu hao nhiều hơn.
Trong hành trình đi ra khỏi Sài Gòn, mình đã thử cho xe chạy ở tốc độ tầm 80km/h và có đôi lúc cao hơn một chút. Tuỳ vào điều kiện mặt đường mà xe cho cảm giác khác nhau. Ở những đoạn đường đẹp thì mọi thứ rất ổn, trừ việc tiếng ồn hấp thu từ gầm xe vọng lên hơi nhiều. Còn khi gặp những đoạn đường có bề mặt mấp mô, nếu chạy ở tốc độ cao thì xe hơi chao, một điều khá phổ biến với các dòng xe phổ thông. Hệ thống giảm xóc trên xe hoạt động ổn, không tạo cảm giác khó chịu khi đi qua các đoạn gồ ghề. Người ngồi sau vẫn có cảm giác dễ chịu khi xe đi vào đoạn đường xấu. Tuy nhiên, tiếng ồn là vấn đề mà Honda cần khắc phục.
Về mức tiêu hao nhiên liệu, sau quãng đường gần 140km mà mình đi qua, thì xe thông báo là đã "đốt" hết gần 11L nhiên liệu. Trong lúc chạy thử, mình đã đi qua cả địa hình đô thị và ngoại ô, trong đó có cả các bài test khả năng tăng tốc và chạy ở chế độ Thể thao. Nếu tính trung bình thì City có mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 7L/100km. Mặc dù đây không phải là một mức tiêu hao nhiên liệu ấn tượng, nhưng với City bạn sẽ có thể có được các cảm giác lái thú vị.
Tuy nhiên, nếu sau một thời gian chạy quen xe và quen với hộp số tự động trên City, bạn có thể tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn. Bạn có thể để ý xem mình đã chạy xe đúng cách chưa bằng việc nhìn vào biểu tượng ECO trên bảng đồng hồ. Nếu nó sáng lên thì có nghĩa là bạn đang điều khiển xe đúng cách, và sẽ giúp xe bớt tiêu hao nhiên liệu hơn.
An toàn
Honda đã trang bị cho City các tính năng an toàn cơ bản của một chiếc xe ô tô phổ thông. Hệ thống phanh ABS 4 đĩa của City hoạt động hiệu quả ngay cả trên các điều kiện địa hình khác nhau. Đây cũng là điểm hơn của City so với vài dòng xe phổ thông khác, vì thường thì chúng sẽ chỉ được trang bị 2 phanh đĩa ở bánh trước, còn bánh sau là phanh tang trống. Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD cũng góp phần làm cho xe ổn định hơn khi giảm tốc độ đột ngột. Ngoài ra thì Honda City còn có tính năng hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, cho phép dừng xe nhanh khi gặp chướng ngại. City được trang bị 2 túi khí dành cho người lái và người kế bên, rất cơ bản. Ngoài ra thì xe còn có một vài tiện ích an toàn chống trộm như chìa khoá có mã hoá và hệ thống báo động. Chìa khoá của xe cũng có thể mở/khoá cửa từ xa.
Kết luận
Có thể nói, Honda City là chiếc xe tốt trong phân khúc hạng B, đặc biệt là nhắm đến những người dùng trẻ tuổi ở đô thị. Xe có thiết kế trẻ trung; nội thất rộng rãi và có nhiều tiện ích hay. Khả năng vận hành và sức mạnh phù hợp cho cả nhu cầu sử dụng hàng ngày trong thành phố và những chuyến đi xa. Với mức giá 580 triệu đồng cho phiên bản AT, Honda City là một đối thủ đáng gờm trên thị trường xe phổ thông trong nước hiện nay.
Ưu điểm:
- Thiết kế tốt trong các dòng xe hạng B hiện tại
- Không gian nội thất rộng rãi, khoang chứa hành lý lớn
- Chế độ S cho trải nghiệm lái thú vị, lẫy chuyển số trên tay
Khuyết điểm:
- Trần xe ở phần đầu hơi thấp
- Khả năng chống ồn của gầm chưa tốt
- Ốp cửa nhựa có cảm giác ọp ẹp