Đánh giá Chuyện cái máy ảnh của Nokia Lumia 1020
Lời đầu tiên xin thưa các bạn: Lumia Nokia 1020 là một chiếc điện thoại thông minh cực kỳ tối tân. Nhưng, Lumia 1020 cũng mang trong nó một máy ảnh 41 megapixel ấn tượng từ giây phút đầu tiên mình cầm em nó, và chúng ta sẽ nghĩ ngay nó có kích thước cảm biến ảnh giống như người anh Nokia 808 PureView. Oh, hoá ra không phải! Nhưng, trước khi đánh giá phần máy ảnh của Lumia 1020, chúng ta nên xem qua một số ảnh thực tế mình đã chụp. Xem ảnh rồi nói chuyện gì thì nói!
Lumia 1020 bắt đầu với một ngày sống, phải là ảnh bình minh.
Quay lưng rồi, nhưng có cảnh hay, rút 1020 làm quả ngược sáng.
Thử bokeh vài shot xem sao.
Thử độ nét trước khi chiến đấu nào
Ăn sáng uống cafe rồi, Lumia 1020 phải theo chúng tôi ra đồng gặt lúa kiếm cơm.
Theo chú bán hàng rong
Theo anh nhiếp ảnh gia quen thuộc vào con hẻm cafe vỉa hè
Theo cô bán chổi bán chiếu
Dừng lại ở ngã tư đèn xanh đỏ.
Rồi gắng leo lên con dốc kịp mua ve chai.
Có khi thong thả như hàng xôi nếp xôi đậu (mình cứ vui khi nhìn cái nón)
Thi thoảng Lumia 1020 phải nhắn tin hay ốp hình lên phét búc.
Lumia 1020 xuôi ngược
Ngắm nhìn cô lao công giữa phố tấp nập
Lang thang hoa cỏ ven đường, close-up xem Lumia 1020 thế nào.
Hoa 10 giờ nở, trưa rồi!
Nắng thì vào quán, cũng có ảnh tĩnh vật, màu sắc đâu ra đó ha!
Thử cái màu của gỗ dưới ánh sáng đèn vàng
Trưa, nên ngủ một chút, thử chuyển sang ảnh trắng đen.
Ngoài đường vẫn có người còn đứng "phơi sáng" giữa ban ngày
Thấy người ta phơi, em lại thử pan
Chóng mặt quá, Lumia 1020 thích tìm thảm cỏ nghỉ ngơi - bóng chiều đẹp
Có "núm" len lõi trong khe cỏ yếu ớt mà xinh
Hoa rụng mà 1020 cứ tưởng con chuồn chuồn lui cui chụp.
Và, khi màn đêm xuống dần, Lumia 1020 có ảnh hoàng hôn.
Oh, chụp chi 4 tấm, làm 1 quả pano đi 1020
Và, kết thúc một ngày, cũng phải có ảnh phơi đêm. Không biết phơi gì, phơi cái xe, xe mình còn, xe người ta biến mất.
Đã định về, nhưng Lumia 1020 thích chụp thử pháo bông!
Trước khi coi pháo bông, em Lu 1020 có vào xem kịch. Ánh sáng sân khấu.
Trên đường về, em lại "xoắn" với dòng xe máy tập nập vội vã về nhà.
Một ngày lang thang với đủ thể loại ảnh. Bây giờ chúng ta quay lại câu chuyện cái máy ảnh trên thân điện thoại Lumia 1020.
Cảm biến ảnh kém hơn 808
Này nhé, Lumia Nokia 1020 thực sự có cảm quang rất lớn, so với một cảm biến ảnh của hầu hết điện thoại đối thủ cạnh tranh khoảng 4 lần, nhưng nó nhỏ hơn cảm biến ảnh của 808 PureView (Chiếc điện thoại có camera 41 Mpx chạy trên nền Symbian ra đời đầu năm 2012 của Nokia). Trong khi kích thước cảm biến ảnh của 808 là 1/1.2 inch thì 1020 là 1/1.5 inch. Như vậy, không gian chứa điểm ảnh của 1020 nhỏ hơn và chắc chắn cùng số lượng 41 triệu điểm thì mỗi điểm ảnh trên cảm biến ảnh của 1020 bé hơn mỗi điểm ảnh trên cảm biến của 808. Cụ thể, kích thước vật lý mỗi điểm ảnh trên Lumia 1020 là 1.12μm so với 1.344μm trên 808. Hậu quả từ vấn đề kỹ thuật này là gì? - Thưa rằng: Chắc chắn khả năng đón nhận ánh sáng trên mỗi điểm ảnh và trên toàn bề mặt cảm biến ảnh của Lumia 1020 là kém hơn 808. Bạn có thể hiểu mỗi điểm ảnh là một cái cốc thay vì chứa nước thì chứa ánh sáng thu được qua ống kính Camera. Kích thước vật lý của từng cái cốc lớn thì chứa được lượng sáng nhiều hơn, thu nhận hình ảnh tốt hơn. Cùng số lượng cốc là 41 triệu chiếc, nhưng mỗi cốc có kích thước vật lý bé hơn thì chất lượng hình ảnh không phải là như nhau. Như vậy, Lumia 1020 thua kém hơn người anh em cũ của nó là 808 PureView ở điểm so sánh này.
Cải tiến của 1020 là gì?
Nhưng, Lumia 1020 được Nokia cải tiến một số điểm quan trọng. Vì kích thước vật lý cảm biến ảnh nhỏ hơn, nên Lumia 1020 mảnh mai mỏng đẹp tuyệt hơn 808 PureView múp míp. Xin nhắc lại, đây là mấu chốt quan trọng, tự thân điện thoại luôn là điện thoại; Nokia đã tạo ra một chiếc điện thoại mỏng đẹp thông minh tuyệt vời, và nó có một chiếc máy ảnh rất tốt. Nokia đưa vào công nghệ ổn định hình ảnh quang học (OIS - optical image stabilization) cho phép chụp ảnh trong nhiều tình huống ánh sáng yếu buộc có thời gian lộ sáng dài hoặc quay video thì sẽ có hình ảnh tốt hơn.Nokia 920 là điện thoại đầu tiên có ổn định hình ảnh quang thực sự, sau đó HTC cũng có tương tự, và tính năng này hiện tại vẫn là điểm đáng chú ý. Có IOS là giống như có một chân máy vô hình, nhất là với một chiếc điện thoại. Nếu với các điện thoại khác, bạn phải chụp ở tốc độ màn trập là 1/15giây thì ảnh không bị rung nhoè thì ở Lumia 1020 có thể chụp 1/6 giây với cảnh tĩnh. Và, như vậy, bạn có thể giữ mức ISO thấp hơn và chất lượng ảnh tốt hơn. Chẳng hạn ở tốc độ màn trập là 1/15 giây với ISO 800 thì bạn có thể giảm ISO100 với tốc độ 1/2 giây. Tóm lại là Lumia nhờ tính năng này nên ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng yếu đảm bảo ảnh ít mờ nhoè hơn.
Zoom lossless
Điểm quan trọng tiếp theo là khả năng zoom không giảm chất lượng trên "Superphone 1020" (lossless zoom capabilities). Cần nói "zoom kỹ thuật số" truyền thống là một kỹ nghệ "cắt xén" hình ảnh nên chất lượng hình ảnh suy giảm rất nhiều. Lumia có một khoảng zoom từ 25 - 69mm khi chụp ảnh tĩnh với độ mở ống kính (khẩu độ) là f/2.2 và không khép nhỏ độ mở này khi zoom. Đây là một lợi thế rất lớn mà ngay cả công nghệ sản xuất ống kính máy ảnh DSLR vẫn còn là vấn đề phức tạp. Điều này giúp hình ảnh chụp được ở góc rộng và zoom ít bị suy giảm chất lượng vì lượng sáng suy giảm. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc nền HĐH mà cả hệ thống cải tiến này hoạt động, đó là WP8. 1020 gặp nhiều khó khăn dù rất cố gắng!
Mình ngồi đúng 1 chỗ, chụp từ 1 góc, và zoom, các bạn thử xem nhé:
Có ứng dụng chụp chụp! Rất thích!
Nokia Lumia 1020 có sẵn cho chúng ta các ứng dụng chụp ảnh: Camera, Panorama, Smart Camera, Nokia Pro Cam. Mỗi ứng dụng đều có điểm khác nhau rõ ràng. Camera là ứng dụng truyền thống, Smart Camera cũng không có gì đặc biệt, thậm chí sản phẩm ảnh không ấn tượng khi thử dùng từ lần đầu, Panorama thực sự cần với người thích chụp phong cảnh, và chắc chắn Pro Cam là ứng dụng được sử dụng hầu như thường xuyên. Ngoài cơ chế chụp hoàn toàn tự động khá thông minh full auto, Pro Cam cho bạn tuỳ chỉnh: Cân bằng trắng (WB), tốc độ màn trập, ISO, khoảng cách nét, tăng giảm bù trừ sáng EV +/-. Trong đó, cân bằng trắng có các chế độ cài sẵn cho ánh sáng trời, đèn huỳnh quang, đèn dây tóc, trong nhà... Dãi ISO chạy từ 100 - 3200, tốc độ nhanh nhất 1/8000 và chậm nhất là 4giây. Khả năng tuỳ chỉnh này về cơ bản là cầu nối giữa một chiếc điện thoại thông mình và một chiếc máy ảnh bỏ túi thực sự.
Nhưng không như ý!
Nếu bạn tuỳ chỉnh bất kỳ một thông số nào ở trên, lập tức Pro Cam khoá tuỳ chỉnh tay EV +/-, và khi đó máy sẽ tự động tuỳ chỉnh EV +/- theo tính toán lượng sáng mà nó "cảm thấy". Đây là một khó khăn lớn cho việc khống chế, việc làm chủ hoàn toàn lượng sáng đi qua ống kính của người chụp. Với tôi, đây là hạn chế lớn của Lumia 1020. Bạn sẽ không thể làm chủ ánh sáng cho vùng ảnh trong toàn khung theo ý muốn. Nhất là với thể loại chụp "phơi sáng" (thời gian lộ sáng kéo dài, mà với Lumia 1020 dài nhất là 4 giây), thì Lumia 1020 không thể cho ảnh tốt. Tôi đã thử mọi cách từ tốc độ màn trập 0.5s - 4s và bạn chỉ có thể để thời gian lộ sáng từ 1s - 2s khi các vùng ảnh không có chênh lệch độ sáng rõ ràng. Nếu các vùng có ánh sáng ít tương phản, thì Lumia 1020 tạo ra bức ảnh tuyệt đẹp, mà có thể nói sánh được với những máy ảnh lớn, nhờ lợi thế độ phân giải rất cao.
Tấm này - Trời mây ngũ sắc cuồn cuộn hấp dẫn vô cùng, chụp tự động 1 tấm làm vốn.
Phơi sáng ở tốc độ 2s thì bắt đầu thất vọng.
Phơi sáng ở tốc độ 4s thì hoàn toàn chán.
Và, tương tự, khi đứng trước ánh đèn thành phố có sự chênh lệch các vùng sáng manh - yếu ở mức cao, mình chỉ có thể chụp chứ không phơi sáng (thời gian lộ sáng không quá 1 giây, trong khi 1020 có thời gian lộ sáng lâu nhất là 4s). Các bạn có thể nhận xét ở các bức ảnh mình phơi sau:
Cân bằng trắng (WB - whitebalance)
Cần nói rõ việc tuỳ chỉnh WB trên 1020 là một điểm mới. 41 triệu điểm ảnh trên Nokia 808 PureView chạy trên nền Symbian không thể hiện khả năng tuỳ chỉnh WB. Điều này cho thấy tuỳ chỉnh WB trên 1020 có thể là một liên quan với HĐH Windows Phone. Có lẽ Nokia và Microsoft tính trước một sự hợp tác chặt chẽ nào đó các ứng dụng trên Lumia này và cả về sau. Trong thực tế, mình vẫn thích AWB (auto wb) vì cảm thấy nó chuẩn trong hầu hết hoàn cảnh ánh sáng. Tuy nhiên, khi chụp cận cảnh, chỉ cần ống kính di chuyển qua một điểm đo sáng khác, WB có sự thay đổi khá rõ ràng và sai lệch màu.
Mình chụp 1 tấm không ưng, chụp tiếp thì phát hiện: chỉ cần lắc điểm đo sáng vào một vùng màu chênh lệch thì AWB thay đổi rõ ràng khác hẳn. Điều này không hoàn toàn do máy, mà bởi cơ chế cân bằng trắng tự động quá nhạy với những tia sáng phản chiếu khác nhau mà mắt người khó nhận ra. Phải thật chú ý với điều này khi dùng 1020 chụp ảnh cận cảnh.
Vùng ảnh rõ khi chụp cận cảnh
Có 4 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến "vùng ảnh rõ nét" của bức ảnh là: khẩu độ của ống kính, tiêu cự của ống kính, khoảng cách từ máy đến điểm lấy nét, kích thước cảm biến ảnh. Trong ứng dụng chụp Nokia Pro Cam, không có tuỳ chỉnh manuel khẩu độ, tiêu cự, nên nếu có tuỳ chỉnh các thông số khác như iso, thời chụp, wb thì không có ý nghĩa lắm cho việc này, nên tôi chọn cơ chế chụp hoàn toàn tự động (full auto). Cần nói thêm ở đây, kích thước cảm biến của điện thoại rất bé, nên hầu như ảnh chụp có trường ảnh và vùng ảnh rõ gần như nhau, nghĩa là hầu như ảnh sẽ "nét từ đầu đến cuối" như ta vẫn thường nói. Điều chúng ta có thể khống chế đó là khoảng cách từ máy đến đối tượng lấy nét. Khoảng cách nét tối thiểu của 1020 là khoảng 25 cm. Kết quả là những bức ảnh chụp thử là rất tốt.
Độ nhạy sáng ISO
Chúng ta hiểu ISO ở đây là khả năng nhạy sáng của cảm biến ảnh. Lumia 1020 ở cơ chế chụp Auto, luôn ưu tiên ISO thấp nhất là 100 và tăng dần theo dãy cố định 200, 400, 800, 1600, 3200 tuỳ theo hoàn cảnh ánh sáng thực tế. Và, với Pro Cam, chúng ta có thể tuỳ chỉnh theo ý muốn. Ở ISO1600 bắt đầu xuất hiện hạt nhiễu và đến ISO3200 thì ảnh bắt đầu suy giảm độ phân giải có thể nhận ra dễ dàng hơn. Nếu chụp một khung ảnh có vùng sáng tối chênh lệch cao, Lumia 1020 không có khả năng xử lý nhiễu vùng tối tốt và khả năng giữ chi tiết vùng sáng tốt. Ảnh được chụp trong hoàn cảnh này là thực sự khó đối với Lumia 1020. Nhưng, đó là nhận định của một góc nhìn có đòi hỏi quá một chiếc điện thoại mang trên vai chiếc máy ảnh. Chúng ta phải nói thật công bằng, Lumia 1020 có khả năng xử lý nhiễu hạt và kiểm soát độ phân giải ảnh khá tốt, kể cả khi bạn chọn chụp ở mức 5Mpx.
Đây là mẫu chụp. Điều kiện ánh sáng trong phòng, ánh đèn led.
View attachment 1265692
ISO Auto
ISO 3200 - f/2.2 - 1/443s
ISO 800 - f/2.2 - 1/100s
ISO 400 - f/2.2 - 1/50s
ISO 100 - f/2.2 - 1/17s
Panorama
Mình có chụp một số tấm với ứng dụng Panorama. Vẫn là cách chụp kiểu Smooth Pan chụp tấm đầu tiên rồi lia máy theo chiều từ trái qua phải từng khung theo chấm dẫn đường của ứng dụng. Và, đó là cách duy nhất, không có chiều ngược lại hoặc đo sáng ở vùng khác rồi di chuyển ống kính về hướng của khung ảnh đầu tiên. Do vậy, nếu tại khung ảnh đầu tiên đủ sáng, có thể các khung tiếp theo dư sáng hoặc thiếu sáng trầm trọng, bạn chỉ có thể có tấm ảnh panorama nếu các vùng toàn cảnh không có sự chênh lệch sáng quá cao. Số khung tối đa là 5 khoảng 15Mpx. Tấm dưới mình chỉ chụp 3 khung và có crop.
Tinhte giới hạn 50 ảnh/ bài, nên mời các bạn xem tiếp ở post dưới!
.
Màu sắc
Lumia 1020 không có riêng một chip xử lý hình ảnh, và với độ phân giải ảnh của cảm biến là 41 triệu điểm ảnh trên nền HĐH WP8 là không thể chụp ảnh nhanh. Bạn phải mất ít nhất 2 - 3 giây xử lý ảnh và lưu anh cho mỗi lần bấm máy. Bắt được khoảnh khắc thể thao hay khoảnh khắc đời thường là rất khó với 1020. Nhưng màu sắc của hình ảnh trên 1020 là tuyệt vời! Những màu sắc khó trong nhiếp ảnh là màu đỏ hoặc tím mình kiểm tra rất cẩn thận. Khi chụp một cánh hoa đỏ hoặc tím, bạn thường được ảnh một mảng đỏ, tím đặc sệt không có chi tiết, kể cả các máy ảnh lớn DSLR. Chúng ta kiểm tra màu sắc tách bạch thế nào của Lumia 1020! Và, để có nhận định màu sắc, chúng ta xem câu chuyện của các cây bút chì.
1. Điểm danh màu đen đứng đầu hàng
2. Màu xanh, tím đỏ ở giữa hàng
3. Một đội có vẻ rất cùng chí hướng
4. Cùng loài
5. Xiên hay thẳng cũng luôn bên cạnh nhau
6. Có đứa phải retouch
7. Thằng đỏ đỏ kia vượt lên khỏi đồng đội
8. Thằng tím tím không chịu thua, treo lên cả anh em mà đi
9. Rồi thêm một đứa ngoi lên
10. Và, trong vô số sắc màu, có 3 màu chính của nhiếp ảnh. RGB (đỏ - Xanh lá - xanh dương)
11. Có vẻ 3 chú này đua nhau ........ trong cuộc đua gì đấy.
12. Một chú phải luyện công dùi mài võ khí
13. Sau cuộc đấu thì đứa nào cũng mẻ đầu sứt mỏ
14. Thượng bất chính hạ Tắc loạn
15. Và, vẫn cố gắng, dù kẻ trước người sau, hướng về tình yêu
Kết luận
Ưu điểm:
- Màu sắc tách bạch rõ ràng, trên màn hình Amoled có vẻ hơi rực rỡ, nhưng trung thực trên màn hình máy tính.
- Chất lượng hình ảnh nhìn chung là tốt.
- Zoom ít ảnh hưởng chất lượng hình ảnh.
- Trong điều kiện ánh sáng không tốt, ít suy giảm độ phân giải.
- Có tuỳ chỉnh các thông số bằng tay như một máy ảnh, tuy chưa hoàn toàn trọn vẹn.
- Màn hình Amoled có thể nhìn rõ dưới ánh sáng trời.
Hạn chế:
- Trình ứng dụng chụp ảnh hoạt động chậm chạp.
- Không thể kiểm soát được độ sắc nét ảnh, độ bão hoà màu, độ tương phản hình ảnh.
- Không có chế độ chụp HDR.
- Hình ảnh có dấu hiệu suy giảm sắc nét ở vùng rìa ảnh (soft).
- Trình ứng dụng xử lý ảnh giới hạn so với đối thủ cạnh tranh.
Cảm biến ảnh 41 Mpx của Lumia 1020 trên nền WP8 là một đột phá chất lượng hình ảnh của Nokia trên chiếc điện thoại đỉnh cao của năm 2013. Màn hình không đạt chất lượng cao như các màn hình Full HD nhưng độ sắc nét và khả năng hiển thị rất tốt dưới ánh sáng mặt trời là điều ấn tượng. Có nút chụp cứng và chạm màn hình rất thuận tiện với khuynh hướng chụp ảnh hiện nay. Tính năng zoom số 2.7x lossless ít suy giảm chất lượng hình ảnh là tính năng nổi bật của 1020. Tuỳ chỉnh các thông số tốc độ màn trập, ISO, cân bằng trắng, khoảng cách điểm nét, bù trừ sáng thuận tiện trên màn hình được đánh giá rất cao, tuy chưa thật sự trọn vẹn. Hệ điều hành WP không hỗ trợ nhiều phần chụp ảnh, nhưng Nokia tận dụng tốt lợi thế của ống kính và các ứng dụng chụp ảnh Pro Cam. Chế độ Smart Cam cũng cho phép chụp Best Shot, chọn 1 trong 10 thú vị cũng như chế độ tạo hình động Cinemagraph của 1020. Tuy nhiên, 1020 không có chế độ HDR.
Nokia Lumia 1020 cho chất lượng hình ảnh ấn tượng so với bất kỳ điện thoại nào trên thị trường. Nhưng, thời gian khởi động và thời gian xử lý giữa hai lần chụp liên tục là một cảm nghiệm về sự chạm chạp khó chịu. Dẫu sao không có chiếc điện thoại phục vụ bạn như một chiếc máy ảnh.
Góc test của em:
Không đầy đủ và chuẩn mực, nên có thiếu sót.
Ảnh trong bài hầu hết là ảnh gốc được resized, trong đó có một số ảnh chủ yếu chỉ can thiệp vào cân lại sáng và tương phản.
Chúc các bạn vui vẻ.