Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Mua sắm trực tuyến an toàn với Safeweb

online_shopping1.

Lựa chọn nào cho người mua hàng trực tuyến thông minh?

Mua bán trực tuyến càng ngày càng là lựa chọn yêu thích của nhiều khách hàng, nhất là giới trẻ ở các thành phố lớn. Nhưng lựa chọn mua sắm ở đâu trên môi trường trực tuyến có nhiều rủi ro khiến nhiều người đau đầu và nhiều khi phải trả “học phí”. Làm thế nào để đảm bảo an toàn và khai thác được những ưu việt của thương mại điện tử là bài toán lớn cần giải đáp.

Thực tế cho thấy, đa phần người tiêu dùng bị lừa chiếm đoạt tài sản qua giao dịch trực tuyến do bị kẻ xấu đánh cắp các thông tin cá nhân như số điện thoại, số visa, số tài khoản…Người tiêu dùng nên hết sức lưu ý, phải lựa chọn các website có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân rõ ràng, tránh tình trạng các thông tin cá nhân bị đánh cắp hoặc tiết lộ cho bên thứ ba. Khảo sát một số website bán hàng trực tuyến cho thấy tỷ lệ website chưa chú trọng việc bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng hoặc không có thông báo về việc thu thập thông tin, cách thức thu thập hay cam kết sử dụng thông tin còn khá cao.

Hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó” trong bán hàng trực tuyến gây bức xúc cho người tiêu dùng. Tuy chưa bị thiệt hại lớn nhưng chị Phương (Cầu Giấy) cho biết đã từng mua hàng qua một website bán hàng thời trang, trên website ghi rõ xuất xứ là Made in UK. Nhận được hàng chị chưa kịp vui thì phát hiện mác áo ghi Made in China.Vì website này không ghi rõ chính sách trả hàng hay có hợp đồng rõ ràng gì, nên chị phải ngậm đắng nuốt cay mất tiền triệu cho sản phẩm không đúng như mong muốn. Thông thường, khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng ít chú ý tới mục giao kết hợp đồng với các điều khoản từ nhà cung cấp. Trách nhiệm của chủ website là phải cung cấp đầy đủ thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, email, các thông tin về điều kiện, điều khoản bán hàng và chi tiết sản phẩm… Dựa vào các điều khoản đã ghi rõ trong hợp đồng, người tiêu dùng được quyền khiếu nại khi có vấn đề xảy ra. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kĩ chính sách giải quyết khiếu nại của nhà cung cấp đặc biệt về quy trình giải quyết như nào, thời gian giải quyết bao lâu.

Các chuyên gia khuyên người dùng chỉ nên tiến hành giao dịch thương mại điện tử thông qua các website uy tín, được cơ quan chức năng chứng thực. Nhưng làm sao để nhận biết một website uy tín là điều không hề dễ. Nhiều người cho rằng nên chọn một đơn vị chuyên môn đánh giá và gắn biểu tượng tín nhiệm cho website, tạo nên một thương hiệu để người dùng có thể nhận biết ngay. Trên môi trường trực tuyến biểu tượng này có ý nghĩa tương tự như thương hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao trong môi trường thương mại truyền thống.

Trên thế giới, nhiều tổ chức xác thực uy tín đã ra đời như Truste của Hoa Kỳ, TradeSafe của Nhật Bản, TrustSg của Singapore, Sino Credit của Trung Quốc, v.v…Với mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thương mại điện tử Việt Nam, Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) thuộc Cục TMĐT &CNTT đã xây dựng “Hệ thống Tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử SafeWeb” (gọi tắt là SafeWeb). Theo bà Bùi Thanh Hằng – phụ trách hệ thống này - SafeWeb dựa trên 5 nguyên tắc: Website phải tạo được niềm tin, thông tin về hợp đồng rõ ràng, quảng cáo trung thực, bảo vệ thông tin cá nhân, giải quyết khiếu nại. SafeWeb đã tham gia Liên minh các tổ chức nhãn tín nhiệm thế giới (World Trustmark Alliance).

Với các website được gắn biểu tượng SafeWeb, người tiêu dùng có thể yên tâm giao dịch, giảm nguy cơ không còn lo sập bẫy những website TMĐT lừa đảo. Thông tin chi tiết về hệ thống SafeWeb có tại www.safeweb.vn.

VECOM