Sau khi Intel trình làng Core i thế hệ 4 Haswell và nVIDIA ra mắt thế hệ GPU GeForce 700M series thì hãng Asus cũng nhanh chóng nâng cấp dòng máy tính xách tay chơi game Republic of Gamers màn hình 17 inch của mình, G70 series với cấu hình mới là G750. Về ngoại hình thì G750 được phát triển từ G70 series, và nó cũng khác nhiều với G75 của năm 2012, điển hình là 2 khe thoát nhiệt phía sau máy sẽ nằm ở 2 bên trái phải, giống với G73 chứ không nằm sát nhau như G74/G75. Một điểm nữa là G750 tuy có vỏ bằng nhựa và nhôm nhưng có màu đen toàn máy, chứ không phối giữa 2 màu đen và xám tro như G75. Nhìn chung thì dòng máy năm nay vẫn là 1 chiếc laptop màn hình 17.3" độ phân giải Full HD, hỗ trợ 3D. Bên trong máy thì chúng ta có 4 khe cắm RAM, 2 slot ổ cứng, tuy nhiên G750 khó nâng cấp CPU và GPU hơn so với các đời G70 series cũ.
Cấu hình tham khảo của Asus RoG G750JW:
- Màn hình: 17.3 inch, Full HD, có option hỗ trợ 3D nVIDIA Vision 2
- CPU: Intel Core i7-4700HQ Haswell, 4 nhân 2,4GHz
- GPU: nVIDIA GeForce GTX 765M, 2GB GDDR5
- RAM: 12GB DDR3 bus 1600MHz (3 cây 4GB)
- Bo mạch: Intel HM87 Express Chipset
- Ổ cứng: 1TB (không có RAID)
- Kết nối: 4 USB 3.0, HDMI, mini DisplayPort, LAN, VGA, WiFi ac, Bluetooth 4.0
- Tiện ích: ổ DVDRW, khe đọc SD, loa 2.1 SonicMaster, HD Web Camera
- Kích thước: 410 x 318 x 17~50 mm
- Cân nặng: 4,8kg (đã gồm pin)
- Pin: 8 cell dung lượng 5900mAh
- HĐH: Windows 8
- Giá bán: 1399$ (ở Mỹ); 35,9 triệu đồng ở VN.
Điều cần nói đầu tiên là dòng G750 nói chung có option màn hình 3D Vision 2 của nVIDIA, tùy theo nhu cầu người dùng mà chúng ta có thể bỏ thêm tiền (khoảng 150$) để mua thêm 1 bộ kính 3D. Với chiếc G750JW mà mình dùng thử thì đây là model không có 3D. Và vì không có 3D nên màn hình này cũng chỉ có tần số làm tươi 60Hz chứ không phải 120Hz. Điểm thứ 2 là tuy không có 3D, nhưng có lẽ để đồng bộ với các model khác có 3D, nên mặc định G750 series sẽ bị tắt chip đồ họa tích hợp (HD 4600) của CPU Core i7-4700HQ từ trong bios. Tức là chúng ta sẽ không có chức năng nVIDIA Optimus cho phép tự động chuyển đổi qua lại giữa GPU tích hợp và GPU rời. Điều này làm máy luôn chạy ở công suất cao nhất nhưng lại nóng hơn và hao pin hơn.
Là dòng máy thiết kế cho game thủ do đó các máy RoG nói chung và G750 nói riêng có bàn phím chất lượng tốt, tuy vẫn bị hiện tượng flex nhưng nếu không nhấn quá mạnh thì chúng ta sẽ thấy thoải mái khi gõ trên bàn phím này, với hành trình của phím và độ nảy tốt. Ngoài ra, trackpad của máy cũng có diện tích rộng, khá nhạy và dễ sử dụng, 2 nút chuột trái và phải êm và nhẹ. Tuy nhiên phần bàn rê này dễ bám mồ hôi do đó lúc tay bị ẩm sẽ khó sử dụng hơn khá nhiều.
Bàn phím này cũng có đèn nền với 3 độ sáng khác nhau, tùy theo nhu cầu sử dụng. Đèn màu trắng, không đổi màu được như Alienware hoặc dòng GT/GS của MSI.
Asus không nói rõ họ sử dụng loại panel nào cho Asus G750, chỉ biết nó là loại LCD chống chói (anti glare), tuy nhiên chỉ cần tìm theo part number thì ta sẽ có được kết quả đây là panel màn hình LCD TN Chimei, và tùy model thì chúng ta sẽ có 2 độ phân giải là 1600 x 900 và Full HD 1080 (tỉ lệ 16:9). Màn hình 17.3" này cũng như G70 series trước đây có chất lượng hiển thị tốt, màu sắc tươi tắn và độ sáng vừa phải. Tuy nhiên chất lượng màn hình của G750 lộ rõ nhược điểm khi thay đổi góc nhìn, lúc này màu sắc sẽ bị bệt và ngả tím nhiều.
Dòng Repubic of Gamers của Asus không chỉ nổi bật về thiết kế to lớn, đồ sộ mà loa ngoài của máy cũng cho ấn tượng tốt. Asus trang bị cho G750 bộ loa 2.1 có chất lượng rất tốt, với loa trầm đặt dưới đáy máy do đó khi phát, âm thanh sẽ đội lên tạo cảm giác đã tai, đồng thời cũng làm máy rung rung do hiện tượng cộng hưởng khi mở âm lượng lớn , cá nhân mình thì lại thích cảm giác này, nhất là lúc chơi các game hành động có cảnh cháy nổ.
Một điểm khá lạ là mặc dù G750JW hỗ trợ RAID 0 để tăng tốc độ ổ cứng, nhưng Asus lại sử dụng 1 ổ 1TB cho máy chứ không sử dụng 2 ổ 500GB, do đó nếu muốn máy chạy nhanh hơn thì hoặc là bạn sử dụng 2 HDD và thiết lập RAID 0, hoặc là mua thêm SSD và gắn vô slot ổ cứng còn lại, bởi máy có 2 khe HDD và còn trống 1 khe. Thử nghiệm benchmark trên ổ cứng này thì nó đạt tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 101MB/s khi đọc và 98MB/s khi ghi dữ liệu, do đó đừng ngạc nhiên tại sau G750JW chạy chậm khi bạn làm nhiều việc cùng lúc, bởi chúng ta đang bị nghẽn cổ chai vì ổ cứng chậm.
RoG nói chung và G750 nói riêng của Asus không được trang bị cấu hình mạnh nhất nếu so với các dòng laptop chơi game của những hãng khác. Cụ thể chúng ta có CPU Core i7-4700HQ 4 nhân, CPU này đã đủ mạnh để chơi tất cả những game 3D nặng hiện nay, tuy nhiên GPU chỉ ở mức tầm trung. Asus trang bị cho máy card đồ họa GeForce GTX 765M cho model G750JW hoặc GTX 770M ở model cao hơn, đây tuy là 2 GPU nằm ở giữa danh sách class 1 trong bảng xếp hạng dòng GPU dành cho laptop, nhưng vẫn được nVIDIA xếp ở mức tầm trung mà thôi.
Vài kết quả benchmark của G750JW
Dĩ nhiên điểm benchmark chỉ để mang tính tham khảo, do đó đầu tiên mình sẽ dùng kết quả khi chơi game với G750JW, tất cả game đều được chạy ở độ phân giải 1920 x 1080 pixel, tùy game mà có thể thiết lập ở mức Ultra, High hoặc Medium, khử răng cưa nếu có sẽ ở mức 4X.
Số khung hình/giây với vài game tiêu biểu
Điểm số 3DMark 11 của G750JW với chip đồ họa GTX 765M cao gần gấp 3 lần S40t dùng GT 740M.
Nếu đã từng xài qua RoG của Asus thì bạn cũng có thể thấy được là dòng máy này khá mát, dù sử dụng một thời gian lâu nhưng vỏ của máy vẫn không bị nóng, có lẽ do thiết kế to dày nên thân máy đã cách nhiệt tốt, không bị nóng lan qua phần lót tay cũng như những khu vực xung quanh. Khi dùng phần mềm thì nhiệt độ đo được khi máy chạy bình thường là dưới 50 độ C cho tất cả các thành phần, cả CPU và GPU, mát nhất là HDD với 37 độ C.
Khi stress máy bằng AIDA64, sau 5 phút thì nhiệt độ tăng cao hơn đáng kể, có thể lên tới gần 80 độ C, cụ thể là CPU cao nhất ở 77 độ C, GPU 54 độ C (có thể cao hơn nữa nếu stress lâu) và nhiệt độ HDD gần như không thay đổi so với khi idle. Cũng lưu ý là vì 2 khe tản nhiệt của G750 được đặt phía sau máy, do đó khi sử dụng bạn nên chú để không gian phía sau thoáng một chút. Trong trường hợp mình cố ý chắn 2 khe thoát nhiệt này bằng miếng giấy cứng thì nhiệt độ phần cứng tăng đáng kể, CPU bị throttle khi bị nóng tới 96 độ C.
Như đã nói ở trên, vì G750JW bị tắt chức năng nVIDIA Optimus, do đó GPU GTX 765M luôn luôn chạy, khiến máy bị hao pin hơn đáng kể so với sử dụng GPU tích hợp. Vì vậy máy khi dùng pin sẽ được khoảng 3 giờ, trong điều kiện thử màn hình sáng 70% và dùng máy lướt web, nghe nhạc bằng tai nghe và sử dụng Word để soạn thảo văn bản. Thời lượng này theo mình là chấp nhận được đối với một laptop chơi game có cấu hình tương đối mạnh như G750JW.
Dĩ nhiên tuổi đời thương hiệu Republic of Gamers của Asus còn rất trẻ, kinh nghiệm lẫn chất lượng phần cứng còn thua kém Alienware của Dell rất nhiều nhưng phải nói là họ cũng đã đạt được nhiều thành công nhất định, bằng chứng là lượng game thủ sử dụng dòng máy này ở Việt Nam và thế giới đã khá đông, một phần cũng nhờ mức giá, đa dạng cấu hình, dòng máy do đó G series dễ dàng tiếp cận người dùng. Nhưng thiết nghĩ, đã là gamer thì nhiều người lại thích độ thêm đồ chơi lặt vặt cũng như nâng cấp cấu hình cho máy, điển hình là CPU và GPU, vì vậy nếu được thì Asus nên đơn giản hóa việc tháo lắp máy và sử dụng linh kiện dễ thay thế được, ví dụ tương tự dòng Alienware của Dell, GT/GS của MSI, Clevo, Sager... để giúp game thủ thỏa mãn thú chơi tao nhã này.