Viện bảo tàng khoa học London duy trì phòng triển lãm hàng hải bằng mô
hình ảo
Hồi tháng 5 năm ngoái, viện bảo tàng khoa học Science Museum (SCMU) tại London đã chính thức đóng cửa phòng trưng bày công nghệ tàu thuyền Shipping Gallery để thay thế bằng triển lãm kỷ nguyên công nghệ thông tin Information Age dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 9 năm 2014. Mặc dù không còn những mẫu vật được trưng bày thực tế nhưng viện bảo tàng khoa học vẫn quyết tâm duy trì triển lãm này cho thế hệ mai sau. Kết hợp cùng đại học London (UCL) và ScanLAB, SCMU đã tạo ra một phiên bản ảo của Shipping Gallery.
Phòng trưng bày tàu thuyền Shipping Gallery được khai trương vào năm 1963 và là phòng trưng bày lớn nhất, nguyên vẹn nhất tại SCMU. Ngay tại lối vào phòng trưng bày là một hình vẽ la bàn khổng lồ và bên trong là 2 không gian trưng bày công nghệ hàng hải từ xưa đến nay. Tại đây, có hàng trăm mô hình chính xác của đủ các loại tàu thuyền từ tàu chở hàng trọng tải lớn, tàu chở khách, tàu chiến cho đến phà, thuyền buồm, ghe xuồng và cả thuyền đạp nước. Ngoài ra còn có một khu vực riêng dành cho các mô hình động cơ tàu của nhiều nhà sản xuất và nguyên lý hoạt động của các loại động cơ.
Bên cạnh các mô hình kỹ thuật, Shipping Gallery còn trưng bày những vật mẫu khác như tượng chạm khắc, phù điêu gắn trên đầu mũi tàu, súng bắn lao móc săn cá voi, hộp la bàn, la bàn hồi chuyển và các tua-bin hơi để nhắc cho mọi người nhớ đến bề dày lịch sử và văn hóa của ngành hàng hải.
Sau khi đóng cửa, 1800 vật mẫu trưng bày tại Shipping Gallery sẽ được lưu trữ trong kho. Tuy nhiên, SCMU vẫn muốn giữ lại phòng triển lãm này một cách hiện đại và chi tiết hơn với các hình ảnh scan kỹ thuật số. Qua đó, mọi người có thể tham quan Shipping Gallery trên trang web với các mô hình 3D.
John Hindmarch, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại UCL cho biết hoạt động quét chụp hình ảnh các mẫu vật đã được thực hiện bởi ScanLAB bằng các máy scan laser Faro Photo 120 từ đầu năm nay. Máy scan xoay lật các kính phản chiếu để ghi lại 1 triệu hình ảnh phản chiếu mỗi giây trong góc quét 360 độ ở độ phân giải cận mm. Trong hơn 5 ngày, máy quét đã thực hiện 275 lượt scan, tạo ra 2 tỉ phép đo để xây dựng một mô hình 3D. Mô hình bao gồm các điểm tham chiếu kết hợp từ 256 GB dữ liệu và mất 16 tuần để xử lý.
"Công nghệ quét laser của ScanLAB thu thập một lượng lớn dữ liệu với các điểm tham chiếu 3D chính xác và có thể được dùng để số hóa mọi thứ từ các vật thể chi tiết cho đến một góc thành phố ở tỉ lệ mm. Công nghệ cho phép chúng tôi ghi chép các chi tiết một cách nhanh chóng mà không tác động đến vật phẩm trưng bày," Matthew Shaw, một thành viên thuộc ScanLAB Project cho biết.
Scan bằng laser cho hình ảnh đơn sắc, vì vậy màu sắc được bổ sung bằng một camera kỹ thuật số đặt trên máy scan. Nhiệm vụ của nó là chụp lại các hình ảnh góc rộng. Màu sắc từ những hình ảnh này được tái bố trí trên mô hình đơn sắc.
"Mô hình 3D cho phép chúng tôi tái hiện 1800 vật mẫu, duy trì không gian triển lãm bằng kỹ thuật số và bảo vệ mẫu vật. Các video hướng dẫn và mô hình tham chiếu sẽ mở ra một phòng triển lãm công nghệ hàng hải mới dành cho những khách tham quan ảo," Daniel Evans, lãnh đạo bộ phận Web tại SCMU nói.
Hiện tại, hình ảnh scan đã được sử dụng để tạo ra một video dài 7 phút do nhà quản lý bảo tàng David Rooney thuật lại. Đoạn video này bao gồm 10% dữ liệu thu thập được từ các máy scan và mất 48 giờ để dựng. Ngoài ra, hình ảnh scan cũng được dùng để tạo ra một loạt các mô hình 3D tương tác cho khách tham quan trực tuyến. Dịch vụ này sẽ được mở vào cuối năm nay.
Theo Evans: "Việc phát hành phiên bản kỹ thuật số của SCMU cho cộng đồng để tái sử dụng trên Internet là một mục tiêu của chúng tôi vào năm nay. Tôi đang tìm kiếm những ý tưởng đổi mới đối với dữ liệu thư viện tàu thuyền từ cộng đồng."
Trong tương lai, khi công nghệ sẵn sàng, dữ liệu trên có thể được sử dụng để xây dựng một mô hình tương tác thực tế ảo tương tự như những gì chúng ta thấy trong bộ phim Iron Man. Do đó, khách tham quan sẽ một lần nữa được đến thăm phòng triển lãm với các mô hình thực tế ảo thay vì chỉ được xem trên màn hình như giải pháp hiện tại.