Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Chuyện chưa kể về chuyến đi bão táp của người đàn ông đầu tiên đi bộ trong không gian Alexei Leonov

Alexei-Leonov.

Tạp chí khoa học Today I found out đã vừa tiết lộ những chuyện chưa kể về người đàn ông đầu tiên đi bộ trong không gian và sự cố nguy hiểm mà ông gặp phải. Người đàn ông đó là Alexei Arkhipovich Leonov, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1934 tại Liên Xô cũ. Leonov là một trong 12 phi công thuộc lực lượng không quân Xô Viết được chọn vào nhóm phi hành gia đầu tiên thực hiện chuyên bay vào không gian.

Ban đầu, Liên Xô dự định thực hiện chuyến đi bộ lịch sử này theo sứ mạng của tàu Vostok 11 nhưng sau đó hủy bỏ và chuyển sang sứ mạng Voskhod 2. Sau 8 tháng luyện tập ròng rã, Leonov đã sẵn sàng để trở thành người đầu tiên đi bộ trong không gian.

Tàu Voskhod 2 được phóng vào ngày 18 tháng 3 năm 1965. Bên cạnh Leonov là phi hành gia Pavel Belyayev - người chịu trách nhiệm điều khiển tàu khi Leonov thực hiện cuộc đi bộ. Đây cũng là chuyến bay đầu tiên của cả 2 phi hành gia lên quỹ đạo. Khi tàu đã vào quỹ đạo ổn định, Leonov đeo một thiết bị hỗ trợ sau lưng có tên gọi EVA (Extra-Vehicular Activity). Nó cung cấp dưỡng khí trong 45 phút và làm mát, đồng thời nhiệt nóng, mồ hôi và CO2 sẽ được thải ra ngoài không gian qua một van điều tiết.

Belyayev bắt đầu nén áp suất trong buồng khí bơm phồng và quá trình này mất 7 phút. Ban đầu mọi thứ đều diễn ra trôi chảy và Leonov mất tổng cộng 12 phút 9 giây đi bộ ngoài không gian. Ông miêu tả trải nghiệm của mình như "một con mòng biển với đôi cánh dang rộng, bay vuốt lên cao từ Trái Đất."

Alexei-Leonov_01.

Nhưng thật không may, Leonov cần phải trở lại bên trong tàu trước khi hết dưỡng khí và sự cố đã xảy ra. Ông cố gắng di chuyển thân mình vào buồng áp suất nhưng sau đó nhận ra rằng bộ quần áo phi hành gia mà ông đang mặc trở nên cứng đơ. Do thiếu áp suất không khí, bộ quần áo bị phồng lên với khí oxy bên trong. Chân và tay của Leonov bị kéo tuột ra khỏi giày và găng, và ông biết rằng mình đang lâm vào một tình thế rất khó khăn để có thể trở lại tàu một cách an toàn.

"Tôi biết tôi có thể lâm vào tình trạng thiếu oxy, nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nếu tôi không trở lại tàu, trong vòng 40 phút sau đó dưỡng khí sẽ cạn kiệt."

Leonov đã nghĩ đến chuyện liên lạc với bộ phận kiểm soát sứ mạng để nói về tình trạng của mình và cho họ biết nguy cơ sẽ xảy đến nhưng cuối cùng ông từ bỏ ý định. Ông biết rằng ông là người duy nhất có thể làm mọi thứ để xoay chuyển tình hình và ông không muốn làm phiền những người đang theo dõi dưới mặt đất.

Cuối cùng, Leonov đã xả bớt oxy và bộ quần áo bắt đầu nóng lên đến mức nguy hiểm. Thân nhiệt tăng 1,8 độ C, Leonov cố gắng nhích từng inch một để vào trong buồng áp suất. Khi đã hoàn toàn vào trong, ông phải xả thêm khí ra ngoài để có thể cong người đóng cửa buồn áp suất và ông đã thành công. Khi cửa được khóa hoàn toàn, Belyayev đã có thể tái điều chỉnh áp suất và Leonov cuối cùng đã trở lại tàu an toàn sau vài phút ngàn cân treo sợi tóc ngoài không gian.

Dưới mặt đất, mọi người vẫn đang theo dõi chuyến đi bộ ngoài không gian của Leonov qua TV nhưng diễn biến sự cố của ông không được truyền phát. Ngay khi nhận ra dấu hiệu sự cố, hoạt động truyền hình từ không gian với Trái Đất bị gián đoạn ngẫu nhiên và hầu hết đều cho rằng đây là trục trặc kỹ thuật. Leonov rất vui khi tình huống của ông không được trình chiếu, ông nói: "Gia đình tôi sẽ rất lo lắng nếu họ biết được tôi đã mắc kẹt trong không gian như thế nào".

Tuy nhiên, sự cố của Leonov mới chỉ là sự khởi đầu. 5 phút sau khi chuẩn bị tái xâm nhập khí quyển Trái Đất để trở về, phi hành đoàn phát hiện ra hệ thống dẫn đường tự động không hoạt động. Họ sẽ phải hạ cánh bằng tay và điều này rất nguy hiểm bởi nhiên liệu trên tàu không còn nhiều để tạo lực đẩy điều hướng.

Alexei-Leonov-Pavel-Belyayev.
Alexei Leonov và Pavel Belyayev trong khoang tàu Voskhod 2.

Leonov kể lại: "Pasha (tên thường gọi của Pavel Belyayev) bắt đầu định hướng tàu để tái xâm nhập. Điều này không đơn giản bởi để sử dụng các thiết bị quang học cần thiết cho hoạt động định hướng, anh ấy cần phải nằm dọc giữa 2 ghế trên tàu. Trong khi đó, tôi giữ chắc anh ấy trước ô cửa sổ quan sát của tàu. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng "bơi" lại ghế, ổn định vị trí để điều chỉnh chính xác trọng tâm của tàu trong suốt quá trình tiếp cận khí quyển."

Khó khăn lại càng chồng chất, lần này là về khía cạnh chính trị. Họ phải hạ cánh trên đất Liên Xô; nếu quá đà, họ phải hạ cánh xuống Trung Quốc - một quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Liên Xô vào thời gian đó. Vì vậy, một sự cố quốc tế có thể xảy ra. Thêm vào đó, họ cũng phải chọn một nơi ít người để hạ cánh. Do đó, Leonov chọn Perm - một khu vực dân cư thưa thớt cách xa Trung Quốc.

Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh bắt đầu xuất hiện khi họ xâm nhập khí quyển Trái Đất. Con tàu bắt đầu xoay không thể kiểm soát. Lý do ở đây là mô-đun quỹ đạo vẫn gắn liền với mô-đun hạ cánh. 2 mô-đun này đã không tách rời hoàn toàn như dự định bởi sợi cáp kết nối quá dày.

Không chỉ khiến con tàu bay quá điểm đáp dự kiến, 2 mô-đun còn liên tục xoay quanh nhau tạo ra áp lực lớn đè lên các phi hành gia. Leonov nói rằng "những mạch máu nhỏ trong mắt chúng tôi vỡ ra." Ở độ cao khoảng 100 km, sợi cáp nối giữa 2 mô-đun bốc cháy và đứt ra. Họ cuối cùng đã có thể ổn định và hạ cánh thành công … nhưng trong lớp tuyết dày 2 m tại Solikamsk, vùng ven Siberia.

Khó khăn tiếp theo mà họ gặp phải là không tài nào mở được cánh cửa để thoát ra ngoài. Leonov nói: "Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, chúng tôi có thể thấy cánh cửa đã bị ép chặt vào thân của một cây bulo rất to. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là cố hết sức lay lắc để giải thoát cánh cửa khỏi thân cây. Sau đó, Pasha dùng hết sức bình sinh để đẩy cánh cửa ra khỏi những con ốc còn lại bởi cú tiếp đất đã khiến chúng hư hại gần hết. May sao cánh cửa bắt đầu chuyển động nhẹ nhàng trở lại và nó rơi xuống, biến mất trong nền tuyết."

Vào lúc này, gia đinh của Leonov và Belyayev được thông báo là cả 2 đã hạ cánh an toàn và đang nghỉ ngơi trước khi trở lại Moscow. Tuy nhiên, các quan chức Liên Xô đã không nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu, họ cũng rõ nơi cả 2 hạ cánh và thậm chí là chuyện sống còn của 2 nhà phi hành gia.

Voskhod-2.JPG
Voskhod 2 sau khi được phục chế với buồng khí (ống dài). Bên trong là Voskhod 1, Voskhod 6 bên phải và trong cùng bên trái là Soyuz 3, Zond 5 và Soyuz T-3. (Ảnh: Planet4589.org)
Voskhod-2-1.JPG Voskhod-2-5.JPG Voskhod-2-7.JPG Voskhod-2-8.JPG Voskhod-2-2.JPG Voskhod-2-3.JPG Voskhod-2-4.JPG Voskhod-2-6.JPG

May mắn cho Leonov và Belyayev khi một chiếc máy bay chở hàng đã bắt được tín hiệu cấp ứu và vị trí của họ. Những nổ lực cứu hộ ban đầu được thực hiện bởi một chiếc máy bay dân dụng với các phi công trực thăng và một số người khác. Họ thả xuống 2 kiện hàng cứu trợ trong đó có ủng da sói và rượu cognac.

Cuối cùng, cả 2 phi hành gia phải qua đêm tại một nơi đầy chó sói và gấu. Nguy hiểm hơn nữa là đây là mùa giao phối của chúng và chúng trở nên dữ tợn hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nhiệt độ về đêm giảm xuống đến - 30 độ C. Họ không có cách nào khách là quay trở vào mô-đun, đóng kín cửa, ngồi bó gối và chịu đựng màn đêm lạnh lẽo.

Vấn đề về nhiệt độ càng trở nên nghiên trọng hơn bởi lúc này bộ quần áo của họ đã đẫm mồ hôi và từ lớp ngoài thấm vào lớp trong. Leonov nói: "Chúng tôi phải ở trần, cởi cả quần lót, và vắt khô mồ hôi. Sau đó chúng tôi phải đổ hết chất lỏng tích trữ trong bộ đồ du hành. Bộ quần áo có tổng cộng 9 lớp lá nhôm và một vật liệu tổng hợp có tên dederone, chúng tôi lấy các phần cứng ra khỏi phần mềm của bộ đồ rồi mặc lại, đeo thêm ủng và găng tay."

Trong ngày tiếp theo, một đội cứu hộ đã tiếp cận khu vực hạ cánh trên những chiếc ván trượt tuyết. Ngày hôm sau thì có thêm một đội nữa thả dù xuống. Họ đốn cây làm một chiếc cabin và đốt một đám lửa lớn để giữ ấm cho cả đội và các nhà phi hành gia. Sau đó, tất cả di chuyển đến một vị trí cách điểm hạ cánh 9 km, tại đây trực thăng đã đợi sẵn.

Trước khi đến thị trấn Leninsk, cả 2 phi hành gia vẫn còn 1 nhiệm vụ đó là báo cáo kết quả sứ mạng. Leonov chỉ nói đơn giản: "Nhờ bộ quần áo đặc biệt, con người có thể sống sót và làm việc trong không gian mở. Cảm ơn đã quan tâm."

Ông không đi vào chi tiết những tình huống suýt chết. Có lẽ là ông không được phép nói và mãi đến sau này thì chi tiết mới được tiết lộ.

Alexei-Leonov-Yuri-Gagarin.
Alexei Leonov và phi hành gia huyền thoại người Nga - Yuri Gagarin.
Alexei-Leonov-Dmitry-Medvedev.
Alexei Leonov và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hiện nay.

Những sự thật thú vị:
  • Leonov cho biết nếu không thể trở lại tàu, ông có sẵn một liều thuốc độc để chết nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn thay vì chết vì ngạt thở;
  • Khi còn là một đứa trẻ, Leonov không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một phi công chứ chưa nói đến phi hành gia; ông thực ra muốn trở thành một họa sĩ;
  • Phi hành gia người Mỹ Ed White đã trở thành người Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian, chỉ 3 tháng sau khi Leonov thực hiện chuyến đi bộ của mình;
  • Mặc dù đã thực hiện một điều tuyệt vời và có thể nói là một "bước tiến vĩ đại của loài người" nhưng không phải ai cũng vui với điều mà Leonov đã làm. Viết về trải nghiệm của mình vào năm 2005, Leonov nói rằng ông sau đó được biết cô con gái 4 tuổi của mình đã ôm mặt khóc nức nở khi nhìn thấy ôm thoát ra từ buồng khí nén. Con bé nói: "Cha đang làm gì vậy? Cha đang làm gì vậy? Làm ơn nói với cha trở vào bên trong đi."
  • Tương tự, Leonov cho biết cha của ông đã hoảng sợ khi thấy ông đi bộ trong không gian. Ông nói với các nhà báo đưa tin về sự kiện rằng cha tôi đã thốt lên: "Tại sao nó (Leonov) lại hành động như một đứa hư hỏng như vậy? Ai cũng có thể hoàn thành sứ mạng ngay bên trong tàu mà? Nó làm gì mà leo ra bên ngoài vậy? Ai đó phải bảo nó quay vào trong ngay lập tức …"
  • Leonov đã nhận được nhiều giải thưởng, huân chương danh dự và thậm chí được in hình trên những con tem. Ông đã thực hiện một chuyến đi khác vào không gian và chuyến đi này cũng quan trọng không kém khi đây là nổ lực hợp tác đầu tiên giữa Mỹ và Liên Xô năm 1975.
Video tường thuật lại sự kiện Voskhod 2 và 1 bộ phim tài liệu có tựa "Men lives ship in space":