Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Giải Nobel kinh tế 2013 được trao cho 3 giáo sư Mỹ về "phân tích thực nghiệm về giá trị tài sản"

nobel_kinh_tế.

Nhờ những nghiên cứu quan trọng giúp tái định hình cách các nhà kinh tế và đầu tư tìm hiểu hoạt động thị trường, giải Nobel kinh tế năm 2013 đã được trao cho 3 giáo sư người Mỹ là Eugene F. Fama và Lars Peter Hansen đến từ đại học Chicago và Robert J. Shiller đến từ đại học Yale.

Theo ủy ban Nobel, các nhà kinh tế nói trên đã "đặt nền móng cho sự hiểu biết hiện thời của chúng ta về giá trị tài sản thông qua mô hình phân tích thực nghiệm". Nghiên cứu của họ cho thấy mặc dù rất khó để dự đoán giá trị tài sản ngắn hạn nhưng vẫn có thể định trước theo nghĩa rộng trong thời gian dài hơn, chẳng hạn từ 3 đến 5 năm.

Thành quả công việc của họ là sự xuất hiện của các quỹ chỉ số chứng khoán - bao gồm những tài sản được thiết kế để mô phỏng kết quả của các chỉ số chứng khoán rộng hơn như Dow Jones Industrial với chủ yếu là những tài khoản hưu trí và cá nhân.

Vào thập niên 90, Shiller đã từng cảnh báo về bong bóng chứng khoán và giá nhà đất cao từ rất sớm. Sau này, sự suy giảm về giá trị nhà đất đã góp phần không nhỏ khiến nền kinh tế suy thoái và nước Mỹ vẫn tiếp tục phục hồi cho đến nay.

Trong một cuộc gọi tại hội nghị công bố giải Nobel, Shiller nói ông "không thể tin" mình đạt giải Nobel: "Rất nhiều người đã nói với tôi họ hy vọng tôi sẽ chiến thắng nhưng tôi e rằng vẫn còn nhiều người khác xứng đáng hơn."

Ông nói kinh tế học bao gồm nhiều ứng dụng rộng rãi để nâng cao phúc lợi con người. "Ngành tài chính sẽ thúc đẩy nền văn minh hiện đại. Tôi muốn nhìn thấy ngành tài chính được phát triển hơn nữa để đem lại lợi ích cho nhân loại."

Giải thưởng kinh tế trước đây không thuộc các giải thường Nobel được thành lập ban đầu vào năm 1895 bởi nhà tư bản công nghiệp người Thụy Điển - Afred Nobel. Vào thời điểm đó, giải Nobel chỉ tập trung vinh danh các thành tựu nghiên cứu về vật lý, y học, hóa học, văn học và hòa bình. Mãi đến năm 1969 thì ngân hàng trung tâm Thụy Điển mới bổ sung thành tựu kinh tế vào danh mục trao thưởng.

Một điều đáng tự hào cho nước Mỹ là hầu hết các nhân vật được trao giải Nobel kinh tế đều đến từ quốc gia này.