Apple được cấp bản quyền camera có thể chụp trước lấy nét sau lẫn chụp
ảnh bình thường
Apple mới đây đã được cấp một bằng sáng chế về hệ thống camera có thể ghi lại hai loại ảnh: ảnh độ phân giải thấp với khả năng chụp trước rồi lấy nét sau, hoặc ảnh độ phân giải cao không thể đổi điểm nét. Để làm được điều này, camera cần phải được được trang bị một adaptor nằm giữa cảm biến và ống kính. Khi chọn chế độ chụp trước lấy nét sau, adaptor này sẽ di chuyển để đưa một mảng các thấu kính siêu nhỏ (microlens, đánh số 430) vào vị trí của mình, từ đó giúp các pixel trên cảm biến ghi nhận nhiều phần khác nhau của chùm ánh sáng đi vào. Còn khi chụp ở chế độ truyền thống, adaptor trượt qua và một tấm kính (số 440) sẽ thế chỗ cho mảng microlens như hình bên dưới.
Kiểu thiết kế mà Apple đề cập trong bằng sáng chế của mình linh hoạt hơn so với các thành phần quang học cố định vốn được sử dụng trong máy ảnh Lytro (cũng có khả năng chụp trước lấy nét sau). Thực chất thì Apple cũng có trích dẫn bằng sáng chế của Ren Ng, người sáng lập nên công ty Lytro, nhưng nói thêm rằng hãng có thể cải thiện chất lượng và độ phân giải hình ảnh bởi người dùng vẫn cần những tấm hình độ phân giải cao. Trước đó thì Steve Jobs cũng đã nhắc đến công nghệ này và việc hợp tác với Lytro trong quyển hồi ký do Walter Isaacson viết, trong đó ông muốn "thay đổi ngành công nghiệp nhiếp ảnh".
Bằng sáng chế của Apple cũng có nói rằng công nghệ này có thể được tích hợp trên các thiết bị di động chứ không chỉ là máy ảnh. Hi vọng Apple sẽ sớm hiện thực hóa nó để đưa vào những sản phẩm của mình. Hiện đã có Nokia mang công nghệ chụp trước lấy nét sau lên smartphone nhưng sử dụng giải pháp phần mềm và tất nhiên là chất lượng sẽ không tốt bằng phần cứng. Giải pháp của Nokia sử dụng chế độ chụp liên tiếp nhiều tấm với độ sâu trường ảnh hoặc điểm lấy nét khác nhau trong khi giải pháp phần cứng cua Lytro lại dùng cảm biến đặc biệt ghi lại hàng triệu tia sáng, do vậy độ phân giải của nó tính bằng Megaray chứ Megapixel như những gì chúng ta quen thuộc.
Xin hãy lưu ý là các bằng phát minh/bằng sáng chế do một công ty nào đó nộp không đồng nghĩa với việc nó sẽ được áp dụng lên sản phẩm thực tế. Có thể đây chỉ là một nghiên cứu của hãng và nó quá khó để có thể thương mại hóa trong thời gian tới.