Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Cuộc chiến giữa Apple với Google có điểm chung gì với cuộc chiến Apple vs Microsoft những năm 80?

AppleVGoogle.

Cuộc chiến về nền tảng dường như là một cuộc ganh đua mà kẻ thắng cuộc sẽ có tất cả. Nói thẳng ra thì cuộc chiến này là giữa iOS với Android và hiện hệ điều hành di động của Google có thể xem là đang giành phần thắng. Tính đến tháng 11/2013, Android đang nắm trong tay đến 81% thị phần smartphone toàn cầu, tức là cứ 10 chiến điện thoại thông minh bán ra thì hết 8 máy chạy Android. Cố CEO Steve Jobs nói ông chưa bao giờ thấy có sự tương đồng nào giữa cuộc chiến này với cuộc đối đầu Apple vs Microsoft vào những năm 1980. Tuy nhiên, gần như mọi người trong và ngoài Apple đều nhận thấy những điểm chung đó.

Trong cuộc chiến giữa Apple và Microsoft vài chục năm trước, Microsoft đã chiến thắng bằng cách phân phối hệ sinh thái phần mềm của mình một cách rộng rãi, điều đó giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn về mặt ứng dụng. Một khi khách hàng đã bỏ hàng trăm đô la vào những ứng dụng như thế (vốn chỉ có thể chạy trên một hệ điều hành duy nhất), họ có xu hướng trung thành với chỉ một OS và ít khi nghĩ đến việc chuyển sang dùng một nền tảng khác. Cuối cùng thì mọi người bắt đầu sử dụng máy tính chạy DOS và rồi sau đó là Windows.

Ngoài ra còn có một lý do khác nữa giúp Microsoft đánh bại Apple: vì tất thảy mọi người đều sử dụng Windows! Đây không phải là hành động bắt chước hay chạy theo phong trào mà hoàn toàn hợp lý. Bạn cũng thấy đấy, máy tính chỉ thật sự hữu dụng khi công việc làm trên máy này vẫn có thể tiếp tục làm được trên một thiết bị khác. Lỡ bạn mua một chiếc máy Mac mà không có phần mềm tương thích thì phải làm thế nào, đồng nghiệp của bạn gửi file đến thì chúng ta phải làm sao? Đến bây giờ vẫn thế mà thôi, nhưng tình hình đã bớt nghiêm trọng hơn bởi các hãng phần mềm lớn đều viết thêm một bản cho OS X bên cạnh bản cho Windows.

Đây cũng là những chiến lược mà Google đề ra cho Android. Hệ sinh thái Android vẫn còn rất sơ khai vào khoảng năm 2010. Lúc đó kho ứng dụng của Android được tổ chức rất kém, lập trình viên thì khó tìm được nguồn thu nhập ổn định từ việc kinh doanh app cho hệ điều hành này. Trong khi đó, vì Apple đã nhảy vào thị trường smartphone trước đó ba năm nên hãng đã bán được đến 60 triệu chiếc iPhone, tạo ra một cửa hàng với hơn 200.000 ứng dụng, đồng thời thiết lập nên một hệ sinh thái có khả năng chi cho lập trình viên hơn 1 tỉ USD trong chỉ hai năm.

Tuy nhiên bởi vì có rất nhiều hãng sản xuất điện thoại cùng tham gia vào thị trường Android, hệ sinh thái Android đã bùng nổ một cách nhanh chóng. LG, Samsung, HTC, Sony cùng hàng loạt các công ty công nghệ nhỏ khác đã góp phần giúp Android vượt qua iOS một cách ngoạn mục trong chỉ một thời gian ngắn. Đến cuối năm 2010, thị phần của Android đã ngang ngửa với iPhone, và lúc đó chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi Google khắc phục xong những vấn đề hiện tại với kho ứng dụng của hãng.

Vấn đề càng đáng lo hơn với Apple, đó là khi trưởng bộ phận Android tại Google, ông Andy Rubin, đã thành công mà không cần phải thuyết phục người dùng iPhone chuyển sang xài Android. Số lượng người dùng trên toàn thế giới chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh hoàn toàn vượt trội. Khi đó, Rubin chỉ cần dồn sức lực cho nhóm khách hàng này để mở rộng thị phần Android, không nhất thiết phải quan tâm đến nhóm người đang xài iPhone nữa.

Vẫn có những lý do để tin rằng cuộc chiến Apple vs Google khác với cuộc chiến Apple vs Microsoft: Lập trình viên giờ đây có thể viết phần mềm cho cả hai nền tảng của Apple và của đối thủ mà không gặp nhiều trở ngại như những hồi đó. Chi phí để thay đổi nền tảng cho ứng dụng cũng ít hơn nhiều. Vào những năm 1980, một chiếc PC có thể có giá đến 3.000$, và mỗi phần mềm có giá hơn 50$ là chuyện bình thường. Còn bây giờ, một chiếc điện thoại với sự trợ giá từ nhà mạng đắt lắm cũng chỉ 200$ hay 300$, mỗi app thì có giá chỉ khoảng 1-5$, chưa kể đến một lượng lớn app miễn phí.

Tuy nhiên, các quan chức của cả Apple và Google đều hiểu rằng nếu một trận chiến có kết quả là cả hai nền tảng di động đều có thể sống hoà hợp với nhau thì đó sẽ là một sự sai lầm mang tính lịch sử. Còn nhớ 14 năm trước, Microsoft bị kiện vì độc quyền tại một số nơi trên thế giới. Thông qua sự việc đó, các chuyên gia, nhà phân tích đã chứng minh được sự thống trị của Windows trong ngành PC: nếu bạn có đủ một lượng người dùng cho nền tảng của mình, nó sẽ trở một cái lốc xoáy và kéo gần như tất cả những người còn lại cùng xài chung nền tảng đó.

Thực chất thì điều này không chỉ đúng với Microsoft không thôi mà nó còn áp dụng cho hàng tá những công ty công nghệ khác với cùng cái "lốc xoáy" như thế. Ngay bản thân Steve Jobs cũng sử dụng chiến lược nói trên để thống thị trường nhạc số với iPod và iTunes. Đó cũng là cách mà Google đã thách thức sự thống trị của Microsoft về mặt trình duyệt, đồng thời đẩy Yahoo! ra khỏi cuộc chơi của những bộ máy tìm kiếm trên Internet. Lưu lượng tìm kiếm phát sinh từ Google dễ dàng đánh bật hết tất cả những đối thủ còn lại. Giờ thì người ta hay nói là bạn hãy "google" khi muốn ám chỉ đến việc tìm kiếm online, chứ không ai nói "bing" hay "yahoo" một thứ gì đó cả. Ngay cả về doanh thu quảng cáo từ công cụ tìm kiếm cũng thế nữa.

eBay cũng làm chuyện tương tự để loại bỏ khoảng 12 ông lớn khác trong lĩnh vực đấu giá online, ví dụ như OnSale hay uBid. Bằng cách cho phép người mua và người bán liên hệ với nhau và đánh giá lẫn nhau, eBay đã tự xây dựng nên cho mình một cộng đồng với đầy đủ luật lệ. Điều đó giúp trang web này nhanh chóng phát triển và bành trướng. Càng nhiều người tham gia đấu giá thì số tiền của vật phẩm càng được xác định chính xác hơn, từ đó thu hút nhiều người mua hơn. Cứ thế, khách hàng dần rời bỏ dịch vụ đối thủ và chỉ nghĩ đến eBay mà thôi.

Facebook cũng là một ví dụ mới nhất về sức mạnh của nền tảng trong kỉ nguyên số hiện nay. Công nghệ của Facebook đã giúp hãng mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt hơn so với MySpace. Những tính năng đó khiến Facebook trở nên hữu ích hơn, và càng hữu ích thì người dùng càng chia sẻ dữ liệu nhiều hơn. Càng nhiều dữ liệu được chia sẻ thì quay vòng lại, Facebook có thể cung cấp nhiều tính năng hơn. Cuối cùng thì mọi người đều tham gia Facebook vì mọi người khác đều xài Facebook.

Có thể là trong dài hạn, vì một số lý do nào đó, hệ sinh thái Google và Apple có thể cùng tồn tại và tạo ra lợi nhuận lớn cho cả hai công ty, cũng là nguồn sáng tạo cho cả hai ông lớn trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, Google và Apple sẽ phải chiến đấu với nhau như thể không có ngày mai và cả hai đều phải suy nghĩ rằng viễn cảnh chung sống hoà bình như trên dường như là không có thật.

Theo lời Jon Rubinstein, cựu CEO Palm và cũng từng một thời gian dài làm việc cho Apple, thì trận chiến giữa Apple và Google "giống như cuộc đấu về vị thế độc quyền giữa các hãng cáp truyền hình và hãng điện thoại trong khoảng 30-40 năm về trước. Đây sẽ là thế hệ kế tiếp của cuộc chiến đó. Tất cả mọi công ty - Apple, Google, Amazon, Microsoft - đều đang cố xây dựng khu vườn đẹp đẽ của mình và kiểm soát việc truy xuất nội dung từ đó ra ngoài cũng như theo hướng ngược lại. Đây thật sự là một vấn đề lớn." Và đây không phải là thứ mà Apple hay Google có thể phạm sai lầm.