Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Microsoft đang tốn quá nhiều công sức và tiền bạc vào việc tấn công Chromebook?

Screen Shot 2013-12-07 at 7.01.31 PM.

MicrosoftGoogle từ lâu đã vốn chẳng ưa gì nhau, hai hãng liên tục đấu đá nhau trên rất nhiều lĩnh vực, lúc thì Google khơi mào trước, lúc thì Microsoft chủ động gây chiến. Tuy nhiên, không phải lúc nào "chiến tranh" cũng là hợp lý, cụ thể hơn ở đây chính là Microsoft, sau khi chứng kiến các động thái tấn công của "gã khổng lồ phần mềm" với dòng laptop Chromebook, nhiều người đã tự đặt câu hỏi: "Tại sao Microsoft lại tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc để ngăn chặn mối đe doạ mang tên Chromebook?". Họ cho rằng những lần công kích trước, họ đều thấy được những lý do để Microsoft nhắm vào Google, nhưng lần này họ nhận thấy rằng không có một lý do thoả đáng nào để Microsoft để ý đến Chromebook.

Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Tại sao Microsoft lại tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc để ngăn chặn mối đe doạ mang tên Chromebook?", chúng ta hãy cùng nhìn lại một chút về Chromebook trong năm 2013.

Dòng Laptop Chromebook trong năm 2013

DSC_9370-1883150868.

Theo một quan điểm nào đó, năm 2013 thực sự là năm mà dòng laptop Chromebook chứng kiến sự phát triển khá tốt: bên cạnh Samsung, Acer đã quá quen thuộc, thì HP cũng đã nhảy vào mảng này với chiếc laptop Chromebook đầu tiên của hãng là Pavilion 14 Chromebook. Với giá bán ra rất tốt, các dòng laptop Chromebook đã được lòng khá nhiều khách hàng, đặc biệt là những ai có thu nhập trung bình, hoặc các trường học - nơi muốn trang bị số lượng lớn laptop cho học sinh, phục vụ cho việc giản dạy. Cụ thể hơn, theo một báo cáo mới đây từ trang GigaOm, khoảng 22% các trường địa phương ở Mỹ đã bắt đầu sử dụng Chromebook.

Rõ ràng, với những động thái và một số tín hiệu khả quan như trên, Google đang muốn phổ biến hơn hệ điều hành Chrome OS, đồng thời cũng mong muốn thu hút nhiều OEMs hơn để từ bỏ Windows, tập trung vào xây dựng các laptop Chromebook với giá thành rất phải chăng.

Về phía Microsoft


Microsoft thì không thích Google và ngược lại, đó là điều ai cũng biết. Vào năm 2011, thời điểm Google cùng Samsung giới thiệu chiếc Chromebook chạy Chrome OS đầu tiên (Samsung Series 5 Chromebook), Microsoft đã ngay lập tức chế giễu rằng: "Khi không có kết nối Internet, Chromebook thực sự như một cục gạch". Từ lúc đó cho đến thời gian gần đây, Microsoft không hề quan tâm đến Chromebook và dồn lực để tấn công Google ở những mảng khác.

Thế nhưng chỉ vài tháng trở lại đây, mọi chuyện có biến đổi, Microsoft bỗng nhiên quan ngại thực sự với Chromebook, bằng chứng là họ liên tục công kích vào dòng laptop này, đồng thời phát động chiến dịch Scroogled nhắm thẳng vào Chrome, Chrome OS, thậm chí mới đây Microsoft cũng thuê một anh chàng đi dọc đường phố chỉ để thực hiện phép so sánh giữa Windows 8 và Chromebook. Vậy là Microsoft cũng đã chi kha khá tiền chỉ để chống lại một thứ gọi là "Chromebook", thế nhưng nó có đáng? Chúng ta hay cùng xem thử các yếu tố dưới đây có khiến cho Microsoft lo sợ hay không

Yếu tố 1: Doanh số Chromebook

Theo nghiên cứu mới đây từ NPD, vào đầu năm nay, doanh số của Chromebook chiếm 25% tổng số laptop giá dưới 300$ bán ra trên toàn nước Mỹ, phần còn lại thuộc về tablet. Chưa hết, công ty nghiên cứu thị trường IDC cũng ước tính rằng Samsung đã bán được tổng cộng 652.000 Chromebook trong Q3 vừa qua, các OEMs còn lại là Acer, HP, Lenovo thì có số lượng máy Chromebook bán ra rất nghèo nàn. Và nếu tính cả năm nay, IDC dự đoán sẽ có tổng cộng 3 triệu thiết bị chạy Chrome OS sẽ được bán - một con số quá nhỏ bé và chỉ bằng gần 1% so với lượng PC bán ra.

Từ hai thống kê của NPD và IDC, ta có thể thấy ngay được rằng chả có lý do gì để Microsoft quan tâm đến Chromebook cả. Nếu ở phân khúc giá dưới 300$, tablet vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của mọi người: nhỏ, gọn, tiện dụng và không kém phần mạnh mẽ, vì thế Chromebook khó lòng có thể đánh bại tablet ở mức giá này. Tiếp đến là số liệu từ IDC, quả thật dù Chrome OS được Google đầu tư tương đối nhưng số lượng máy bán ra trên toàn cầu vẫn chưa gây được sự ấn tượng. Và nó sẽ vô cùng là nhỏ bé nếu so với lượng máy PC bán ra. Vậy thì Microsoft lo lắng gì nữa chăng?

Microsoft đang lo lắng về một mối nguy hiểm, mà mối nguy hiểm đó hoàn toàn vô hại và chưa hề tồn tại

Như đã đề cập, Chromebook có mức giá rất tốt, chính vì thế với những ai cần một chiếc laptop (không phải tablet), thì đây được xem như là sự lựa chọn hợp lý. Do đó, không ngạc nhiên khi Chromebook trở thành dòng sản phẩm bán chạy nhất ở Amazon Mỹ. Ấn tượng đấy chứ, nhưng đó mới chỉ là ở Mỹ thôi, còn doanh số Chromebook toàn cầu thì vẫn là ẩn số (có lẽ Google cũng như các OEMs cũng chẳng mấy tự hào khi công bố). Mọi chuyện trở nên không thuận lợi hơn với Chromebook, khi lượng máy bán ra đang có dấu hiệu chững lại. Tệ hơn nữa, dòng Chromebook 11 do Google hợp tác với HP đang bị phàn nàn vì bộ sạc quá nóng, và phải tạm ngừng bán (đến nay vẫn chưa bán trở lại dù Black Friday và Cyber Monday đang đến gần).

Yếu tố 2: Phần mềm

Screen Shot 2013-12-07 at 7.04.30 PM.

Nếu như những lý do trên không hề đáng ngại với Microsoft, thì "phần mềm" sẽ là mối hiểm hoạ thực sự. Chromebook với Chrome OS được trang bị những ứng dụng văn phòng "đám mây" rất tốt của Google, chính điều này sẽ đe doạ phần nào đến bộ Office nổi tiếng của Microsoft, và cũng là nguồn thu nhập rất lớn của tập đoàn này. Đáng lo ngại hơn khi trình duyệt Chrome với bộ ứng dụng đi kèm đang được rất nhiều người yêu thích, một phần bởi sự đơn giản, và một phần vì nó hoạt động tốt trên nhiều thiết bị như PC, Mac, iPad hay các tablet Android. Tất nhiên chúng không thể nào thay thế hoàn toàn bộ Office, nhưng cũng thoả mãn phần nào đó một lượng lớn khách hàng.

Thấy rất rõ hiểm hoạ này, Microsoft tiến hành tấn công Google, khi liên tục xoay quanh và nhấn mạnh vào điểm: Google đang bán quảng cáo, Google đang sử dụng lén dữ liệu của bạn. Và cứ như vậy, Microsoft luôn mang hai điểm đó ra để nhắm vào Google. Thế nhưng, kết quả thu về là không mấy hiệu quả bởi người dùng phổ thông như chúng ta khi biết "hai điểm yếu đó" cũng chỉ nhún vai, cười trừ rồi cho qua, không đủ thuyết phục để họ từ bỏ bộ ứng dụng Google.

Kết - Hãy cẩn trọng với hiệu ứng ngược

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ đến trường hợp của iPhone? Chiếc smartphone này trở nên vô cùng nổi tiếng không chỉ nhờ vào Apple có chiến lược marketing phù hợp, mà còn nhờ vào chính các hãng đối thủ. Những Samsung, LG, Sony, HTC khi tung ra sản phẩm mới đều nhấn mạnh "iPhone killer", điều này vô tình làm cho chiếc iPhone ngày càng được nhiều người biết đến. Họ sẽ tò mò rằng: "nó có gì mà tại sao hãng nào cũng lấy ra làm chuẩn mực để so sánh", và họ sẽ mua để biết.

Câu chuyện của Apple iPhone vẫn còn đó, và Microsoft cần rút kinh nghiệm. Nếu họ cứ công kích Chromebook một cách liên tục, họ sẽ phải nhận lại hiệu ứng ngược: đó là khiến cho Chromebook trở nên nổi tiếng hơn và nhiều người biết đến hơn. Và theo các nhà phần tích, nếu cứ mãi tung ra các video quảng cáo chế giễu Chromebook, Microsoft sẽ chỉ khiến cho chiếc laptop giá rẻ chạy Chrome OS trở nên gần gũi hơn với mọi người, và rồi những người dùng phổ thông cũng sẽ biết đến hệ điều hành này.

Chromebook có thể sẽ trở nên nổi tiếng hơn nếu như Microsoft cứ tiếp tục tấn công

Có lẽ quan điểm của Microsoft trong cuộc chiến với Google đó chính là: liên tục chiến đấu và sẽ chỉ có một kẻ thắng, mà theo phó giáo sư kinh tế Neil Malhotra: " Bạn sẽ thấy những quảng cáo công kích nhau giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi xảy ra hiện tượng zero-sum". (Zero-sum là thuật ngữ diễn tả tình huống trong đó nếu một người thu được lợi ích thì người kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại). Malhotra cũng nhấn mạnh rằng những quảng cáo tấn công nhau không phải là một chiến thuật khôn ngoan, nó sẽ chỉ gây ra ảnh hưởng xấu đế toàn bộ doanh nghiệp trong tương lai.

Chốt lại rằng nếu như Microsoft cứ tiếp tục "Scroogled" Google, về lâu về dài, họ sẽ "Scroogled" chính bản thân họ.