Đại học Harvard chế tạo pin sạc có nguồn gốc từ thực vật để lưu trữ
năng lượng tái tạo được
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Havard vừa chế tạo thành công một loại pin sạc có nguồn gốc từ thực vật để lưu trữ năng lượng thay cho phương pháp sử dụng kim loại. Đây là một bước đột phá mở ra nhiều triển vọng để khai thác các nguồn năng lượng có thể tái tạo một cách hiệu quả hơn.
Nhóm nghiên cứu cho biết loại pin mà họ chế tạo có nguồn gốc từ các hợp chất sẵn có trong tự nhiên và đặc biệt là một lượng nhỏ hợp chất hữu cơ có tên "Quinone" - một loại hợp chất có thể tổng hợp dễ dàng từ cây xanh. Hiện tại, các nhà khoa học đã tạo nên các phân tử Quinone từ cây Đại hoàng (Rheum officinale). Các loại pin thông thường sử dụng quá trình điện phân kim loại giữa 2 cực để lưu trữ năng lượng. Thay vì sử dụng các thanh kim loại, loại pin mới sử dụng dung dịch Quinone làm chất điện phân để lưu trữ dòng điện một cách hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Mẫu pin sạc sử dụng dòng dung dịch hữu cơ tại phòng thí nghiệm Aziz thuộc khoa Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng, trường Đại học Harvard. (Ảnh: SEAS)
Theo ước tính của các nhà khoa học tại MIT, chi phí để sạc 1 kWh điện cho các loại pin thông thường là 700 USD, trong khi pin công nghệ mới chỉ mất có 27 USD. Hơn nữa, nhờ việc sử dụng dung dich hữu cơ Quinone làm chất điện phân nên loại pin mới có thể lưu trữ năng lượng với hiệu suất cao và độ an toàn cực lớn. Cục năng lượng Mỹ nhận xét đây sẽ là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực khai thác năng lượng có thể tái tạo.
Trưởng nhóm nghiên cứu Michael J. Aziz đã phát biểu: "Các loại năng lượng tái tạo trước đây như năng lượng mặt trời và sức gió vẫn còn vấp phải khó khăn trong việc lưu trữ năng lượng. Chúng tôi đã khắc phục được khuyết điểm trên bằng công nghệ chế tạo pin sử dụng dung dịch điện phân hữu cơ. Đây là phương pháp nhằm khai thác các nguồn năng lượng sạch hiệu quả hơn và giảm dần sự phụ thuộc của con người vào các loại nhiên liệu hóa thạch trong tương lai."