Samsung giới thiệu hàng loạt máy ảnh mới tại CES 2014 lần này. Nổi bật nhất trong đó là phiên bản tiếp theo của dòng NX, chiếc NX30. Đây là máy ảnh không gương lật cao cấp nhất của hãng tính tới thời điểm hiện tại, độ phân giải 20 megapixel, màn hình AMOLED, chụp liên tục 9fps và có EVF 2,3 triệu điểm ảnh có thể thay đổi góc độ được. Cảm nhận đầu tiên về Samsung NX30 của mình là thiết kế đẹp, cứng cáp, và sử dụng không hề khó khăn.
Thân máy cứng cáp, đặc biệt ống ngắm có thể kéo ra và thay đổi góc độ được.
Thông số cơ bản:
- Cảm biến APS-C CMOS 20MP
- Tốc độ tối đa chụp 9 fps
- Hệ thống lấy nét lai với 105 điểm lấy nét pha và 247 điểm lấy nét tương phản, 1 điểm cross-type ở giữa
- Quay phim 1080/60p
- Ống ngắm điện thử thay đổi gốc độ 80 độ
- Màn hình cảm ứng AMOLED 3 inch với khớp xoay
- Xuất HDMI không nén 30 fps
- Tích hợp Wi-Fi & NFC
Thiết kế:
Có thể nói NX30 là một bước tiến lớn của Samsung về thiết kế. So với NX10, NX20 và NX300, chiếc NX30 mới này được thiết kế chuyên nghiệp hơn hẳn, với 2 điểm nhấn về thiết kế: có EVF (kính ngắm điện tử) có thể kéo ra và thay đổi góc độ được, và thân máy mỏng nhưng rất cứng cáp và có báng rất đầm.
Thân máy được làm gọn, còn báng cầm được thiết kế rất đầm, kèm theo phần tựa ngón cái phía sau rất chắc chắn. Chính thiết kế này làm cho NX30 tách biệt khỏi các thiết kế máy nhỏ gọn. Máy tuy nhỏ nhưng cầm chắc chắn và thoải mái, không bị dư hay với, càng không chật chội. Ngón cái và phần báng cho người dùng cảm giác cầm chắc chắn (tay mình thuộc loại khá lớn).
Về bố trí nút, Samsung cũng làm khá tốt. Mọi nút điều khiển được thiết kế qua phía phải để sử dụng với ngón tay cái, và thực tế với kích thước máy, ngón cái có thể với tới tất cả các nút này. Tuy nhiên, cũng chính do kích thước nhỏ và việc thiết kế nút tập trung này, kích thước của mỗi nút nhỏ lại, mình cảm giác hơi khó tìm/bấm, dù nút có độ nảy tốt.
Ống ngắm điện tử của NX30 có độ phân giải 2,3 triệu điểm ảnh, và thiết kế kéo ra và thay đổi góc độ được, là một chức năng khá vui của NX30. Kết hợp với màn hình xoay lật như đã thấy ở NX20, máy rất phù hợp cho người dùng thích thử nghiệm với nhiều góc chụp lạ.
Giao diện:
Điều duy nhất được giữ lại ở giao diện NX20 là phần nút Fn (function). Ngoài ra, tất cả được tập trung ở nút Menu của máy. Tuy nhiên, độ trễ của giao diện này còn cao nếu so sánh NX30 với các máy khác như NEX-5, NEX-7. Hầu hết tất cả các tuỳ chỉnh chụp ảnh được nằm ở trong giao diện nút Fn.
NX30 được trang bị màn hình cảm ứng, tuy nhiên tất cả các thao tác này đều có thể được nhan chóng chọn với các phím cứng và bánh xe.
Chụp hình:
Nếu bạn đã sử dụng qua các máy không gương lật thì NX30 không quá khác xa những gì bạn đã trải nghiệm. Thao tác chung để chụp mình thấy giống nhất với dòng SLT (A65, A58, A77, A99) hay NEX có ống ngắm của Sony khi hình ảnh được cho lên màn hình là chính (màn hình của máy là AMOLED), khi đưa mắt vào ống ngắm màn hình sẽ tự tắt. Do kích thước nhỏ nên việc bấm các nút phía sau máy bằng ngón cái hơi khó khăn chứ không phải là không thể - có lẽ là do mình chưa quen.
Đặc biệt, với các ống kính với có nút i-Function của Samsung, bạn có thể chỉ cần ấn nút này và sử dụng bánh xe phía trước để tuỳ chỉnh các thông số. Đây là tính năng khá hay Samsung đã bổ sung cho NX30. Do thay đổi hầu hết giao diện, không chắc nút i-Function này dùng được cho các dòng NX trước hay không?
NX30 chụp được tốc độ lên tới 9 hình/giây, buffer ở tầm khá (hãng chưa có thông số, nhưng ước lượng tầm 30-40 JPEG trở lên). Máy lấy nét lai theo pha (phase-detection) với 105 điểm, một điểm cross-type ở giữa, 247 điểm lấy nét tương phản. Màn trập có tốc độ lên tới 1/8000s.
Nói về chất lượng ảnh chụp, mình xin phép không nói nhiều, vì tất cả ở đây là sản phẩm trưng bày, và hình ảnh mình xem được là hình ảnh hiện trên màn hình máy. Một là màn hình cỡ nhỏ, độ phân giải cao, lại là AMOLED, nên chất lượng hiển thị có thể khác hoàn toàn so với ảnh chụp lớn khi xem trên máy tính hay in ra.
Quay phim:
NX30 quay phim độ phân giải Full-HD 60p, không có gì đột phá. Tuy nhiên, NX30 được tích hợp tính năng mình cho là khá thú vị: bạn có thể quay phim với tuỳ chọn tua nhanh (2x, 5x, 10x, 20x), máy tự động biến đoạn phim thành một đoạn timelapse. Tuy nhiên, tính về thực tế thì tính năng này lại khá hao pin nếu muốn làm timelapse dài (do phải quay liên tục đầy đủ thời gian). NX30 cũng có cổng ra HDMI và có thể thu/phát trực tiếp (livestream).
Tính năng mở rộng:
NX30 được Samsung trang bị hai giải pháp chia sẻ hình ảnh: NFC và Wi-Fi. NFC cho phép bạn chạm smartphone vào máy để lấy hình ảnh, còn Wi-Fi thì cần phải được cài đặt đồng bộ giữa cả smartphone và NX30.
Trong Menu của NX30 cũng có một tính năng là AMOLED Display. Bật tính năng này lên, tất cả nội dung trong NX30 sẽ được hiển thị tối ưu cho màn hình AMOLED: rực rỡ hơn, sống động hơn. Tuy nhiên, AMOLED cũng có nhược điểm của nó, vả lại hình ảnh chúng ta in ra hay xem trên máy tính lưu trữ mới thực sự là hình ảnh ta muốn xem cuối cùng.
Kết luận:
Với thời gian ngắn ngủi thử qua Samsung NX30, có thể nói đây là bản nâng cấp đáng khen của Samsung về thiết kế và thao tác sử dụng. Mình xin không nói về chất lượng hình ảnh như đã giải thích trên, anh em nên đợi có review về chất lượng ảnh. Thiết kế khá tốt, đặc biệt là phần báng cầm. Phần kính ngắm thì đôi khi có thể coi là... cho vui cũng được, có thể được xem là đặc điểm nhận dạng của dòng này. Về tính năng chụp hình quay phim thì máy khá, thao tác nhanh và không phải học quá nhiều. So với các dòng trước, giao diện mới trên NX30 là một điểm cộng lớn giúp việc thao tác với máy tốt hơn nhiều.
Cùng giới thiệu với NX30 là 2 ống kính mới: ống dòng cao cấp 16-50mm f/2.0–2.8 OIS (optical image stabilization – chống rung quang học), có chống bụi và tia nước, và phiên bản rẻ hơn của tiêu cự này là 16-50mm f/3.5-5.6, sẽ được bán làm ống kit cho NX30.
Với NX300 trước đây ở mức giá 750$, chiếc NX30 lần này dễ dàng có giá không dưới 1000$. Ở tầm giá này, kết hợp với ống kính tốt như 16-50mm f/2.0-2.8, có thể NX30 là lựa chọn không tồi cho những ai thích máy ảnh vóc dáng nhỏ gọn nhưng hiệu năng cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên đợi bản review chính thức với chất lượng hình ảnh để có nhận định chính xác nhất.