Kiểm tra an ninh sân bay bằng các hệ thống thông minh có hiệu quả hơn
con người?
Các cơ quan hàng không tại một số nước đang bắt đầu sử dụng máy móc để thay thế con người trong việc xác minh danh tính của hành khách bằng cách quét khuôn mặt, dấu vân tay hoặc mống mắt của họ. Việc sử dụng máy sinh trắc học và các kỹ thuật nhận dạng khác phục vụ cho công tác kiểm soát an ninh tại sân bay làm dấy lên câu hỏi về khả năng phát hiện ra các thành phần khủng bố của máy móc có đảm bảo hiệu quả như con người hay không?
Hiện tại, nhiều sân bay tại châu Âu, Úc và Mỹ đã áp dụng công nghệ trên và hành khách không cần phải xuất trình giấy tờ hay trả lời câu hỏi của nhân viên sân bay theo các thủ tục kiểm tra xuất nhập cảnh trước đây. Một số sân bay lớn tại châu Âu đã bắt đầu sử dụng các máy sinh trắc học tự động tại cổng an ninh và cửa lên máy bay. Đây là một máy tính có thể xác minh danh tính của hành khách thông qua các đặc điểm nhận dạng vật lý trên cơ thể. Các cơ quan chức năng cho rằng việc áp dụng công nghệ nhận dạng bằng máy móc thậm chí còn ưu việt hơn so với dùng con người. Người ta cũng đang thúc đẩy áp dụng công nghệ trên vào các sân bay nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch và là một cách để tiết kiệm chi phí cho an ninh.
Trưởng bộ phận thông tin hành khách của sân bay London Gatwick, Michael Ibbitson chia sẻ: "Công nghệ nhận dạng có thể hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng vé máy bay, thay vào đó, hành khách sẽ dùng khuôn mặt của mình để check in khi xuất nhập cảnh tại sân bay. Đây chỉ là bước đầu trong việc áp dụng các máy sinh trắc học tại sân bay. Sân bay Gatwick đã thử nghiệm công nghệ trên trong 1 năm qua và đã có 3000 hành khách được nhận dạng bằng khuôn mặt thay vì sử dụng vé."
Những người ủng hộ bao gồm cả chính phủ và các quan chức công nghiệp tuyên bố rằng công nghệ nhận dạng tự động sẽ giảm tải công việc cho các nhân viên an ninh sân bay, giúp họ có thể tập trung phát hiện các hành động bất thường hoặc theo dõi những hành khách đáng nghi. Họ cho rằng máy tính có thể làm việc hiệu quả và chính xác hơn con người. Hiệp hội vận tải và Hội đồng sân bay quốc tế cũng ủng hộ áp dụng công nghệ sinh trắc học nhằm giảm thiểu các thủ tục kiểm tra an ninh cồng kềnh tại và mất thời gian tại các sân bay.
Một dự án mang tên "Smart Sercurity" sắp sửa được áp dụng ở quầy check in tại sân bay Amsterdam và London heathrow vào năm tới. Dự án cũng bao gồm một phần mềm có thể thông qua các vật dụng thông thường như quần áo trong hành lý mà không cần phải qua hệ thống quét tia X của nhân viên an ninh. Guido Peetermans, trưởng dự án cho biết: "Chất nổ thường rất chắc và không thể giấu vào quần áo trong hành lý. Hơn nữa, các thuật toán mà chúng tôi sử dụng có độ tin cậy rất cao. Điều này sẽ giảm lượng lớn công việc cho các nhân viên an ninh."
Theo các nhà nhận định, việc quá lạm dụng máy móc sẽ bỏ qua yếu tố trực giác của con người vốn có thể phát hiện ra các hành vi đáng ngờ. Đó là điều mà máy móc không thể nào làm được. Chuyên gia an ninh hàng không, một giáo sư tại học viện công nghệ Massachusetts, Arnold Barnett phát biểu rằng: "Nếu như một người có biểu hiện đáng ngờ như đổ mồ hôi đầm đìa. Các nhân viên an ninh sẽ nhận thấy ngay. Trong khi đó, máy quét mống mắt không thể phát hiện được. Mấu chốt của việc bảo đảm an ninh sân bay là nhìn vào tất cả các biểu hiện của hành khách. Điều này chỉ được thực hiện bằng mắt người. Đây là điều mà các thuật toán máy tính không thể thay thế được."
Barnett cũng cho biết thêm: "Có thể trong quá khứ, các thành phần khủng bố không thể giấu chất nổ trong hành lý được. Tuy nhiên, công nghệ ngày nay đã hiện đại hơn và khủng bố cũng ngày càng tinh vị hơn rất nhiều. Chất nổ thậm chí còn có thể được giấu trong các áo khoác thể thao mà không dễ gì có thể phát hiện ra được"
Richard Bloom, chuyên gia nghiên cứu khủng bố, tình báo và bảo mật tại trường đại học Embry-Riddle Aeronautical cũng nhận định: "Máy tính có thể đáng tin cậy hơn con người, nhưng chúng có thể bị bọn khủng bố tinh vi bắt bài. Nếu bạn có thể biết được bản chất hoạt động của một hệ thống, bạn có thể qua mặt nó."
Theo một cuộc khảo sát của cơ quan công nghệ thông tin hàng không SITA, hiện nay có khoảng 28% sân bay trên thế giới đang áp dụng hệ thống sinh trắc học, tăng 18% so với năm 2008.
Các hãng hàng không, sân bay và các cơ quan chức năng đều cho rằng lớp kiểm tra của các nhân viên an ninh vẫn là rất cần thiết. Các thiết bị thông minh chỉ mang tính chất tham khảo và tiết giảm một số thủ tục kiểm tra mà không thể hoàn toàn thay thế con người. Hơn nữa, mỗi sự thay đổi lớn về quá trình kiểm tra an ninh tại cửa khẩu phải được sự đồng thuận của các cơ quan chính phủ và có thể mất nhiều năm mới có thể áp dụng rộng rãi.