Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Panasonic GX7 - Đủ êm, đủ nhẹ, đủ đẹp, đủ tiện và bạn phải đủ tiền.

P1310373.JPG

Tinh Tế đã có bài đưa tin về chiếc GX7, các bạn có thể xem nó thuộc dòng gì, có tính năng như thế nào. Bài viết này là trải nghiệm thực tế sử dụng chiếc máy ảnh này trong hai tuần. Tôi không viết ở dạng đánh giá thông thường mà chia làm hai phần chính: Thích và Băn khoăn. Trước hết là nói về những điểm cộng:

P1000583.JPG

Bốn ưu điểm rất rõ ràng mà cá nhân tôi cảm nhận được

Nhẹ: không những máy nhẹ mà ống kính của nó cũng nhỏ và rất nhẹ so với DSLR cũng như các dòng mirrorless khác mà lý do chính đó là ống kính m4/3 rất nhỏ, nhỏ hơn kha khá kể cả với những chiếc mirrorless APS-C. Tôi mang chiếc GX7 với bốn ống kính trong 1 cái túi chỉ bằng ba nắm tay và nhẹ không tới một nửa so với một hệ thống DSLR có tính năng tương tự. Bạn sẽ cảm nhận được điều này nếu đeo hệ thống máy trên vai rong ruổi từ sáng tới tối (Trong đợt trải nghiệm này tôi sử dụng 4 ống cả Panasonic lẫn Olympus: 14mm F2.5, 20mm F1.7, 45mm F1.8, và 45-200mm F4.0-5.6)

Êm: ngoài màn chập cơ, GX7 còn có thể chụp bằng màn trập điện tử như những chiếc compact - không một tiếng động, dễ thao tác trong môi trường đòi hỏi sự yên lặng. Tôi chưa thử chụp time lapse nhưng nếu bạn nào thích trò này thì electronic shutter sẽ làm bớt đau tim hơn nhiều nếu cứ một lần chụp mà cửa chập cơ nó chập vài ngàn lần. Ngoài ra kiểu dáng nhỏ (none-pro) cũng ít gây chú ý.

Đẹp: GX7 có thiết kế bề ngoài khá bảnh và cứng cáp, tôi thường xuyên được khen và hỏi máy gì vậy :) . chất lượng hình ảnh cũng đẹp ở mức độ hài lòng - chẳng thể bằng APS-C, Fullframe nếu so sánh cạnh nhau - nhưng đủ thỏa mãn 95% dân chúng. Tôi sẽ nói kỹ hơn về chất lượng hình ảnh ở phần sau

Tiện: Màn hình lật lên xuống rất tiện khi chụp ngang bụng và qua đầu. Tôi gần như không sử dụng EVF và hầu như chụp ở tư thế ngang bụng. Flash tích hợp sẵn có thể hất lên cao. Hệ thống nút bấm, xoay và menu tương đối thân thiện người dùng.

P1300956.JPG
Hội An - Ống 45mm f2.0 ISO 200 1/4000s

Một chút về các yếu tố liên quan chất lượng hình ảnh:

Năm 2008 khi lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc mirrorless đầu tiên Panasonic G1, tôi hơi quan ngại về chất lượng hình đặc biệt ở những mức ISO cao cũng như số lượng ống kính sẵn sàng. Nhưng tại thời điểm này thì tôi đã tạm yên tâm về m4/3. Xét về quy luật vật lý, cảm quang nhỏ chẳng bao giờ cho hình "đẹp" bằng cảm quang lớn. Nếu soi ở độ phóng đại 100% thì điều này khá rõ ràng. Tuy nhiên trong thực tế với kích thước hình hiệu dụng thì ở đa số trường hợp khác biệt này khá nhạt nhòa. GX7 cho ảnh JPEG đẹp, hơi rực một chút, nhiễu được xử lý tốt cho tới ISO 1600. ISO 3200 bắt đầu thấy nhiễu rõ hơn những vẫn dùng được

GX7 với chống rung tích hợp trong thân máy (sensor shift) là một lợi thế mạnh. Trong bối cảnh chụp đêm ở Chùa Cầu tôi có có thể yên tâm sử dụng tốc độ 1/20s với ống 14mm. Ngoài ra chống rung rất tiện khi tôi chụp trên tay (thường cầm máy ảnh một tay). Chiếc GX7 lấy nét nhanh (tương đối khi so với các chiếc mirrorless) và khá chính xác - số hình trượt nét theo tôi là không lớn hơn so với trải nghiệm trên Nikon D800

Ống kính của Olympus và Panasonic rất bén - kể cả ở khẩu lớn nhất

P1310017.JPG
Làng gốm Thanh Hà - Hội An - Ống 20mm f4.0 ISO 200 1/800s

P1310368.JPG
Chùa Cầu - Hội An - Ống 17mm tại f2.5 ISO 2500 1/20s

Độ sâu trường ảnh lớn ở m4/3 là con dao hai lưỡi, một mặt lợi khi chụp sự kiện đông đúc thì vẫn có thể mở khẩu lớn để ánh sáng lọt vào nhiều mà vẫn nét tương đối tốt. Mặt khác khi chụp chân dung muốn cô lập chủ thể như FF hay APS-C là điều nan giải, cho dù mở khẩu lớn nhất

Sau đây là vấn đề của m4/3 nói chung và GX7 nói riêng
  • Máy và ống không hề rẻ. Tuy tiền nào của nấy - nhưng rõ ràng không thuộc phân khúc bình dân
  • Mặc dù số đầu ống rất phong phú toàn diện nhưng tính sẵn có ở Việt Nam của ống m4/3 lại không nhiều như những chiếc Canon Nikon. (Panasonic với hệ micro 4/3 cùng Olympus có một dàn ống kính phong phú nhất trong số các dòng máy mirrorless chất lượng quang học rất tốt - ống AF đã ngoài 50 chiếc chưa kể ống MF các loại)
  • Chất lượng hình tuy đủ tốt nhưng không đỉnh cao để có thể là phương tiện kiếm tiền chuyên nghiệp (tuy tôi chắc chắn rằng vẫn có thể bán được khối ảnh nếu rơi vào tay người biết chơi) Hình chỉ vừa đẹp cho tới ISO3200, không thể quá 16MP ....
  • Không đủ nhanh để cho những sự kiện mang tính quyết định khoảnh khắc (không có ống ngắm quang học, tốc độ lấy nét)
  • Cảm quang 4/3 inch không cho DOF "mỏng dính" để có thể cho hình xóa phông lung linh mộng mơ
  • Nếu sử dụng liên tục thì pin hết khá nhanh, chỉ trong 1 buổi chứ không được 1 ngày, vì vậy hoặc buổi trưa bạn phải xạc pin tiếp hoặc có một cục pin dự phòng
P1300646.JPG
Rock storm - Đà Nẵng - Ống 20mm f1.7 ISO 3200 1/50s

Sơ bộ nhận định:

Đây là một bộ máy thực sự mang lại cảm xúc cho tôi trong quá trình thử nghiệm, với bốn lý do về tính "vừa phải" mà nó mang lại "đẹp, nhẹ, êm, tiện". GX7 với các đặc điểm riêng của mình và đặc điểm chung của mirrorless đem lại một trải nghiệm tương đối khác và thú vị.

Một câu hỏi RẤT LỚN đặt ra cho người sắp mua máy, đó là m4/3 nói chung và GX7 nói riêng có thể thay thế hoàn toàn hệ thống DSLR hay không? Có và Không.
Không là ở chỗ nó không được dành cho các tác vụ cực kỳ chuyên nghiệp hạng nặng (sự kiện, thể thao, thời trang ….) nó cũng trông có vẻ "đồ chơi" hơn là phương tiện kiếm tiền - dĩ nhiên đó cũng là lợi thế nếu ta thực sự là "người chơi".

là ở chỗ với nhu cầu cơ bản cần hình đẹp và thuận tiện gọn nhẹ của đại đa số người yêu nhiếp ảnh thì nó dư sức đáp ứng, ngoài ra những ống kính nhỏ xinh của Olympus cũng là những đồ sưu tầm công nghệ rất lý thú. Tại thời điểm này, nếu bạn yêu cầu "hình đẹp" là yếu tố đầu tiên thì DSLR không còn là lựa chọn duy nhất.

P1300251.JPG
Tại Bửu Long - Ống 45-200mm tại 166mm f5.3 ISO 320 1/320s

Nếu tôi đi dã ngoại với mục đích săn ảnh kiếm tiền thì một hệ thống máy pro là điều khỏi phải bàn cãi. Nhưng nếu đi du lịch / phượt và lưu lại những hình ảnh đẹp, nghệ thuật một chút thì m4/3 GX7 chắc hẳn là một người bạn đường tốt hơn Nikon D800 với những ống kính nặng hàng ký.

Ngoại trừ hình cover có chỉnh sửa đôi chút về độ tương phản, tất cả các hình khác trong bài là hình nguyên bản, chỉ resize và đóng dấu. (Thường thì hình từ những chiếc máy ảnh hoán đổi ống kính như vậy cần hậu kỳ ít nhiều về tương phản, sáng tối, cân bằng trắng để có được hiệu quả thị giác tối ưu)

_1270900.JPGP1270983.JPGP1300043.JPGP1300061.JPGP1300073.JPGP1300075.JPGP1300106.JPGP1300132.JPGP1300325.JPGP1300328.JPGP1300377.JPGP1300433.JPGP1300468.JPGP1300540.JPGP1300544.JPGP1300571.JPGP1300594.JPGP1300620.JPGP1300658.JPGP1300666.JPGP1300720.JPGP1300738.JPGP1300750.JPGP1300768.JPGP1300798.JPGP1300813.JPGP1300861.JPGP1300889.JPGP1300894.JPGP1300911.JPGP1300932.JPGP1300950.JPGP1300953.JPGP1300978.JPGP1300991.JPGP1310017.JPGP1310021.JPGP1310027.JPGP1310088.JPGP1310108.JPGP1310163.JPGP1310201.JPGP1310333.JPGP1310346.JPGP1310368.JPGP1310381.JPGP1310414.JPGP1310420.JPGP1310452.JPGP1310459.JPGP1300409.JPG