Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Những cột mốc quan trọng của máy tính Mac trong chặng đường 30 năm qua

Apple_30_nam_lich_su.

Vào ngày 24/1/1984, Steve Jobs đứng trên sân khấu tại trung tâm Flint Center ở thành phố Cupertino, bang California để giới thiệu về chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới nhắm đến thị trường đại chúng được trang bị giao diện đồ họa. Lúc đó, Jobs mới 27 tuổi, ông khoác một bộ vest màu xám rộng và trông như đang chuẩn bị đi dự đám cưới chứ không phải là một Jobs với áo thun cổ rùa và quần jeans mà chúng ta thấy vài năm trước. Lúc ông mở một cái túi và rút chiếc Macintosh ra bằng một tay, Jobs biết đây là thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời mình, và ông thật sự run sợ.

Nhưng khi chữ "MACINTOSH" chạy chầm chậm trên một cái màn hình 9" với nền bài nhạc Chariots of Fire, đi kèm theo đó là hình ảnh của phần mềm máy tính và ứng dụng vẽ, Jobs mỉm cười và bắt đầu nói nhiều hơn về chiếc hộp trên tay mà ông tin rằng chính nó sẽ làm thay đổi mọi thứ.

30 năm sau, mọi thứ quả thật đã thay đổi, Jobs đã đúng. Máy Mac không còn có mức giá ngất ngưởng 2495$ nữa, nó cũng không còn nặng tới gần 10kg, và việc đổi font chữ thì cũng không có gì là ghê gớm trên một chiếc máy tính hiện đại. Tuy nhiên, có một thứ không đổi, đó là tầm nhìn của Apple về cách mà một chiếc máy tính hoạt động, về cách mà PC sẽ phục vụ cho cuộc sống con người. Với giao diện đồ họa đơn giản, Apple mở ra một con đường giúp người dùng phổ thông tiếp cận được với máy tính, từ đó biến máy tính thành một vật gia dụng rất đỗi bình thường. Chuột, bàn phím, menu, icon, cửa sổ... tất cả những thứ có mặt trên chiếc Macintosh năm nào giờ vẫn còn xuất hiện trên màn hình máy tính của chúng ta, là thứ mà chúng ta xài hằng ngày hằng giờ.

Giờ đây, nhân dịp sinh nhật lớn của Mac, mời các bạn cùng điểm qua lại những mẫu máy Mac mà Apple từng cho ra mắt, để thấy được một Apple rất tuyệt vời, rất lạ lùng và cũng rất đẹp.

1983: Apple Lisa

Chiếc máy tính này cũng giao diện đồ họa và xuất hiện còn trước cả Macintosh. Thực chất, nó là mẫu PC thứ hai trên thế giới dùng GUI sau chiếc Xerox Star, có điều không mang tên "Mac". Máy nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ và được bắt đầu phát triển từ năm 1978. Được biết vào năm 1982, sau khi Steve Jobs bị buộc phải rời khỏi dự án Lisa, ông mới chuyển sang dự án Macintosh. Tới ngày 19/1/1983 thì Lisa lần đầu tiên được công bố ra thế giới. Giá của máy lúc đó là 9.995$, tương đương 23.426$ nếu tính theo giá trị đồng đô la hiện tại. Máy dùng CPU Motorola xung nhịp 5MHz và RAM 1MB. Xin các bạn lưu ý, mặc dù Lisa và Macintosh có nhiều điểm tương đồng nhưng Macintosh không phải là sản phẩm kế nhiệm trực tiếp cho Lisa.

Apple_Lisa_1.

1984: Macintosh

Lúc giới thiệu cỗ máy này, Apple nói rằng trên thế giới rồi sẽ có hai loại người mà thôi: những người sử dụng máy tính, và những người sử dụng đồ Apple. Như đã nói ở trên, đây là mẫu PC đầu tiên đem giao diện đồ họa đến với người dùng, mở ra một cách tương tác tự nhiên và tốt hơn nhiều so với việc sử dụng dòng lệnh. Chiếc máy này xài màn hình đơn sắc, kích thước 9", độ phân giải 512 x 342 pixel, RAM 128KB và có ổ microfloppy để mở rộng không gian lưu trữ.

Macintosh.

1986: Macintosh Plus

Chiếc Macintosh Plus vẫn giữ nguyên ngoại hình của chiếc Macintosh đời đầu tiên, tuy nhiên nó mạnh hơn với RAM 1MB (có thể mở rộng lên 4MB), ổ đĩa thì chấp nhận dung lượng tối đa lên tới 800KB, đồng thời hỗ trợ kết nối nhiều thiết bị ngoại vi hơn. Đây được xem là một trong những dòng dòng Mac rất thành công và mãi đến tháng 10/1990 mới bị dừng sản xuất. Đây cũng là chiếc máy tính có vòng đời dài nhất mà Apple từng ra mắt.

Macintosh_Plus.

1987: Macintosh II

Điểm thay đổi đáng chú nhất của chiếc máy tính này nằm ở chỗ nó đã hỗ trợ màn hình màu, vốn là một điểm hạn chế từng bị nhiều người chê bai ở Macintosh đời đầu. Nếu gắn một cái card đồ họa phù hợp thì nó có thể hiển thị đến 16,7 triệu màu, và trên thị trường lúc đó không có mẫu PC nào giống như thế.

Macintosh__II.

1989: Macintosh Portable

Nhìn thì thiết bị này có vẻ giống một chiếc laptop, nhưng thực chất thì Apple lại muốn nó được sử dụng ở trên bàn làm việc của bạn, không phải trên đùi ("lap"). Đây một bước đi khá táo bạo của Apple khi tạo ra một sản phẩm nhẹ và gọn chỉ 7kg. Đây là PC đầu tiên của Apple có khả năng chạy bằng pin. Tuy nhiên Macintosh Portable lại chậm và khó sử dụng. Nó dùng vi xử lí 16MHz và RAM 1MB (có thể mở rộng thành 9MB). Ngoài ra, mức giá 6500$ của máy rõ ràng không phải là một thứ có giúp nó trở nên phổ biến. Chúng ta có thể xem đây như là một biện pháp mà Apple dùng để gây ấn tượng với mọi người hơn là một sản phẩm thực tế.

Macintosh_PPortable.

1991: PowerBook 100

Đây một thật sự là một sản phẩm có tiềm năng khi sở hữu màn hình 9" độ phân giải 640 × 400, đi kèm theo đó là bàn phím, trackball để làm chuột và quan trọng hơn hết là thiết kế đúng với một chiếc laptop hiện đại. Nó có trọng lượng 2,2kg, dùng CPU Motorola 16MHz giống Macintosh Portable, RAM 2MB (mở rộng lên tối đa 8MB), không có ổ đĩa floppy. Giá của thiết bị này khi mới được ra mắt là 2300$.

PowerBook_100.

1993: Mac Color Classic

Sản phẩm này không khác nhiều so với mẫu Macintosh Plus và cấu hình thì đi sau thời đại, nhưng được cái là nó sở hữu màn hình màu và mức giá không thể hấp dẫn hơn: 999$. Đây cũng là chiếc máy Mac đầu tiên có giá dưới 1000$ kể từ khi Apple ra mắt chiếc máy tính đầu tiên của hãng. Động thái này là bước đi rõ ràng nhất cho thấy mong muốn đem PC đến mọi nhà của Steve Jobs nói riêng và Apple nói chung.

Mac_Color_Classic.

1993: Macintosh TV

Năm 1993 không chỉ có Mac Color Classic mà còn có Macintosh TV bởi Apple đang muốn đa dạng hóa bộ sưu tập sản phẩm của mình, đồng thời hi vọng phục hồi lại doanh số bán hàng. Máy đi kèm theo một chiếc card thu tín hiệu TV, ổ CD-ROM và được thiết kế khá ngầu trong bộ vỏ màu đen. Như các bạn có thể tưởng tượng, màn hình 14" Sony Trinitron CRT của nó cho phép chuyển đổi giữa việc xem TV với việc sử dụng máy tính thông thường. Tuy nhiên, Apple chỉ sản xuất có 10.000 chiếc Macintosh TV trước khi ngừng kinh doanh dòng thiết bị này.

Macintosh_TV.

1995: Sự tham gia của các hãng khác

Trong một giai đoạn ngắn ngủi, Apple cho phép các hãng sản xuất khác cũng sản xuất máy tính tương thích với Mac trong một chương trình mang tên "Mac Clone". Power Computing là công ty kinh doanh thành công nhất trong mảng này. Tuy nhiên, khi Steve Jobs quay trở lại Apple, ông đã chấm dứt chương trình Mac Clone và mua lại Power Computing. Và kể từ đó đến nay, Apple vẫn luôn kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái phần cứng - phần mềm của mình, dù cho đó là máy tính hay thiết bị di động.

Power_Computing.

1997: Power Mac G3

Vào thời điểm Jobs quay trở lại với công ty do chính mình thành lập ra thì trọng tâm mà Apple đặt lên máy Mac đã thay đổi. Hãng tập trung và sức mạnh và khả năng xử lí của máy, và Power Mac G3 đã bắt đầu cho xu hướng này. Nó xài CPU PowerPC G3 do IBM sản xuất với xung nhịp trong khoảng 300MHz đến 450MHz, GPU ATI Rage 128 vRAM 16 MB, hỗ trợ RAM tối đa lên đến 1GB.

PowerMac_G3.

1997: Chiếc máy đặc biệt kỉ năm 20 năm Mac ra đời

Khi Mac đạt cột mốc 20 tuổi, Apple đã làm ra một chiếc máy tính Mac lạ lùng nhất từ trước đến nay. Mẫu "20th Anniversary Macintosh" có giá 7499$ với thiết kế rất độc đáo (có thể nói là có một không hai), tích hợp tính năng xem TV, nghe đài radio FM, thậm chí còn có cả một cái loa trầm rời bên ngoài. Nếu bạn mua nó, một người mặc tuxedo sẽ giao máy đến tận nhà và thiết lập mọi thứ cho bạn. 20th Anniversary Macintosh được trang bị vi xử lí PowerPC 603e xung nhịp 250MHz, màn hình 12,1", card đồ họa ATI 3D Rage II với vRAM 2MB, hỗ trợ xuất hình ảnh 16-bit ra màn hình với độ phân giải 800x600 hoặc 640x480. Ngoài ra, cỗ máy này có có ổ cứng ATA 2GB.

20th_Apple_Mac_Anniversary.

1998: iMac

Đây là chiếc máy tính đầu tiên của Apple thật sự được thiết kế cho kỉ nguyên Internet. Ngoài ra, nhiều tùy chọn màu sắc phong phú cùng với bộ vỏ cong biến iMac trở thành chiếc máy tính bắt mắt mà Apple từng sản xuất. Máy có vi xử lí PowerPC G3 233MHz (cùng loại CPU dùng cho Power Mac G3 nhưng xung nhịp thấp hơn), modem thu tín hiệu mạng 56 kbit/s, và có 2 cổng USB.

iMac.

1999: iBook G3

Sau thành công lớn với iMac, Apple thu nhỏ thiết kế của mình lại thành một chiếc máy tính xách tay và gọi nó là iBook G3. Thiết bị này, giống như iMac, cũng có nhiều tùy chọn màu sắc vui vẻ, CPU PowerPC G3, RAM 32MB hoặc 64MB. Máy có trọng lượng 3kg nhưng được trang bị một cái tay cầm để việc di chuyển dễ dàng hơn.

iBook_G3.

1999: Power Mac G3 màu xanh

Cấu hình của chiếc máy này không có nhiều điểm thay đổi so với mẫu Power Mac G3 ra đời hai năm về trước, tuy nhiên nó nhìn rất đẹp.

Power_Mac_G3_Blue.

2001: PowerBook G4

Năm này Apple đã làm cả thế giới dậy sóng với chiếc iPod, ngoài ra còn có mẫu PowerBook G4 cũng được thiết kế theo hướng mới sang trọng hơn. Máy có bộ vỏ kim loại dày khoảng 25,4mm và màn hình 15,2", và đây cũng là mẫu laptop đầu tiên của Apple trông giống với thế hệ MacBook ở thời điểm hiện tại.

PowerBook_G4.

2002: iMac G4

Thiết bị này có thiết kế mô phỏng lại cây đèn để bàn mà bạn thường thấy trong những bộ phim của Pixar. Nó sử dụng màn hình LCD phẳng (lúc đó Steve Jobs tự tin tuyên bố rằng màn hình CRT đã chết rồi), đi kèm theo đó là một ngoại hình chẳng giống ai. Ban đầu máy chỉ có màn hình 15", nhưng trong các năm sau đó, Apple tiếp tục bổ sung thêm tùy chọn 17" và 20" cho người dùng lựa tùy theo nhu cầu của mình. CPU của iMac G4 là PowerPC G4 với xung nhịp dao động từ 700MHz đến 1,25GHz tùy model.

iMac_G4.

2004: iMac G5

Đây là thiết bị đại diện cho kiểu dáng máy tính All-in-One mà chúng ta thường thấy ngày nay. Với iMac G5, Apple có nhiều phiên bản khác nhau: một phiên bản màn hình 20" với CPU 1,8GHz, một bản 17" 1,6GHz và một bản màn hình 17" 1,8GHz. Tất cả đều sở hữu hệ thống tản nhiệt thế hệ mới với độ ồn rất thấp. Bàn phím và chuột trong suốt đi kèm theo hệ thống này cũng là một điểm mà người dùng vẫn còn ghi nhớ đến tận hôm nay.

iMac_G5.

2005: Mac mini

Nếu như iMac nhắm đến phân khúc người dùng cao cấp thì Mac mini nhắm đến những khách hàng có túi tiền hạn hẹp hơn. Model đầu tiên dùng CPU PowerPC G4 1.25 GHz hoặc 1.42 GHz, RAM 256MB, chip đồ họa ATI Radeon 9200 và ổ cứng Ultra ATA 40 hoặc 80 GB. Đây là lần đầu tiên Apple công bố một chiếc Mac nhỏ gọn không có màn hình, bàn phím và chuột đi kèm. Nếu muốn những thứ này, người dùng phải mua thêm. Bởi vậy mà Apple mới quảng cáo Mac mini là thiết bị BYODKM (Bring Your Own Display, Keyboard, and Mouse - tức là tự mang màn hình, bàn phím và chuột của bạn).

Mac_mini.

2006: MacBook và MacBook Pro

Với sự ra đời của MacBook và MacBook Pro, Apple đã chính thức nói lời từ biệt với vi xử lí PowerPC và chuyển sang dùng chip của Intel. Lý do đó là vì chip Intel đã đáp ứng được các đòi hỏi của Apple về hiệu năng, tốc độ lẫn mức độ tiêu thụ điện. Hãng cũng bắt đầu thay đổi tên các máy tính của mình để đảm bằng rằng tên các PC của mình đều có chữ "Mac".

Ở giai đoạn đầu, MacBook sử dụng vỏ nhựa và có hai màu trắng và đen. Hiện nay nó vẫn được nhiều người sử dụng, nhất là những người muốn bước đầu làm quen với Mac. Nó sử dụng vi xử lí Intel Core 2 Duo, RAM 512MB (hỗ trợ mở rộng lên thành 2GB). Sản phẩm này được Apple nhắm đến thị trường giáo dục và người tiêu dùng phổ thông. Theo số liệu từ NPD Group vào năm 2008, dòng MacBook vỏ nhựa là máy bán chạy nhất của Apple.

topp.956x428.

Đến tháng 6 năm 2009, MacBook phân làm hai dòng nhựa và nhôm, trong đó bản nhôm sử dụng thiết kế nguyên khối giống MacBook Pro 15". Bốn tháng sau đó, Apple bỏ MacBook vỏ nhôm và gộp nó về chung với thương hiệu MacBook Pro. Khi đó chỉ còn lại mỗi model vỏ nhựa với thiết kế mới bầu tròn hơn so với chiếc MacBook đầu tiên.

Trong khi đó, MacBook Pro thì sử dụng vỏ nhôm ngay từ những ngày đầu tiên với thiết kế sang trọng. Máy có hai model 15" và 17". Nhắm đến đối tượng người dùng chuyên nghiệp, MacBook Pro sở hữu cấu hình mạnh mẽ và màn hình độ phân giải cao với màu sắc tốt. Tháng 10/2008, Apple đổi mới thiết kế của MacBook Pro thành nhôm nguyên khối, đồng thời bổ sung thêm mẫu 13". Năm 2012, Apple bỏ mẫu 17" đi và thay thế bằng MacBook Pro 15" với màn hình Retina.

MacBook_Pro.

2008: MacBook Air

Steve Jobs rút chiếc máy này ra khỏi một cái phong bì để chứng minh cho thế giới thấy được một chiếc máy tính xách tay có thể mỏng đến mức nào. MacBook Air đời đầu xài chip Intel Core 2 Duo và có giá bán cao ngất ngưởng: 1799$. Nếu nâng cấp thành ổ SSD 64GB và CPU mạnh hơn thì giá có thể tăng lên tới 3098$. Ở thời gian đầu, MacBook Air 13" bị chỉ trích vì thiếu cổng kết nối và cấu hình không mạnh. Đến năm 2010, Apple làm mới thiết kế và cấu hình của Air, đưa nó xuống mức giá hợp lý hơn, chip mạnh hơn, bổ sung thêm 1 cổng USB nữa, đồng thời ra mắt model 11" bên cạnh chiếc 13". Hiện nay thì MacBook Air đã trở thành một dòng laptop bán chạy và nó là nguyên nhân khiến các đối thủ cạnh tranh buộc phải nhảy vào thị trường máy tính xách tay mỏng, nhỏ, nhẹ nếu không muốn bị mất khách hàng.

MacBook_Air.

2012: MacBook Pro màn hình Retina

Trước tháng 6 năm 2012, tất cả màn hình máy tính xách tay đều có độ phân giải cao nhất cũng chỉ đạt mức 1920 x 1080 hoặc 1920 x 1200 tùy tỉ lệ 16:9 hay 16:10. Thế nhưng tại sự kiện WWDC, Apple đã làm cả thế giới bất ngờ khi công bố MacBook Pro Retina với màn hình 15,4" độ phân giải 2880 x 1800, cao nhất ở thời điểm bấy giờ. Máy không chỉ có màn hình tuyệt vời mà còn sở hữu cấu hình mạnh và thiết kể mỏng nhẹ hơn so với chiếc MacBook Pro 15" thông thường. Máy có giá 2200$, và một năm sau đã giảm còn 2000$. Đến tháng 10 cùng năm, Apple tung ra chiếc MacBook Pro Retina màn hình 13", và nó cũng nhỏ, mỏng và nhẹ hơn MacBook Pro 13" màn hình thường.

macbookpro-retina.

2013: Mac Pro

Đây là sản phẩm mới nhất của Apple. Chiếc Mac Pro đời 2013 nhỏ hơn, nhẹ hơn và mạnh hơn bao giờ hết. Thiết kế hình tròn lạ mắt kết hợp với kiểu tản nhiệt sử dụng một lõi đồng duy nhất đã khiến Mac Pro trở thành tâm điểm của toàn thế giới công nghệ trong những ngày cuối năm. Máy không chỉ mạnh mà còn sở hữu cổng Thunderbolt, không chỉ 1 cổng mà đến 6 cổng, nhằm phục vụ cho những người dùng chuyên nghiệp. Và tất nhiên, giá của máy không hề dễ chịu tí nào: từ 2999$ trở lên.

Mac_Pro.

Nguồn: The Verge