Stephen Hawking định nghĩa lại khái niệm về lỗ đen vũ trụ
Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đã phát biểu trên một bài báo rằng có thể lỗ đen vũ trụ không thật sự tồn tại theo cách chúng ta nghĩ từ trước đến nay. Đây là một tuyên bố có khả năng trở thành một cuộc cách mạng trong vật lý học hiện đại.
Học thuyết vật lý cổ điển cho rằng không có năng lượng hoặc thông tin nào có thể thoát ra khỏi lỗ đen vũ trụ nhưng nguyên lý vật lý lượng tử lại tuyên bố là có thể. Đây là mâu thuẫn gây nên nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà vật lý học trong suốt nhiều năm qua. Trong bài báo được đăng tải gần đây có tên "Thông tin về sự tồn tại và dự báo về lỗ đen", tiến sỹ Hawking đã đưa ra giải pháp cho mâu thuẫn trên: "thay vì nuốt chửng thông tin và năng lượng một cách vĩnh viễn, lỗ đen sẽ cắt xén chúng , sau đó giải phóng trở lại vũ trụ dưới một hình thức khác hoàn toàn ban đầu và không thể nhận ra."
Theo các học thuyết cổ điển, lỗ đen được cho là có chứa một "Chân trời sự kiện". Đây là một ranh giới tuyệt đối mà ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát nổi lực hấp dẫn vô cùng lớn từ phần lõi dày đặt của lỗ đen. Tuy nhiên, tiến sỹ Hawking lại đưa ra giả thuyết về một "ranh giới chuyển tiếp" hay một "chân trời nhìn thấy được" hoạt động tuân theo các hiệu ứng lượng tử.
Nếu lỗ đen tồn tại dưới hình thức mà Hawking dự đoán thì giả sử có một phi hành gia vũ trụ vô tình rơi vào trong lỗ đen. Theo vật lý lượng tử, phi hành gia xấu số trên sẽ ngay lập tức bị thiêu rụi bởi một "bức tường lửa" do các bức xạ cường độ cao tạo ra. Tuy nhiên, thuyết tương đối cổ điển lại cho rằng cơ thể của phi hành gia sẽ bị kéo dài liên tục như mì ống cho đến khi bị nghiền nát tại lõi của lỗ đen. Lý thuyết mới của Hawking sẽ san bằng mâu thuẫn giữa 2 học thuyết vì nếu không có "chân trời sự kiện" thì cũng không có "bức tường lửa".
Cuối cùng, bài báo kết luận rằng: "Lỗ đen không tồn tại theo cách hiểu là ánh sáng vĩnh viễn không thể thoát ra." Một số nhà vật lý khác cho rằng giả thuyết của Hawking là không đáng tin cậy và chưa được chứng minh. Nhà lý thuyết vật lý tại Berkeley, Raphael Bousso đã phát biểu: "Lập luận rằng không có điểm nào mà từ đó con người không thể thoát khỏi lỗ đen vẫn còn là một lập luận mơ hồ và chưa triệt để so với giả thuyết về sự tồn tại của bức tường lửa. Tuy nhiên, có một sự thật là chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận trong 40 năm tới để chứng minh giả thuyết của Hawking."