Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Đánh giá vòng theo dõi hoạt động Sony SmartBand: thiết kế đơn điệu, đeo thoải mái, ứng dụng tốt

IMG_0431-2.

SmartBand là chiếc vòng theo dõi hoạt động hàng ngày (activity tracker) vừa được Sony giới thiệu tại triển lãm CES hồi đầu năm nay dưới tên gọi Core. Bên cạnh chức năng chính là theo dõi thông tin sức khỏe như: đo lượng calories tiêu hao, đếm bước chân, đánh giá giấc ngủ,... Chiếc SmartBand còn cung cấp thêm phần giám sát các hoạt động chúng ta làm hàng ngày với thiết bị di động khá thú vị.

Hiện nay SmartBand đã được Sony bán ra thị trường với mức giá khoảng 100$/bộ, một mức giá khá cạnh tranh với Misfit Shine và Fitbit Flex. SmartBand có khả năng chống bụi, chịu đựng nước ngọt ở độ sâu 1,5m trong 30 phút và thời gian sử dụng lên đến 5 ngày.


Thiết kế

Chiếc vòng SmartBand gồm 2 phần chính: 1 sợi dây đeo cao su và 1 thiết bị màu trắng đóng vai trò "đầu não". Trên thiết bị màu trắng có 1 nút bấm để thao tác, 3 đèn LED trắng hiển thị trạng thái và 1 cổng Micro USB dùng để sạc pin. Mặt trên của thiết bị là phần cảm ứng để điều khiển các tính năng mình sẽ giới thiệu ở phần sau. Nếu không thích màu đen của 2 sợi dây một lớn một nhỏ đi kèm, bạn có thể đặt mua nhiều màu sắc vui tươi khác trên cửa hàng của Sony để thay đổi cho đỡ nhàm chán.


SmartBand sử dụng pin có dung lượng 35 mAh đủ cho chúng ta sử dụng liên tục trong 5 ngày. Thời gian thực tế mình đạt được là khoảng 4 - 4,5 ngày tùy theo mức độ "nghịch" mới phải cắm sạc lại. Điểm đáng chú ý khác là tốc độ sạc pin trên SmartBand rất nhanh, chỉ mất 35 - 40 phút cho 1 lần sạc.

Mình đánh giá cao chất lượng hoàn thiện sản phẩm của Sony, khó mà tìm thấy được chi tiết thừa hay cẩu thả, ngay cả với chiếc vòng cao su. SmartBand sử dụng kiểu khóa bấm vào lỗ rất chắc chắn. Lúc đầu mình cảm thấy kiểu khóa này hơi khó đeo, nhưng sau khi đã quen thì mình có thể tự tin đeo rất nhanh mà không gặp sự bất tiện nào.

Vẻ ngoài của chiếc vòng SmartBand khi đeo trên tay khá đơn điệu, nếu không muốn nói là chẳng có điểm nhấn nào nổi bật. Nó không có cái vẻ siêu nhân với dải đèn LED chạy vòng vòng như Misfit Shine hay thiết kế từ tương lai như cái Nike Fuelband nên khó mà "lấy le" với mọi người được. Không màn hình hiển thị thông tin, không có mặt vật liệu cao cấp, cá nhân mình thấy SmartBand giống chiếc vòng Live Strong mà một thời nhiều bạn trẻ hay đeo. Tất nhiên dừng ở mức làm phụ kiện vui vẻ thì khá ổn.

Độ thoải mái

Bù lại vẻ ngoài không mấy ấn tượng, chiếc vòng SmartBand "ghi điểm" bằng sự thoải mái khi sử dụng, có thể nói là thoải mái nhất trong tất cả các thiết bị theo dõi hoạt động mình từng sài qua. SmartBand mỏng hơn, có dây đeo mềm hơn so với chiếc Fitbit Force, và nó cũng nhẹ hơn Misfit Shine.

Tuy khác biệt lý thuyết không nhiều, nhưng những trải nghiệm thực tế SmartBand mang lại rất thuyết phục. Mình không có cảm giác khó chịu hay bị cấn sau một thời gian đeo như với Misfit Shine. Mình có thể đeo nó cả ngày, ngay cả khi đi ngủ mà vẫn cảm thấy rất thoải mái. Nhiều lúc mình thậm chí còn quên đi sự có mặt của nó trên tay mình nữa. Rất tuyệt vời.


Sử dụng

SmartBand kết nối với các thiết bị di động thông qua chuẩn Bluetooth 4.0 và NFC. Tuy nhiên, hiện nay thì Sony chỉ mới hỗ trợ tốt các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android 4.4 Kit Kat trở lên. Đây là điểm hạn chế khi SmartBand bỏ qua một lượng lớn khách hàng sử dụng các hệ điều hành khác như iOS và Windows Phone, cũng như Android phiên bản thấp hơn.

Kết nối NFC đa số trường hợp đều rất nhanh, nó đóng vai trò giúp cho thiết bị di động nhận biết được chiếc vòng SmartBand. Ở lần đầu tiên, Sony sẽ yêu cầu chúng ta cài 2 ứng dụng là Smart Connect và Lifelog cùng với 1 plug-in SmartBand. Với các lần kết nối thông qua NFC sau, thiết bị di động sẽ tự động bật ứng dụng Lifelog lên và đồng bộ các dữ liệu thông qua Bluetooth 4.0.

IMG_0539.

Khi đã cài đặt xong hết thì plug-in SmartBand sẽ nằm trong ứng dụng Smart Connect. Tại đây, chúng ta sẽ tìm thấy thông tin thời lượng pin còn lại cũng như các tùy chỉnh khác cho chiếc vòng SmartBand.
  • Auto night mode: bật tắt chế độ ngày đêm. Để chuyển qua lại giữa 2 chế độ này chúng ta nhấn giữ nút thao tác trên chiếc vòng khoảng 1 giây. Nếu 3 chiếc đèn LED trạng thái lần lượt sáng lên thì chiếc vòng đang ở chế độ ban ngày và sử dụng được các ứng dụng mình giới thiệu bên dưới. Nếu 3 chiếc đèn LED thay phiên nhau nhấp nháy trong 1 giây thì chiếc vòng đang ở chế độ ban đêm nhằm tiết kiệm pin và sẽ không điều khiển được các ứng dụng. Sony cũng cho phép chúng ta tùy chỉnh khung giờ cho chế độ ngày và đêm tương ứng với thói quen hằng ngày.
  • Notifications: chọn các ứng dụng để đặt lệnh thông báo. Tức là khi có thông báo nào từ các ứng dụng được chọn thì chiếc vòng sẽ báo cho chúng ta biết bằng cách rung lên.
  • Smart wake up: đánh thức thông minh. Chúng ta sẽ chọn giờ báo thức và khi tới giờ đó chiếc vòng sẽ rung lên trong một thời gian nhất định để đánh thức chúng ta dậy. Để tắt chiếc vòng hết rung, chúng ta chỉ việc nhấn vào nút thao tác là xong.
  • Out-of-range alert: chiếc vòng sẽ rung lên khi chúng ta mang nó ra khỏi phạm vi kết nối với thiết bị qua chuẩn bluetooth, bán kính 10m.
  • Incoming call: rung lên khi có cuộc gọi đến.
  • Applications: các ứng dụng chúng ta có thể điều khiển với chiếc vòng SmartBand: Smart Camera - ứng dụng chụp ảnh cho phép SmartBand đóng vai trò như chiếc remote chụp từ xa, Find Phone - dùng SmartBand để tìm kiếm thiết bị di động trong phạm vi sử dụng của Bluetooth, Media player - dùng SmartBand để điều khiển các chế độ chơi nhạc. Ngoài ra chúng ta còn có thêm 2 ứng dụng OfficeSuite và Action Camera. Theo mình thì những ứng dụng này chỉ có vai trò "làm màu" là chính vì một lần chúng ta chỉ sử dụng được 1 ứng dụng với chiếc vòng SmartBand và những ứng dụng trên mình cũng ít khi nào sử dụng đến. Các bạn có thể xem thêm trong clip trên tay bên trên để trải nghiệm những tính năng này.
IMG_0546.

Lifelog

Screenshot_2014-06-23-14-25-04.
Khi kết nối chiếc vòng SmartBand với thiết bị di động qua chuẩn NFC thì ứng dụng Lifelog sẽ tự động bật lên và các số liệu cũng được cập nhật ngay lập tức. Lifelog là một trải nghiệm rất thú vị khi sử dụng chung với chiếc vòng SmartBand. Giao diện được Sony phát triển rất thân thiện, bên cạnh đó là phần đồ họa động cũng trực quan không kém.

Phần đồ họa động này cho phép chúng ta xem lại các hoạt động diễn ra trong ngày như ngủ, đi bộ, chạy cũng như thể hiện luôn cả phần thời tiết theo thời gian tương ứng. Các ô tròn nhỏ với nhiều màu sắc khác nhau thể hiện hoạt động chi tiết mà Lifelog ghi nhận dựa trên dữ liệu của thiết bị di động, bao gồm: dùng mạng xã hội - email, chụp ảnh, xem phim, nghe nhạc, đọc sách, chơi game, lướt web. Đây cũng là điểm độc đáo của SmartBand so với những thiết bị theo dõi hoạt động khác.

Bên dưới phần đồ họa động là các ô vuông có các màu sắc và hình ảnh giống các ô tròn phía trên. Khi nhấn vào các ô vuông này, chúng ta có thể tùy chọn chỉ tiêu và quản lý mức thời gian dành cho các hoạt động. Ở đây chúng ta có thêm các ô để theo dõi lượng calories tiêu hao, đếm bước đi, thời gian đi bộ và chạy, đánh giá giấc ngủ. Tất cả đều có thể xem lại các dữ liệu theo ngày, tuần tháng và năm. Bộ đếm bước đi của SmartBand theo mình đánh giá là khá chính xác. Tuy nhiên, mình không hiểu vì sao bản thương mại Sony lại bỏ đi 3 ô theo dõi hoạt động đạp xe, lái xe và đi xe buýt như trên bản họ demo tại CES.

Cuối cùng, Lifelog cũng cung cấp cho chúng ta một mục bản đồ để xem lại quãng đường di chuyển trong ngày cùng chức năng "bookmark" để đánh dấu những sự kiện quan trọng và chia sẻ lên mạng xã hội. Để bookmark, chúng ta nhấn vào nút dấu cộng trong ứng dụng hoặc nhấn 2 lần nút thao tác trên vòng SmartBand.

*Cập nhật: Sony đã bổ sung thêm tính năng theo dõi hoạt động đi xe đạp và xe hơi trên phiên bản Lifelog mới nhất. Xem thêm tại đây.



Kết luận

Ưu điểm
  • Chất lượng hoàn thiện tốt
  • Cảm giác đeo tuyệt vời
  • Trải nghiệm phần mềm thú vị
Nhược điểm
  • Hạn chế hệ điều hành
  • Vẻ ngoài đơn điệu
  • Thiếu phần theo dõi hoạt động đạp xe