Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Corning hợp tác cùng đại học Montreal tích hợp cảm biến vào kính cường lực

cảm_biến_trong_kính_gorilla.

Corning International - công ty phát triển và sản xuất kính cường lực Gorilla Glass hiện đang được sử dụng phổ biến trên các thiết bị điện tử đã vừa hợp tác với các nhà nghiên cứu tại đại học bách khoa Montreal (Canada) để tạo ra một loại kính mới tích hợp các cảm biến trong suốt. Nghiên cứu của Corning và đại học Montreal sẽ mở ra thế hệ kính cường lực mới với khả năng cảm nhận nhiệt độ, lượng đường trong máu và thậm chí là DNA.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tia laser để khắc các đường dẫn photon vào một tấm kính Gorilla Glass thông thường ở nhiều cấp độ khác nhau trong chiều dày của kính. Mỗi đường dẫn đóng vai trò là một đường hầm, giúp các photon có thể di chuyển tương tự như dòng điện truyền trong dây lõi đồng.

Các nhà nghiên cứu hiện đã sử dụng công nghệ trên để tạo ra một loại cảm biến nhiệt độ với cấu tạo gồm một đường dẫn thẳng và một đường dẫn cong. Khi nhiệt độ kính tăng lên, kính sẽ nở ra và chiều dài của 2 đường dẫn photon sẽ thay đổi. Thay đổi về chiều dài tác động lên đường đi của ánh sáng khi nó đi ra khỏi một đường dẫn và giao thoa với ánh sáng đi vào đường dẫn còn lại. Bằng cách phân tích sự giao thoa này, thiết bị có thể đo chính xác nhiệt độ của mọi thứ chạm lên kính.

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng tạo ra một hệ thống hồng ngoại để kiểm tra nhận dạng người dùng của một chiếc smartphone. Trong trường hợp này, các đường dẫn có thêm các lỗ được khoan bên trong tại nhiều vị trí khác nhau và ánh sáng thoát ra từ các lỗ sẽ tạo ra một hình mẫu duy nhất. Ý tưởng ở đây là mỗi điện thoại sẽ có hình mẫu đặc trưng giống như dấu vân tay và hình mẫu hồng ngoại này có thể được đọc bởi một thiết bị dò hồng ngoại để xác thực. Hệ thống này giống như một lớp bảo mật bổ sung cho các thiết bị di động được dùng để thực hiện các giao dịch tài chính. Các giao dịch sẽ trở nên an toàn hơn bởi thay vì sử dụng tần số radio, hệ thống dùng ánh sáng hồng ngoại và nó bị chặn bởi hầu hết các vật liệu, do đó không thể được sao chép khi thiết bị đang để trong túi hoặc ví.

cảm_biến_trong_kính_gorilla_01.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu thực hiện các thí nghiệm với hệ thống đường dẫn photon nhưng là lần đầu tiên hệ thống này được tạo ra trong kính cường lực Gorilla Glass. Thêm vào đó, phương pháp khắc laser được sử dụng trong quy trình được cho là đơn giản hơn và rẻ hơn so với kỹ thuật in ảnh litho được sử dụng trước đây và đồng thời nó cho phép tạo ra các đường dẫn ở nhiều độ sâu trong bề dày của kính thay vì chỉ nằm trên bề mặt. Điều này có nghĩa nhiều cảm biến có thể được xếp chồng lên nhau trong một tấm kính duy nhất.

Cùng với các thiết bị di động, công nghệ trên cũng có thể áp dụng vào các thiết bị y sinh hay thậm chí cửa kính và mặt bàn kính với tính năng cảm ứng. Từ đó, công nghệ sẽ mở đường những thiết bị tương tác vốn chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng.

Một bài báo chi tiết về nghiên cứu hợp tác giữa Corning và đại học Montreal đã được đăng tải trên tạp chí Optics Express.

Nguồn: OSA