Sự phát triển của Facebook, Google và ảnh hưởng đối với thế giới
Internet
Facebook đã rất lớn và đang tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Mạng xã hội này đã có lượng người dùng tích cực tăng từ con số 500 triệu hồi đầu năm 2012 lên gần 1 tỉ vào năm. Mấu chốt trong việc phát triển mạnh của Facebook nằm ở những nỗ lực tích cực của công ty trong việc đưa sản phẩm của mình lên các nền tảng di động, một nước đi rất phù hợp trong bối cảnh người dùng trên thế giới đang dần rời xa máy tính và chuyển sang dùng smartphone hoặc tablet. Facebook đã tận dụng được xu hướng này và hi vọng rằng hãng có thể mô phỏng lại thành công của Google trên mảng di động.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu có ai - bao gồm cả Google - có thể ngăn Facebook chiếm lấy Internet hay không?
Mark Holden, một trong số những chuyên gia của công ty truyền thông Arena có trụ sở chính tại Anh, nhận xét: "Thế giới Internet rõ ràng đang đặt di động lên hàng đầu, và Facebook đã chiếm được một vai trò to lớn trong giai đoạn này. Facebook ước tính rằng khoảng 20% thời gian người dùng xài thiết bị di động là để lướt Facebook - và khi bạn xem xét đến mối quan hệ sở hữu của hãng đối với Instagram hay WhatsApp, vốn cũng là những nền tảng di động lớn, Facebook trở thành một lực lượng có thể chiếm lĩnh cuộc sống hằng ngày của chúng ta ở phương diện mạng xã hội, hình ảnh, tin nhắn và sau này sẽ là VoIP nữa".
Vì sao Facebook mua WhatsApp?
Hiện tại, Facebook đang mua lại rất nhiều đơn vị nhỏ để xây dựng nên một tập hợp các ứng dụng mà người dùng phải cài vào thiết bị của mình để có thể giao tiếp với mọi người. Việc mua lại các app phổ biến như WhatsApp rõ ràng là một phần trong kế hoạch của Facebook nhằm kiểm soát thế giới web di động. Jason Mander, trưởng nhóm phân tích xu hướng tại công ty nghiên cứu GlobalWebIndex, giải thích như sau: "Nhìn vào lượng người dùng của WhatsApp thì chúng ta sẽ thấy vì sao thương vụ này là một bước đi thông minh. Những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao đang đứng đầu danh sách với số lượt sử dụng cao nhất, thậm chí có những nơi chiếm trên 50% dân số như Hong Kong, Nam Phi, Malaysia, Singapore".
Việc thâu tóm WhatsApp đã cho Facebook hai lợi thế cạnh tranh lớn. Thứ nhất, hãng loại bỏ được một đối thủ cạnh tranh với mình. Nếu như Facebook nghiêng về việc chia sẻ các khoảnh khắc, trạng thái với nhiều người thì WhatsApp là kẻ thống trị trong việc giao tiếp giữa hai người với nhau, nhất là ở các thị trường mới nổi xuyên suốt Châu Á. Giờ thì Facebook đã có cả hai, hãng có trong tay phương tiện giao tiếp riêng tư lẫn công cộng.
Thứ hai, Facebook có thể truy cập vào một nguồn dữ liệu thời gian thực khổng lồ. WhatsApp sẽ cho phép Facebook nhìn thấy những dữ liệu về nhân khẩu học và hành vi của người dùng ngay tức thời. Có thể việc kiếm tiền không phải là mục tiêu hàng đầu hiện nay, tuy nhiên động thái này mở ra rất nhiều cơ hội mà Facebook có thể cung cấp cho các khách hàng quảng cáo của mình trong tương lai.
Vậy quảng cáo giúp gì được cho Facebook?
Facebook có một lợi thế lớn hơn Google ở chỗ mạng xã hội này được xây dựng xung quanh con người, không phải dựa trên các cookie nặc danh mà Google sử dụng. Hầu hết các mạng quảng cáo thường biết rất ít về người dùng của họ, điều đó khiến họ gặp khó khăn trong việc chạy các chiến dịch phù hợp và có hiệu quả cảo. Trong khi đó, Facebook nổi bật nhờ vào kiến thức của công ty đối với danh tính người dùng. Nói cách khác, Facebook đã giúp cho các mẫu quảng cáo được chuyển tải đến đúng đối tượng người dùng khi họ cuộn qua trang News Feed của mình.
Một thứ khác quan trọng đó là nếu bạn làm việc với Facebook tức là bạn cũng đang làm việc với những con số khổng lồ. Declan Kennedy, CEO của công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo StitcherAds, cho biết: "Facebook là một nền tảng với hơn 1,28 tỉ người dùng tích cực hằng tháng. Đây là một cơ hội quá tốt cho các nhà bán lẻ (đối tượng khách hàng chính của StitcherAds) đến nỗi họ chẳng thể nào bỏ qua nó". Các mẫu quảng cáo do StitcherAds cung cấp sẽ xuất hiện đến đúng người dùng Facebook tại một thời điểm nhất định, thậm chí trên một thiết bị nhất định.
Nhưng Google vẫn đang thống trị doanh thu quảng cáo di động
Số liệu mới nhất từ công ty eMarketer cho thấy rằng Google hiện đang nắm trong tay 47% doanh thu quảng cáo trên mobile, trong khi doanh thu của Facebook chỉ chiếm tỷ trọng 22%. mà thôi. Google có nhiều nguồn thu đa dạng, từ quảng cáo gắn trên di động, quảng cáo gắn vào video, thậm chí là quảng cáo bên trong các ứng dụng. Gã khổng lồ này còn sở hữu Android và kiếm rất nhiều tiền từ Google Play Store khi người dùng mua app hoặc các loại nội dung khác.
Nhìn nhận thực tế, Google vẫn đang thống trị ở mảng mobile và sự hiện diện đó cũng lớn hơn nhiều so với Facebook. Báo cáo của Comscore cho thấy rằng ở thế giới app và web di động, các sản phẩm Google đạt số lượt truy cập hằng tháng là 27,7 triệu, trong khi số lượng xài dịch vụ của Facebook là 18,3 triệu. Facebook cũng bị xếp thứ ba (sau cả Yahoo) và bằng với số lượt truy cập vào web cũng như app của BBC.
Facebook có nên lo sợ Google+?
Chắc chắn là không. Trong lĩnh vực mà Facebook đang hiện hữu, có rất ít đối thủ có khả năng cạnh tranh lại. Người dùng giờ đây đã rất quen thuộc và có một giá trị tình cảm nhất định với mạng xã hội này. Chính vì thế, việc hi vọng sẽ phá vỡ mối liên kết đó bằng sản phẩm chỉ tốt hơn một chút như Google+ là không đủ. Muốn đấu lại Facebook, bạn sẽ cần đến một thứ gì đó thật sự mới mẻ và có khả năng đưa cả thế giới nhảy vọt lên phía trước. Chỉ đến khi giai đoạn này diễn ra thì một đối thủ mới có cơ may làm cho Facebook lo lắng.
Đây là một tin xấu với Google. Hãng không chỉ nắm trong tay một thương hiệu đang gặp khó khăn mà còn có những động thái không "đẹp" trong việc buộc người dùng sử dụng nền tảng do hãng xây dựng. Trong thời gian gần đây Google đã tích hợp việc sử dụng tài khoản Google+ vào các dịch vụ khác của mình, chẳng hạn như khi comment trong YouTube hoặc Google Play Store, và không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với chuyện đó.
Facebook vs Google
Có thể Google đang cố gắng dùng Google+ để hạ bệ Facebook, nhưng thực chất thì hai công ty đang được dẫn dắt bởi hai thứ khác nhau, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Google chủ yếu dựa vào dữ liệu, các dịch vụ của hãng giống như một sợi dây thông minh dẫn dắt và theo dõi cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Trong khi đó, Facebook lại chủ yếu dựa vào sự tương tác. Hãng cung cấp một không gian nơi bạn có thể dành thời gian để giao tiếp với người khác và tiêu thụ hoặc tạo ra nội dung. Những chỗ mà Facebook xuất hiện thì dễ định nghĩa hơn so với Google: trang web, ứng dụng di động, và Instagram.
Còn Android thì sao? Dù sao đi nữa thì Google cũng là chủ của nền tảng này, và chính nó đã góp phần lớn vào sự thành công của Facebook như ngày nay. Facebook không sở hữu một hệ điều hành di động nào - Google, Apple và Microsoft chính là những người có vai trò chính và tất nhiên là vai trò đó lớn hơn nhiều so với Facebook. Việc ra mắt bộ ứng dụng Facebook Home là một nỗ lực để thay đổi chuyện này, thế nhưng nó đã không được sử dụng rộng rãi và nhiều người dùng Home cho biết họ không thích khi Facebook "xâm chiếm" trải nghiệm trên chiếc điện thoại của họ.
Ngoài ra, Android còn được tích hợp sẵn nhiều dịch vụ của Google, ví dụ như Gmail, YouTube, và tất nhiên có cả Google+. Những dịch vụ này chính là trái tim của rất nhiều người dùng Android, họ không thể sống thiếu việc tìm kiếm bằng Google, không thể thiếu việc sử dụng Google Now để xem thông tin, không thể không cài app mà thiếu Google Play Store. Đó là chưa kể đến bản đồ Google Maps cùng với yêu cầu bắt buộc kết nối một thiết bị Android với ít nhất một tài khoản Google để có thể tận dụng hết khả năng của máy (chúng ta tạm không nói đến các bản Android AOSP được tùy biến lại). Thử nghĩ lại xem, có bao nhiêu lần bạn online trên điện thoại mà không dùng Google Search, YouTube, Gmail hay Maps?
Facebook có phải là "mạng xã hội vô định hình" cuối cùng hay không?
Thành công của Facebook cũng có thể là sự sụp đổ của hãng. Trên 11 triệu người dùng đã chia tay Facebook, theo số liệu từ trang Unii.com, một mạng xã hội mới được ra mắt hồi tháng 5 năm ngoái nhắm đến sinh viên và học sinh. Marco Nardone, CEO của Unii.com, phát biểu: "Mặc dù Facebook có số lượt sử dụng lớn, tuy nhiên không thể nào hãng có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vẫn có những người khao khát sử dụng một thứ gì đó có tính định hướng cao hơn, hẹp hơn và quan trọng nhất là phải riêng tư hơn".
Dựa trên suy nghĩ đó, Unii.com ra đời và đã thu hút được khoảng 165.000 người dùng tích cực. Mạng xã hội non trẻ này cung cấp các tính năng quảng lý cộng đồng, cho phép mở các đợt khảo sát, hỗ trợ chia sẻ ảnh với mức độ riêng tư cao, nói chung là những thứ không có trên Facebook hoặc có nhưng không mạnh mẽ bằng Unii.com.
Liệu Facebook có thể sớm tiến vào thị trường tìm kiếm?
Facebook chắc chắn sẽ ngày càng được nhiều người dùng di động tìm đến hơn và họ đã hiểu thấu đáo về sở thích, mối quan tâm cũng như các kết nối giữa người dùng với nhau. Về lý thuyết, Facebook sẽ có khả năng đưa ra những kết quả có tính liên quan cao hơn so với Google. Tuy nhiên, mọi chuyện không liên quan nhiều đến việc Facebook sẽ đánh bại Google ở mảng tìm kiếm. Ngoài ra, những khách hàng mua quảng cáo của hai công ty này cũng sẽ thích hơn nếu không có người thắng cuộc.
Thật dễ dàng để xem Facebook và Google là hai kẻ cạnh tranh thuần túy, tuy nhiên thực ra họ vẫn có thể bổ sung cho nhau. Ví dụ, các chiến dịch quảng cáo trên công cụ tìm kiếm có xu hướng cho ra kết quả tốt hơn khi được chạy song song với một chiến dịch trên Facebook.
The next billion
Thứ mà Facebook đang tích cực tập trung trong mảng di động đó là "the next billion". Đây là những người đang sinh sống tại các quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, những người mới được kết nối vào Internet lần đầu trong đời. Về cơ bản, họ sẽ vào mạng trên điện thoại, không phải thông qua PC. Họ thấy sự chuyển động của thế giới một cách rõ ràng hơn, họ biết được kết nối mạng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào. Và bởi vì cuộc sống của họ đã có nhiều khó khăn nên họ thích những thứ đơn giản và có tính di động cao.
Google và Facebook có chiến lược khác nhau. Facebook thích hợp tác với những nhà mạng hiện tại hoặc mua lại những dịch vụ có khả năng thống trị thế giới, đặc biệt là tại khu vực Châu Á. Trong khi đó, Google thích tung hoành tại Châu Phi vì Android là một nền tảng mở mà lại miễn phí nên nhiều khả năng hệ điều hành này sẽ được chọn bởi nhiều người dùng smartphone lần đầu tiên tại châu lục này.
Nói tóm lại, thiết bị và dịch vụ di động chính là điểm có thể khiến Facebook trở thành một Google trong tương lai. Có thể là hai hãng này sẽ không cạnh tranh trực tiếp với nhau quá nhiều, tuy nhiên tầm ảnh hưởng của họ đối với Internet là vô cùng lớn. Facebook - Google, ai sẽ là người dẫn dắt mảng di động của thế giới?