"Chuyện đó chuyện đây" là chủ đê được kể bằng hình ảnh, và hình ảnh được chụp bằng điện thoại. Đây là một chủ đề bản thân mình thích, nay xin tiếp tục. Hầu hết mọi người đều có một chiếc điện thoại và có thể lưu lại ảnh mọi cảnh mình thấy, khoảnh khắc mình gặp, con người với con người, trong xã hội và với thiên nhiên vạn vật. Có nhiều ý kiến về "ảnh điện thoại" lắm, nhưng có thể đó là những ý kiến sâu xa về "nghệ thuật nhiếp ảnh". Mình chỉ là người thích chụp và chụp rồi thì mang đi kể lại thôi.
* Bộ ảnh này được chụp bằng vài chiếc điện thoại. Và, chỉ được chỉnh sửa bằng App Photoshop Express trên WP, Android và iOS. Với app này, sau thao tác mở ảnh, chạm màn hình 2 đến 3 lần là xong 1 ảnh. Resize và đóng dấu bằng Lightroom. Như vậy, khâu hậu kỳ với App này rất nhanh và với mình, nhu cầu chỉnh sửa như thế là đủ xài.
Giữa những cánh cung núi trùng điệp từ Tây - Tây bắc, xuất phát từ Hà Giang, Cao Bằng hướng về Đông bắc rồi hạ thấp dần ra phía biển, có Hạ Long và Yên Tử cao 1.068m sừng sững.
Tạc giữa trời xanh Đông bắc
Ngọn tháp đá đen vút cao trầm mặc
Yên Tử nghìn năm mây trắng bay
Mây la đà giang trên ngọn cây
Khi trắng xốp như bông
Khi bồng bềnh như biển sóng
Đỉnh tháp mái chùa chìm trong mây trắng
[Cõi thiêng]
Một hôm trời không nắng không mưa, mây xám ui ui, đang ở quê nhà, mình có ý đi Trúc Lâm Yên Tử. Coi thông tin trên mạng và theo lời chỉ dẫn của bạn Trương Sỏi từ Hải Phòng, 4 giờ sáng, mình ra bến xe Mỹ Đình mua vé bus đi Quảng Ninh. Trước khi đến Hạ Long, khoảng hơn 100km, xe đi ngang qua Yên Tử. Dặn bác tài xế, cho xuống ngã ba đền Trình, xuống xe và đi xe ôm vào cổng lên khu Yên Tử.
Từ HN đến đây khoảng 100km bằng Bus, từ đây vào khu Yên Tử khoảng 15km bằng xe ôm.
Hôm mình đi, vắng tanh, không phải mùa lễ hội. Đi giữa không gian thần tiên thơ mộng, cảm thấy mình lâng lâng nhẹ bẫng... Đường lên chóp Yên Tử cao hơn 1000m, vắt qua núi phía sau chùa Vân Tiêu, thời Trần gọi là Vân Yên, đoạn cheo leo khúc khuỷu, men theo bờ vực hun hút. Trên đường đi, có rất nhiều loài cây hiếm quý trùng điệp, có nhiều đoạn bạt ngàn rừng trúc, đặc biệt là rừng hoàng Tùng ven theo vách núi. Mình có chụp hình cả cây Sứ 700 tuổi.
Tên Nôm Yên Tử là núi Voi, vì hình dáng giống con voi. Các sách cũ gọi là Bạch Vân sơn là núi mây trắng. Một nơi hội tụ khí thiêng sông núi, một phúc địa nổi tiếng từ thuở đất nước khai sinh, Yên Tử trở thành chốn Phật, có những đạo sĩ, thiền sư đến tu hành.
Năm 1236, vua Trần Thái Tông vượt thành, trốn khỏi Thăng Long, ruổi ngựa hướng núi Yên Tử, trèo lên núi, gặp Phù Vân Quốc sư, một người bạn cũ để đưa một lời thỉnh cầu từ bỏ thế đế vương để sống cái hèn rừng núi... Vị sư trả lời:
"Núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết, ấy là chân Phật. Nay bệ hạ giác ngộ được cái tâm ấy, thì lập tức thành Phật, Không phải khốn khó đi tìm ở bên ngoài." (theo Đào Duy Anh)
Chuyến đi lên núi Yên Tử tìm Phật của vua Trần Thái Tông bất thành, nhưng như một tiền định, để rồi sau này đứa cháu nội của vua là Trần Nhân Tông thực hiện điều mà ông nội ấp ủ.
Tháp Huệ Quang (tháp Tổ) - Tháp mộ Trần Nhân Tông
Toàn cảnh lăng Quy Đức - thờ Trần Nhân Tông
Toàn cảnh Chùa Hoa Yên
Ngôi chùa được xây thời Lý có tên là Phù Vân. 700 năm trước Chùa chỉ là cái am nhỏ là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo lấy tên là Vân Yên. Chùa hiện nay được đại trùng tu xây vào thời nhà Nguyễn với kiến trúc 5 gian hình chữ Đinh.
Toàn cảnh Yên Tử nhìn từ trên đỉnh xuống.
Dừng một lúc trước tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Nhắc lại chiến thắng Bạch Đằng 9/4/1288. Vua Trần Nhân Tông chủ lễ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đĩnh đạc bước ra trước lăng Trần Thái Tông và các tiền nhân nhà Trần, cung kính dâng hương, dâng hoa. Đoạn, quay về đại dân giõng dạc tuyên cáo trước quốc dân Đại Việt:
"Trước trời đất linh thiêng, trước anh linh các bậc tiên đế, trước hương hồn các vương hầu, tướng sĩ, dân binh đã tử trận, trước sự chứng giám của triều đình và trăm họ, với hào khí Đông A muôn thuở, trẫm tuyên cáo: Cuộc chiến thần thánh của dân Đại Việt chống giặc Nguyên xâm lược, đã thắng lợi hoàn toàn!
Non sông gấm vóc Đại Việt ta được gây dựng từ thuở các vua Hùng, được các tiên đế trao cho ta gìn giữ, từ nay sạch bóng quân thù. Trẫm cung kính dâng chiến công rạng rỡ này lên anh linh các bậc tiên đế" (Tiếng hô vang rung trời chuyển đất, tiếng trống chiêng dồn dập rầm trời).
Với dân: Quyết chiến với xâm lược, một lòng lo cho dân: "Việc làm của trẫm là đại xá cho thiên hạ, phát thóc chẩn cấp cho dân nghèo, ... đất nước thanh bình thì thần dân phải được hưởng tự do, đời sống phải no đủ. Khi hoạn nạn trẫm cùng dân có cơm ăn cơm, có cháo cùng ăn cháo. Lúc thái bình trẫm không nỡ lòng thấy cảnh thần dân phải khốn khổ điêu linh!"
Với phản trắc: mở đường phục thiện. Ai cũng biết câu chuyện Trần Nhân Tông không những không thưởng công cho vị quan nhặt được hộp gỗ giặc Hồ để lại các tờ biểu của một số vương hầu quan quân Việt xin hàng giặc mà còn ra lệnh tiêu huỷ tại chỗ.
- Đó là nỗi nhục, nỗi đau chung. Bới lên làm gì nữa? Khanh hãy đem đốt hết cho ta.
- Nghĩa là xoá hết dấu vết?
- Khanh hãy làm theo ý ta, và làm ngay trước mặt ta.
Xúc động, lặng yên một lúc, rồi Vua Trần Nhân Tông nói tiếp:
- Có như vậy, thì những kẻ phản trắc kia mới yên lòng phục thiện.
Giữa lòng dân, giữ nghiêm phép nước. Câu chuyện khi Ngài lên Thượng hoàng và vua Trần Anh Tông nối ngôi. Khi Trần Anh Tông phạm lỗi, Ngài nghiêm sắc mặt:
- Trầm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn như thế này, huống chi về sau.
Vua Anh Tông cúi rạp đầu tạ tội. Thượng hoàng thấy bực trong lòng, lại bảo:
- Ngươi đưa cho trẫm xem cuốn sổ ban thưởng của triều đình cho ta xem.
Lật từng trang, từng trang chăm chú, mày cau lại, rồi bỗng đập cuốn sổ xuống bàn:
- Một cái nước bé như cái bàn tay mà phong quan tước nhiều thế? Của nả đâu mà ban thưởng tràn lan? Không biết dân tình còn khốn khổ hả?
Sau vụ việc quở trách dạy dỗ vua Trần Anh Tông không lâu, Hoàng Thái Hậu qua đời. Vùi vào kinh sử và viết lách chừng 6 năm thì Thái hoàng Trần Anh Tông xuất gia vào núi Yên Tử. Kinh thành sửng sốt. Dân tình khóc như ri và có những cuộc chia ly đẫm nước mắt.
Cảnh vắng sống yên tự tại hồn,
Bóng tùng gió mát thổi từng cơn.
Giường thiền vài quyển kinh bên gốc,
Hai chữ thanh nhàn vạn nén hơn. (Trần Nhân Tông)
Vườn tháp Huệ Quang - mộ của 97 vị tu hành tại Yên Tử.
Chùa Đồng trên đỉnh cao nhất của Yên Tử.
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông mới hoàn công sau 5 năm xây dựng.
Khi mình bắt đầu xuống từ đây thì cũng vừa chiều tà... Tượng nhìn về hướng Tây.
Lưu luyến...
Đi tu, trở thành một đạo sĩ, đứng đầu một thiền tông mà lòng luôn vì dân vì nước, trong lịch sử Phật giáo không chỉ dất Việt mà cả thế giới xưa nay, Trần Nhân Tông là một. Cũng như ông nội mình, Trần Nhân Tông coi "ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ đi lúc nào cũng được" (Lời Trần Nhân Tông, trong Việt sử tiêu án). Danh vọng và quyền lực không phải là cái đích để đạt đến, mà cái đích đạt đến không cho riêng mình, mà cho mọi người, là "Biết chân như, tín Bát nhã, chứ còn tìm Phật tổ Đông, Tây/ Chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam, Bắc" (Cư trần lạc đạo).
Để kết, có vị tăng bước ra hỏi rằng: "Cõi thiền vô dục thì không hỏi. Cõi dục không thiền, xin nói cho một câu".
Điều Ngự Trần Nhân Tông đưa tay chỉ vào khoảng không.
Một ngày lên Yên Tử chỉ có bấy nhiêu thôi! Em xuống núi đi về.
Trên cao kia, chỉ còn mấy chú bảo vệ chăm sóc Yên Tử.