Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

6 ứng dụng giúp điện thoại Android của bạn trở nên thông minh hơn

Android_thong_minh_hon.

Việc chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh không phải là chuyện có thễ diển ra một sớm một chiều. Một cách từ từ, thiết bị nhỏ bé chỉ để nghe gọi mà chúng ta cầm trong tay ngày nào đã trở thành một cỗ máy mạnh mẽ có thể làm được đủ thứ: nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh, chỉnh tài liệu... Tuy nhiên cũng có những thứ mà smartphone không được tích hợp sẵn, và điều đó làm cho máy chưa thật sự "thông minh" như cái tên của mình. Nếu đang sở hữu một chiếc điện thoại Android, 6 ứng dụng dưới đây sẽ giúp thiết bị của các bạn nâng cấp lên một mức "thông minh" mới. Hãy thử qua nhé.

1. Gravity Screen - tự tắt mở màn hình khi đút điện thoại vào túi

Thông thường, khi cần mở khóa một chiếc điện thoại Android thì chúng ta cần phải cầm máy lên, nhấn nút Power/Lock của máy, sau đó gạt khóa trên màn hình thì mới có thể bắt đầu sử dụng thiết bị được. Nhưng những thao tác này phiền và tốn thời gian quá, thế nên hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn một ứng dụng mang tên Gravity Screen có khả năng tự mở màn hình khi chúng ta vừa cầm máy lên, và tự khóa khi chúng ta đặt máy xuống. Phần mềm này cũng có khả năng khóa máy khi chúng ta bỏ vào túi quần, túi xách và tự bật lên khi chúng ta lấy máy ra nữa đấy.

Tải về ứng dụng Gravity Screen (miễn phí) từ Google Play. Lưu ý là để gỡ app, các bạn cần phải vào Settings > Security > Device administrators > bỏ chọn Gravity Screen, sau đó mới ra ngoài và gỡ app như bình thường.

Thực chất thì sau khi cài xong, bạn có thể chạy app lên, nhấn vào nút On và xài ngay, không cần chỉnh gì thêm cả vì lập trình viên viết app đã thiết lập cấu hình rất phù hợp để nhận biết thao tác và tự tắt mở máy rồi. Bên dưới mình giải thích thêm vài tùy chọn khác để anh em tiện tùy chỉnh:

Gravity_Screen.

Khi thử nghiệm trên HTC One và One M8, mình thấy ứng dụng này tiêu thụ pin nhiều hơn bình thường một chút, không đáng kể so với lợi ích mà nó mang lại (tất nhiên rồi, được thứ này mất thứ kia mà). Bạn có thể thử nghiệm và chia sẻ cảm nhận của mình nhé.

2. Sony Smart Connect - tự tắt bật nhạc chuông, Wi-Fi, chạy app theo điều kiện

Phần mềm này có chức năng chính là tự động thực hiện một loạt các thao tác nào đó vào thời điểm do bạn định sẵn, hoặc khi bạn kết nối một thiết bị ngoại vi vào chiếc máy Android của mình. Điểm thú vị đó là từng loạt hành động có thể được chia theo từng "sự kiện" khác nhau, ví dụ như 7 giờ sáng bạn đi làm, khi đó máy tự ngắt Wi-Fi, chuyển chế độ chuông sang im lặng, còn đến 5 giờ chiều, máy tự bật lại chuông và Wi-Fi. Cũng cần phải nói thêm rằng Smart Connect do Sony phát triển nhưng nó có thể chạy tốt trên cả các máy Android của hãng khác.

Tải về ứng dụng Sony Smart Connect

Sony_Smart_Connect.

Sau khi đã tải về, bạn khởi chạy app Smart Connect lên. Tại giao diện chính (như hình ở đầu bài viết), bạn nhấn nút dấu + ở góc trên bên phải màn hình, nhập tên của sự kiện mới, ví dụ như "Đi làm" chẳng hạn. Trong màn hình mới xuất hiện, ở mục When, bạn nhấn vào dòng "Add condition". Tại đây, bạn có thể thiết lập cho app kích hoạt sự kiện dựa vào giờ giấc hoặc khi gắm sạc/gắm tai nghe (với các máy Sony Xperia, bạn có rất nhiều cách kích hoạt khác như khi chạm vào SmartTag, kết nối với Sony SmartWatch,...). Nếu bạn chọn theo giờ thì có thể chọn sự kiện lặp đi lặp lại mỗi ngày hoặc chỉ một số ngày trong tuần.

Sau đó, chúng ta sẽ thiết lập đến chuỗi hành động máy sẽ làm. Ở phần Do This là những hành động sẽ diễn ra ở thời điểm bắt đầu sự kiện, còn mục "At The End" là những thứ máy sẽ làm khi sự kiện chấm dứt. Như ví dụ mình nói đến ban nãy, với sự kiện Đi làm, bạn có thể đặt mục Do This bao gồm việc tắt chuông, tắt Wi-Fi, chạy app bản đồ. Còn mục At The End, bạn chọn mở lại Wi-Fi, mở lại chuông. Bạn có thể áp dụng biện pháp tương tự để máy tự tắt âm thanh khi đi ngủ, sáng đến đúng giờ nào đó thì tự mở lại. Ngoài ra, bạn có thể đặt lệnh để Smart Connect khởi chạy một ứng dụng nào đó, đăng tải status mới lên Facebook,...

Sau khi đã cài đặt xong loạt hành động, đừng quên gạt công tắc ở trên cùng màn hình sang On, khi đó thì máy mới theo dõi và chạy sự kiện như chúng ta đã định.

3. SpeakerPhone Ex - tự trả lời cuộc gọi khi nhấc điện thoại lên tai

Vì sao chúng ta lại phải thủ công nhấn nút nhận cuộc gọi để rồi đưa lên tai, trong khi chúng ta có thể lược bớt thao tác đầu tiên? Chỉ những thứ nhỏ nhỏ như vậy thôi nhưng lợi ích mà nó mang lại rất lớn, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian mà lại tiện lợi hơn nữa. Bạn chỉ việc nhìn vào màn xem ai gọi rồi áp thẳng lên tai nghe, không cần nhấn bất kì nút nào hết.

Và để làm điều đó, bạn có thể cài thêm ứng dụng SpeakerPhone Ex. Sau khi cài app này xong bạn không phải chỉnh gì nhiều, tự động app đã được kích hoạt sẵn những chức năng cần thiết. Việc bạn cần làm kế tiếp chỉ là kiếm một cái điện thoại khác rồi thử gọi vào máy mình để xem xem việc trả lời cuộc gọi tự động diễn ra như thế nào mà thôi.

Tải về ứng dụng SpeakerPhone Ex (bản miễn phí). Nếu thích thì bạn có thể mua bản có phí (1,50$), sẽ có nhiều tùy chỉnh hơn để đáp ứng các nhu cầu nâng cao.

De_tai_len_nghe.

Lưu ý: Hiện nay một vài smartphone Android đã có sẵn tính năng nhận cuộc gọi khi để máy lên tai, ví dụ như các máy Samsung hoặc LG đời mới, nên bạn không cần cài SpeakerPhone Ex làm gì. Bạn cứ vào trong phần cài đặt cấu hình máy để kích hoạt công cụ mà nhà sản xuất đã cung cấp sẵn.

4. Nights Keeper - tự động tắt chuông và từ chối cuộc gọi trong khung giờ định sẵn

Ứng dụng này cũng hơi giống với Smart Connect, có điều nó chuyên về việc tự động tắt bật nhạc chuông và chấp nhận hoặc từ chối cuộc gọi trong khung giờ do bạn đề ra. Sau khi cài app xong và chạy lên, bạn sẽ thấy một số chế độ cùng khung thời gian kích hoạt được soạn sẵn. Nhấn vào một chế độ bất kì, bạn sẽ có nhiều thứ để tùy chỉnh và những thứ bạn cần quan tâm đó là:
  • Description: nhập vào mô tả cho chế độ, ví dụ như "Kao đi ngủ" hoặc "Cấm làm ồn"
  • Start time: thời gian bắt đầu kích hoạt chế độ im lặng
  • End time: thời gian kết thúc chế độ im lặng
  • Repeat on nights: lặp lại vào khung thời gian trên cho các ngày nào đó trong tuần
  • Sound profile: chế độ âm thanh mà bạn muốn kích hoạt, có thể là tắt chuông hoàn toàn hoặc chỉ rung
  • Call filtering: tất cả về chấp nhận cuộc gọi
    • Filtration mode: ở đây bạn có thể cài đặt cách mà app xử lý cuộc gọi đến, chẳng hạn như chấp nhận tất cả mọi cuộc gọi, hoặc chỉ chấp nhận cuộc gọi từ những người bạn thiết lập trước
    • "White" list contacts: đây chính là nơi bạn thiết lập danh sách những người nào sẽ được phép gọi cho bạn vào "giờ thiêng". Những ai không có trong danh sách thì máy sẽ không nhận cuộc gọi.
  • Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo thêm những tùy chọn khác bên dưới như tự động tắt Wi-Fi, Bluetooth, 3G tự vô hiệu hóa việc đồng bộ,... Cái này anh em tự nghịch nhé.
Lưu ý rằng ngoài 4 chế độ sẵn có, bạn có thể tạo ra những chế độ mới cho mình bằng cách nhấn vào nút dấu + ở cuối màn hình. Đừng quên tick vào các ô nhỏ nhỏ nằm ở bên phải mỗi chế độ để kích hoạt chúng nhé.

Tải về ứng dụng Nights Keeper


Nights_Keeper.

5. Shush! - hỏi thời gian cần để máy ở chế độ im lặng


Nếu như Night Keeper cho phép máy tự động kích hoạt chế độ im lặng vào một thời điểm nào đó thì Shush! hỏi bạn xem bạn cần im lặng trong thời gian bao lâu. Shush! sẽ tự động chạy lên mỗi khi bạn chuyển thiết bị Android của mình sang chế độ silent (chỉnh trên màn hình hay chỉnh bằng nút âm lượng đều được hết). Sau đó, bạn có thể kéo vòng tròn trên màn hình để chọn quãng thời gian mà máy không báo chuông rồi nhấn nút "Shush!" để chấp thuận.

Ví dụ, vào lúc 8 giờ sáng, nếu mình chuyển sang chế độ im lặng và chọn thời lượng là 4 tiếng trong Shush! thì đến 12 giờ trưa, máy sẽ tự động khôi phục lại chế độ đổ chuông như bình thường. Hết sức đơn giản đúng không nào?

Tải về Shush!

Shush.

6. SkipLock - bỏ qua chế độ khóa màn hình khi kết nối vào mạng Wi-Fi đáng tin cậy

Ứng dụng này sẽ lưu một danh sách những mạng Wi-Fi do bạn chỉ định, và mỗi khi máy kết nối vào các mạng đó thì lớp bảo vệ mật khẩu hoặc mã PIN ngoài màn hình khóa sẽ bị vô hiệu. Lấy ví dụ cho các bạn dễ hiểu nhé: lúc bạn về nhà, mặc định điện thoại Android sẽ tự động dò mạng và kết nối vào mạng Wi-Fi của chúng ta. Khi đó, lớp bảo vệ mã PIN ở ngoài lockscreen sẽ bị vô hiệu, bạn có thể mở khóa máy chỉ bằng cách trượt ngón tay và không phải nhập bất kì loại mã nào (bạn đang ở nhà, là môt nơi an toàn cơ mà). Nhưng khi bạn ra đường, tức là máy mất kết nối với mạng Wi-Fi ở nhà, SkipLock sẽ tự động mở lại lớp bảo vệ cho bạn nhằm đảm bảo rằng không ai có thể táy máy với thiết bị. Và vì SkipLock xài các chế độ khóa màn hình có sẵn trong máy nên bạn không bị mất đi tính năng nào của hệ thống hết.

Tải về SkipLock bản dùng thử 7 ngày, sau đó nếu thích bạn có thể nâng cấp thành bản không giới hạn với giá là 100.000 đồng. Để gỡ app này ra, các bạn cần phải vào Settings > Security > Device administrators > bỏ chọn SkipLock, sau đó mới ra ngoài và gỡ app như bình thường. Ngoài ra bạn cũng có thể xài trình gỡ bỏ tích hợp sẵn trong app.

SkipLock.