Bộ ảnh được chụp bằng điện thoại Sony XPERIA Z (C6603), chụp ngày 26, 27 tháng 4 tại An Giang.
Năm nào cũng vậy một hai lần tôi lại về An Giang, vùng đất miền Tây nam bộ xinh đẹp, trù phú và mang lại cho tôi cảm giác an bình, tự tại .
Vốn thích lang thang một mình đi đến những nơi mình muốn để ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời đó vào đúng thời điểm mà nó đẹp nhất trong ngày nên khi vừa đến đây vào sáng sớm tôi đã nhớ ngay đến địa điểm mà mình phải đến trước tiên là cánh đồng Tà Pạ. Tôi vẫn thích đứng trên cao và vươn ra xa mắt ngắm nhìn bao quát tất cả khung cảnh rồi thu gọn nó vào tầm ngắm của mình và chụp lại . Tà Pạ thật xanh tươi, màu xanh của no ấm và của cả tương lai con trẻ…
Cánh đồng Tà Pạ
Ở An Giang hàng năm có nhiều lễ hội diễn ra nhưng nổi tiếng và lớn nhất là lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch và lễ hội Vía Bà chúa Xứ diễn ra vào khoản cuối tháng 4 âm lịch. Người ta thường nói những vùng đất nào thiên nhiên càng trù phú, đời sống người dân càng đầy đủ , ấm no thì càng có nhiều lễ hội chắc cũng không sai khi nói đến An Giang. Ở vùng đất này bà con dân tộc chủ yếu là người Khmer , Chăm sống chang hòa cùng dân tộc Kinh, đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngày tôi đến đây may mắn vào đúng lúc thấy một nhóm thanh niên dân tộc Khmer đang tập luyện cho cuộc thi đua bò Bảy Núi vào tháng 9 âm lịch. Được biết lễ hội đua bò Bảy Núi mỗi năm diễn ra ở An Giang một lần vào cuối vụ lúa, sau khi đã thu hoạch xong, theo như thông lệ từ ngày xưa, bò dùng để kéo cày làm ruộng, sau mùa vụ thu hoạch, bò nghỉ ngơi và những con to khỏe nhất sẽ được chọn đi tham dự cuộc đua, lễ đua bò có ý nghĩa như mừng một năm thu hoạch bội thu chú bò thắng giải như là biểu tượng mang lại may mắn, ấm no, sung túc cho bà con dân tộc Khmer.
Luyện tập đua bò
Đối với bà con ở đây, con bò ngoài việc tham gia lễ hội nó còn là một phương tiện lao động hàng ngày , một tài sản quý báu của họ nữa. Ngang qua những cánh đồng đang đổ nước trước khi cấy lúa tôi bắt gặp cảnh anh nông dân đang kéo cày cùng với cặp bò giữa cái nắng mà tôi đoán phải đến gần 40 độ. Vậy mới thấu hiểu được nỗi vất vả của người nông dân từ khâu cày ruộng cho đến khi ra được hạt lúa rồi gạo để chúng ta ăn hàng ngày.
Làm đồng
Bà con dân tộc Khmer đa số theo đạo Phật nên ở An Giang Phật giáo rất phát triển vì thế ở đây có rất nhiều chùa chiềng và chùa nào cũng rất to và đẹp. Người dân An Giang tin rằng nhờ sự phù hộ của trời phật mà nơi đây thời tiết luôn mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho người dân.
Chùa Khmer - Nét tôn giáo độc đáo của dân tộc Khmer An Giang
Theo quan sát và thông tin tôi tìm hiểu thì đa số các sư tu trong các ngôi chùa nơi đây tu theo đạo Tiểu thừa , nên vào các buổi trưa thường hay thấy cảnh các nhà sư đi chân đất khất thực, đó cũng là một nét độc đáo văn hóa của An Giang.
Nhà sư đi khất thực
Cũng trong chuyến đi này, nhờ một người bạn là dân địa phương, tôi có dịp vào thăm các ngôi làng của người Chăm. Điều bất ngờ đầu tiên là khi tôi bước vào một lớp học ở đây là người học toàn bộ là người lớn tuổi. Tất cả mọi người ngồi xếp bằng trên sàn và chăm chú học Kinh Koran, khung cảnh này thật thú vị và mang lại quá nhiều ngạc nhiên lẫn cảm xúc cho tôi.Người dân tộc Chăm do ảnh hưởng văn hóa Hồi giáo nên trang phục của họ cũng thật kín đáo và mang nét tín ngưỡng tôn nghiêm.
Trước đây tập tục “Cấm cung” chiếc mạng che mặt cùng những qui định nghiêm khắc đã trói buộc, ngăn cách người Chăm với cộng đồng. Chuyện những cô gái Chăm bị “cấm cung” chỉ quanh quẩn bên khung dệt, không được ra ngoài, không biết mặt người chồng tương lai... Hiện nay tập tục ấy không còn nữa. Các cô gái đều được hoà nhập vào cộng đồng, đến trường và tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương. Không thể nào diễn tả hết nét đẹp của người phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống. Đặc biệt chiếc mạng che mặt ngày nay đã trở thành chiếc khăn Pưm choàng tóc (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền, nó tô điểm làm tôn thêm vẻ đẹp của các cô gái Chăm An Giang, đây chính là tác phẩm nghệ thuật được trau chuốt bằng kỹ thuật thêu nổi, rua chìm để tạo nét duyên thầm... lấp lánh.
Vẻ đẹp của cô gái Chăm toát lên từ thần thái, đặc biệt đôi mắt của cô gái Chăm có sức thu hút mãnh liệt, đầy quyến rũ. Đôi mắt đẹp ẩn chứa nhiều tâm sự, làm nao lòng người.
Đang loay hoay định chụp vài tấm hình kỷ niệm ở lớp học này thì có vài đứa bé đứng sau lưng tôi nhìn theo, chắc là chúng thấy tôi là người lạ, tôi quay sau chúng móc từ túi ra vài viên kẹo dí vào tay chúng, nhận kẹo bằng 2 tay các em tròn xoe mắt nhìn thôi nói lẩm bẩm gì đó tiếng Chăm mà tôi nghĩ chắc là chúng muốn cám ơn tôi vì đã cho kẹo.
Đôi mắt trẻ thơ
Trời bắt đầu hoàng hôn,rời làng Chăm tôi vội vàng lấy xe chạy ra cánh đồng thốt nốt, có lẽ với dân săn ảnh thì ai cũng quá quen thuộc với địa điểm này rồi. Hoàng hôn đang buông xuống, bầu trời tím đỏ dần, không thể chờ đợi tôi nhanh chóng ghi lại khung cảnh tuyệt đẹp này. May mắn mỉm cười với tôi khi tôi vô tình lại thấy từ xa xa bóng một người đàn ông đang trèo trên thân cây thốt nốt đế lấy nước thốt nốt. Giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp lại được nhấn nhá thêm bóng dáng của con người đang hăng say lao đồng càng làm cho khung cảnh thêm sống động.
Leo cây Thốt Nốt lấy nước làm đường.
Sáng hôm sau dậy thật sớm tôi chạy ra bến sông, buổi sớm trên bến sông quê thật nhộn nhịp, các thuyền ghe tấp nập người bán kẻ mua, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là các ghe cá làm nghề mắm. Ngoài các nghề như trồng lúa, lấy nước thốt nốt làm đường thì ờ An Giang ngư nghiệp cũng phát triển không kém, như mọi người cũng biết An Giang vốn nổi tiếng với đặc sản là cá khô và mắm các loại. Ai đến An Giang – Châu Đốc mà không nhớ ghé chợ ..̀a vài con khô, mấy kỳ mắm mang về làm quà.
Bình minh làng bè
Gọi Châu Đốc là " Vương quốc mắm " , không phải chỉ bởi làng nghề đã được hình thành từ khá lâu đời, mà còn bởi đây là nơi sản xuất các loại mắm cá hàng đầu ở miền Nam với số lượng thành phẩm hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhất là ở ĐBSCL, mà chưa từng nếm qua món mắm nào của Châu Đốc thì quả là rất thiệt thòi. Trong nền văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây mắm có một phong vị rất riêng.
Nghề cá làm mắm
Nhưng cuối cùng có lẽ đặt chân đến Châu Đốc - An Giang thì cũng nên vào viếng Miếu Bà chúa Xứ thắp vài nén nhang cầu nguyện sức khỏe và bình an cho gia đình. Tôi đến đây đúng vào dịp người dân ở đây đang nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ Vía Bà thường diễn ra vào 23 tháng 4 âm lịch. Lễ vìa bà là nghi thức tắm và thay xiêm y cho tượng Bà. Nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho người dân hay khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khỏe mạnh và phù hộ công việc làm ăn thuận lợi. Được biết đây là lễ hội cấp quốc gia hàng năm đã thu hút trên 2 triệu lượt khách hành hương từ khắp cả nước.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Qua chuyến đi tôi mới thấy được vì sao An Giang giàu đẹp, linh thiêng và trù phú đến thế. Người dân nơi đây có tín ngưỡng, có niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp, bên cạnh đó họ cũng thật chịu thương chịu khó, biết khai thác thế mạnh của quê hương để làm giàu cho chính quê hương mình và cho chính mình. Chuyến đi mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm mơi mẻ và thật thú vị, mong rằng ở các vùng miền khác chứ không chỉ An Giang, sẽ năm bắt được thế mạnh vốn có của mình đề gìn giữ, phát triển hơn nữa mang lại cuộc sống âm no cho người dân.
Bộ ảnh được chụp bằng điện thoại Sony XPERIA Z C6603, chụp ngày 26,27 tháng 4 tại An Giang.
Tác giả : Nguyễn Minh Tân